Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bác sĩ có thần kinh "thép"

08:02, 27/02/2012

Mới bước vào nghề, lần đầu tiếp xúc với những người điên, chứng kiến đủ chiêu trò quái dị của bệnh nhân, nhiều y, bác sĩ bệnh viện tâm thần cảm thấy lo lắng, sợ sệt. Nhưng tình thương, lòng trắc ẩn đã giúp họ lấy lại niềm tin, lâu dần cảm thấy gắn bó với nơi này hơn. Nhiều bác sĩ tâm sự, cái “nghiệp” đã ăn sâu vào trong máu, thiếu tiếng khóc cười lẫn lộn, ánh mắt mang ơn của những bệnh nhân họ lại thấy buồn.

 

Mới bước vào nghề, lần đầu tiếp xúc với những người điên, chứng kiến đủ chiêu trò quái dị của bệnh nhân, nhiều y, bác sĩ bệnh viện tâm thần cảm thấy lo lắng, sợ sệt. Nhưng tình thương, lòng trắc ẩn đã giúp họ lấy lại niềm tin, lâu dần cảm thấy gắn bó với nơi này hơn. Nhiều bác sĩ tâm sự, cái “nghiệp” đã ăn sâu vào trong máu, thiếu tiếng khóc cười lẫn lộn, ánh mắt mang ơn của những bệnh nhân họ lại thấy buồn.

* Sống đời với “người điên”

Với các bệnh nhân tâm thần, Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (đặt tại TP.Biên Hòa) chính là căn nhà để họ tìm lại chính mình. Họ sống cuộc đời nửa mê nửa tỉnh, lúc hiền hòa như những đứa trẻ, lúc hung dữ như con thú hoang. Hàng ngày, theo sát từng cử chỉ, diễn biến tâm lý bệnh nhân, kiểm tra việc ăn ngủ, vệ sinh cá nhân… cho họ chính là đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện. Tiếp xúc thường xuyên nên chẳng ai cảm thấy lạ với những tiếng gào thét chấn động cả khu điều trị, tiếng khóc cười lẫn lộn, cùng với việc cấu xé lẫn nhau của các bệnh nhân nơi đây.

Ân cần hỏi thăm, khám chữa bệnh kịp thời cho những người bệnh.
Ân cần hỏi thăm, khám chữa bệnh kịp thời cho những người bệnh.

Do đặc thù của công việc nên không mấy người học nghề y lại mặn mà với ngành tâm thần. Người ta vẫn bảo người chọn nghề chứ ít khi nghề chọn người, nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại đây, họ luôn tâm niệm phải thật có duyên, có tình thương bao la mới gắn bó lâu dài với nó. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Đại học Y TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Phan Tiến Sĩ không nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc suốt ngày liên quan đến những người có thần kinh không bình thường. Làm bác sĩ điều trị bệnh tâm căn (điều trị căn nguyên tâm lý), sau đó được phân về khoa Hồi sức cấp cứu, chuyện các bệnh nhân trong lúc điên loạn, to tiếng cãi lại bác sĩ được bác sĩ Sĩ cho là chuyện thường ngày ở đây, nhưng chưa một lần ông bực tức với họ. “Trái lại, những lúc như thế cần thương họ hơn, bây giờ họ sống theo bản năng của phần con chứ không còn là phần người” - bác sĩ Sĩ trầm giọng nói. 20 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, bác sĩ Sĩ đã điều trị không biết bao nhiêu bệnh nhân. Mỗi lần điều trị là mỗi lần ông đồng cảm, cảm thông và chia sẻ những thiếu thốn mà họ gánh phải.

Theo chân bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, Phó giám đốc bệnh viện, chúng tôi đến khoa C2, nơi điều trị cho những bệnh nhân nữ. Nhác thấy bóng ông xuất hiện, nhiều bệnh nhân nhào tới, kẻ xoa đầu, người ôm vai thắm thiết như mẹ hiền lâu ngày gặp lại. Nhưng khi thấy bóng người lạ (chúng tôi), vài bệnh nhân ngại ngùng: “Anh ơi! Bố em ở đằng kia, đưa bố vào thăm em nhé…”, hoặc “Cho 2.000 đồng mua nước đá, thuốc lá!”…, vài người khác lẩm bẩm mấy câu vô hồn. Cũng may, bác sĩ Cầu kịp vỗ vai chúng tôi: “Tâm lý của người mới vào nghề ai cũng sợ. Xác định ngay tâm thần là bệnh xã hội, bác sĩ phải dùng tình thương, lòng thấu cảm để giúp người bệnh sớm trở về với người thân”.

Gần 25 năm trong nghề, bác sĩ Kim Khanh (khoa E4) chưa một lần cảm thấy sợ bệnh nhân tâm thần, vì một khi đã hiểu về công việc của mình thì cái “nghiệp” sẽ ăn sâu vào trong máu, thiếu nó lại thấy buồn. “Càng dịu dàng bao nhiêu càng dễ điều trị bấy nhiêu. Không phải lúc nào la hét, quát mắng cũng có hiệu quả. Người bệnh sẵn sàng tự vệ nếu mình dọa nạt và họ sẽ chống trả lại” bác sĩ Kim Khanh tâm sự. Bác sĩ Kim Khanh cho biết thêm, liều thuốc mà các bệnh nhân cần nhất không phải là những viên thuốc an thần cắt cơn, mà họ cần sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc kịp thời.

Rời giảng đường cách đây chưa lâu, điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Vân chọn “nhà thương điên” để cống hiến sức trẻ. Làm nghề này khiến bản tính nóng giận của chị tan biến, bởi khi bệnh nhân trong cơn kích động chỉ cần một lời nói ngọt cũng giúp họ dịu lại. Nhiều bệnh nhân không có người thân nên cả cuộc đời họ xem ra phải ở đây. Và, các bác sĩ Cầu, Kim Khanh, Tiến Sĩ hay điều dưỡng Cẩm Vân… quyết định mình phải sống đời với người điên.

* Dùng tình thương đối đãi bệnh nhân

Có mặt tại bệnh viện, chúng tôi được chứng kiến những cử chỉ, lời nói ân cần rất mực thương yêu mà các bác sĩ, điều dưỡng dành cho các bệnh nhân. Nhiều bác sĩ nói đùa rằng, nghề này giống như các diễn viên sân khấu. Họ phải hóa thân thành bệnh nhân để trò chuyện, lắng nghe xem tình trạng bệnh nhân như thế nào, dù biết đó là những chuyện vớ vẩn, tầm phào.

Nhớ lại những chuyện “cười ra nước mắt”, bác sĩ Kim Khanh không giấu nổi cảm xúc: “Cách đây 3 năm, tôi đã điều trị cho một trường hợp hiếm gặp về chứng hưng cảm. Đó là cô bé tên T. (27 tuổi, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) học ngành hàng không, nói tiếng Anh như gió, luôn cho mình là người giỏi toàn diện. Đặc biệt, cô chỉ thích bác sĩ người Đức, học ở Đức điều trị cho mình”. Bác sĩ Kim Khanh kể lại, cô bé đã nói thẳng vào mặt bác sĩ: “Bác sĩ không giỏi và không đủ khả năng điều trị cho tôi”. Lúc ấy, dù ái ngại và giận nhưng thương những con người bất hạnh, chị đã thông cảm và càng chăm sóc bệnh nhân tận tình hơn. Sau khi điều trị được 3 ngày, tinh thần T. đã ổn định hơn, bác sĩ Kim Khanh quay lại nói bằng tiếng Anh chuyên ngành thì bệnh nhân không biết. Lúc này, T. mới tâm phục, khẩu phục để cho bác sĩ tiếp tục điều trị.

Việc chăm sóc một bệnh nhân bình thường đã nhọc nhằn, đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần khó khăn càng tăng gấp bội. Có nhiều trường hợp “ngoài dự kiến” khiến các thầy thuốc và người thân bệnh nhân phải một phen hú vía. Thùy D. (23 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) luôn có ảo giác phải chết nên gia đình quản lý cô rất chặt 24/24 giờ, nơi ở không có một vật gì có thể khiến cô tự tử. Tuy nhiên, khi người cha đi vệ sinh vào sáng sớm thì cô đã nhảy từ tầng 2 bệnh viện xuống sân. May mắn là D. chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Giải thích về nguyên nhân của chứng bệnh này, bác sĩ Kim Khanh giải thích: “Sau khi hết ảo giác, người bệnh sẽ trở lại bình thường”.

Công việc căng thẳng nhưng khi đối diện với người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng và ân cần từ cử chỉ cho đến lời nói. Có như thế bệnh nhân mới thực sự coi bác sĩ như người thân thiết. Như trường hợp bệnh nhân tên B. (quê ở tỉnh Quảng Trị), khi nhập viện tỏ ra hung hăng, không coi ai ra gì. Do hoàn cảnh khó khăn, sau khi được bác sĩ thăm khám, cho toa thuốc, B. về nhà tự mua thuốc chữa bệnh. Bẵng đi một thời gian, khi bác sĩ Phan Tiến Sĩ đi ngoài đường, B. nhận ra và cho biết mình đã khỏi bệnh rồi cảm ơn rối rít. Những cuộc đoàn tụ đầy cảm động giữa bác sĩ với người bệnh ấy chính là món quà tinh thần quý giá với những người mang trọng trách “lương y như từ mẫu”.

Từ những câu chuyện được nghe, nhìn thấy những gì họ làm, chúng tôi thầm nghĩ, chỉ có tình thương, duyên nợ thì các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2 mới sống, làm việc, giúp đỡ những con người bị gia đình và xã hội xa lánh như thế. Khó có thể kể hết sự vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của những người khoác lên mình tấm áo blouse trắng ở bệnh viện tâm thần này.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều