Chỉ sau một đêm, đám ruộng ngập cỏ hoang của chú Tư Ên tự dưng mẹp cỏ. Những đêm tiếp theo, các đám ruộng hoang lân cận cũng trong tình trạng tương tự. Tại quán cà phê gần bến đò An Hảo (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) của bà Chín, chú Tư Ên tán chuyện với mọi người: “Hình như có loài vật lạ xuất hiện tại các đám ruộng về đêm”...
Chỉ sau một đêm, đám ruộng ngập cỏ hoang của chú Tư Ên tự dưng mẹp cỏ. Những đêm tiếp theo, các đám ruộng hoang lân cận cũng trong tình trạng tương tự. Tại quán cà phê gần bến đò An Hảo (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) của bà Chín, chú Tư Ên tán chuyện với mọi người: “Hình như có loài vật lạ xuất hiện tại các đám ruộng về đêm”...
* “Thú lạ” xuất hiện trên đồng
Nơi mép quán của bà Chín, nhóm bắt còng của anh Ba Tiến (ấp Phước Hội, xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) nhìn nhau cười. Chờ cho mọi người đồn thổi câu chuyện đến lúc ly kỳ, anh Ba Tiến mới nói thẳng, chính công việc bắt còng của các anh làm các đám ruộng rạp cỏ, chứ không phải trâu bò, thú lạ nào xuất hiện. “Giờ chỉ có những người mới đến đây mua đất mới không biết công việc làm ăn của tụi này" - anh Ba Tiến nói.
Cả nhóm tìm đồng để soi còng. |
Ở độ tuổi như thằng Út Hậu (15 tuổi, con trai anh Ba Tiến), anh Ba Tiến đã biết theo đám bạn lớn hơn vài tuổi đi soi còng. Đến khi lập gia đình, sinh ra: Thảo, Hiền, Hiếu, Hậu, anh mới tậu được chiếc ghe máy (tải trọng khoảng 1 tấn) để đứng ra tổ chức nhân công đi soi còng bỏ mối cho các chủ vựa. “Giá còng tui thu vào của người bắt thuê là 25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hao hụt, tiền dầu, ăn tối, cà phê..., tui cân lại cho chủ vựa giá 28 ngàn đồng/kg”- anh Ba Tiến cho biết.
Nắm trong tay gần 20 người đi soi còng đêm, mỗi chuyến giong ghe về các cánh đồng huyện Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), anh Ba Tiến thu gom được 1-1,5 tạ còng. Anh Ba Tiến cho hay, tùy số lượng đặt hàng của chủ vựa trong ngày mà anh huy động lực lượng đi bắt còng nhiều hay ít. “Nói là chủ, chứ thật ra tui cũng phải huy động vợ và hai thằng nhóc cùng đi bắt còng. Một đêm soi được 8-10 kg/người. Trúng đồng có thể soi được trên 15 kg/người/đêm”- anh Ba Tiến ngáp một hơi dài vì thiếu ngủ và nói.
Cùng hành nghề soi còng như anh Ba Tiến, ở xã Long Hưng còn có nhóm anh Nguyễn Văn Có, Trần Văn Tân, Nguyễn Văn Xuân. Mỗi chủ ghe có từ 15-20 người đi theo. Công việc của họ phụ thuộc vào tài giao dịch của trưởng nhóm với các chủ vựa thu mua, tài dò đồng để tổ chức đi soi. Anh Trần Văn Có cho hay, trưởng nhóm phải làm tốt khâu tổ chức, hậu cần, mối lái thì mới tập hợp được nhân công. Ngoài ra, trưởng nhóm cũng phải là tay bắt còng chuyên nghiệp thì mới thu phục được nhóm người làm công và phải biết linh hoạt chuyển đồng để đảm bảo đời sống cho họ. Còn khi các nhóm đụng mặt nhau tại một cánh đồng, trưởng nhóm là người quyết định ở lại soi (nếu còng nhiều), hoặc chuyển hướng về khu vực khác. “Mỗi một cánh đồng có khi soi cả tuần mới chuyển sang đồng khác. Chính vì vậy, giữa các nhóm rất ít khi đụng độ nhau trong đêm. Còn lỡ đụng nhau thì phải chuyển ngay về hướng đồng ruột để bắt hoặc quần thảo suốt đêm, chừng nào đủ số lượng đã hứa với chủ vựa mới được về”- anh Có tâm sự.
* Siêng nhặt, chặt bị
Hôm ấy, nhóm bắt còng của anh Ba Tiến tiếp tục cặp bến đò An Hảo để “ăn hàng”. Anh Chín Quân (người làm công cho anh Ba Tiến) cho biết, 3 đêm liền, đêm nào anh cũng soi được trên 12 kg, thu nhập được 300 ngàn đồng. Cánh đồng cù lao Phố có lẽ soi cả tuần mới giáp vòng. Sau đó, nhóm mới rút đi nơi khác. “19 giờ, các anh ra đây cùng đi với tụi tui”- anh Chín Quân gợi ý.
Giữ đúng lời hẹn, trời vừa dứt cơn mưa, anh Ba Tiến đã dẫn 10 quân gồm: vợ, hai con trai, cùng Chín Quân, Năm Phúc và 4 người cháu bà con với đầy đủ đồ nghề ra cánh đồng đình Bình Sương “ăn hàng”. Gặp lại chúng tôi, anh Chín Quân thẳng ruột bộc bạch: “Tụi tui soi đến 23 giờ mới về đó. Các anh có lội nước được thì đi”.
Dưới ánh đèn, những người bắt còng luôn tay nhặt bỏ vào thùng. |
Thấy chúng tôi có vẻ ngại, anh Năm Phúc liền động viên: “Nước chỉ ngập tới mắt cá chân thôi, có gì mà sợ. Rắn thì đã bị dân chích điện tiêu diệt cạn kiệt rồi. Còn muỗi, kiến, ong thì cẩn thận một tí chẳng sao. Các anh đừng sợ, có gì tui chịu trách nhiệm cho”. Lời anh Năm Phúc giúp chúng tôi thêm tự tin và lẹt đẹt theo sau ánh đèn pin của nhóm bắt còng của anh Ba Tiến để giẫm đạp trên các đám ruộng tìm còng. Nhóm đi đến đâu, cỏ hoang bị giẫm đạp tan nát đến đó. Những chú còng đang ăn đêm đành thúc thủ dưới đôi tay của Ba Tiến, Năm Phúc, Chín Quân... và rơi vào thùng nhựa kêu lụp bụp.
Sau những cú giẫm, họ nhặt còng như nhặt đá bỏ vào thùng, người nhễ nhãi mồ hôi, miệng thì liên tục trêu đùa nhau. “Bây nhiêu đây đã đủ để rủ người yêu đi uống cà phê rồi”- Hiếu (con anh Ba Tiến) nghiêng miệng thùng đựng còng cho chúng tôi xem và nói.
Con còng (một loại họ cua) to nhất chỉ bằng ngón chân cái. Chúng có màu hình đỏ tía, chân có lông nhỏ. Do thịt nhiều, thơm nên người tiêu dùng ưa chuộng còng hơn cua đồng và chúng được bán với giá gấp đôi cua đồng. Theo anh Ba Tiến, còng tuy nhỏ nhưng chúng còn nhiều, nên rất dễ bắt. Đặc biệt, vào ban đêm mới soi đèn bắt được dễ. |
Mặc cho tụi thằng Hiếu, Hậu, Phong, Mến... bỡn cợt, anh Chín Quân cứ lầm lũi giẫm cỏ, soi còng. Ở cái tuổi trên 50, một vợ hai con, ở nhà trọ và trên 10 năm hành nghề soi còng, anh Chín Quân hiểu rõ trách nhiệm bản thân phải làm gì mỗi khi đêm đến. “Trúng hay thất đồng, tui cũng mót cho được trên 10 ký còng mới chịu về. Riêng tụi nhỏ vui thì bắt, buồn thì giỡn cợt cho hết đêm để về ngủ cũng chẳng sao. Cái nghề này phải siêng năng thì mới nuôi nổi vợ con”- anh Chín Quân hổn hển nói khi dừng tay châm điếu thuốc.
Còn anh Năm Phúc vẫn chân trần giẫm đạp cỏ không sợ gai nhọn. Năm Phúc nay đã qua tuổi 30, vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. Anh mải mê theo anh Ba Tiến bắt còng suốt 17 năm qua. “Có lẽ tui nghèo, đêm bắt còng, ngày ngủ vùi và thỉnh thoảng nhậu nhẹt với mấy thằng bạn cùng cảnh nên đám con gái chê, không dám quen. Tui ước gì biết được ít mặt chữ để đi làm công nhân và cưới được vợ”- anh Năm Phúc than thân trách phận với chúng tôi, trong khi tay liên tục nhặt còng bỏ vào thùng.
Đồng hồ vừa nhảy qua 22 giờ, số còng của anh Năm Phúc, Chín Quân đã xem xem 12 - 13 kg. Riêng gia đình của anh Ba Tiến cả 4 người gộp lại cũng dư 40 kg. Thấy số lượng còng bắt được cũng trên 1 tạ, anh Ba Tiến liền ra hiệu cho cả nhóm dừng và về sớm hơn dự kiến. “Hôm nay bắt như vậy là đủ rồi. Đồng này bắt cả tuần mới hết. Ngày mai con nước ròng trễ hơn nên hôm nay nghỉ sớm đi”- anh Ba Tiến dứt lời, cả nhóm dừng tay và lủi thủi chuẩn bị ra về...
Đoàn Phú