Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn nghề sửa giày, dép cũ

08:02, 16/02/2012

Nhặt từ thùng rác đôi dép cũ, dì Tư mang thấy vừa chân nên đem đến tiệm sửa giày, dép của ông Ba Dương (đầu hẻm khu phố 1, chợ Tam Hòa, TP.Biên Hòa) để “tút” lại. "Do dì Tư nghèo nên tôi không lấy tiền công”- ông Ba Dương cho biết.

Nhặt từ thùng rác đôi dép cũ, dì Tư mang thấy vừa chân nên đem đến tiệm sửa giày, dép của ông Ba Dương (đầu hẻm khu phố 1, chợ Tam Hòa, TP.Biên Hòa) để “tút” lại. "Do dì Tư nghèo nên tôi không lấy tiền công”- ông Ba Dương cho biết.

* Vá lại cuộc đời

Sau khi chấp hành xong bản án 18 năm tù về tội giết người, công dân Ba Dương quyết tâm chọn góc chợ Tam Hòa để hoàn lương bằng nghề sửa giày, dép cũ. Trong lúc túng quẫn vì không có vốn hành nghề, ông được một người tốt bụng mở lòng cho mượn 1 triệu đồng. Từ số vốn ít ỏi đó, ông Ba Dương đã từng bước "vá lại cuộc đời" mình bằng những đường kim, mũi chỉ vốn học lóm được từ các bạn tù. “Năm 2010, tôi được đặc xá ra tù trước thời hạn 3 năm. Lúc ấy tôi 56 tuổi, không vợ con, cha mẹ thì đã mất. Thấy tôi không vướng bận chuyện gia đình, không ít lần bạn xấu rủ tôi làm ăn phi pháp, nhưng tôi từ chối và quyết chọn công việc này để mưu sinh”- ông Ba Dương vừa trao đôi dép cho dì Tư, vừa tâm sự.

Sự khéo tay, cộng với thái độ nhiệt tình của người thợ luôn làm khách hài lòng với những đôi giày, dép cũ được “tút” lại vừa ý.
Sự khéo tay, cộng với thái độ nhiệt tình của người thợ luôn làm khách hài lòng với những đôi giày, dép cũ được “tút” lại vừa ý.

Từ chỗ là thiếu gia của một gia đình giàu có, Ba Dương sớm phải bỏ học giữa chừng vì nghiện hút. Sau khi cai được ma túy, ông quay sang nghiện rượu và chôn vùi tuổi trẻ cho đến tuổi trung niên. Rồi trong một lần nhậu với bạn bè tại nhà, không làm chủ được lý trí, ông đã lỡ tay đâm chết người anh rể. “Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được gần 100 ngàn đồng. Tuy vậy, tôi thấy mình sống có ý nghĩa và dần quên được quá khứ tội lỗi khi tự nuôi sống được bản thân”- bên bờ suối Linh nồng nặc mùi, ông Ba Dương không ngần ngại nói về mình.

Cũng như ông Ba Dương, bao năm hành nghề sửa giày, dép cho các bà, các cô nơi góc chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đã giúp cho Sáu Thanh hoàn thiện được lẽ sống của đời mình. Trước đây, từ một anh thợ đóng giày giỏi nghề, được chủ quý trọng, Sáu Thanh lại “bất kham” dẫn đến bỏ việc. Anh tập tành theo bạn bè làm ăn phi pháp và dẫn đến nợ nần, vợ chồng ly tán. “Đến khi tôi muốn quay đầu lại thì không kịp nữa, vì phải chui nhủi trốn nợ. Sau đó, tôi dấn thân vào nhậu nhẹt, khi theo bạn vào rừng đào đãi vàng”- anh Sáu Thanh tạm ngừng câu chuyện và khục khặc ho khi bụi, mùi khen khét của cao su ma sát với đá mài làm anh khó thở.

Nhìn dáng vẻ gầy guộc, đôi tay chai sần vì cầm kéo, tiếp xúc với các loại keo dán lâu ngày của Sáu Thanh, chúng tôi hỏi anh: “Công việc của thợ đóng giày với thợ sửa giày, dép cũ cái nào khó hơn?”. Anh Sáu Thanh từ tốn đáp: “Để sửa đôi giày (dép) vừa chân, người thợ phải tỉ mỉ và khéo léo, quan trọng là sửa cho vừa chân để khách hài lòng. Còn việc đóng mới một đôi giày là làm theo khuôn và kích cỡ có sẵn, người thợ giỏi nghề khác thợ tay ngang nơi mũi khâu, dán đế, bo khuôn. Khác biệt lớn nhất giữa hai công việc này là một bên ngồi nhặt tiền lẻ nơi góc chợ, còn một bên có sự nghiệp tử tế”. Ngắm nghía đôi giày da mòn gót từ tay nữ công nhân vừa giao, anh Sáu Thanh tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, công việc sửa giày, dép của anh chẳng khác gì kẻ rong chơi chùn bước tìm về mái ấm gia đình. Dù con người anh nay không còn “lành lặn”, nhưng trong anh vẫn còn giá trị sống, không phải bị xã hội và người thân lãng quên.

* Yêu đôi chân nghèo khó

Hơn 20 năm sửa giày, dép tại chợ Biên Hòa, anh Hai Bé tâm sự, khách hàng của anh đa số là giới bình dân, người lao động nghèo. “Các bà, các cô tiểu thư sành điệu thỉnh thoảng cũng đến nhờ tôi dán lại đôi giày hiệu hở keo, tróc đế. Nhưng khách hàng dạng này không nhiều, vì đôi giày vài trăm ngàn hoặc hơn 1 triệu đồng với họ chỉ cần đổi màu, mòn gót là vứt bỏ ngay, không như các cô, các bác lao động nghèo vẫn luyến tiếc, tận dụng hết độ bền của giày, dép. Nhất là giày, dép của họ không phải là hàng cao cấp nên dễ bị lỗi và độ bền không cao, rất dễ hỏng sau thời gian ngắn sử dụng”- anh Hai Bé chỉ vào những đôi giày vừa được “tút” lại cho khách hàng vừa nói.

Bên vỉa hè chợ hừng hực nắng, anh Tư Hùng (chợ Biên Hòa) vẫn mải mê khâu, dán những đôi giày cũ để kịp giao cho khách mà anh vừa nhận lúc sáng. Anh Tư Hùng cho hay, ngày đắt khách anh kiếm được trên 200 ngàn đồng. Hôm nào ế ẩm thì chỉ đủ tiền cà phê, thuốc lá. Nhưng, dù đắt hay ế, dù mưa hay nắng, anh vẫn ra mở tiệm. “Công việc này đòi hòi sự kiên trì, nhẫn nhại. Hơn nữa, được chăm chút đôi chân cho các cô, các bà, các cháu thiếu nhi, các anh chị lao động nghèo vừa là diễm phúc, lại có tiền nuôi sống vợ con, thì dại gì không làm”- anh Tư Hùng thổ lộ.

Bên dòng suối Linh nặng mùi, ông Ba Dương tìm ra hạnh phúc cuộc đời ở tuổi 58 bằng nghề sửa giày, dép cũ. Ông tự bạch với chúng tôi, nghề này đã giúp ông trở thành một công dân thực thụ. Nếu không có nó, không biết ông còn hay mất, khó cưỡng lại sự mời mọc của bạn tù để tiếp tục sa vào con đường lao lý vì ma túy, buôn hàng lậu hoặc nát rượu.

Trong góc khuất của chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), ông Lê Nghĩa đeo cặp kính cận dày cộp co ro đợi khách đến khâu giày, dán dép. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nghĩa cho biết, do tay nghề của ông không giỏi bằng cánh thợ ở chợ Biên Hòa và thiếu vốn để mua phụ kiện, nên ông chủ yếu khâu, dán các loại giày, dép rẻ tiền phục vụ giới lao động nghèo. Trong bộ dạng giống ông đồ vẽ thư pháp hơn là người sửa giày, dép, ông Nghĩa chậm chạp mở lời: “Hết thời hàn dép nhựa, tôi mới chuyển sang khâu, vá giày, dép da. Do tự mày mò và học lóm người khác cái nghề này nên tay nghề của tôi không sắc sảo. Bù lại, nhờ bản tính cẩn thận, tỉ mỉ nên tôi ít khi làm phật ý khách”.

Cách nơi hành nghề của ông Lê Nghĩa không xa, Ba Ngà (thợ sửa giày, dép) lia lịa khoát tay từ chối tiếp chuyện chúng tôi và tỏ thái độ trịch thượng, bất cần: “Các anh đi chỗ khác mà hỏi, mà tìm hiểu. Tụi này cả ngày tiếp xúc với bụi, mùi hôi hám từ giày, dép bẩn khổ lắm rồi, nên tôi không muốn người khác bêu riếu”. Bị Ba Ngà xua đuổi bằng thái độ khiếm nhã, chúng tôi móc đôi dép da mang theo để nhờ sửa. Vẫn thái độ cũ, Ba Ngà bực dọc quăng đôi dép da cũ xuống nền đường: “Không làm gì hết, các anh đi nơi khác mà sửa. Không có các anh, tụi này vẫn không đói đâu mà mồi chài. Nếu không đi thì… như chiếc dép này”.

Chia tay Ba Ngà, chia tay những người sửa giày, dép cũ với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lòng chúng tôi băn khoăn khi nghĩ đến ông Ba Dương, anh Sáu Thanh với câu nói: “Sửa giày dép là khâu lại cuộc đời lầm lỡ của mình”. Với những người thợ sửa giày, dép luôn xem cái nghề của mình “nâng niu đôi chân của người nghèo”, thì một Ba Ngà có đáng gì để chê trách.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích