Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng đất giàu lên từ biển

09:06, 09/06/2012

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ lâu, người dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã biết bám biển mưu sinh. Chính biển khơi hào phóng đã giúp cho ngư dân ở vùng đất này thoát cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Và ở đây, biển cả luôn gắn liền với người dân Phước Tỉnh như máu với thịt, cho dù công việc khai thác, đánh bắt hiện tại còn lắm khó khăn, trắc trở…

 

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ lâu, người dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã biết bám biển mưu sinh. Chính biển khơi hào phóng đã giúp cho ngư dân ở vùng đất này thoát cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Và ở đây, biển cả luôn gắn liền với người dân Phước Tỉnh như máu với thịt, cho dù công việc khai thác, đánh bắt hiện tại còn lắm khó khăn, trắc trở…

* Giàu lên từ biển

Đầu tháng 6-2012, đến thăm 2 cảng cá lớn của xã Phước Tỉnh giữa lúc vụ cá Nam đang rộ, chúng tôi thấy hàng chục phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương đang gấp rút chuẩn bị hậu cần cho kịp chuyến ra khơi bám biển dài ngày. Ông Trần Văn Hoa, cán bộ phụ trách thủy sản xã Phước Tỉnh cho biết, mùa này đang rộ vụ cá Nam nên các phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân trong xã đã ra khơi gần hết. Bình quân, mỗi chuyến đi kéo dài từ 30-45 ngày, sau đó trở về để đi chuyến mới. Cũng theo lời ông Trần Văn Hoa, nguồn thu từ nguồn lợi thủy sản mà bà con ngư dân Phước Tỉnh mang về cho xã chiếm 70-80% GDP toàn xã.

Những ghe có công suất lớn đang được ngư dân Phước Tĩnh đóng mới để ra khơi.
Những ghe có công suất lớn đang được ngư dân Phước Tĩnh đóng mới để ra khơi.

Xã Phước Tỉnh có khoảng 27 ngàn dân, phần lớn là người từ các tỉnh ven biển miền Bắc, miền Trung đến lập nghiệp từ trước và sau ngày giải phóng. Do đã có kinh nghiệm và quen với sóng gió của biển, nên khi đến vùng đất mới, bà con đã nhanh chóng tận dụng lợi thế, cơ hội để tiếp tục bám biển hành nghề. Nhờ có ngư trường thuận lợi, biển lắm cá, nhiều tôm, nên chẳng bao lâu nhiều người đã làm giàu nhanh chóng và sắm cùng lúc nhiều phương tiện ghe, thuyền để ra khơi, vào lộng, tích cực khai thác, đánh bắt những thứ tài sản quý giá mà đại dương đã ban tặng.

Nếu như những ngày đầu, bà con chỉ dùng những phương tiện nhỏ, tập trung đánh bắt ở các vùng nước gần bờ, thì đến nay, nghề đánh bắt thủy, hải sản ở Phước Tỉnh được phát triển khá hùng hậu, với đủ các loại hình đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá.

Theo thống kê, hiện toàn xã có 1.300 phương tiện ghe, thuyền. Trong đó, có 1.100 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất từ 500-700 CV, khai thác sản lượng thủy, hải sản các loại hàng năm từ 85-90 ngàn tấn, trong đó có khoảng 25% hải sản cao cấp dành cho xuất khẩu.

Lực lượng ghe thuyền hùng hậu của xã Phước Tỉnh đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 20-10-2011 là: “Xã có số ghe, tàu và lượng đánh bắt hải sản lớn nhất”. Ngoài số phương tiện này, Phước Tỉnh cũng đã hình thành 1 hợp tác xã (HTX) đánh bắt xa bờ, 1 HTX phục vụ việc vá giã, lưới, 4 công ty sửa chữa ghe thuyền, thu hút hàng ngàn lao động.

* Vượt qua khó khăn, ra khơi bám biển

Ông Trần Văn Hoa cho biết thêm, từ năm 2004 về trước, việc đánh bắt, khai thác hải sản của ngư dân Phước Tỉnh gặp rất nhiều thuận lợi. Thời điểm ấy, chi phí cho một chuyến ra khơi ít, giá nhiên liệu rẻ, ngư trường đánh bắt gần, lại có nhiều cá tôm, nên sau mỗi chuyến đi biển, thu nhập của các chủ phương tiện và người lao động khá cao và ổn định. Đời sống của ngư dân ngày càng khá lên, có hộ mua sắm cùng lúc từ 3-5 đôi tàu vươn khơi, bám biển. Lúc ấy, bà con còn có tích lũy để xây dựng nhà cửa, đầu tư kết cấu hạ tầng và từng bước xây dựng Phước Tỉnh trở thành địa phương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh.

Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, công việc làm ăn của ngư dân trong nước nói chung và xã Phước Tỉnh nói riêng gặp nhiều trắc trở. Do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi hải sản trên các ngư trường cạn kiệt, đồng thời lại thường xuyên gặp cảnh “được mùa, rớt giá” nên việc làm ăn của ngư dân khá bấp bênh. Có khá nhiều trường hợp do thua lỗ triền miên nên đành phải bỏ nghề, bán lại phương tiện để tìm kế sinh nhai khác.

Trong bối cảnh đó, để góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân, bên cạnh việc đề xuất với Đảng, Nhà nước thực thi nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, như: miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ giá xăng dầu, bảo hiểm thân tàu..., chính quyền Phước Tỉnh còn thành lập 23 tổ đoàn kết ngư dân trên biển để bà con trực tiếp giúp nhau trong lúc đánh bắt ở biển khơi. Mỗi tổ đoàn kết ngư dân gồm có 5-8 phương tiện. Phương thức hoạt động của các tổ đoàn kết trên biển là: thông báo cho các bạn nghề về luồng cá, cứu giúp nhau khi gặp bất trắc trên biển, vận chuyển hộ sản phẩm cho bạn nghề vào đất liền nếu tàu bạn vì nhiều lý do chưa thể vào bờ...

Chính quyền địa phương còn chỉ đạo cho các ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân an tâm ra khơi, bám biển. Nhờ sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nên dù còn gặp nhiều khó khăn, ngư dân Phước Tỉnh vẫn an tâm đầu tư, mua sắm phương tiện ra khơi đánh bắt. Điều này được chứng minh qua số lượng phương tiện ghe tàu được đóng mới, phục vụ cho việc ra khơi đánh bắt thủy sản hàng năm ở địa phương đến hàng chục chiếc. Riêng 5 tháng đầu năm 2012, trong xã đã có 12 phương tiện đánh bắt xa bờ được đóng mới, hạ thủy ra khơi, vươn đến các ngư trường xa, khai thác được nhiều sản vật góp phần xây dựng đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo lời ông Trần Văn Hoa, do lượng tàu thuyền ở địa phương hiện khá đông, năng lực tiếp nhận ở 2 cảng cá đã quá tải, đồng thời luồng lạch ở nơi này đã bị bồi lấp nhiều, nên việc ra vào của các con tàu gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Đã có nhiều tàu bị phá nước, bị mắc cạn dẫn đến hư hỏng hoặc chìm, gây thiệt hại lớn đến tài sản của bà con. Do đó, để góp phần giúp nghề khai thác thủy sản ở Phước Tỉnh phát triển bền vững, tránh được những thiệt hại đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai dự án xây dựng âu thuyền và nạo vét luồng lạch đã được phê duyệt để ghe, tàu ra vào, neo đậu được thông suốt. Có như vậy, ngư dân mới thực sự an tâm và sống chết cùng biển cả.

Đức Việt - Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều