Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người giữ ấm mộ liệt sĩ

09:01, 16/01/2012

7 giờ sáng, cái se lạnh buổi sớm mai chưa buông nhưng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (46 tuổi, nhân viên quét dọn ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thuộc phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) đã lỉnh kỉnh xô, chổi đi quét dọn các phần mộ liệt sĩ. Với chị, 7 năm gắn bó với công việc thầm lặng này cũng là khoảng thời gian để chị tỏ lòng thành kính đối với những người đi trước.

7 giờ sáng, cái se lạnh buổi sớm mai chưa buông nhưng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (46 tuổi, nhân viên quét dọn ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thuộc phường Tân Biên, TP. Biên Hòa) đã lỉnh kỉnh xô, chổi đi quét dọn các phần mộ liệt sĩ. Với chị, 7 năm gắn bó với công việc thầm lặng này cũng là khoảng thời gian để chị tỏ lòng thành kính đối với những người đi trước.

Ngồi tựa lưng vào trảng cỏ ven lối đi, chị Hồng đưa đôi tay đã ngả đồi mồi quẹt ngang vầng trán thấm đẫm mồ hôi rồi bắt đầu kể về những vui buồn trong công việc… dọn dẹp nghĩa trang.

* Cái nghĩa ở đời

Theo lời chị kể, những ngày đầu mới vào đây làm, do chưa quen việc, cộng với nỗi ám ảnh về các khu nghĩa trang bao quanh nên chị luôn bất an về những câu chuyện kỳ bí của người cõi âm. Lúc ấy, khu nghĩa trang liệt sĩ tỉnh còn khá hoang vắng, gần như biệt lập hẳn với bên ngoài, nên nơi đây rất buồn và cô quạnh.

Thu dọn chân nhang cho 4.300 phần mộ là một trong những công việc “không tên” của các nhân viên đang làm việc tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Thu dọn chân nhang cho 4.300 phần mộ là một trong những công việc “không tên” của các nhân viên đang làm việc tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Hiện tại, khu nghĩa trang liệt sĩ có 15 nhân viên, trong đó chỉ có 6 người làm công việc chăm sóc, quét dọn các phần mộ liệt sĩ và khu nghĩa trang cán bộ. Vào những ngày thường, chị Hồng và các đồng nghiệp đến đây làm theo giờ hành chính. Còn vào dịp lễ, từ 5 giờ sáng các nhân viên đã có mặt tại nghĩa trang để bắt tay vào việc và ra về khi mặt trời đã tắt nắng. Chị Hồng tâm sự: “Quanh năm suốt tháng cứ quẩn quanh công việc lau chùi, quét dọn ở chốn nghĩa trang đôi lúc cũng thấy buồn. Thế nhưng, đến lúc được nghỉ phép ở nhà thì lòng lại nôn nao, vì không biết có ai chăm sóc những phần mộ lạnh lẽo này…”.

Cạnh đó, chị Nguyễn Thu Hiền (39 tuổi, đồng nghiệp với chị Hồng) nói giọng đượm buồn: “Ngày Tết ai nấy đều lo tảo mộ cho người thân, nghĩ đến cảnh đó mà tôi lại thấy nao lòng. Không phải tôi buồn cho mình, mà buồn cho những phần mộ vô danh đến nay vẫn chưa tìm được người thân, chưa có tên chính thức…”.  Nói rồi chị kéo tay chúng tôi bước đến những dãy mộ được quét sơn trắng, trên phần bia mộ là dòng chữ “vô danh” màu đen in trên nền đá hoa cương. Ngó quanh nghĩa trang vào những ngày cận Tết, ngoài những nhân viên nơi đây, còn thì chẳng có ai ghé đến nơi này.

Khom người nhặt nhạnh những chân nhang cũ trên bia mộ liệt sĩ, chị Hiền dí dỏm: “Mình đón Tết thì các anh cũng đón Tết chứ. Thấy “nhà” của các anh tươm tất, sạch đẹp, mọi người đến thăm cũng nhẹ lòng”. Nói xong, chị nhanh tay vào việc, vừa làm chị vừa kể những câu chuyện cảm động trong những lần tảo mộ tại nghĩa trang. “Đa phần những mộ liệt sĩ ở đây đều có quê ở xa nên người thân ít có dịp ghé thăm. Những ngày lễ, tết họ mới đến và lần nào cũng khóc tức tưởi. Mặc dù chứng kiến những cảnh như vậy nhiều lắm rồi, nhưng chẳng lần nào tôi kìm được xúc động…” - chị Hiền nhẹ giọng.

Ông Đặng Đức Minh, Trưởng phòng Người có công - kiêm Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cho biết: “Năm 2011, khối lượng công việc ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhiều hơn mọi năm do UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, cải tạo nghĩa trang quy mô hơn, trong khi biên chế chưa đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài việc chăm sóc, quét dọn nghĩa trang, các nhân viên ở đây còn kiêm nhiệm vụ bốc mộ liệt sĩ khi người thân đến xin di dời về quê và được sự chấp thuận của các cấp. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị nâng mức thu nhập cho các nhân viên ở đây để bù vào công sức, tâm huyết họ đã cống hiến”.

Theo lời chị Hiền, trong số những người thân đến viếng mộ liệt sĩ ấy, có không ít mẹ già đầu đã nhuộm màu mây. Họ đến thăm con em của mình và trò chuyện bên ngôi mộ hàng giờ liền rồi lặng lẽ ra về; có người thì khóc nghẹn đến tái mặt... Những lúc như vậy, các nhân viên chăm sóc phần mộ liệt sĩ thường kiêm luôn trọng trách an ủi, động viên họ để xoa dịu nỗi đau trong lòng người ở lại. “Sống ở đời phải có chữ tình” - chị Hồng chen lời. Theo lời chị, chữ “tình” không chỉ là tình yêu mà còn là tình nghĩa gắn kết giữa con người với con người. Cũng chính chữ  “tình” ấy đã“ buộc chân” chị và các nhân viên khác làm việc ở đây cho đến tận hôm nay.

Nhiều lần các chị cũng đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc, gia đình cũng sắp xếp ổn thỏa công việc mới cho các chị với mức thu nhập cao hơn, nhưng đến giờ mọi người vẫn chưa rời nơi này được… “Âu cũng là cái duyên với nghề. Vả lại, ai cũng tính toán như mình thì lấy đâu ra người để trông nom các phần mộ liệt sĩ” - chị Hồng cho biết.

* Để yên giấc các anh

Công việc dẫu chính đáng nhưng phần lớn nhân viên làm việc tại khu nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đều ái ngại không muốn cho người lạ biết đến “nghề” mình đang làm. Bởi, theo lời chị Hiền, những việc liên quan đến chết chóc thường khiến người khác e dè, nếu không khéo sẽ tạo khoảng cách với mọi người. Nói xong, chị hớp ngụm nước uống một cách sảng khoái. 5 phút sau, chị quay sang nhìn chúng tôi rồi tâm sự: “Khu này không có nước máy, xung quanh đây toàn khu nghĩa trang nhưng phải dùng nguồn nước giếng khoan nên chúng tôi cũng lo lắm”. “Sao chị không mang nước ở nhà theo?” - chúng tôi hỏi. Nghe xong, các chị lắc đầu mà nói vui: “Dùng riết quen nên “sợ thì có sợ nhưng uống thì vẫn uống”…

Đã nhiều lần muốn tìm cho mình một công việc khác nhưng bởi chữ “tình” chị Hồng đành gác ngang những suy tư để chăm lo cho phần mộ các liệt sĩ.
Đã nhiều lần muốn tìm cho mình một công việc khác nhưng bởi chữ “tình” chị Hồng đành gác ngang những suy tư để chăm lo cho phần mộ các liệt sĩ.

Nói rồi chị đưa tay vẫy một “đồng nghiệp” đã luống tuổi đến ngồi trò chuyện cho vui. Đưa cặp mắt nhìn quanh, ông Lê Quế nheo mày một lúc rồi bước đến chỗ chúng tôi ngồi. Giọng ông từ tốn: “Năm nào ở đây cũng có người thân đến tìm mộ liệt sĩ, họ còn nhờ các nhà ngoại cảm đến tìm giúp. Chẳng biết có tìm đúng hay không mà tôi thấy nhiều người khóc bên phần mộ liệt sĩ vô danh…”. Nói đoạn, ông Quế đưa tay chống lấy vầng trán đầy nếp nhăn bởi thời gian. Ít phút sau, ông trải lòng mình bằng những câu chuyện cảm động nơi nghĩa trang lạnh lẽo này. Đó là những người phương xa, sau bao năm cất công cũng đã tìm được mộ của người thân. Và đến khi các anh được về lại quê nhà, được gần gũi người thân và thuận tiện thăm viếng thì các nhân viên ở đây mới nhẹ lòng. Hạnh phúc, niềm động viên của họ là những lá thư tay, những cuộc điện thoại từ xa đến cảm ơn và báo tin đã lo tươm tất mọi chuyện cho các anh…

Chiều dần tắt nắng, những nhân viên ở nghĩa trang liệt sĩ vẫn chưa kết thúc ngày làm việc của mình. Năm hết, Tết đến, họ lại đầu tắt mặt tối với công việc tân trang các phần mộ cho các liệt sĩ để đón các đoàn người đến viếng các anh vào ngày đầu Xuân…

Tùng Minh

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều