Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóm xe đẩy…

10:02, 17/02/2012

Cuộc sống khó khăn nên những chiếc xe đẩy cộc kệch, nặng nề trở thành “cần câu cơm” của không ít lao động nghèo. Đêm về, họ “tụ họp” trong những căn nhà trọ xập xệ, ẩm thấp. Từ chỗ lèo tèo vài chiếc ban đầu, lâu dần con số xe đẩy lên đến hàng chục, tạo thành xóm xe đẩy theo tên mặt hàng họ bán, như: xóm xe đẩy cá viên chiên, bắp rang, xôi chè…

Cuộc sống khó khăn nên những chiếc xe đẩy cộc kệch, nặng nề trở thành “cần câu cơm” của không ít lao động nghèo. Đêm về, họ “tụ họp” trong những căn nhà trọ xập xệ, ẩm thấp. Từ chỗ lèo tèo vài chiếc ban đầu, lâu dần con số xe đẩy lên đến hàng chục, tạo thành xóm xe đẩy theo tên mặt hàng họ bán, như: xóm xe đẩy cá viên chiên, bắp rang, xôi chè…

Qua khỏi cầu Sập (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), hỏi người dân ven đường xóm xe đẩy bán hàng vặt ở đâu thì ai cũng biết và chỉ lối cặn kẽ.

* Lăn lóc trên phố giữa trưa nắng đổ lửa

Thành phố Biên Hòa những ngày ra giêng trời nắng như đổ lửa. Mặc cho hơi nóng và bụi đường, khói xe cuốn theo những cơn gió bốc lên, phả vào da người bỏng rộp, những người bán hàng rong vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe hàng đi dọc các con phố mưu sinh. Hàng năm, cứ đến mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là khoảng thời gian họ làm ăn được nhất, nên ai cũng nhắc nhau: nghề này nặng gánh nhưng mà vui, lăn lóc cả ngày trên phố mới mong có cái nuôi thân. “Đội quân” xe đẩy đến đây đủ khắp mọi nơi, xa xôi như ở Tuyên Quang, Hà Nam, gần là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Địa bàn hoạt động của những người kiếm sống bằng xe đẩy rất rộng, phân tán ở khắp các nẻo đường, nhưng đông nhất vẫn là ở các tuyến phố lớn, như: Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Cách mạng tháng Tám..., nơi có nhiều điểm vui chơi, lễ hội, trường học.

Xóm xe đẩy bán hàng vặt ở khu phố 3, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) những ngày này thật nhộn nhịp.
Xóm xe đẩy bán hàng vặt ở khu phố 3, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) những ngày này thật nhộn nhịp.

Trong cái nắng như thiêu đốt, chị Lê Thu Nguyệt (39 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam) vẫn cặm cụi đẩy chiếc xe bán cá viên chiên, bò cuốn lá lốt. “Công việc đi bộ gần 20 cây số mỗi ngày cùng với “con ngựa sắt” này thì dù sức khỏe có dẻo dai đến mấy rồi cũng sớm bỏ cuộc thôi” - chị Nguyệt tâm sự. Nghề đẩy xe bán hàng vặt phụ thuộc vào thời tiết, nên nhiều chị em vẫn thường đùa nhau “mưa nắng là chuyện của trời, ông bảo sao nghe vậy thôi”. Quả vậy, hôm nào trời nắng không sao, chứ gặp hôm mưa thì xem ra cả ngày họ phải gặm bánh mì trừ bữa.

Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng họ cũng chẳng có nghề gì khác để làm. Sắm được chiếc xe đẩy không phải chuyện dễ, nhất là với những người mới chân ướt chân ráo vào nghề. “Chiếc mới gần 3 triệu đồng, xe cũ chừng một triệu đổ lại. Quanh năm còng lưng, đen như cột nhà cháy, ấy vậy mà cứ khô mồ hôi là hết tiền! Tôi chỉ mong hôm nào cũng đắt khách để cuộc sống đỡ cực hơn” - anh Phúc, người bán bắp chiên hơn 10 năm nay cho biết.

Giữa giờ ngọ, trời nắng như đổ lửa, chiếc nón lá, bộ quần áo bạc thếch dường như không thể che được nắng và chiếc xe đẩy bán xôi, chè của bà Trần Thị Tám (53 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre) thêm nặng nề hơn bao giờ hết. Tấp xe bên bóng mát vệ đường Đồng Khởi, bà đưa khăn quệt vội những giọt mồ hôi chảy thành từng dòng trên trán. “Nhiều ngõ ngách ở TP.Biên Hòa này đã in đậm bước chân của tôi. Ở xóm trọ, số người làm nghề xe đẩy tính ra gần ba chục”... - bà Tám nói. Ba mươi năm làm nghề này, chưa bao giờ bà dám mơ một giấc ngủ trưa. Còn đêm đến, cùng với mấy người bạn, bà  Tám cũng phải 11 giờ đêm mới được ngã lưng, nhưng chưa kịp mơ đã phải dậy. Dậy sớm thì sáng mới có xôi, chè để bán...

* Nặng gánh nhưng mà vui!

Tại một xóm xe đẩy chuyên bán chả cá viên chiên, xôi chè ở con hẻm nhỏ, phía đối diện Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh vào ra nhộn nhịp của 15 chiếc xe đẩy. Ở đó, “đội quân” xe đẩy đang bắt đầu một ngày làm việc mới. Lối dẫn vào căn nhà rộng chừng 30m2 hai bên chật kín xe, chỉ còn chừa lại lối ra vào. Bên trong tấm gỗ cứng ngăn cách từng phòng làm nơi ngả lưng cho mỗi người khi đêm về.

Sau mấy ngày Tết sum họp ấm cúng bên gia đình, chị Nguyễn Thị Thịnh (32 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình) lại tất bật quay vào Biên Hòa để tiếp tục cuộc mưu sinh. Chị Thịnh cho hay: “Sáng sớm là các chị em, mỗi người một chiếc xe đi bán hàng rồi. Mấy ngày nay người mua trái cây (làm sẵn) ướp đá nhiều lắm, nhất là dân văn phòng, bởi trời nắng thế này ai cũng ngại ra đường”. Theo chị Thịnh, số mía, xoài, dưa hấu, đu đủ... trên xe sẽ bán được từ 300-450 ngàn đồng. Buổi chiều tối chạy thêm chừng 2 giờ đồng hồ nữa thì cả ngày tính ra cũng lời được 100 ngàn đồng.

“Đội” nắng mưa mưu sinh trên mọi nẻo đường.
“Đội” nắng mưa mưu sinh trên mọi nẻo đường.

Dáng người khá cân đối nhưng vì quanh năm suốt tháng, dầm mưa dãi nắng ngoài trời để lăn xả với nghề nên làn da anh Dương Văn Hoàn (quê ở tỉnh Bình Định) đen xạm, đôi bàn tay thô ráp, xuất hiện nhiều vết sần sùi. Ở quê anh, thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai không được ưu đãi nên anh bàn với vợ sắm chiếc xe đẩy, coi đó là “cần câu” cơm hàng ngày của gia đình. “Ra rằm tháng giêng, tôi đã có mặt tại đây để bắt đầu công việc” - anh Hoàn cho biết. Cả tuần nay, “gánh” bắp nướng của anh bán chạy gấp 2-3 lần so với ngày thường. Kiếm được bộn tiền nhờ sở thích đổi món ít mỡ thay cho mấy món ngày Tết của thực khách, nên dù có cực anh vẫn tìm được niềm vui, sự lạc quan.

Vào nghề cách đây chưa lâu, cuộc sống của gia đình chị Khiết - anh An (quê ở tỉnh Gia Lai) vẫn còn nhọc nhằn, nặng gánh. Chứng kiến 2 đứa con lần lượt bước vào giảng đường đại học trong lòng họ thấy vui, nhưng bên cạnh đó là nỗi lo tiền bạc. Để căn nhà, vài sào đất trồng cà phê lại cho bà con ở quê trông nom, hai vợ chồng anh An bàn nhau vào Biên Hòa kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngày đầu anh làm thợ hồ, chị phụ việc ở một quán cơm gần xóm trọ, nhưng tằn tiện lắm mới đủ đóng học phí cho con. Đang loay hoay tìm việc mới, may rủi thế nào hai người lại bén duyên với chiếc xe đẩy. Hàng ngày, chồng bán trái cây, vợ bán xôi, nhẫn nại trên phố hàng giờ nên cuộc sống bây giờ đã tạm đủ trang trải. Giữa trời nóng nực, từng giọt mồ hôi cứ túa ra làm ướt đẫm cả áo mà lòng chị Khiết vẫn thấy vui, vì: “Hết hè này đứa lớn ra trường, chỉ còn thằng nhỏ đang học năm 3 Trường đại học sư phạm ở Sài Gòn nữa thôi!”.

Cuốc bộ gần mấy chục cây số mỗi ngày, đôi chân của những người làm nghề đẩy xe bán hàng vặt ai nấy đều rệu rã. Có được chiếc xe đã may mắn, làm thế nào để nó giúp họ kiếm ra tiền còn khó gấp trăm lần. Quanh xóm trọ ấy, đã nhiều người phải bỏ nghề vì không thể đứng hàng giờ dưới nắng, thu nhập nhiều khi bấp bênh. Nói thế để biết, không phải cứ đẩy xe, cất lời rao là biết buôn bán ngay được.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều