Trước những lời mời về tuyến trên công tác, rời xa vùng quê nghèo khó Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) để có cơ hội nâng cao chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nghĩa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Hòa đều tế nhị từ chối. Ông quyết ở lại nơi đây để cùng đồng nghiệp ra sức dập dịch sốt rét và để thể hiện lòng tri ân với người dân vùng sâu, xa này.
Trước những lời mời về tuyến trên công tác, rời xa vùng quê nghèo khó Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) để có cơ hội nâng cao chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nghĩa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Hòa đều tế nhị từ chối. Ông quyết ở lại nơi đây để cùng đồng nghiệp ra sức dập dịch sốt rét và để thể hiện lòng tri ân với người dân vùng sâu, xa này.
* Đối thủ của muỗi
Sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nghĩa được phân công về phụ trách Trạm y tế xã Xuân Hòa. Bác sĩ Nghĩa cho biết, năm 2000 trở về trước, Xuân Hòa là vùng trọng điểm về sốt rét, dân cư càng bám chặt rừng, rẫy thì nguy cơ sốt rét rừng càng cao. Thời kỳ đó, mỗi tháng trạm tiếp nhận gần 500 ca mắc bệnh sốt rét các loại. Người bị bệnh sốt rét có cả dân làm rừng từ tỉnh Bình Thuận đến địa bàn xã cư trú.
Dù không phải lịch trực, bác sĩ Nghĩa vẫn đến trạm khám cho bà con, vì ông biết người dân vùng sâu luôn rất cần bác sĩ. |
Nhận nhiệm vụ ở nơi sốt rét hoành hành, kinh nghiệm về triển khai công tác dự phòng còn yếu, bác sĩ Nghĩa đã đề nghị cấp trên giới thiệu cho ông một mô hình trạm y tế tuyến xã hoạt động hiệu quả để tham khảo, học tập. “Do mình yếu về thực tế điều hành, hiểu chưa thấu đáo các hướng dẫn về quy chế, chức năng, nhiệm vụ, vai trò hoạt động của trạm y tế… nên ảnh hưởng rất lớn đến chuyên môn. Mô hình Trạm y tế xã Bảo Bình lúc đó được đánh giá là kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc và được cấp trên giới thiệu đến tham khảo. Vì vậy, tôi đã dẫn tất cả anh em trong trạm đến học hỏi về công tác tổ chức, công tác dự phòng, các kinh nghiệm về y tế thôn bản…”- bác sĩ Nghĩa bộc bạch.
Từ một địa phương trọng điểm về sốt rét, mỗi tháng có gần 500 ca mắc bệnh vào năm 2000, đến năm 2004, tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét tại xã Xuân Hòa chỉ còn vài chục ca/tháng và nay chỉ còn vài ca. Bác sĩ Nghĩa cho biết, điều đó đã khiến không ít người hoài nghi, nên cấp trên thường xuyên về kiểm tra thành tích báo cáo của trạm có đúng với thực tế diễn biến dịch bệnh hay không. Sau khi đi thực tế từng vùng, từng hộ dân để khảo sát, đánh giá, kiểm tra…, Xuân Hòa mới được huyện đánh giá hoàn thành tốt công tác phòng chống, xóa dịch sốt rét và nổi lên như một mô hình điểm của địa phương. “Để làm được điều này, khi phát hiện đối tượng mắc bệnh, chúng tôi phải đến tận nơi họ ở để phun thuốc, tẩm mùng, bắt muỗi kiểm tra, lấy mẫu máu xét nghiệm, tuyên truyền cho dân… Phải diệt tận gốc từng ổ dịch sốt rét, dù nơi đó, người mắc bệnh là khách vãng lai đến cư trú, mang mầm bệnh từ nơi khác về”- bác sĩ Nghĩa cho hay.
Luôn sát cánh cùng bác sĩ Nghĩa từ ngày đầu thành lập Trạm y tế xã Xuân Hòa, y sĩ Trần Đình Hải nhớ lại, địa bàn của trạm lúc ấy bao quát luôn cả xã Xuân Tâm (hiện nay). Một lượng lớn dân làm nghề rừng ở vùng giáp ranh của tỉnh Bình Thuận bị mắc bệnh sốt rét cũng đến trạm điều trị và xin thuốc dự phòng khi đi rừng, ngủ rẫy. “Con muỗi không phân biệt ranh giới hành chính. Hơn nữa, cơ số thuốc cấp cho chương trình thời kỳ đó rất dồi dào. Chính vì vậy, chúng tôi không phân biệt người mắc bệnh ở đâu đến, miễn họ mang bệnh, lưu trú tại địa phương là chúng tôi tuyên truyền và cấp thuốc cho họ phòng, điều trị khi mắc bệnh”- y sĩ Hải khẳng định.
* Tri ân người dân vùng sâu
Trong tổng số 11 biên chế của Trạm y tế xã Xuân Hòa: y sĩ Hải, hộ sinh Lan, điều dưỡng Túy, là những người có thâm niên công tác và gắn bó với bác sĩ Nghĩa. Hộ sinh Lan cho hay, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình cũng làm hao tốn công sức và lòng nhiệt huyết của mọi người ở trạm, khi gặp phải nhận thức, tập tục, điều kiện sống của người dân còn hạn chế. “Qua thời gian, chúng tôi dần thay đổi được nhận thức của người dân rằng, mỗi cặp gia đình chỉ nên sinh từ 1-2 con; công tác tiêm phòng cho người mẹ và trẻ em phải thường xuyên và đúng phác đồ điều trị của trạm đưa ra… Nhờ anh em đồng lòng, dốc sức thời kỳ đầu nên hiện nay công việc ở trạm đã vào quy củ. Vì vậy, tôi không muốn rời trạm hoặc chuyển đi nơi khác công tác”- nữ hộ sinh Lan nói.
Còn điều dưỡng Túy thì tâm sự, được gắn bó với vùng đất Xuân Hòa chị càng quý và chia sẻ trước những cơn “nóng lạnh” của người thợ rừng khi bị sốt rét hành, những người có bệnh vừa uống thuốc vừa phải lao động, hay những đứa trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu đạm. “Mình gắn bó với trạm và nhiệt huyết với công tác cũng nhằm thể hiện sự tri ân với bà con lao động nơi đây. Chính vì họ cần mình thì mình mới thấy công việc thêm ý nghĩa”- điều dưỡng Túy cho hay.
Cán bộ y tế xã hướng dẫn bữa ăn dinh dưỡng cho bà con trong vùng. |
Được biết, hiện mỗi năm Trạm y tế xã Xuân Hòa sơ cấp cứu trên 135 ca và khám chữa bệnh cho hơn 12 ngàn lượt người. Bác sĩ Nghĩa giải thích, công việc hành chính (quản lý, hội họp) đã chiếm mất của ông hơn 1/2 thời gian dành cho công tác chuyên môn. Tuy vậy, ông vẫn sắp xếp thời gian trực khám trong tuần để bà con thấy trạm luôn có bác sĩ thăm khám ban đầu cho mình. Riêng trường hợp sơ cấp cứu tai nạn lao động, giao thông, bệnh tật rồi chuyển tuyến, trạm phải thuê xe bên ngoài để chuyển viện. “Bệnh nhân không có tiền thì chúng tôi người góp nhau một ít giúp họ tiền xe, tiền thuốc (lấy từ nguồn quỹ hỗ trợ đời sống). Về chuyên môn, không cho phép mình lưu giữ họ lại để cứu chữa, còn về lương tâm thầy thuốc thì chúng tôi phải có trách nhiệm đưa họ kịp thời về tuyến trên cứu chữa”- bác sĩ Nghĩa vừa tra danh sách số bệnh nhân nghèo không có tiền chuyển viện khi sơ cấp cứu tại trạm, vừa nói.
Hơn 12 năm công tác tại Trạm y tế xã Xuân Hòa, với vai trò thầy thuốc và người quản lý, bác sĩ Nghĩa cùng tập thể cán bộ Trạm y tế xã thật sự để lại ấn tượng đẹp về y đức đối với nhân dân trên địa bàn, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa vẫn trăn trở khi đồng lương và phụ cấp của đội ngũ cán bộ trạm chỉ vượt hơn 3 triệu đồng/tháng (đối với những người công tác lâu năm như ông, y sĩ Hải, điều dưỡng Túy, y sĩ Lan…) và dưới con số đó đối với những cán bộ trẻ hơn. “Cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn đối với cán bộ y tế xã và đội ngũ bác sĩ bám vùng sâu công tác”- bác sĩ Nghĩa không giấu giếm tình cảm của mình.
Nhìn kim đồng hồ chỉ 11 giờ 30, nhưng bác sĩ Nghĩa vẫn chưa kết thúc lượt khám bệnh cho người dân, chúng tôi hỏi nhỏ y sĩ Hải: “Vì sao các anh gắn bó với vùng đất này? Vì sao không đối phó với các quy trình của cấp trên hướng dẫn khi mình đã làm tốt công tác dự phòng…”. “Hôm qua, đoàn công tác của tỉnh vừa về kiểm tra công tác của trạm. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế từng hộ dân, từng đối tượng. Chỉ cần mình báo cáo sai thì bị phát hiện ngay. Hơn nữa, chúng tôi đã hành động đúng quy trình chuyên môn và nay đã vào nề nếp rồi. Vì vậy, chúng tôi không cớ gì phải xóa đi những cố gắng đã đạt được và quên đi y đức”- y sĩ Hải thổ lộ.
Đoàn Phú