Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Xây nhà giữa biển xa

09:06, 01/06/2012

Sự sống của những người lính Công binh Hải quân xây đảo gắn liền với nước ngọt. Những năm 1980, nước ngọt ở Trường Sa đồng nghĩa với khó khăn sinh tử. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công binh Hải quân Trung đoàn 83 đã bước vào cuộc chiến đấu mới để xây dựng những “loa thành mang dáng hình Tổ quốc”.

Sự sống của những người lính Công binh Hải quân xây đảo gắn liền với nước ngọt. Những năm 1980, nước ngọt ở Trường Sa đồng nghĩa với khó khăn sinh tử. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công binh Hải quân Trung đoàn 83 đã bước vào cuộc chiến đấu mới để xây dựng những “loa thành mang dáng hình Tổ quốc”.

* Cuộc hải trình độc nhất vô nhị

 Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lần đầu tiên tàu Đại Khánh chở 75 tấn sắt thép xi măng, gần 30 khối nước ngọt ra Trường Sa xây đảo. Trên con tàu thân thương ấy, có 70 CBCS Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Một cuộc hải trình độc nhất vô nhị lần đầu tiên đến Trường Sa bằng tàu Đại Khánh do bộ đội Hải quân Việt Nam làm chủ.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển
Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển

Câu chuyện chở nước ngọt ra Trường Sa trên tàu Đại Khánh được cựu binh trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên là “chiến sĩ quản lý nước” trên tàu ngày ấy, kể lại: Sau gần một năm, kể từ ngày Trường Sa giải phóng, trước yêu cầu xây dựng hệ thống nhà ở, bố phòng quân sự và sinh tồn của bộ đội, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 83 Công binh đem theo lương thực thực phẩm, nước ngọt khẩn cấp ra Trường Sa xây đảo, trong đó chú trọng đến vận chuyển nước ngọt bảo đảm cho xây dựng các công trình và ăn uống của bộ đội. Con tàu đầu tiên mang tên Đại Khánh do đại úy Lê Nhật Cát, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân chỉ huy, chở 70 CBCS ra Trường Sa vào cuối tháng 4-1976. Trên tàu có 75 tấn sắt thép, xi măng, các loại vật liệu và 30 khối nước ngọt. Sau khi vượt khỏi cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), tàu tăng tốc thẳng hướng Trường Sa. Sóng to gió lớn, 80% CBCS say sóng nôn thốc, nôn tháo. Xác định “nước ngọt là sự sống của các công trình” nên 30 khối nước ngọt để dành ưu tiên cho xây dựng nhà trên đảo. Ngay tại chuyến tàu này, đại úy Lê Nhật Cát đã phát động phong trào tiết kiệm nước ngọt: “mỗi người một lít nước/ngày”. Với chiếc cà-mèn chừng một lít nước của Liên Xô, chiếc khăn mặt bộ đội thấm cũng vơi hơn phân nửa, phần còn lại dùng đánh răng. Nhiều chiến sĩ không đánh răng, không gội đầu, răng xỉn màu vàng ố, tóc bết cứng như rễ tre. Có khi, 2 người rửa chung một chiếc khăn mặt, tiết kiệm phần nước của mình cho đồng đội lau người. Những chiến sĩ say sóng nôn mửa được ưu tiên thêm một cà-mèn để súc miệng nhiều lần.[links(right)]

Sau 4 ngày vượt sóng gió, tàu Đại Khánh neo phía Tây Trường Sa Lớn. Gần 30 khối nước ngọt nhanh chóng chuyển vào đảo. Ngày ấy chưa có xuồng máy như bây giờ nên nước ngọt trong can được buộc vào dây thừng, thả xuống biển để bộ đội kéo vào đảo. Ở đảo chìm dựng nhà cao, từng can nước ngọt được xếp quanh nhà, nước ngọt được đổ vào téc nhôm cũ của lính ngụy để lại, can nhựa gửi lại tàu, đem về đất liền để đựng nước ngọt, cho chuyến mới.

Ngày tàu Đại Khánh hành quân về đất liền cũng là lúc nước ngọt cạn kiệt. Tất cả CBCS trên tàu đều thực hiện “3 không”:  Không tắm, không giặt, không lau. Hầm nước ngọt dự trữ còn hơn gang tay, nhưng đục ngầu và nhiễm gỉ sét vì tàu tròng trành lắc mạnh do sóng gió. Buổi sáng, mỗi người chỉ có một ca nhỏ để súc miệng, không rửa mặt bằng khăn mà dùng tay.

Để có nước nấu cơm, các chiến sĩ phải múc nước dằn (nước gỉ sét dưới đáy tàu), lấy áo lót làm tấm lọc để lọc nước. Nhiều lúc thèm ly nước trà cháy họng nhưng CBCS đành ngậm ngùi quên đi. Chiều, CBCS ra mũi tàu tắm gió, người nọ kỳ lưng cho người kia, ghét bong ra như vỏ khoai lang. Trung tá Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Đi Trường Sa ngày ấy xác định không hẹn ngày về, nhưng chúng tôi rất hăng hái. Hành trình trong điều kiện sóng gió, bí mật, lại phải ăn uống kham khổ, nhưng không ai phai nhạt ý chí. Không chỉ tàu Đại Khánh, mà sau này những tàu chở sắt, thép, nước ngọt ra Trường Sa xây đảo vẫn phải gạn nước dằn để ăn uống. Cuộc hải trình của tàu Đại Khánh ngày ấy đã trở thành cuộc hải trình độc nhất vô nhị, đó cũng là thắng lợi đầu tiên để các tàu khác sau này noi theo”.

* Mỗi người một lít nước/ngày

Cựu binh trung tá Trương Huy Mão có bề dày hơn 10 năm lăn lộn khắp các đảo Trường Sa để mang nước ngọt xây các công trình tự hào chia sẻ: “Lính bây giờ đi đảo có thể được nằm máy lạnh, nhưng ngày xưa được uống ca nước đã khát là hạnh phúc lắm rồi. Nếu không có những ngày gian khổ ấy thì sao xây được đảo. Những năm chúng tôi sống ở Trường Sa, thực sự là những ngày tháng gian truân, nhưng vô cùng vinh dự. Bây giờ, Trường Sa không khó khăn về nước ngọt như ngày trước, nhưng các chiến sĩ cũng không được tắm giặt thỏa thuê như đất liền. Tôi, vợ và con tôi luôn ủng hộ Trường Sa”.

Cựu binh Mão kể, ban ngày nhiệt độ ở Trường Sa nóng đến 38 độ, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh, hơi nước mặn từ biển bốc lên, càng làm cho khí hậu thêm khắc nghiệt. Công việc đầu tiên của CBCS Trung đoàn 83 Công binh Hải quân là thiết kế nơi ăn ở, nhanh chóng bắt tay vào xây đảo. Một bài toán vô cùng khó khăn đặt ra là làm gì để có nước ngọt, trong khi lượng nước ngọt do tàu Đại Khánh đựng trong can nhựa vơi dần, trời không mưa, nước từ giếng nhiễm mặn không sao ăn uống được. Thời điểm đó, ngoài Trường Sa Lớn và Song Tử Tây, không đảo nào có nước ngọt. Hai đảo này có bể chứa nước của ngụy để lại, mỗi bể chừng 6 khối, nhưng cũng không dùng được vì nhiễm thuốc súng, phân và lông chim. Trước tình thế ấy, để sinh tồn và xây đảo, CBCS chỉ còn cách tiết kiệm nước tối đa, cho đến khi có nguồn nước viện trợ từ đất liền. Kế hoạch tiết kiệm là mỗi người một lít/ngày, cho cả đánh răng rửa mặt. “Chừng ấy nước, lúc xây đảo, tôi chỉ tu hai hơi là hết, vậy mà phải uống dè” - ông Mão chia sẻ.

Ngoài tiêu chuẩn mỗi người một cà-mèn/ngày đánh răng rửa mặt, chiều chiều các chiến sĩ lội xuống biển tắm, người nọ kỳ lưng cho người kia, tắm xong lên dội lại nước lợ từ giếng. Do tắm nước biển lâu ngày nên da người nào cũng xù xì như lớp sừng bám. CBCS người nào cũng đen cháy, khi cười chỉ nhìn thấy răng và mắt.

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, cựu binh Trương Huy Mão chia sẻ: “Lúc đó, ai cũng nghĩ đến việc xây đảo bảo vệ chủ quyền chứ không nề hà chuyện khó khăn thiếu thốn. Một ngày một cà-mèn, nhưng vẫn đủ sống. Ngày ấy, chuyện uống nước dằn là thường, vậy mà vẫn khỏe, vẫn hăng hái đi đảo. Chúng tôi chấp nhận hi sinh gian khổ để có những ngôi nhà mang dáng hình Tổ quốc hiện diện giữa biển trời”.

Mai Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích