Qua 23 năm thành lập, Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (Nhà giàn DK1) vẫn tồn tại hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử về sự cống hiến thầm lặng, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân.
Qua 23 năm thành lập, Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (Nhà giàn DK1) vẫn tồn tại hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử về sự cống hiến thầm lặng, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân.
Các nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc giữa ngàn khơi trong suốt 23 năm qua, không chỉ khẳng định nơi ấy là cột mốc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, mà còn khẳng định sức kiên cường bám trụ của CBCS Nhà giàn DK1 quyết tâm giữ vững chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
* Cột mốc đặc biệt
Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, đưa chúng tôi đến gặp những sĩ quan đầu tiên ra đóng ở Nhà giàn Phúc Tần 3 hồi năm 1989. Câu chuyện dài bắt đầu từ những ngôi nhà đặc biệt giữa trùng khơi. Đó là những cột mốc chủ quyền đặc biệt, những ngôi nhà bốn chân cắm sâu xuống rạn san hô thuộc thềm lục địa phía Nam. Lính hải quân gọi là nhà giàn hay nhà lô, những ngôi nhà vài chục mét vuông đứng giữa biển. Những nhà giàn đầu tiên ở DK1 được xây dựng từ năm 1989, bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược của vị tướng tài ba Giáp Văn Cương.
Sĩ quan trẻ Nhà giàn DK1 tự hào truyền thống của đơn vị mình. |
Từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, hải quân nước ngoài tìm mọi cách xâm chiếm vùng biển, hải đảo và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, thậm chí họ đã sử dụng vũ lực để chiếm một số đảo ở Trường Sa vào tháng 3-1988. Sau đó, tàu chiến, tàu thăm dò của họ bắt đầu xuất hiện sâu trong thềm lục địa phía Nam, nơi có tiềm năng rất lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh - quốc phòng.
Xác định thềm lục địa có giá trị lớn về phát triển kinh tế biển và quốc phòng - an ninh, trấn giữ Tổ quốc từ hướng biển, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đề xuất Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho xây dựng trên các bãi cạn trên vùng biển thềm lục địa những nhà nổi và đưa lực lượng hải quân ra chốt giữ. Con tàu đầu tiên mang phiên hiệu HQ 668 đã vượt sóng dưới sự chỉ huy của Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn Đoàn trưởng Lữ đoàn 171 ra khảo sát, đo độ sâu, xác định tọa độ. Nhà giàn đầu tiên mang tên Phúc Tần được hoàn thành vào ngày 5-7-1989 trên bãi cạn Phúc Tần. Tiếp sau đó là các nhà giàn được xây dựng ở các bãi cạn: Phúc Nguyên, Tư Chính, Ba Kè, Cà Mau, Quế Đường, Huyền Trân. Mỗi nhà giàn là một cột mốc chủ quyền đặc biệt trên biển, lực lượng chốt giữ trên ấy là CBCS Tiểu đoàn DK1.
* Lá cờ bất tử
Phòng truyền thống của Tiểu đoàn DK1 có 230 bằng khen, giấy khen, đơn vị quyết thắng, huân, huy chương chiến công các loại. Chúng được lưu giữ cẩn thận, treo kín trên tường. Trong đó có lá cờ truyền thống ghi dòng chữ: “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Lá cờ ấy không chỉ là niềm tự hào vô bờ bến của lớp lớp CBCS nhà giàn, mà nó còn ghi dấu, nhuộm máu của 9 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và trở thành bất tử. 23 năm, tuy chưa phải là dài so với dòng chảy của thời gian, nhưng cũng đủ để khẳng định công lao to lớn, ý chí kiên cường, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm bám biển giữ nhà, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của người lính nhà giàn.
Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh tự hào cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm số một, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng, vừa là vinh quang. Đến bây giờ, hình ảnh người chiến sĩ Nhà giàn DK1 sừng sững hiên ngang trước bạt ngàn sóng gió, bất chấp khó khăn, gian khổ để giữ vững chủ quyền, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, như một “thương hiệu” trong lòng nhân dân. Chúng tôi tự hào về điều đó”.
23 năm được thành lập, làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa là hơn 8 ngàn ngày CBCS các Nhà giàn DK1 đối mặt với nắng lửa, bão tố và khí hậu khắc nghiệt của đại dương. 9 CBCS đã vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi, là để hôm nay các nhà giàn vững chãi, kiên cường hơn nơi đầu sóng ngọn gió. Lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay phần phật trên trần nhà mỗi nhà giàn, không chỉ là hiện thân của cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển, mà còn khẳng định với thế giới rằng, đó là chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, là điểm tựa, niềm tin vô bờ bến của quân và dân cả nước.
* Quyết tâm bám biển giữ nhà
Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, CBCS Nhà giàn DK1 luôn nhận thức sâu sắc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc, tuy gian lao, nặng nề, nhưng đó là niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao do Đảng và nhân dân tin yêu giao phó. Thiếu úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Thủy, người sống sót trở về sau cơn bão lịch sử tháng 12-1998, bây giờ đã chuyển ngành, nhưng bản chất người lính và những năm tháng sống cùng đồng đội trên Nhà giàn Phúc Nguyên 2A không phai mờ trong ký ức của anh. Thủy chia sẻ: “Nhà giàn DK1 đã rèn luyện tôi trưởng thành và kiên cường. Nếu không có những ngày tháng gian khổ ấy, chưa chắc bây giờ tôi được như hôm nay. Tôi luôn nghĩ, đã là lính phải chấp nhận hy sinh, mà hy sinh vì Tổ quốc thì đó là vinh quang. Biển, đảo của ta, ta phải giữ gìn, đó là mệnh lệnh của người lính. Tôi không còn ở nhà giàn nữa, nhưng những ngày sống cùng đồng đội ở nhà giàn là những ngày đẹp nhất trong đời lính của tôi”.
Nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc. |
Những Nhà giàn DK1 sừng sững hiên ngang trên thềm lục địa giữa biển khơi, là những cột mốc chủ quyền quốc gia thiêng liêng nhất. Ở đó, mỗi nhà giàn là một pháo đài thép, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi người lính là một “tấm bia sống” kiên cường, mang trong tim họ là tình yêu dành cho Tổ quốc và một vùng biển, đảo thiêng liêng.
Khó có thể nói hết những khó khăn vất vả, những nỗi buồn vui, vinh quang và trách nhiệm của những người lính hải quân ở các Nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Chỉ biết các anh, những người trẻ tiêu biểu cho sự hy sinh và lòng dũng cảm của triệu triệu thanh niên Việt Nam, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Đảng gọi, làm bất cứ việc gì khi dân cần, sẵn sàng hy sinh quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc. Nhà giàn DK1, nơi gian khó nhất, cũng là nơi rực sáng tình yêu Tổ quốc.
Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra chỉ thị về việc xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Những người đầu tiên vượt biển ra nhận sứ mệnh đặc biệt này là CBCS Lữ đoàn 171 Hải quân và họ đã ở đó 23 mùa dông bão. Với thành tích đã đạt được, ngày 21-12-2005, khung quản lý DK1 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”. |
Trong những ngày tháng 7 này, Tiểu đoàn DK1 tưng bừng kỷ niệm 23 năm ngày thành lập. Những người lính nhà giàn thêm một lần nữa ôn lại truyền thống hào hùng của mình. Trong niềm vui của ngày kỷ niệm, chen lẫn niềm vui là những giọt nước mắt bồi hồi xúc động. Những người đã ở Nhà giàn DK1 từ khi nhà giàn khai sinh và cả những sĩ quan trẻ mới ra trường sẽ ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy, tất cả đều một lòng kiên trung, sắt son với Đảng, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để những cột mốc chủ quyền quốc gia mãi mãi trường tồn giữa ngàn khơi...
Mai Thắng