“Thời gian, sự vất vả cuộc sống không làm cho tình cảm của các đôi vợ chồng già phai nhạt, mà ngày càng gắn bó keo sơn, nặng nghĩa, đậm tình. Tình cảm của họ không phải là pho tiểu thuyết đầy lãng mạn, mà là một minh chứng tình yêu giàu tính hy sinh và sự sẻ chia”- bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh tâm sự.
“Thời gian, sự vất vả cuộc sống không làm cho tình cảm của các đôi vợ chồng già phai nhạt, mà ngày càng gắn bó keo sơn, nặng nghĩa, đậm tình. Tình cảm của họ không phải là pho tiểu thuyết đầy lãng mạn, mà là một minh chứng tình yêu giàu tính hy sinh và sự sẻ chia”- bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh tâm sự.
* Bên nhau tuổi già
Từ ngày cụ ông Vũ Đình Tắc (77 tuổi) bị tai biến nằm liệt một chỗ, cụ bà Nguyễn Thị Lượt (76 tuổi, ở ấp Thọ Lâm 3, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) vẫn theo sát bên chồng, ít dám rời nhà nửa bước. Cụ Lượt cho hay, khi có việc cần, như: đi chợ, mua thuốc…, cụ mới lén để cụ ông ở nhà mà đi. “Chỉ cần vắng tôi một lúc là cụ ông hờn dỗi, trách móc ngay” - cụ Lượt vừa lấy khăn ướt lau cho chồng, vừa bày tỏ với chúng tôi.
Cụ Lượt luôn bên chồng lúc cụ Tắc ốm đau. |
Lấy nhau khi tuổi mười tám đôi mươi, vợ chồng cụ Lượt sinh hạ được 9 người con. Cuộc sống nông dân ở vùng quê Ninh Bình cơ cực tứ bề nhưng cụ Tắc và cụ Lượt vẫn không một lần to nhỏ nhau chuyện tiền nong, cực sướng. Đăm đắm nhìn cụ Tắc trở mình khó nhọc trên giường bệnh, cụ Lượt nói: “Cụ ông mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, ngày cưới nhau không có chiếc áo lành mặc để ra mắt họ hàng. Thấy vậy, tôi phải đi mượn áo mới về cho cụ ông mặc. Tôi thương chồng và nguyện suốt đời lo cho ông cũng vì điều đó”. Cụ Tắc nghe vợ nói về mình mà nước mắt chảy dài: “Tôi sống được đến hôm nay là nhờ một tay cụ bà. Cả năm qua, cụ bà đã lo cho tôi từng giấc ngủ, miếng cơm, tiểu tiện. Trời đã ban bà cho tôi và tôi rất quý trọng điều ấy”.
Sau bao nhiêu năm quấn quýt bên nhau, ngoài tài sản là tình nghĩa vợ chồng cùng 9 người con và 34 cháu nội ngoại, cụ Tắc và cụ Lượt chẳng còn tài sản gì đáng giá. Cụ Lượt bộc bạch, để con cháu nghèo khó đó là cái lỗi lớn của hai cụ. Chính vì vậy, bằng tuổi này, cụ Lượt vẫn thân già lam lũ trồng mớ rau, nuôi con gà để dành bồi bổ cho cụ ông. “Vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ tiêu vài chục ngàn đồng. Đó là số tiền con cháu hỗ trợ cho ông bà hàng tháng. Tuy vậy, tôi vẫn mong trời tiếp tục ban cho tôi sức khỏe để hàng ngày được chăm sóc cụ ông cho trọn nghĩa, vẹn tình”- cụ Lượt nói.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện với cụ Lượt, anh Vũ Đức Lợi (con trai út của hai cụ) đi rẫy về. Trên tay cầm túi thịt ngon đưa cho mẹ, anh Lợi nói: “Con tạt ra chợ thấy miếng xương ngon mua về để mẹ hầm cháo cho bố. Hôm qua, con nghe bố nói thèm cháo thịt nên sáng nay lật đật ứng tiền công mua về cho bố đó”. Nói xong, anh chào chúng tôi và thay mẹ chăm sóc cha đang bứt rứt vì mồ hôi túa đầy dưới chiếu, do nằm lâu một bên mà cụ Lượt chưa kịp giúp ông trở mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tứ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Xuân bày tỏ, xã của ông có 21 cặp vợ chồng già hạnh phúc như vậy. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn những cặp vợ chồng khó khăn về kinh tế. “Dù khó khăn về đời sống, nhưng họ vẫn giữ nghĩa vợ chồng đẹp như câu nói “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” trong hàng chục năm chung sống, giáo dục con cháu nên người”- ông Tứ hóm hỉnh nói.
* Nặng nghĩa, chung tình
May mắn hơn vợ chồng cụ Tắc, đôi vợ chồng già Quách Văn Toản (82 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (79 tuổi, ngụ tại ấp Thọ Lâm 2, xã Phú Xuân) thật hạnh phúc trong đủ đầy kinh tế, sức khỏe, đề huề con cháu. Cụ Toản cho biết, cả hai vợ chồng cụ đều xuất thân trong gia đình bần nông ở tỉnh Hải Dương. Thời trẻ, hai cụ theo cha mẹ bôn ba khắp nơi và gặp nhau tại đất Quảng Nam. Khi cả hai nên vợ chồng và sinh hạ được 10 người con thì tiếp tục hành trình về huyện Tân Phú lập nghiệp.
Cụ Toản nhớ lại, ngày cụ dẫn các con trai lên rừng phát rẫy thì cụ bà ở nhà cùng các con gái làm đủ loại bánh chạy hết chợ gần đến chợ xa để bán kiếm tiền. Cuộc sống cứ vậy thấm thoát trôi, các con của hai cụ lần lượt lập gia đình riêng. Con trai ở gần có gia đình thì hai cụ chia đất, con gái theo chồng xa thì các cụ chu cấp tí vốn làm ăn. “Các con tôi giờ ở tứ xứ, như: Bình Dương, Đắk Nông, Ninh Thuận… Hiện tại, vợ chồng tôi có 29 cháu nội ngoại, 6 chắt. Nay đứa nào cũng sung túc và nuôi dạy con cháu ăn học tử tế”- cụ Toản khoe.
Vợ chồng cụ Vũ Văn Tới. |
Là người hiểu chồng nhất, cụ Lành điềm đạm nói: “Trên 60 năm chung sống, chưa khi nào chúng tôi to tiếng với nhau, kể cả lúc vợ chồng bất hòa về chuyện tính toán làm ăn, lo chuyện gia thất cho các con và họ hàng. Càng về già, chúng tôi càng muốn được gần nhau hơn. Cả hai đều muốn trẻ mãi để cận kề chăm sóc nhau”.
Cũng tình cảm “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, cụ bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ tại ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) bộc bạch, dù buôn gánh bán bưng khổ cực trăm bề nhưng cụ vẫn giữ vẹn đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ. “Thấy tôi thức khuya, dậy sớm khổ cực nuôi cha mẹ chồng già yếu, lo cho các con ăn học, chồng tôi khuyên nên nghỉ ngơi, để việc nặng cho ông làm. Bởi vậy, mỗi khi tôi đau bệnh ông chăm chút từng nồi nước xông, thang thuốc và nhẹ nhàng vỗ về tôi như hồi còn trẻ vậy”- cụ Tuyết nhìn cụ ông Thái Đỉnh Sơn (73 tuổi) mà âu yếm thổ lộ. Còn cụ Sơn thì cục mịch khen vợ trước mặt khách: “Một tay bà buôn bán nuôi cha mẹ chồng thọ đến 90 tuổi và lo cho 5 con vào đại học đó. Tuy nặng gánh với chồng, nhưng vợ tui cũng không một lời than trách chồng con. Với tui, bà ấy thật đáng quý hơn vàng ngọc đó”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 140 ngàn hội viên người cao tuổi, trong đó có trên 40% hội viên cao tuổi đạt danh hiệu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, rất nhiều gia đình hội viên có 3-4 thế hệ cùng chung sống, gần 200 hội viên trên 100 tuổi vẫn sống vui, sống khỏe trong sự chăm sóc chu đáo của con cháu. “Tình cảm của các cụ luôn là tấm gương sáng để con cháu và cộng đồng noi theo. Càng về già, các cụ càng nặng nghĩa vợ chồng, đó cũng là cốt cách của người Việt Nam ta trong đời sống lứa đôi”- bà Liên cho biết.
Đoàn Phú