Báo Đồng Nai điện tử
En

Thợ may còn có mấy người?

09:02, 20/02/2012

Đã rất lâu, từ nơi phố thị đến chốn làng quê, chiếc máy may gia đình đã gắn liền với những người thợ may cần mẫn, mày mò sáng tạo nên những bộ quần áo thời trang làm đẹp cho người, cho đời. Theo thời gian, quần áo may sẵn ra đời và khẳng định chỗ đứng của nó, thì cũng là lúc các thợ may gia đình thưa dần, vì không thể bám trụ được với nghề.

Đã rất lâu, từ nơi phố thị đến chốn làng quê, chiếc máy may gia đình đã gắn liền với những người thợ may cần mẫn, mày mò sáng tạo nên những bộ quần áo thời trang làm đẹp cho người, cho đời. Theo thời gian, quần áo may sẵn ra đời và khẳng định chỗ đứng của nó, thì cũng là lúc các thợ may gia đình thưa dần, vì không thể bám trụ được với nghề.

Bên chiếc bàn máy may đã lỗi thời, chị Trần Thị Hải (quê ở tỉnh Nam Định, tạm trú ở tổ 23, KP6, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tỉ mỉ thực hành cho chúng tôi xem những công đoạn để ráp thành công một chiếc áo. Đã rất lâu rồi không có khách tìm đến đặt may đồ, nay có dịp trổ tài, chị luôn miệng kể về thời hoàng kim của những người thợ may, cái nghề vốn dĩ rất thịnh hành đối với những cô gái quê như chị…

* Sướng cực cũng bởi cái nghề

Gia đình chị Hải vốn đông anh em, lại khốn khó nên từ thuở “ăn chưa no, lo chưa tới”, chị phải sớm phụ cha mẹ lo tảo tần việc đồng áng. Mong con có cái nghề nhẹ nhàng hơn, gia đình đã gửi Hải đến nhà một người quen học nghề may. “Hồi đó, phần lớn các cô gái nông thôn không có điều kiện ăn học đều muốn theo nghề may. Bởi, trong suy nghĩ của nhiều người, nghề may vừa có thể kiếm được nhiều tiền, người thợ không phải lao động tay chân nặng nhọc như ra đồng” - chị Hải cho biết. Với suy nghĩ đó, chị Hải ôm cho mình giấc mộng kiếm thật nhiều tiền từ những bộ đồ mà chị dày công tạo ra.

Để không bị mai một nghề, chị Nguyễn Thị Phương Hoa thường tận dụng những tấm vải thừa thiết kế thành những bộ đồ cho chính mình, nhằm vơi đi nỗi nhớ về “thời vàng son” của người thợ may.
Để không bị mai một nghề, chị Nguyễn Thị Phương Hoa thường tận dụng những tấm vải thừa thiết kế thành những bộ đồ cho chính mình, nhằm vơi đi nỗi nhớ về “thời vàng son” của người thợ may.

Vào những năm 1990, chi phí theo học nghề may không hề rẻ, với vùng nông thôn như chị Hải ít nhất cũng phải mất 1 chỉ vàng/năm. Khi ra nghề, những người thợ buộc phải trang bị cho mình những loại máy khâu, máy vắt sổ và những dụng cụ chuyên dùng cho nghề may. Chị Nguyễn Thị Phương Hoa (ngụ tại KP6, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) thổ lộ: “Lúc mới vào nghề luống cuống tay chân chẳng biết làm gì cả, thợ cả sai đâu làm đó, mình chẳng biết đâu mà lần. Đến lúc cáu quá, họ mắng mình xối xả, rồi sai làm những việc chẳng liên quan gì đến may vá”. Dù ức lắm nhưng những người thợ trẻ như các chị Hải, Hoa… cũng phải ráng nhẫn nhịn, bởi bỏ ngang là xem như mất hết số tiền học nghề đã đóng trước. Mãi đến khi ra nghề, làm cứng tay và nhận những lớp học trò do chính tay mình uốn nắn, các chị mới hiểu rõ những chỉ dẫn khắt khe của thầy dạy trước đây vốn là những bài học để thử thách tính kiên nhẫn vốn rất cần có của người thợ may.

Trước đây, vào mỗi dịp đầu năm mới, trước Tết vài tháng, khách đến đặt hàng các thợ may gia đình rất nhiều. Khách nào cũng muốn vải của mình được thợ chú ý đến và nhanh nhận lại những bộ đồ bắt mắt, kiểu cọ… không “đụng hàng”. Chị Hoa hồi tưởng: “Ngày trước, thợ may gia đình như chúng tôi làm quanh năm suốt tháng, chẳng lấy đâu ra ngày nghỉ. Sáng mới hơn 7 giờ đã mở tiệm và làm đến 22 giờ mới nghỉ tay. Dù làm mệt nhưng chúng tôi thấy vui, vì như vậy đồng nghĩa với thu nhập ổn định và khách càng tin tưởng vào tay nghề của mình”.

Theo lời chị Hải, lúc trước bình quân mỗi người thợ may gia đình phải có 1-2 thợ phụ, tiệm nào nổi tiếng thì càng đông “lính” hơn. Nay, do các mốt thời trang Tây, Tàu du nhập vào Việt Nam, cùng với sự xuất hiện ồ ạt của những bộ quần áo thời trang may sẵn với giá phải chăng nên những người thợ may gia đình không còn được khách ưu ái như trước. Đối với họ, thời hoàng kim của nghề thợ may là trong quá khứ, dù hiện tại cũng có không ít người ăn nên làm ra từ nghề may gia đình, nhưng con số đó chẳng thấm vào đâu so với số thợ bỏ nghề để tìm cho mình kế sinh nhai khác.

* Thợ may còn được mấy người?

 Chiếc máy may liên tục nhả chỉ, chị Nguyễn Thị Thảo Trang (ngụ tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đang mày mò ráp nối lại mớ áo quần khách hàng đem đến sửa. Ngày trước, Trang cũng là một cô thợ cả với lượng khách hàng đến đông nghẹt vào mỗi buổi trưa. Sau khi đo đồ, nhìn mặt vải, mặt khách chị mới ước chừng ngày nhận đồ (thường từ 7-10 ngày). Khách nào khó chịu, chị đều khéo léo từ chối với lý do “bận quá, không may sớm kịp đâu”. Ấy vậy mà chỉ chưa đầy 7 năm sau, chị lại sa vào cảnh ngóng khách, có khi cả ngày chẳng thấy ai đến đặt hàng. Chán nản, chị Trang bỏ nghề với bao nỗi khắc khoải về quá khứ. Cho đến một ngày, nhìn lại chiếc bàn máy đã gắn bó với mình suốt thời son trẻ, chị mới từ bỏ hy vọng và chấp nhận với thực tại. Không lâu sau đó, người ta lại thấy trước hiên nhà chị Trang treo bảng hiệu sửa đồ, một công việc thường được giới thợ may chọn để có thể tiếp tục gắn bó với chiếc bàn máy, mũi kim.

Vắng khách, nhiều thợ may gia đình phải chuyển sang công việc sửa quần áo để tiếp tục gắn bó với chiếc máy khâu.
Vắng khách, nhiều thợ may gia đình phải chuyển sang công việc sửa quần áo để tiếp tục gắn bó với chiếc máy khâu.

Đã quá trưa nhưng tiệm may của chị Dương Thanh Quỳnh (ngụ tại tổ 1, KP4, phường An Bình, TP.Biên Hòa) vẫn vắng khách. Rảnh việc, chị thường lấy những quyển tạp chí thời trang ra để tìm tòi, nghiên cứu nhằm tạo ra những bộ cánh thu hút khách. Ban đầu, chị lựa chọn cách may sẵn rồi mặc vào cho ma-nơ-canh để mọi người đi ngang tiệm ghé mắt vào xem. “Vẫn còn số ít khách thích đến đặt may đồ vì nhiều lúc mua đồ may sẵn không hợp dáng người. Vả lại, đồ mua cái nào cũng hao hao nhau, họ đặt may để tìm sự khác biệt và đặt kiểu theo ý thích”- chị Quỳnh tâm sự.

Để lý giải cho thời gian khó của nghề may, chị Quỳnh cho biết: “Mua được khúc vải tốt cũng ngốn cả trăm ngàn đồng, công may cũng trên giá đó mà còn phải đợi chờ, rồi có khi không vừa ý… Trong khi cũng bằng đó giá tiền (thậm chí rẻ hơn), người ta có thể mua ngay được bộ đồ mình thích, kiểu dáng đa dạng hơn nhiều. Do đó, nhiều người đã chọn mua đồ may sẵn cho nhanh và tiện lợi”. Hiện tại, chị Quỳnh chỉ biết trông chờ vào đầu năm học mới có khách đến đặt may áo dài đồng phục cho học sinh, thời gian rảnh còn lại may lai rai đồ công sở.

Nói đoạn, chị Quỳnh đưa mắt hướng về xấp vải bỏ dở 4 ngày nay chưa đụng đến. Ngày trước, hàng nhiều phải tranh thủ làm từng phút mới kịp giao cho khách, nay hiếm lắm mới có người đến đặt may bộ đồ, rảnh quá nên sinh ra nhát tay. “Chỉ có người trung niên mới tới đây đặt may, còn giới thanh niên họ chê đồ may giờ không hợp mốt. Cũng vì thế mà từng lớp thợ phụ, thợ chính cứ lần lượt bỏ nghề, vì không đủ kiên nhẫn chờ khách. Không biết bao giờ thì thợ may chúng tôi được trở lại cái cảm giác đo vẽ, cắt, may không kịp ngơi tay và những lời hối thúc của khách như ngày trước” - giọng chị Quỳnh nghe thật xót xa.

Có lẽ, thêm 5-10 năm nữa, những thợ may gia đình sẽ dần ít đi, nhưng những bộ cánh họ tạo ra sẽ mãi còn với thời gian. Vì, so với những sản phẩm may công nghiệp, đồ may gia công bao giờ cũng bền, chắc hơn nhiều…

Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều