Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóm trọ Miền Tây

08:02, 19/02/2012

Nằm khuất nơi bìa rừng, cách tỉnh lộ 768 hàng trăm mét, cuộc sống bộn bề lo toan “cơm áo gạo tiền” của những người dân xóm trọ Miền Tây (ở tổ 3, ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bao lâu nay ít người biết đến.

Nằm khuất nơi bìa rừng, cách tỉnh lộ 768 hàng trăm mét, cuộc sống bộn bề lo toan “cơm áo gạo tiền” của những người dân xóm trọ Miền Tây (ở tổ 3, ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bao lâu nay ít người biết đến.

* Dốc nghèo Kim Liên

Trong một lần tình cờ ghé quán cô Ba Thu (ven tỉnh lộ 768, thuộc địa bàn ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) nhâm nhi ly cà phê sớm để chống lại hơi lạnh của sương rừng, chúng tôi được cô chủ quán Ba Thu nói về dốc Kim Liên, nơi có nhiều người dân chuyên nghề cắt lúa, chăn vịt từ các tỉnh miền Tây dạt về đây làm công nhân cho Công ty TNHH Tuấn Nhân (ở xã Trị An). Tháng công ty ít việc thì họ tỏa đi khắp nơi làm thuê mướn với đủ thứ việc lặt vặt, như: chặt mía, làm nghề rừng, bào mì thuê… để sống đắp đổi, chờ ngày công ty gọi trở lại làm việc. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng nơi núi rừng, họ vẫn không thay đổi bản chất con người sông nước. “Cả xã Trị An chỉ có dân cư khu dốc Kim Liên là nghèo nhất. Riêng những người xóm Miền Tây thì càng khó khăn hơn”- cô Ba Thu cho biết. Rồi cô Ba  Thu chỉ cây kim liên còn sót lại trong vườn nhà mình mà nói về những ngày đầu gia đình cô về đây khai hoang lập nghiệp và cư dân xóm Miền Tây lần lượt rủ nhau về thuê phòng trọ làm công nhân cho Công ty TNHH Tuấn Nhân.

Bữa cơm đạm bạc của một gia đình ở trọ xóm Miền Tây.
Bữa cơm đạm bạc của một gia đình ở trọ xóm Miền Tây.

Sáng nay, chúng tôi trở lại quán cô Ba Thu và được cô nhận lời dẫn vào làm quen với các hộ dân trong xóm. Trước khi đi, cô Ba Thu đem bịch đồ còn mới tinh ra khoe: “Tui được một ông Tây ở dưới tàu cho mấy chục bộ đồ loại áo liền quần. Tui đã đem vào xóm Miền Tây cho họ một số, còn lại số quá khổ không mặc vừa nên đành để lại, khi có ai cần thì cho tiếp. Những năm gần đây chính quyền xã, ấp cũng rất quan tâm đến cuộc sống của xóm Miền Tây như: tạo điều kiện tạm trú, học hành; ngày lễ, tết đến thăm và tặng quà cho những người nghèo”.

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp trong xóm là cô Năm Phượng (em gái cô Ba Thu), chủ khu nhà trọ. Cô Năm Phượng cho hay: “Ở đây, hộ gia đình nào cũng khó khăn hết. Khó nên họ mới dắt con cái rời quê về đây làm công nhân. Tuy vậy, tui vẫn thấy hoàn cảnh chị Sáu Mai, Tám Phụng, Hai Đực đáng thương sao sao ấy”.

Cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa, thấy chúng tôi và cô Năm Phượng đứng trước cửa phòng, bà Sáu Mai đon đả mời: “Chị Năm và các chú vào ăn cơm luôn thể. Có gì ăn nấy nghen”. Sau lời mời của bà Sáu Mai, cô Năm Phượng thẳng thừng gợi ý: “Chị Sáu có khó khăn gì thì trao đổi để mấy chú viết báo phản ảnh, để mọi người biết đến mình, biết đến xóm trọ nghèo dốc Kim Liên”. Như người thất nghiệp tìm được việc làm, bà Sáu Mai trải lòng: “Sau ngày chồng tui bị tai nạn giao thông qua đời, tui và các con phải lo cày để trả số tiền gần 50 triệu đồng nợ của người thân khi đưa ông ấy về quê chôn cất. Các chú thấy đó, làm công nhân tuy có dễ thở hơn nghề chăn vịt, cắt lúa mướn nhưng vẫn còn bấp bênh lắm”.

* “Ngôi sao” của xóm nghèo

Với trên 50 hộ gia đình xóm Miền Tây tạm trú tại các khu nhà trọ của chị em cô Ba Thu, Nguyễn Minh Thiện (con trai của vợ chồng anh Chớ) thật sự là ngôi sao sáng về học tập, với 7 năm liền là học sinh giỏi. Thiện cho biết, hiện em đang học lớp 7 tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Trị An). Hàng ngày, em đạp xe khoảng 3 cây số để đến trường. “Bé Mỹ, em con hiện đang học lớp lá đó. Do cha mẹ đi làm vắng nhà nên đi học về con phải tạt ngang đón em, rồi lo cơm nước”- Thiện bộc bạch.

Trẻ em xóm Miền Tây thỏa thích chơi đùa khi cha mẹ bận vào ca.
Trẻ em xóm Miền Tây thỏa thích chơi đùa khi cha mẹ bận vào ca.

Ở xóm miền Tây này, chỉ có Thiện là người học cao, học giỏi và tiếp tục trở lại lớp học khi gia đình chuyển về đây sinh sống. Trong khi đó, con em các gia đình khác, khi chuyển đến sống ở dốc Kim Liên đều phải gãy gánh chuyện học tập. Em Đô (15 tuổi) tâm sự, do cha mẹ không có tiền để cho em đi học, hơn nữa, do gia đình khổ quá nên em nhét chữ không vô đầu. “Ở dưới quê thì đi chăn vịt thuê, cắt lúa mướn. Lên đây làm công nhân thì có gần 3 tháng thất nghiệp, phải quay qua làm đủ thứ nghề kiếm sống, thì tụi tôi lấy tiền đâu mà lo cho con ăn học hả mấy chú”- bà Sáu Mai (bà ngoại Đô) bày tỏ.

Nhìn những đứa trẻ đang lon ton chơi đùa ngoài sân, cô Năm Phượng vanh vách kể tên bố mẹ chúng và điểm danh đứa nào đi học mẫu giáo, đứa còn ở nhà. “Mấy đứa lớn hơn cũng có đi học ở dưới quê, nhưng khi theo bố mẹ lên đây làm ăn thì không thấy đi học lại. Còn các cháu dưới 5 tuổi, có gia đình đem gửi nhà trẻ, người thì để trẻ lăn lóc ở nhà. Tui nhìn mấy đứa nhỏ thương lắm, nhưng chẳng giúp được gì nhiều hơn”- cô Năm Phượng nhẹ nhàng cột mái tóc rối cho bé Mỹ (con anh Chớ), khi bố mẹ bé đi làm vắng nhà.

Cô Năm Phượng cho hay, với vai trò Tổ trưởng phụ nữ của tổ, cô đã kêu gọi các chị em phụ nữ ở đây tham gia hội và cùng nhau góp quỹ tiết kiệm. “Số tiền đó tui cho chị em mượn xoay vòng. Phần lãi cuối năm dùng mua bột ngọt, đường, bánh kẹo để chia đều nhau ăn Tết. Vậy mà, chị em phụ nữ trong tổ ai cũng hồ hởi, ham muốn được tham gia tổ chức hội đó”- cô Năm Phượng nói.

Trong lúc lân la bắt chuyện với người dân xóm Miền Tây, chúng tôi chợt phát hiện vườn mía bạt ngàn của cô Hai Nga (chị gái cô Năm Phượng), trồng sát khu nhà trọ vẫn thẳng đứng hàng ranh. Chúng tôi hỏi nhỏ cô Năm Phượng rằng, bọn trẻ có thèm ngọt dẫn đến trộm mía ăn không. Cô Năm Phượng liền lắc đầu bày tỏ, bọn trẻ ở đây tuy nghèo nhưng không tham lam, một cây mía cũng không dám lén chặt trộm để ăn. “Họ tuy nghèo nhưng sống tử tế và thật thà lắm các chú à”- cô Năm Phượng khẳng định.

Mặc cho bọn trẻ đang thỏa sức chơi đùa ngoài sân, Thiện vẫn kéo bé Mỹ vào võng ru ngủ và tranh thủ học bài. Trưa nay, chị Kiều - anh Chớ (cha mẹ Thiện) tăng ca về trễ, Thiện gánh thêm nhiệm vụ chăm em vào những ngày nghỉ cuối tuần. “Được đi học con mừng lắm. Con ước gì cha mẹ làm có tiền để hai anh em con được tiếp tục đến trường. Nhìn các bạn, các em, anh chị trong xóm không biết chữ, con muốn gọi họ đi học, nhưng họ còn bận làm, ham chơi và nghèo nữa”- Thiện ngây thơ chia sẻ.

Trong tiếng lao xao của những công nhân tan ca về khu nhà trọ và tiếng trẻ con nụng nịu đòi người thân tại khu dốc Kim Liên, chúng tôi chợt nghĩ đến cây kim liên còn sót lại sau vườn nhà cô Ba Thu, hình ảnh của em Thiện học giỏi ở xóm trọ Miền Tây nghèo khó này, và… chúng tôi mong sao cuộc sống của các hộ dân xóm Miền Tây sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích