Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời thợ cầu…

09:06, 29/06/2012

Công việc phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng khi những chiếc cầu được hoàn thành, những người thợ làm cầu như quên hết vất vả, gian nan. Ngày cắt băng khánh thành cầu, thông xe nối liền đôi bờ sông, đội ngũ những người làm cầu cảm thấy hãnh diện vì được góp chút công sức cho xã hội.

Công việc phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng khi những chiếc cầu được hoàn thành, những người thợ làm cầu như quên hết vất vả, gian nan. Ngày cắt băng khánh thành cầu, thông xe nối liền đôi bờ sông, đội ngũ những người làm cầu cảm thấy hãnh diện vì được góp chút công sức cho xã hội.

Hình ảnh những người thợ cầu cheo leo giữa không trung, làm bạn với nắng gió, vị chát mặn của mồ hôi dần trở nên bình thường với những người qua lại.

* Hiểm nguy rình rập

Chúng tôi đến công trình xây mới cầu Hóa An (TP.Biên Hòa), nơi có đến cả trăm công nhân, kỹ sư xây dựng đang tất bật công việc. Những bộ quần áo bảo hộ lao động dày cộm, chiếc nón cối màu vàng và đôi ủng cao su bám đầy xi măng, bụi đất… đã nói lên công việc mà họ đang làm. Cầu đang trong quá trình hoàn thiện phần chân nên công trường khá bề bộn. Những khối sắt được kết thành trụ lớn nằm cheo leo giữa dòng sông Đồng Nai nước chảy cuồn cuộn. Trên đó, hàng chục công nhân đang dồn hết tâm sức, tập trung cho công việc.

Hiểm nguy luôn rình rập với những người thợ cầu.                                                                       Ảnh: T. HẢI
Hiểm nguy luôn rình rập với những người thợ cầu. Ảnh: T. HẢI

“Nguy hiểm luôn thường trực, chỉ cần một bước đi, cú xoay người không cẩn thận, tai nạn xảy ra như chơi. Nhiều đêm ngủ mơ đến cảnh làm việc cheo leo trên cao mà thấy lo” - Lâm (25 tuổi, thợ hàn) tâm sự. Nơi Lâm làm là vị trí cao nhất, trụ sắt sắp hoàn thành, cách mặt nước hơn 15m, có cảm giác như đang đứng giữa không trung.

Lúc bước lên đây, chúng tôi cảm thấy rợn người khi bắt gặp cánh thợ ngồi vắt vẻo, đi lại một cách nhẹ nhàng. Ở độ cao này, những người ít kinh nghiệm sẽ không chịu được sức đẩy của gió. Những lúc mưa dông kéo đến, gió rít mạnh từng cơn, ai nấy đều cảm thấy mình đang lắc lư, đung đưa theo gió. Đó là chưa kể lúc nhìn xuống dưới thấy sâu thăm thẳm, tưởng như họ đang treo mình giữa lưng chừng trời.

Sau khi giải thích tỉ mỉ công đoạn hàn nối các đốt dầm cầu, công nhân hàn Lê Văn Ngàn cho biết, hàn trong điều kiện trên cao rất vất vả. Xỉ hàn bắn tung tóe, khói bay mù mịt, khiến người thợ vừa hoa mắt, lại rất khó thở, nhưng khi đã lên giàn thì phải cố làm cho xong.

Theo công trình nhiều năm nên anh Vĩnh (36 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) hiểu được nguy hiểm, rủi ro của đời thợ cầu. Nhiều người vốn chỉ quen với con trâu, cái cày, làm nhiều thành thợ, không có kiến thức về an toàn lao động nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Chuyện sập giàn giáo ngã sàn, điện giật chết người với anh không còn xa lạ. Bạn bè anh, có người mất mạng, gãy chân tay dẫn đến tàn phế suốt đời. Anh Vĩnh nói: “Gió, mưa luôn là những mối nguy hiểm tiềm ẩn, mà chỉ một sơ suất nhỏ, người thợ cầu sẽ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Nếu gặp thời tiết xấu, chúng tôi phải ngưng ngay công việc để đảm bảo an toàn”.

Công việc của thợ cầu "đầu tắt mặt tối", làm việc không ngơi tay. Một vài lán trại được dựng tạm bợ với những chiếc giường vừa là nơi ăn cơm, vừa là nơi ngả lưng cho cánh thợ. Sơn, một công nhân quê ở tỉnh Nam Định, đang mắc võng bên cạnh chân cầu để đón những đợt gió mát từ dưới sông lùa vào, tâm sự: “Đợt này, làm ở khu dân cư đông đúc nên mọi sinh hoạt, ăn uống của anh em không quá kham khổ. Mình còn nhớ mấy lần xây cầu ở Bình Phước, thiếu thốn trăm bề”.

* Bộn bề trăn trở

Chiều về, công việc đã tạm gác lại, nhiều công nhân bắt đầu nghỉ ngơi. Đa số cánh thợ làm việc ở công trình đều có gia đình. Cuộc sống xa nhà khiến họ thèm cảm giác được ở bên người thân trong mỗi bữa cơm. Vì vậy, sau một ngày dài lao động mệt nhoài, nhiều người tranh thủ gọi điện về nhà hỏi thăm vợ, con để vơi đi nỗi nhớ. Trò chuyện với chúng tôi, họ cho hay, điều sợ hơn rất nhiều so với thứ công việc nặng nhọc, nguy hiểm kia chính là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ vợ con cứ cồn cào trong lòng. “Mười năm theo công trình, đời thợ cầu phải chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó, “ăn bờ ngủ bụi” xem như chuyện bình thường” - anh công nhân tên Dũng bày tỏ.

Còn anh Thái Minh Phong (36 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên) cho hay, gia đình anh gồm 5 người, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, hết mùa hai vợ chồng anh lại tranh thủ đi làm mướn. Công việc như trời nắng, mưa nên anh chuyển sang làm phụ hồ, được 2-3 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho các con ăn học. Tuy nhiên, công việc phụ hồ không ổn định, sẵn có tay nghề, anh theo bạn bè làm thợ cầu. Công việc đòi hỏi phải xa nhà, không chăm sóc gia đình, đó là điều khiến anh trăn trở nhất.

Công nhân đang ráo riết thi công dầm cầu Hóa An cho kịp tiến độ. Ảnh: T. Minh
Công nhân đang ráo riết thi công dầm cầu Hóa An cho kịp tiến độ. Ảnh: T. Minh

Đang lui cui vào bếp, anh Nguyễn Văn Huy (cùng quê với anh Phong) cũng góp chuyện, mỗi năm công nhân làm việc trên công trường chỉ được về quê một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Xa quê nên các anh ráng chi tiêu tằn tiện để còn dành dụm gửi tiền về cho gia đình. Những trận ốm triền miên, không có bàn tay chăm sóc của người thân nên đôi khi anh em trong đội tự động viên, an ủi lẫn nhau. Cái nghề xây dựng lắm nặng nhọc, hiểm nguy nên chỉ có những người trong nghề mới hiểu thấu được nhau.

Trước giấc ngủ, những tâm sự về chuyện làm ăn, cuộc sống gia đình của họ nghe thật rời rạc. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng có một điểm chung là ai cũng cố vượt qua khó khăn để lo toan cho cuộc sống gia đình. Bù lại, cầu xây xong, niềm vui nối liền đôi bờ khiến họ quên đi bao phiền muộn. Hết cây cầu này, những người thợ cầu lại thu xếp hành lý, đồ nghề chuẩn bị cho một công trình mới. Mỗi chuyến đi, họ luôn mang theo bao mong mỏi, quyết tâm để ngày càng có nhiều chiếc cầu mới được hoàn thành trước thời hạn.

Quệt những giọt mồ hôi trên trán, công nhân Lê Văn Bảy (29 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, một số công nhân làm cầu, sau nhiều lần bị tai nạn đã chuyển nghề. Riêng tôi và một số “đồng nghiệp” vẫn quyết tâm tham gia làm cầu. Quyết tâm bám nghề không chỉ để có thu nhập ổn định, mà còn vì mục tiêu xây dựng cho xong những nhịp cầu.

Lời nói của anh Bảy làm cho những người thợ cầu ngồi cùng chúng tôi xúc động. Không ai bảo ai, tất cả hướng mắt ra dòng sông, nơi có nhịp cầu vươn cao trên trời xanh. Cuộc sống của họ gắn với những công trình, trải qua bao nguy hiểm, nếm trải bao thiếu thốn vật chất, tinh thần nhưng nhìn vào ánh mắt họ, chúng tôi hiểu, ai cũng đang mong ước nối liền những bờ vui.

Tùng Minh - Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều