Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều kỳ diệu của tình yêu

08:02, 14/02/2012

Hay tin mình nhiễm HIV/AIDS, không ít người chán nản, thậm chí nảy sinh ý nghĩ tiêu cực để sớm kết thúc những chuỗi ngày “sống không bằng chết”. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn khát khao được sống để mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, dù hành trình tìm đến hạnh phúc lứa đôi của họ không hề đơn giản.

Hay tin mình nhiễm HIV/AIDS, không ít người chán nản, thậm chí nảy sinh ý nghĩ tiêu cực để sớm kết thúc những chuỗi ngày “sống không bằng chết”. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn khát khao được sống để mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, dù hành trình tìm đến hạnh phúc lứa đôi của họ không hề đơn giản.

Nghe tiếng người lạ gọi tên mình, chị P.T.T.T. (ngụ ở phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đứng nép sau cánh cửa đưa ánh mắt nhìn khách lạ lẫm. Cạnh đó, “nửa kia” của đời chị đang loay hoay đút cơm cho đứa bé gái 4 tuổi, kết tinh từ “tình yêu trái dấu”.

* Chạy trốn tình yêu

Là con gái đầu lòng, được cha mẹ nuông chiều, T. sớm sa đà vào những trò vui bất tận để “cho biết mùi đời”. Năm 1998, T. nghiện ma túy. Ba năm sau, T. bị bắt cùng nhóm bạn nghiện vì tội mua bán ma túy. Lần đầu tiên phải xa rời vòng tay ấm áp của cha mẹ, T. chới với, sống co cụm nơi trại giam. Nhưng ở nơi ấy, định mệnh khiến xui T. gặp anh, mảnh phao nhỏ của đời chị.

Vượt qua những rào cản, anh N.H.A. (chồng của chị T.) vẫn giữ nguyên lời hứa bảo bọc cho vợ dù bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vượt qua những rào cản, anh N.H.A. (chồng của chị T.) vẫn giữ nguyên lời hứa bảo bọc cho vợ dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

Biết T. có “dấu cộng” (dương tính với HIV), anh chẳng khi nào nhắc đến quá khứ tủi hờn của chị. Đầu năm 2006, khi có quyết định ra trại, anh khuyên T. đừng nản chí và nhất quyết phải tìm anh nếu trở về. Hiểu tâm tư thầm kín anh gửi gắm vào mình nhưng T. nào dám mong mình có được anh. Nỗi lo ngại ngày càng chất chồng, bởi một mặt T. muốn đến với anh, nhưng mặt khác chị lại mặc cảm vì bệnh tật. Chị cho biết: “Mình tôi ra nông nỗi như vậy đủ lắm rồi, kéo thêm anh vào sao đành”. Nghĩ vậy, nên T. ngày càng héo hon, cạn kiệt sức khỏe.

Những tháng sau đó, T. sa sút cả về tinh thần lẫn thể chất. Thấy T. quá yếu, các cán bộ của trại giam liên lạc với gia đình rước chị về. “Không ai nói ra nhưng lúc đó tôi biết chỉ còn chờ đến ngày ra đi. Và, tôi muốn gặp anh để trút hết nỗi lòng, nhưng rồi lại thôi” - T. kể lại.

Còn anh T.V.S. (28 tuổi, ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thổ lộ: “Khi hay tin trong đám bạn nghiện có đứa chết vì AIDS, tôi vội đi xét nghiệm vì nhiều lần xài chung kim tiêm với họ. Kết quả trả về là dấu cộng nghiệt ngã. Buồn đời, tôi bỏ nhà đi biền biệt 2 năm với ý nghĩ cô ấy sẽ quên mình và tìm cho mình một chỗ dựa khác”. Cứ tưởng hai năm trốn chạy sẽ khiến mình thanh thản tinh thần hơn, nhưng sự thật khác hẳn. “Nhiều lúc cầm điện thoại trên tay, tôi định bấm vào số máy quen thuộc, nhưng rồi lại thôi. Mình ra như thế này là tự chuốc lấy, giờ bắt người ta san sẻ với mình sao đành lòng” - S. tâm sự.

“Thà ra đi như chưa từng đến, thà tàn nhẫn nhưng biết đâu đó lại là điều cuối cùng mình làm cho người yêu”, nghĩ vậy nên S. quyết tâm phải quên người yêu cho bằng được. Thế nhưng, người con gái ấy không chấp nhận sự chia tay và càng không tin vào những lý do bịa đặt của anh. Nhiều lần tìm đến nhà, rồi dò la thông tin về S. nhưng chỉ nghe những câu trả lời như nhau, N.T.H. (27 tuổi, vợ S. bây giờ) dần cạn kiệt hy vọng. “Chúng tôi đâu dám nói cho H. biết về tình trạng của S. Thấy hai đứa khổ sở như vậy lòng mình đau không tả xiết” - mẹ của S. cho biết.

* Hạnh phúc trái dấu

Sau khi sức khỏe ổn định, tinh thần của T. cũng phấn chấn hơn nhiều. Trong thâm tâm, chị cũng muốn tìm gặp anh để thỏa những mong nhớ kìm nén trong lòng. Lấy hết can đảm, T. đến tìm anh, nhưng không gặp được. Để lại lời nhắn, T. trở về với hy vọng sẽ có ngày gặp lại anh. “Mình như thế này, sống nay chết mai biết đâu mà lần. Lúc đó, tôi chỉ muốn gặp anh một lần thôi rồi ra đi cũng đỡ thấy tủi phận”-T. nói với vẻ đượm buồn.

3 ngày sau đó, T. nghe thấy tiếng xe máy dừng trước sân. Linh tính mách bảo đó là anh, chị khấp khởi nhìn qua khe cửa và mỉm cười mãn nguyện. Anh cho hay: “Tôi không dám cho gia đình hay chuyện T. nhiễm HIV nên lúc đầu gia đình rất tán thành chuyện của hai đứa. Sau này, mọi người biết rõ sự thật nên ngăn cản quyết liệt. Tôi là con trai lớn trong nhà nên khi đến với T. tôi phải gánh chịu áp lực rất lớn từ gia đình”.

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể những trường hợp miễn nhiễm với HIV, nhưng hiện tại vẫn có một số hiếm hoi những người vợ/chồng không bị lây nhiễm từ bạn tình. Với những mối tình “trái dấu”, việc họ đến với nhau đó đã là một thử thách và hy sinh lớn lao. Vì vậy, chúng ta nên tôn trọng và tạo điều kiện để họ được hưởng quyền bình đẳng về hôn nhân như bao người”.

Rồi tình yêu dần chắp cánh và biến những thử thách thành những trải nghiệm của cuộc đời. Đêm giao thừa năm 2007, anh ngỏ lời cầu hôn với T. Nghe những câu anh nói, T. cứ ngỡ mình đang mơ. Anh tâm sự thật lòng: “Tôi hiểu việc mà mình làm và cũng lường được những khó khăn phía trước, nhất là việc tôi có thể bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào khi kết hôn với T.”.

Đám cưới của họ diễn ra sau đó vài tháng nhưng vắng bóng cha mẹ anh, họ không chấp nhận đứa con trai “bất trị” và người con dâu mang mầm mống bệnh tật. Hơn một năm sau, họ chào đón một bé gái đầu lòng, cũng là lúc họ hồi hộp đợi kết quả “tử thần” liệu có giáng xuống. Điều kỳ diệu cuối cùng cũng xuất hiện, cả con gái và chồng chị đều có kết quả âm tính. Chị nhẹ giọng giải thích: “Tôi uống thuốc ARV đã nhiều năm nên virus không phát triển hơn. Nhờ tập luyện, giữ gìn sức khỏe và trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính, sinh sản nên cả tôi và chồng đều biết giữ cho con an toàn”.

Riêng với S., sau cuộc trốn chạy bất thành, anh quay về nhà và nhất quyết không gặp lại H. Nhưng với sự bao dung và tình yêu mãnh liệt dành cho anh, chị vẫn gật đầu chấp nhận, kể cả sự nghiệt ngã về thiên thức làm mẹ (không dám sinh con). Rồi chị chủ động cầu hôn anh. Ban đầu, S. không dám chấp nhận, vì sợ thiệt thòi cho H. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng, cuối cùng họ cũng đến với nhau trong sự bất an của những người thân.

Nhờ sự tư vấn, động viên của những người làm công tác xã hội, S. và vợ biết cách giữ an toàn cho chính mình. Nhưng với họ, khát khao một 1 đứa trẻ lúc ấy chưa dám nghĩ, vì đó là sự đánh đổi quá lớn. Ngày vợ cấn thai, S. vừa mừng vừa lo, nhưng rồi cứ lạc quan để sống tiếp và hy vọng những điều kỳ diệu sẽ đến với mình.

Anh N.V.V., một đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, cho biết: “Tôi cũng từng có những chuỗi ngày sống bất an như T. và S. Vì vậy, hạnh phúc mà họ đang có là điều rất quý giá mà mấy ai đã làm được như vậy. Bản thân tôi trước đây cũng không dám kết hôn vì sợ sẽ lây nhiễm bệnh cho người khác. Nhưng với tấm lòng và sự hy sinh của những người vợ/người chồng không bị nhiễm đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực để chống chọi với bệnh tật và hưởng trọn niềm hạnh phúc”.

Vượt qua bao mặc cảm, đến nay V. cũng có hai cháu trai để an ủi phần đời còn lại của mình. Vừa nói, anh vừa nghêu ngao hát với nụ cười hạnh phúc. Cạnh đó, S. cũng đang “bận” nhắn tin cho vợ. Tình yêu của họ thật giản đơn, nhưng để có được nó là cả một quá trình đấu tranh về tư tưởng lẫn sự kỳ thị. Điều đó thật sự đáng để chúng ta trân trọng…

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều