Tai nạn giao thông đường thủy thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Nhưng hiện nay, nhiều người dân, chủ phương tiện chuyên chở khách qua sông vẫn còn chủ quan và thờ ơ với những biện pháp an toàn. Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi việc qua sông diễn ra trong những tháng mùa mưa.
Tai nạn giao thông đường thủy thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Nhưng hiện nay, nhiều người dân, chủ phương tiện chuyên chở khách qua sông vẫn còn chủ quan và thờ ơ với những biện pháp an toàn. Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi việc qua sông diễn ra trong những tháng mùa mưa.
Hơn 30 phút ngồi đợi dưới cái nắng rát da mặt, chúng tôi mới có thể lên đò tham quan Khu du lịch đảo Dừa Lửa (ấp Câu Kê, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch). Trên chiếc ghe tròng trành, cũ kỹ, hàng chục người luôn phải thót tim vì nỗi lo sợ... chìm đò.
* Hiểm họa tiềm tàng
Cứ sau 30 phút, chiếc đò mang biển số 36K-5018 lại nhổ neo đưa khách từ bên bờ đất liền đến tham quan Khu du lịch đảo Dừa Lửa. Cầm tấm vé giá 30 ngàn đồng chuyền tay cho một nhân viên kiểm soát, hơn 50 khách du lịch lên kín con đò.
Hàng chục du khách ngồi trên chiếc đò cũ kỹ, không đảm bảo an toàn qua sông tại Khu du lịch đảo Dừa Lửa. |
Do con đò trang bị thô sơ nên khi lượng khách vượt quá số lượng cho phép, phần lớn khách phải đứng chen chúc nhau mới có thể yên vị vượt khúc sông đang bập bềnh sóng nước. Lúc ra giữa sông, gặp dòng nước siết, con đò bị đẩy vào sát mép bờ. Lúc này, nhân viên lái đò phải rồ máy, chiếc đò mới ì ạch rướn được qua đoạn nước siết.
Quan sát, chúng tôi thấy trên nóc đò, những chiếc áo phao cũ được để trong lớp lưới có dây cài chắc nịch. Vài người khách trong số đó, do tò mò nên đưa tay lên đếm số lượng áo phao, sau đó đưa ra kết luận làm cả nhóm người trên đò nhao lên vì bất an: “Khoảng 20 áo phao dùng cho hơn 50 người. Mà chưa chắc đã lấy được nếu lỡ đò chìm, vì cái nào cũng được quấn dây kỹ càng trên nóc!”.
Trên đò, dù có căng mắt ra nhìn, chúng tôi cũng không tìm ra được những biển quy định an toàn sông nước hoặc những pa-nô cấm ở những nơi nguy hiểm cần tránh cho du khách. Chúng tôi cũng cố tình ngồi lên thành đò, ngay sát mép nước để chờ sự nhắc nhở, nhưng anh lái đò dường như không để ý tới hành động của chúng tôi. Người lái đò cũng chẳng màng đến việc đưa áo phao hay nhắc nhở khách mặc áo phao. Khách trên đò muốn ngồi đâu cứ việc tùy ý.
Tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom), khách đến câu cá thư giãn ra vào không ngớt, nhiều người trong số đó muốn ra xa bờ để có thể câu được những loại cá lớn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của khách, nhân viên ở đây không ngần ngại dùng ghe, xuồng máy để đưa khách qua bờ bên kia hồ. Bên trên chiếc ghe tròng trành, hàng chục con người vẫn vô tư tươi cười, dù họ vẫn biết hiểm nguy cận kề.
Những ngày nắng đẹp, lượng khách qua đò tăng mạnh. Vì vậy, những chuyến đò cứ thay nhau nhổ neo mà không biết dòng nước sâu bên dưới có thể nuốt chửng họ bất kỳ lúc nào.
* Khó quản lý
Theo số liệu báo cáo của Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an tỉnh, tính đến ngày 14-2, toàn tỉnh có 50 bến (chở khách) và 101 phương tiện chở khách, bao gồm cả khu du lịch, bến đò, bến khách ven sông. Trong đó, có 26 bến, 62 phương tiện và 65 người điều khiển phương tiện đủ các điều kiện hoạt động theo quy định. Số còn lại, do không đáp ứng được yêu cầu an toàn nên đã bị lập biên bản, đình chỉ hoạt động và giao cho chính quyền địa phương giám sát, quản lý.
Chiếc áo phao được “làm kiểng” trên... nóc đò!. |
Đại úy Trà Ngọc Sơn, cán bộ Đội Tuyên truyền, xử lý tai nạn (thuộc PC68) cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đột xuất trước và sau những ngày lễ lớn tại một số bến đò chở khách, kể cả một số khu du lịch có tổ chức chở khách qua sông, hồ… Đồng thời, lập biên bản, xử lý vi phạm về các lỗi chủ yếu, như: lỗi về trang thiết bị an toàn, áo phao, chất lượng ghe, đò...”. Đại úy Sơn còn cho biết, ở những huyện vùng xa, như: Tân Phú, Nhơn Trạch..., đa số phương tiện lưu thông đường thủy không được đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển phương tiện cũng không có chứng chỉ chuyên môn nên khi hoạt động chở khách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Trong khi đó, do địa hình trắc trở, gây khó khăn cho việc đi lại và xử lý đồng bộ nên mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt, không lâu sau đó họ lại tiếp tục hoạt động.
Theo Thông tư 15 của Bộ Giao thông - vận tải (ngày 10-5) quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân, từ ngày 15-7, mọi hành khách, thuyền viên, người lái trên phương tiện vận tải hành khách sang sông đều phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Phương tiện vận tải hành khách sang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho mọi người. Chủ phương tiện, người lái phải từ chối chuyên chở những hành khách không mặc áo phao hoặc không sử dụng công cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn và chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi. Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra và đình chỉ phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân. |
Khi chúng tôi nhắc đến một số bến đò chở khách trong các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, đại úy Sơn cho biết: “Chúng tôi đang gặp một số vướng mắc, bởi một số bến trong các khu du lịch hiện do Sở Giao thông - vận tải cấp phép hoạt động. Thế nhưng, khi chúng tôi tiến hành kiểm tra, xử lý thì đa số các bến này không có giấy phép, mà nếu có cũng chẳng rõ cơ quan nào sẽ cấp”.
Trong tháng 4-2012, các lực lượng chức năng của tỉnh đã mở 2 đợt kiểm tra các bến đò chở khách (kể cả khu du lịch), qua đó phát hiện nhiều nơi không có giấy phép mở bến, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có giấy phép... Vì vậy, sắp tới PC68 sẽ kết hợp cùng các địa phương, cơ quan liên quan tăng cường khuyến cáo và tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông qua các tuyến sông, hồ.
Khi chúng tôi đề cập đến việc dùng ghe, đò chở khách qua sông, hồ ở đảo Dừa Lửa và hồ Sông Mây, đại úy Ngọc Sơn cho hay: “Chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh và xử lý triệt để những trường hợp vi phạm mà báo chí và người dân phản ảnh. Riêng hồ Sông Mây, chúng tôi chưa nghe họ báo cáo có sử dụng phương tiện ghe, đò để chở khách. Còn đảo Dừa Lửa, nếu phát hiện vi phạm đến đâu chúng tôi sẽ tiến hành xử lý đến đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Theo quy định của Bộ Giao thông - vận tải, từ ngày 15-7, mọi người dân khi đi qua sông, hồ... phải mặc áo phao. Chúng tôi đã có kế hoạch tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ chất lượng và số lượng áo phao trên mỗi phương tiện đường thủy trong thời gian tới”.
Tùng Minh