Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu phố hủ tíu, phở...

08:04, 12/04/2012

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có một làng nghề làm sợi hủ tíu khô, miến, phở vẫn âm thầm tồn tại giữa TP.Biên Hòa. Trải qua bao thăng trầm, người thợ làm hủ tíu, miến, phở vẫn cố gắng gìn giữ một làng nghề truyền thống...

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có một làng nghề làm sợi hủ tíu khô, miến, phở vẫn âm thầm tồn tại giữa TP.Biên Hòa. Trải qua bao thăng trầm, người thợ làm hủ tíu, miến, phở vẫn cố gắng gìn giữ một làng nghề truyền thống...

Làng nghề hủ tíu khô, miến, phở hiện chỉ có hơn 30 hộ còn đỏ lửa tráng bánh, tập trung ở KP2, phường Hố Nai. Lái buôn nhiều nơi tới đây lấy hàng thuận miệng gọi khu phố 2 là “khu phố hủ tíu, phở”. Người dân ở đây nghe vậy chỉ cười bảo: cứ gọi vậy cho nó gần gũi.

* Rộn ràng từ tinh mơ

Ba giờ sáng, mặc cho người dân nơi khác đang chìm sâu trong giấc ngủ, những hộ làm sợi hủ tíu và miến, phở trong KP2, phường Hố Nai đã tất bật chuẩn bị cho một ngày sản xuất.

Những người làm hủ tíu ở KP2, phường Hố Nai vẫn cố giữ lại truyền thống của làng nghề.
Những người làm hủ tíu ở KP2, phường Hố Nai vẫn cố giữ lại truyền thống của làng nghề.

Bếp lửa được nhóm lên, những chiếc phên bằng tre được xếp chồng ngay ngắn gần bếp và chiếc cối xay bột hoạt động hết công suất. Ngày hôm nay, nhà chị Hương làm tổng cộng 60 ký gạo và bột mì. Đưa tay thoăn thoắt múc gạo cho vào cối xay, chị nói: “Bữa nay dùng máy nên làm nhanh lắm, chỉ khoảng nửa tiếng là xong ngay”. Nói đoạn, chị Hương đưa tay chỉnh cối để bột xuống được “đẹp” hơn.

Sau khi xay bột xong, khoảng 6 giờ sáng chị Hương cùng với hai người nữa bắt đầu tráng bánh (trước khi cắt thành sợi hủ tíu, phở). Lò tráng bánh gồm hai chiếc khung sắt hình tròn có căng tấm vải được đặt vừa vặn trên hai cái miệng nồi chứa đầy nước nóng. Múc một vá bột vừa vặn, chị Hương đổ đều lên tấm vải và dùng chiếc vá tráng đều chúng ra một cách thuần thục. Bánh vừa tràn ra vừa vặn với chiếc vành của nồi, chị đậy nắp lại rồi tiếp tục với chiếc nồi kế bên. Cạnh đó, chị Hà - em của chị Hương, đã kê sẵn một tấm phên để đặt bánh chín khi được vớt ra.

Chỉ vài mươi giây bánh đã chín xong, chị Hương lại múc một vá bột nữa tiếp tục tráng lên lớp đầu. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị giải thích: “Tráng bánh để làm sợi hủ tíu khô thì phải hai lớp mới ngon được. Hủ tíu khô không giống bánh tráng mình ăn bình thường nên làm hơi mất thời gian và tốn công hơn. Nếu chỉ tráng một lần thì giá mỗi cân hủ tíu thấp hơn 1 ngàn đồng, nhưng khách lại không chuộng”.

Trong thời gian chờ đợi bánh chín, chị vừa thoăn thoắt cho thêm củi vào lò, vừa kể chuyện: “Làng nghề này bắt đầu từ những năm 1950, khi những người miền Bắc đầu tiên vào đây. Nhà chị có ông nội dẫn cả gia đình vào và truyền nghề tới chị là ba đời. Giàu thì không giàu nhưng làm nghề này không thiếu thốn, nếu mình siêng năng”. Chiếc vung mở ra, chị lẹ làng lấy một chiếc ống tròn dài chừng nửa mét lăn đều, cuốn theo chiếc bánh tráng nóng hổi. Sau đó, chị lại lăn ngược chiếc ống để chiếc bánh tráng ướt đẫm, thơm ngào ngạt hương gạo và bột nằm yên vị trên chiếc phên.

Chừng mười phút, bốn chiếc bánh đã chen nhau nằm trên chiếc phên dài hai mét, chị Hà mang chiếc phên ra ngoài để gác lên phía trên cao phơi.

Cách nhà chị Hương vài chục mét là nhà cô Nguyễn Thị Hải Hòa. Để có được 60 ký sợi hủ tíu khô, mỗi ngày nhà cô Hòa làm 75 ký gạo và bột. Ba người thay nhau tráng bánh. Hơi bếp lò, hơi bánh làm mặt ai cũng đỏ hồng. Mỗi ngày, nhà cô Hòa bắt đầu tráng bánh từ 6 giờ sáng cho tới 9 giờ mới xong. Lau vội mồ hôi trên trán, cô Hòa nở nụ cười và nói: “Tráng bánh không khó, chỉ cần làm vài ngày là quen tay, chỉ có điều phải cần cù và chịu khó thức khuya, dậy sớm”.

Ngoài ngõ, những chiếc xe đẩy chất hàng chục phên bánh tráng đang kút kít đẩy ra sân phơi. Gặp ông Hưng đang dựng những thanh tre thành dàn để phơi phên bánh tráng, ông nói: “Phải dựng cho nhanh để còn kịp có chỗ phơi bánh. Dựng trễ mấy chiếc bánh không khô nhanh được”. Vừa nói, ông Hưng đưa mắt nhìn lên trời mà cười khà khà: “Hôm nay được nắng đấy chú ạ”.

* Gìn giữ nét xưa

Nhìn cái cách người dân làng nghề hủ tíu khô, miến, phở làm việc mới biết, để có một tô phở hay hủ tíu người ta ăn là cả công sức và tâm huyết của người thợ dồn vào trong đó. Bởi, trong giai đoạn thị trường với hàng loạt máy móc hiện đại như bây giờ, việc làm nghề bằng thủ công hẳn bị cạnh tranh rất khốc liệt.

Bánh tráng sau khi phơi chừng 3 giờ đồng hồ giữa trời nắng sẽ mất nước và bắt đầu mềm dẻo. Khi đó, người thợ lại tất tả đem vào nhà gỡ ra, thoa nước và dầu ăn lên bánh, rồi đặt lên phên tiếp tục đem ra nắng phơi. Cô Nguyễn Thị Ngọ giải thích: “Phải làm vậy để sợi hủ tíu bóng, dai và thơm, người ăn thấy thích”. Chưa hết, trong quá trình phơi bánh, chốc chốc cô Ngọ cùng với những người làm nghề lại ngó ra ngoài trời để biết hôm nay nắng có đẹp hay không. Cô Ngọ nói: Ít nắng thì phải phơi đến 2 ngày, còn gặp trời mưa suốt thì phải cả tuần mới xong”. Sau khi vừa đủ độ khô, bánh tráng sẽ được đưa vào máy cắt thành từng sợi nhỏ và cột thành từng bó gọn gàng để đợi giao cho khách.

Với nhà cô Hòa, mỗi ngày sản xuất được 60 ký sợi hủ tíu, bán sỉ giá 26 ngàn đồng/ký thì trừ

Sợi hủ tíu phải được phơi đủ nắng mới đảm bảo chất lượng.
Sợi hủ tíu phải được phơi đủ nắng mới đảm bảo chất lượng.

đi tiền công, tiền củi, tiền dầu, nguyên liệu…, được chừng hai trăm ngàn đồng. Cô nói: “Thanh niên bây giờ không ai theo nghề này nữa, phần lớn đi làm công nhân hay nghề khác có tiền lại đỡ vất vả hơn”. Cô nói mà ánh mắt hướng về người con trai của mình. Cái nghề làm sợi hủ tíu khô, miến, phở tới đời cô chắc không có người kế nghiệp.

Thấy chúng tôi hỏi chuyện cô Hòa, một người trong trong khu phố này tò mò hỏi: “Học gì cái nghề này hả chú, sao không kiếm cái gì khác mà làm? Nghề này mấy cô chú trẻ làm không vô đâu”. Nghe cô Hòa giải thích, người hàng xóm liền cười bảo: “Ừm, viết báo để cho thanh niên, con cháu nó biết mà quý cái nghề của ông cha mình, chứ sau rồi cũng dùng máy móc hết chứ biết làm sao được”.

Cô Hòa lại thủ thỉ: “Kể ra cái nghề này cũng không phụ lòng người chú ạ. Cứ tay làm thì hàm có nhai. Từ lúc rời quê vào tới Biên Hòa này, chúng tôi sống được với nghề, không giàu nhưng cũng đủ ấm no. Vì không có người làm nên mỗi ngày chỉ làm từng ấy thôi, làm nhiều hưởng nhiều mà. Chỉ mong sao còn sức để tiếp tục tráng được cái bánh, buộc từng sợi hủ tíu là vui rồi”.

Trong những con hẻm hay những khoảnh sân của nhiều gia đình ở KP2, phường Hố Nai vẫn có những phên bánh tráng trắng, vàng đang phơi mình dưới nắng. Làng nghề hiện không còn đông đúc, nhưng đến đây ai cũng cảm nhận được, khi nghe tiếng bà con hỏi han chuyện nghề, nhìn thấy xe máy chở những bao hủ tíu, miến chạy ngang qua, hay vài bóng người đang lúi cúi xếp, chỉnh, chăm chút cho những phên bánh tráng gọn gàng, đủ nắng...

Minh Trung

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích