Chỉ cần một chiếc xe đạp (xe đẩy) chất đầy mặt hàng nhu yếu phẩm, “chợ” sẽ mang thực phẩm đến mọi ngõ ngách của phố phường, làng quê. “Chợ” trên xe đạp là một phương cách kiếm sống phổ biến của những phụ nữ chấp nhận bỏ công làm lời. Tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để họ trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Chỉ cần một chiếc xe đạp (xe đẩy) chất đầy mặt hàng nhu yếu phẩm, “chợ” sẽ mang thực phẩm đến mọi ngõ ngách của phố phường, làng quê. “Chợ” trên xe đạp là một phương cách kiếm sống phổ biến của những phụ nữ chấp nhận bỏ công làm lời. Tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để họ trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Tờ mờ sáng, những người phụ nữ ấy đã có mặt tại chợ đầu mối Tân Biên (TP.Biên Hòa) lo nhận hàng rồi tất tả bắt đầu ngày dài mưu sinh.
* Mỗi chiếc xe là... một cái chợ
Một ngày làm việc của chị Vương Thị Huế (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) thường bắt đầu lúc 2 giờ sáng và kết thúc gần 10 giờ trưa. Chiếc xe đạp cũ hai bên hông buộc hai cái giỏ sắt, bên trong có đầy đủ các loại thực phẩm. Từ những món quà vặt đến các loại rau củ, tôm, cá, không thiếu bất cứ một thứ gì. Bên ngoài giỏ sắt, những túi ny-lông lủng lẳng để các loại gia vị, như: chanh, ớt, hành, sả…, tất cả được chia thành từng mớ riêng, nhồi nhét lên nhau. Đồ nghề của chị Huế còn có thêm chiếc cân tay đã gỉ sét, cái thớt gỗ cùng con dao sắc lẹm. “Tầm 1 giờ sáng, tôi cùng vài chị em xung quanh xóm dậy sớm, rồi cả người và xe tất tả đến chợ lấy hàng. Sau đó, tất cả lại tỏa đến mọi ngõ ngách bán hàng…” - chị Huế cho biết.
Mang “chợ” di động đến mọi con đường, ngõ ngách để mưu sinh. |
Người mua chẳng cần phải bỏ công ra chợ. Khách mua chủ yếu là những người lao động nghèo, công nhân, sinh viên… đồng lương ít ỏi, công việc thúc ép nên không có nhiều thời gian ra chợ. Vì vậy, những người bán hàng dạo gọi đó là “chợ” di động, là “đầu mối” cung cấp thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác cho người dân. Việc mua bán diễn ra sôi động từ 5-8 giờ sáng. Khi trời nắng gắt thì họ lui dần ở hàng ba vệ đường đợi vài khách vãng lai đến mua nốt số hàng còn lại.
Một buổi “chợ” của chị Hoài (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cũng có trình tự như những tiểu thương khác, chỉ có điều họ phải di chuyển nhiều hơn. Người phụ nữ lam lũ này cũng bắt đầu từ sớm, chuẩn bị hàng rồi đi dọc theo tuyến quốc lộ 1A lên tận các xã Bắc Sơn, Sông Mây của huyện Trảng Bom để bán. Thoắt thấy bóng dáng chị Hòa dừng chân tại con đường làng, vài đứa trẻ trong xóm vội chạy đến mua mấy món quà vặt. “Nghỉ hè nên chúng được cha mẹ cho ở nhà chơi cùng vài đồng bạc lẻ để mua bánh. Xung quanh tuyến đường này ít quán nên tôi lấy thêm xôi, bánh mì, chè đậu bán lại cho chúng” - chị Hoài cho biết.
Vốn liếng cho nghề “đem công bỏ chợ” thực ra không quá nhiều. Mỗi mặt hàng, các chị thường lấy từ 5-7kg, một chuyến xe đạp hoặc xe đẩy chở trên dưới 50kg hàng. Tổng cộng, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến một triệu đồng.
Bà Lân (48 tuổi), người làm nghề này đã hơn chục năm, giải thích: Công việc này không cần phải tính toán nhiều, chỉ cần có sức khỏe, có duyên ăn nói và chút may mắn là được. Càng đi vào sâu các con hẻm, đường xóm thì bán càng nhiều hàng hơn. Thuận mua vừa bán, cứ khách cần là có ngay, không bao giờ thiếu. Với bà Lân, công việc này khá đơn giản. Chỉ cần một chiếc xe đạp, một cái cân và vài mớ hàng, bà có thể trở thành tiểu thương bán hàng tự do. Một chiếc xe đạp cũng là một cái “chợ”.
* Nghề không dành cho đàn ông
Cuộc sống mưu sinh khó khăn, không ít đàn ông chấp nhận làm công việc buôn thúng bán bưng, nhưng buôn bán theo kiểu “chợ” di động thì không thấy ai theo nghề. Họ cho rằng: Cuốc bộ cả ngày, lại mang theo bao món hàng lỉnh kỉnh mà chỉ được mấy chục ngàn đồng thà ở nhà còn hơn, chứ nhất định không làm công việc của đàn bà. “Làm nghề này tưởng nhẹ nhàng nhưng đâu có nhẹ. Thiếu ngủ lắm đấy, rồi phải dầm mưa đội nắng quanh năm. Muốn nghỉ ở nhà một ngày với chồng con cũng chả được, tiền kiếm được chỉ đủ lo cơm ngày ba bữa. Thôi thì bỏ công làm lời, coi như đi chợ mướn cho mấy người không có điều kiện ra chợ vậy” - chị Đỗ Thị Thảo tâm sự.
Nhiều người thích mua hàng từ “chợ” di động vì đỡ tốn thời gian. Ảnh: T. HảI |
Bà Nguyễn Thị Luân (52 tuổi) cho biết: “Bao nhiêu năm đi bán, tôi chưa gặp anh đàn ông nào làm nghề này. Thường thì họ chỉ bán một mặt hàng chuyên biệt thôi, chứ chở luôn cả “cái chợ” như thế này trên xe thì chưa thấy. Nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn và chăm chỉ”. Bà Luân gắn bó với công việc này đã hơn mười năm nay. Ngày trước, bà cũng có một chỗ ngồi ở chợ Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), nhưng cuộc sống trong giới tiểu thương cạnh tranh gay gắt nên bà thay đổi cách kiếm tiến. Sắm chiếc xe đạp cũ, buộc đằng sau cái giỏ, thế là bà vi vu bán hàng nơi. Cũng có nhiều lần bà tính bỏ nghề, quay lại chợ cũ, nhưng nghĩ công việc này không phải đau đầu tính toán nên cứ theo cho đến tận bây giờ.
Cần mẫn như những con kiến, hàng ngày những người phụ nữ đưa “chợ” di động cuốc bộ cả chục cây số chỉ mong chóng bán hết hàng! Nhìn họ ai cũng gầy gò, đen đúa. “Tôi mới vào nghề được 2 tháng, mỗi ngày chăm chỉ cũng kiếm gần 150 ngàn đồng. Ngày đầu đi bán chưa quen nên bị lỗ vốn. Đã vậy, đêm về toàn thân còn đau ê ẩm, vì cả ngày đi quãng đường xa. Bên cạnh đó, đi dài, thức khuya, ngủ ít nên nhiều lúc trên đường đi, người mình xây xẩm như muốn bổ nhào xuống đất” - chị Mai Thị Vân (phường Long Bình) cho hay.
Lao động vất vả như thế nên đồng tiền kiếm được với họ vô cùng quý giá. Nhiều người nhờ chăm chỉ làm ăn, chấp nhận dãi nắng dầm mưa để có một công việc mưu sinh qua ngày. Thứ công việc đòi hỏi nhiều ở sự kiên nhẫn, khéo léo và lòng trung thực của cánh chị em phụ nữ. Giữa lúc các ngôi chợ xép mọc lên khắp các khu dân cư đông đúc thì ở những nơi xa xôi, ít người qua lại vẫn thấy bóng dáng của vài cái “chợ” di động. Ở đó, hàng ngày trên chiếc xe đạp, xe đẩy cũ kỹ, nhiều người cứ vi vu trong cuộc mưu sinh.
Thanh Hải