Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện những người “chui cống”

09:06, 11/06/2012

Những ngày đầu tháng 6, trời mưa như trút nước. Trên mặt đường, nước bẩn và rác đổ dồn về những lỗ cống thoát nước. Để rồi, khi mưa vừa dừng hạt, dưới những đường cống nặng mùi, dòng nước đen ngòm đầy rác dẫn đến ùn ứ, nước tràn lên mặt đường. Đó cũng là lúc những công nhân nạo vét cống, rãnh bắt tay vào việc khơi thông cống rãnh…

Những công nhân nạo vét cống phải thường xuyên dầm mình trong dòng nước đen đặc.
Những công nhân nạo vét cống phải thường xuyên dầm mình trong dòng nước đen đặc.

Những ngày đầu tháng 6, trời mưa như trút nước. Trên mặt đường, nước bẩn và rác đổ dồn về những lỗ cống thoát nước. Để rồi, khi mưa vừa dừng hạt, dưới những đường cống nặng mùi, dòng nước đen ngòm đầy rác dẫn đến ùn ứ, nước tràn lên mặt đường. Đó cũng là lúc những công nhân nạo vét cống, rãnh bắt tay vào việc khơi thông cống rãnh…

Một buổi sáng đầu tháng 6, trời chuyển dần sang màu sậm, những luồng sét liên tục lóe lên từ các đám mây đen. Không lâu sau đó, những hạt mưa xối xả dội xuống nền đường và mái nhà nghe lộp độp. Khi cơn mưa vừa dứt hạt, tốp công nhân 7 người (thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ, môi trường, đô thị Biên Hòa) chia thành 2 nhóm luân phiên chui xuống lòng cống nạo vét. “Làm nghề này cực lắm, ai thấy mình cũng ngán vì người ngợm chúng tôi lúc nào cũng hôi hám, bám đầy sình đất cống, rãnh”- ông Phạm Văn Mẫn (48 tuổi) tâm sự.

* Làm việc dưới mặt đất…

Nói rồi, ông Mẫn bước vội đến chỗ gốc cây ven đường lấy cây xà beng cạy nắp cống lên. Khi miệng cống lộ ra, một mùi hôi thối nồng nặc cũng bay lên. Lúc này, ông Mẫn được phân công đứng phía trên để kéo gàu đựng sình từ dưới cống lên và đưa vào chiếc thùng nhựa. Cạnh đó, ông Phan Văn Bé Tư (46 tuổi) cầm vợt vớt rác thải đang nổi lềnh bềnh chặn dòng chảy dưới đường cống. Sau đó, ông Tư chui xuống dưới cống nhầy nhụa lớp bùn đen để nạo vét cống.

Những người đi đường ngang qua dù đã bịt khẩu trang kín mít cũng không chịu nổi mùi hôi nồng nặc. Trong khi đó, những công nhân nạo vét cống như các ông: Mẫn, Tư… lại tỏ ra thản nhiên khi phơi mặt và dầm mình trong dòng nước bẩn. “Cống ở đây sâu chừng 2m, nhưng mực nước chiếm hơn 1m. Những chỗ nước sâu như vầy khó múc bùn, đất. Vả lại, chỗ này gần những quán ăn uống nên rác đọng nhiều, nạo vét cực lắm” - ông Tư ngước cổ lên cho hay.

Theo lời ông Tư, những tháng mùa mưa là cao điểm ngập úng trên các tuyến đường. Vì vậy, những công nhân nạo vét cống rãnh như ông càng tất bật hơn. Tuy nhiên, những lúc mưa lớn kéo dài cũng là nỗi ám ảnh tai nạn nghề nghiệp của những người công nhân làm nghề nạo vét cống. Ông Tư cho hay: “Lúc mới vào nghề, tôi còn chưa lường hết những rủi ro của công việc. Vì vậy, cứ thấy mọi người cạy nắp cống xong là tôi đòi chui xuống. Sau đó mới hay, làm như vậy dễ bị ngộp thở do lượng khí dưới đường cống chưa thoát ra ngoài kịp. Vả lại, vừa dứt mưa mà chui liền xuống cống có thể bị nước cuốn trôi vô cống luôn”. Ông Tư cũng khoe với chúng tôi, mình nhỏ người, sức có hạn nhưng nhờ chăm chỉ, nên đồng nghiệp cũng ít phàn nàn. Do đó, mỗi ngày từ lúc bắt tay vào việc đến khi kết thúc, trung bình mỗi ngày ông Tư và các đồng nghiệp cũng hốt trên chục thùng bùn, đất dưới cống để khơi thông các đường cống thoát nước.

* Và những nỗi lo…

Ngày hôm sau, khi chúng tôi tìm đến đoạn đường cũ thì những người công nhân nạo vét cống đã sớm hoàn thành công việc. Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới hay họ đang ráo riết nạo vét các tuyến cống thuộc đoạn đường Nguyễn Ái Quốc (thuộc KP1, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Thấy chúng tôi vừa dừng xe, tốp công nhân nạo vét cống liền bước đến dặn dò: “Khóa xe cẩn thận đó, sơ sẩy 5 phút thôi là ngó lại không còn. Anh em trong đội chúng tôi năm nào mà không bị mất vài chiếc xe máy”.

Miệng cống nhỏ, độ sâu ngót nghét 2m với mực nước lên tới 1m đã gây không ít khó khăn cho quá trình thông cống của các công nhân.
Miệng cống nhỏ, độ sâu ngót nghét 2m với mực nước lên tới 1m đã gây không ít khó khăn cho quá trình thông cống của các công nhân.

Một người trong nhóm là ông Phạm Văn Chính (47 tuổi) dẫn chứng cụ thể: “Năm ngoái, trong lúc đang làm, anh Tư bị kẻ gian “đua nóng” chiếc xe máy để trên đường. Tội nghiệp, làm mấy năm mới gom góp đủ tiền mua chiếc xe mới, vậy mà sơ sẩy có tí xíu đã mất toi gần 20 triệu đồng”.

Vừa nói, ông Chính vừa nhìn sang phía ông Tư với vẻ đầy cảm thông, an ủi. Ông Tư cũng không giấu được ấm ức vì bị mất xe: “Biết khó canh chừng xe trong lúc chui xuống đường cống, nên khi dựng xe, tôi đã khóa cổ rất kỹ. Vậy mà, một thoáng mất tập trung đã bị kẻ gian bẻ khóa xe rồ ga chạy mất. Mình thấy hắn rõ ràng nhưng đuổi theo không kịp”. Sau khi mất xe, ông Tư không có phương tiện để đi làm, những anh em trong đội phải gom góp một ít tiền để ông mua lại chiếc xe cũ làm chân đi lại.

Không chỉ lo chuyện bị “đua nóng” xe máy, những công nhân nạo vét cống rãnh còn đối phó với chuyện bị mất dụng cụ lao động. Nhiều lúc để lại dụng cụ trên lề đường (vì nghĩ những thứ này chẳng ai lấy làm gì) để đi ăn cơm trưa, đến khi quay lại thì bị mất một vài thứ, khiến cả đội phải gom tiền mua lại.

Ông Tư còn cho biết, công việc của công nhân nạo vét cống phải ngâm mình thường xuyên trong nước bẩn nên phần lớn ai cũng bị lở da, ngứa mình. Mỗi lần làm xong, dù có tắm đến 2-3 lần mùi cống cũng chưa chịu “buông tha”. Những người làm nghề này rất ngại tiếp xúc với người lạ, vì nỗi lo “nặng mùi”. Ông Chính tâm sự: “Nhiều lúc khát nước ghé mấy quán dọc đường mua nước uống nhưng ai nấy đều bịt mũi, né sang một bên, cứ như sợ mình lây bệnh truyền nhiễm”.

Nói về những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong cái nghề… chui cống, ông Mẫn cho biết, trong lúc làm việc, ông và đồng nghiệp thường xuyên gặp những kim tiêm, mảnh chai vỡ, xác súc vật thối rữa lâu ngày. Ông bảo rằng, lúc mới vào làm thấy những cảnh đó, về nhà còn nguyên nỗi ám ảnh, ăn cơm chẳng nuốt trôi được. “Gặp những tình huống đó, chúng tôi thường lấy vợt để hớt, nhưng đôi lúc cũng phải dùng đến tay. Cũng may, mấy thứ đó còn nổi trên mặt nước nên dễ vớt. Chứ nhiều khi rác đọng nhiều, ứ nước bị chìm sâu dưới đáy, như vậy càng nguy hiểm hơn”.

Những công nhân nạo vét cống nói lời hẹn dịp khác trò chuyện với chúng tôi để họ tiếp tục công việc. Những nhát xẻng múc bùn, sình hôi thối liên tục được hạ xuống rồi đưa lên dưới lòng cống và làn nước đen đặc. Thi thoảng, do sình, đất quá cứng (do những hộ dân đổ trực tiếp rác thải sinh hoạt xuống cống), những người công nhân nạo vét cống phải khó khăn cạy, xới, vét cho thông lòng cống.

Với đôi bàn tay dày những nếp chai sần do sự vất vả của công việc, những công nhân nạo vét cống rãnh vẫn lặng thầm góp sức mình để giữ cho đô thị không bị ngập úng sau những cơn mưa...

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích