Các chợ cá nuôi lồng, bè ở hồ Trị An, Sông Mây, La Ngà… thường họp từ tờ mờ sáng đến chập choạng tối. Buổi họp chợ chỉ có tiếng còi xe inh ỏi, xen kẽ với lời chào mời, ngả giá giữa cánh lái buôn với các tiểu thương. Chợ tự phát mọc lên, làm nơi giao thương cho những người làm nghề mua đi bán lại.
Các chợ cá nuôi lồng, bè ở hồ Trị An, Sông Mây, La Ngà… thường họp từ tờ mờ sáng đến chập choạng tối. Buổi họp chợ chỉ có tiếng còi xe inh ỏi, xen kẽ với lời chào mời, ngả giá giữa cánh lái buôn với các tiểu thương. Chợ tự phát mọc lên, làm nơi giao thương cho những người làm nghề mua đi bán lại.
Hàng ngày, những chợ cá bè xuất ra thị trường hàng chục tấn cá nước ngọt, từ cá lóc, rô, trê đến cá sặc, mè, trắm…
* Chợ từ tờ mờ sáng đến chạng vạng
Trời vừa chuyển sáng, tại một điểm thu mua cá ngay cạnh lòng hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu), sau khi thỏa thuận giá cả với chủ bè xong, nhiều thương lái chuẩn bị gom hàng. Những chiếc thùng sắt hình vuông được xếp ngay ngắn ở thùng xe, bên trong nước được bơm đầy, hệ thống cung cấp oxy cũng đã hoạt động. Phía dưới, hàng chục con người vây quanh từng rổ cá, nhanh tay phân loại, cân ký, bốc lên xe… Ở góc khác, vài thanh niên người ướt sũng, ở trần trùng trục khiêng từ dưới hồ lên từng rổ cá nặng trịch chuẩn bị cho chuyến xe khác xuất bến. Tiếng nói cười râm ran cả một vùng.
Khiêng cá, vớt cá… - công việc không mấy nhàn hạ của những người làm nghề này. |
“Ba mươi hai ký. Con này nhỏ quá, bỏ ra. Nhanh lên, cân đủ 2 tạ. Sắp đến giờ xuất hàng rồi…” - một lái buôn cất giọng hối thúc. Ngay lập tức, trên bến tấp nập “dây chuyền” bốc xếp. Ai cũng làm việc khẩn trương, tiết kiệm từng phút để số cá ấy còn sống khỏe đến khi ra chợ.
Làm nghề thu mua cá ở các bến đã 15 năm, vợ chồng anh Phạm Văn Thân (ở ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) phải ở đây từ rất sớm mới mong kịp đánh chuyến xe đầu tiên đến giao cho các mối nhỏ. Từng rổ cá được chuyển lên bờ, rồi đem cân trực tiếp và cuối cùng đổ vào các thùng nước dựng sẵn. Tiếng còi xe cất lên báo hiệu chuyến cá chuẩn bị xuất bến, cả người bán lẫn người mua lúc này mới hả hê với công sức vất vả suốt cả đêm bỏ ra. “Tất cả số cá ấy phải còn sống khỏe, đảm bảo đến khi qua tay các bà nội trợ vẫn còn tươi nguyên” - anh Thân bộc bạch.
Gần 3 giờ chiều, tiếng chào giá ở chợ cá nằm sát ngay dốc 700, tỉnh lộ 767 (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) vẫn còn diễn ra rôm rả. Cái nắng ngột ngạt, oi nồng của kiểu thời tiết đầu mùa mưa dường như không ảnh hưởng mấy đến những cuộc mua bán ở chợ cá này. Khác với chợ cá tại lòng hồ Trị An, chợ ở đây là nơi tập trung giữa cánh thương lái buôn cá với các tiểu thương từ nhiều nơi về hoạt động. Nhiều năm trước, chợ hoạt động chủ yếu tầm 2-3 giờ sáng đến 9-10 giờ trưa. Nhưng hiện nay, chợ đã chuyển sang hoạt động gần như cả ngày.
Khi chuyến xe chở cá này vừa lăn bánh rời khỏi bến, phía xa những chiếc xe khác lại phóng tới. Cánh lái buôn thấy thế cũng vội vã đón xe giao hàng, người mua cũng tranh thủ ngả giá. Nhiều người trong nghề cho hay, hầu như giữa họ đã thành quen, cái giao kèo chỉ có lệ, cứ thế mà cân, rồi trả tiền để kịp cho hàng vào chợ - nơi có không ít khách mua đợi sẵn. “Cứ đến mùa xuất cá là chúng tôi phải hoạt động từ tờ mờ sáng đến chiều. Mọi thứ phải thật nhanh lẹ mới mong mua may, bán đắt” - chị Xuân, một lái buôn từ tỉnh Bình Dương đến cho biết. Chị Xuân vừa dứt lời, chúng tôi đã nhìn thấy mấy người đàn ông ì ạch khiêng lên bàn cân từng rổ cá to, rồi lại hè nhau đẩy thật nhanh, mạnh lên xe ô tô.
* “Hậu cần” ở chợ cá
Không biết tự bao giờ, các chợ cá lồng, bè đã hình thành nên “đội quân” đông đảo chuyên đi khiêng, phân loại cá. Thứ công việc đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai. Hàng tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước, chấp nhận “sống chung” với mùi tanh tưởi, nhớp nhúa của các loại cá với họ quá đỗi bình thường. Một ngày cùng những người đàn ông bạo dạn, lành nghề, khỏe mạnh đã cho chúng tôi những cảm xúc mới về các nghề dịch vụ “hậu cần” ở chợ cá.
Vừa khiêng gần tấn rưỡi cá từ dưới lồng lên, cầm chiếc mũ lưỡi trai to bằng nắm tay, Tuấn (26 tuổi) phe phẩy quạt cho vơi bớt chút tanh nồng hòa cùng vị mặn chát mồ hôi: “Làm quần quật từ sáng đến giờ, tôi có được nghỉ phút nào đâu. Bây giờ, đang vào vụ cá rô phi, trắm, trê, mè…, nên xe về lúc nào mình phải có mặt lúc đó”. Cơ cực là vậy, nhưng Tuấn vẫn nai lưng ra làm. Vì anh nghĩ, đây là công việc có thể cho thu nhập ổn định và gia đình anh đang trông chờ vào nguồn thu nhập ấy.
Những chiếc xe ô tô xếp hàng chờ sẵn, cuộc ngả giá tấp nập giữa người mua, kẻ bán. Ảnh: T. Hải |
Đối với những người làm nhiệm vụ ngụp lặn xúc cá thuê, đôi tay và đôi chân của họ đều trắng bệch, nhăn nhúm lại, môi thâm tím. Theo nghề này đã lâu, Sơn (28 tuổi) cho biết, ngoài mấy thứ trang bị đơn giản như cái rọ xúc bằng lưới, thứ quan trọng nhất vẫn là sức khỏe. Có khỏe mới kéo nổi những mẻ cá nặng vài chục ký, sức cản của nước và sự vùng vẫy của cá. Đuối sức, hai hàm răng run lập cập không thể nói thế nào cho hết cái vất vả. Ngâm cả thân mình trong nước, lúc lên bờ chỉ có duy nhất mái tóc trên đầu còn khô. “Ngày đầu mới làm, sợ hơn cả là ngứa. Vớt cá về, tắm cả tiếng đồng hồ, xát xà phòng nhiều lần mà vẫn ngứa, gãi đến rách da thịt cũng không hết ngứa. Rồi ngửi không quen mùi tanh có khi phải nôn thốc, nôn tháo…” - một người khác nói xen vào.
Ngồi nghỉ để lấy lại sức cho đợt xúc cá tiếp theo, trên nóc chiếc xe tải, anh Trần Viết Quân (quê ở tỉnh An Giang) tâm sự, anh làm nghề này đã 10 năm nay. Chẳng biết có phải sống trên miền sông nước quen hơi hay sao mà anh đến với nó từ khi còn trai trẻ. Xòe bàn tay còn tanh mùi cá, anh chỉ cho chúng tôi xem từng vết thương khi bị gai cá trê đâm, cá rô xỉa vào đang bị sưng tấy và làm mủ. Mỗi lần xuống nước, anh lại thấy tê buốt, không thể chịu nổi. Anh Quân nói, nghề của anh cũng lắm gian nan, không hề đơn giản chút nào. Tận dụng thời gian rảnh, họ tranh thủ chợp mắt lấy lại sức để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Mỗi người một ngày thu nhập được vài trăm ngàn đồng. Số tiền này, họ chi tiêu hết sức tiết kiệm, còn lại dành dụm phòng khi đau ốm, mai này còn lo chuyển nghề vì việc này không thể làm mãi được. Bởi, ai cũng biết sức người có hạn...
Thanh Hải