Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức hút từ truyền thống của Bà Rịa - Vũng Tàu

08:06, 10/06/2012

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách bằng nhiều hình thức để thu hút du khách dừng chân, như: du lịch lễ hội, tham quan hệ thống di tích lịch sử, làng nghề, cảnh quan biển…

 

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách bằng nhiều hình thức để thu hút du khách dừng chân, như: du lịch lễ hội, tham quan hệ thống di tích lịch sử, làng nghề, cảnh quan biển…

* Điểm hẹn về nguồn

Qua giới thiệu của đồng nghiệp Báo BR-VT, chúng tôi đến Khu căn cứ cách mạng núi Dinh và các thắng cảnh quanh khu vực. Núi Dinh có độ cao 491m so với mực nước biển, từ cảnh quan hai bên đường có thể nhận rõ các tầng khí hậu khác nhau. Với địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều suối, hang động và những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, núi Dinh là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những địa danh, như: hang Dây Bí, hang Mai, hang Tổ, Bưng Lùng, căn cứ Diệu Linh… là những chứng tích về lòng quả cảm, sự gan dạ, mưu trí của quân và dân ta.

Nghề sản xuất muối ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nghề sản xuất muối ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉnh BR-VT có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, với 30 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh... Tại các di tích này, hàng năm diễn ra các lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian của ngư dân miền biển, như: Lễ hội Nghinh Ông đình thần Thắng Tam (ngày 16 đến 18-8 âm lịch); lễ hội Dinh Cô (ngày 10 đến 12-2 âm lịch); lễ hội Trùng Cửu (ngày 9-9 âm lịch)... Những điều đó đã góp phần làm nên diện mạo của một tỉnh BR-VT không chỉ giàu tiềm năng kinh tế, du lịch biển, mà còn là một điểm đến của các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Triêm, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTTDL) cho biết, ngoài các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống đậm dấu ấn văn hóa biển, tỉnh BR-VT còn có 177 kiến trúc nhà cổ dân gian (được xây dựng từ năm 1900-1950), có giá trị về văn hóa. “Thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh sẽ tiếp tục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể, trong đó có sự vận động xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiến hành điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cấp thiết cần được bảo tồn; gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan tới các di tích lịch sử, văn hóa” - ông Triêm nói.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thì quảng bá di sản văn hóa không chỉ dừng lại ở đó, mà cần phải có một chiến lược dài hơi. Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, cán bộ Bảo tàng tỉnh BR-VT, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền về di sản văn hóa của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức đội ngũ cán bộ am hiểu về truyền thông, quảng bá, có nhận thức và hiểu biết về di sản văn hóa của địa phương để giới thiệu đến du khách. Ngoài ra, BR-VT cần kết nối giữa tham quan di tích với các điểm du lịch khác, như: Khu du lịch (KDL) Biển Đông (TP.Vũng Tàu); KDL Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc); Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc)… để tránh nhàm chán đối với du khách.

* Du lịch làng nghề

Toàn tỉnh BR-VT hiện có hơn chục làng nghề truyền thống, như: đúc đồng, làm bánh tráng, làm bún, mây tre đan, sò ốc mỹ nghệ, dệt lưới… Đây là một lợi thế để ngành du lịch kết hợp, khai thác, vừa quảng bá được sản phẩm công nghiệp địa phương, vừa tạo được nét độc đáo trong hoạt động du lịch. Các làng nghề truyền thống của tỉnh BR-VT nằm rải khắp các địa phương, ra đời từ rất lâu. Sự có mặt của những làng nghề này đã góp phần tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hóa của địa phương, như: rượu Hòa Long, bánh tráng An Ngãi, đúc đồng Long Điền…

Theo chân đồng nghiệp đến thăm cơ sở đúc đồng Trần Tam Hồng Nhàn (huyện Long Điền), chúng tôi được chủ cơ sở Trần Văn Danh cho biết, gia đình anh có 4 đời làm nghề đúc đồng. Trải qua bao khó khăn nhưng nghề đúc đồng vẫn được các thành viên trong gia đình duy trì, quyết tâm gìn giữ. Để làng nghề này phát triển, vài năm gần đây, nghề đúc đồng được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh BR-VT hỗ trợ quảng bá bằng cách in các tài liệu giới thiệu và hiện đang xúc tiến hỗ trợ làm khuôn mẫu. Theo những người làm nghề đúc đồng ở đây, làng nghề này đang được các nhà làm du lịch tìm hiểu để kết nối, tạo thêm điểm đến cho du khách.

Qua trao đổi với lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh BR-VT, chúng tôi được biết thêm, các làng nghề khác, như: làm bánh tráng, làm bún… cũng đang được các hãng du lịch lữ hành thăm dò, thử nghiệm kết nối để đưa du khách đến tham quan. Nếu làng nghề kết nối được với du lịch, thì đây sẽ là kênh quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các sản phẩm của làng nghề. Dựa vào du lịch, làng nghề sẽ dễ dàng tìm kiếm được thị trường, phát triển bền vững, tránh được nguy cơ bị mai một. Ngược lại, du lịch cũng sẽ có điều kiện làm mới bằng những sản phẩm hấp dẫn. “Hiện nay, việc kết nối du lịch với các làng nghề còn thiếu gắn kết. Thời gian qua, một số công ty du lịch lữ hành đã khảo sát và đưa các làng nghề vào tour du lịch. Nhưng theo đánh giá của các đơn vị du lịch lữ hành, các tour này chưa thật sự hấp dẫn. Đa số khách tham quan làng nghề là người nước ngoài, còn khách trong nước thì không mấy mặn mà” - ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh BR-VT cho hay.

Cũng theo ông Thông, cùng với việc duy trì hoạt động, các làng nghề cần phải có thêm những sản phẩm tinh xảo, mới lạ, những cách tổ chức sản xuất hấp dẫn để thu hút du khách. Hơn nữa, tâm lý của khách du lịch luôn muốn được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra một sản phẩm, hoặc cùng tham gia chế tác để có những món quà ý nghĩa tặng người thân. Do vậy, các làng nghề cần tập hợp, đào tạo đội ngũ lao động vừa thạo nghề, vừa có kỹ năng giao tiếp với du khách để giúp du khách tìm hiểu làng nghề và tiếp thị sản phẩm. Ngoài ra, để tạo được mối liên kết lâu dài và hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các làng nghề và các công ty du lịch cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các ngành chức năng khác.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều