Báo Đồng Nai điện tử
En

Múa lân vào mùa làm ăn

11:01, 19/01/2012

Múa lân ngày đầu năm không chỉ là vui Xuân, mà còn mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm ăn nên làm ra. Có lẽ vì thế mà đến Tết, những tiếng “chập chã, tùng tùng tùng… xèng” lại vang lên khắp nơi.

Múa lân ngày đầu năm không chỉ là vui Xuân, mà còn mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm ăn nên làm ra. Có lẽ vì thế mà đến Tết, những tiếng “chập chã, tùng tùng tùng… xèng” lại vang lên khắp nơi.

* Mùa “đẹp” đã về

Cũng giống như bao công việc thời vụ khác, múa lân (sư, rồng) trở nên “đắt” khách hơn trong mùa khai Tứ quý - Ngũ phúc. Tại TP.Biên Hòa, dịp cận Tết, các võ đường lân - sư - rồng (LSR) lại tất bật, khẩn trương với nhiều tiết mục phục vụ Xuân Nhâm Thìn... Các đội Tam Hòa Đường (Cù lao Phố); Hòa Anh Đường, Vy Anh Đường (chợ Biên Hòa); An Hòa Đường (xã An Hòa, TP.Biên Hòa); Trung Nghĩa Đường (huyện Vĩnh Cửu)… từ lâu đã trở thành cái tên rất quen thuộc với nhiều người nhờ những tiết mục múa võ thuật LSR đặc sắc.

Người Việt quan niệm năm Thìn được rước rồng chắc chắn tiền tài rủng rỉnh.
Người Việt quan niệm năm Thìn được rước rồng chắc chắn tiền tài rủng rỉnh.

Tập quanh năm nhưng những sô diễn LSR nhiều nhất chỉ tập trung trong mấy ngày Tết. Thông thường, nhộn nhịp nhất vẫn là thời điểm từ ngày Tết ông Công, ông Táo kéo dài đến tận rằm tháng Giêng. Dù đoàn lớn hay nhỏ, chuyên nghiệp hay nghiệp dư những ngày này đều kín lịch. Anh Hồng Kế An, chủ võ đường Vy Anh, cho biết: “Vào những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới đoàn chạy sô không kịp bởi hợp đồng nhiều, số lượng LSR ít, nên không đủ đáp ứng nhu cầu”. Tính tới thời điểm này, đoàn lân sư của anh An đã có hơn 10 “sô” biểu diễn. Các ngày mùng 1 và mùng 2 còn rất nhiều “sô” nhưng anh chưa dám nhận vì lo chạy không kịp.

Đặc trưng nghiệp múa lân là những cái Tết làm việc cật lực, lưu diễn khắp nơi. Quây quần gia đình, ăn bữa cơm chung thì mọi người tự sắp xếp thời gian phù hợp, nhưng không được trùng vào ngày Tết. Muốn có được nhiều “đất diễn” thì các đoàn phải có khả năng giao lưu rộng, không ngừng học hỏi, tìm những bài diễn mới và sắm thêm các đồ nghề. Một quy luật bất thành văn của những người trong nghề múa LSR là phải ưu tiên diễn cho khách quen trước rồi mới diễn cho khách mới. Cao điểm ngày Tết, đoàn diễn từ đêm giao thừa, nghỉ ngơi chút lại lên xe bắt đầu diễn 4, 5 “sô” ngày mùng 1 . Gần hết Tết là bắt đầu đi tỉnh, diễn các lễ hội lớn, lễ khai trương.

Không khí tập luyện tại võ đường Bửu Hưng của ông Phạm Văn Tính (52 tuổi) trong những ngày này thật nhộn nhịp, rộn ràng. Ông Tính hồ hởi: “Năm nào cũng vậy, cứ mùng 1 và mùng 2 Tết là anh em chúng tôi đầu tắt mặt tối. Chỉ tính riêng 2 ngày đầu năm, cả đoàn phải đi diễn mười mấy “sô”. Đoàn của ông Tính có gần 40 thành viên, khởi nghiệp cách đây hơn 20 năm. Với 12 con lân, 2 rồng và 2 sư tử, ông đã “tung hoành” khắp đó đây. Ban đầu ông lập ra võ đường chỉ để tập luyện võ nghệ, nhưng vì những giá trị tinh thần lớn lao của nó đã khiến ông theo nghiệp lúc nào chẳng hay.

Tại đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), chúng tôi đã nghe được tiếng “tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...” - âm điệu giao hòa của trống, thanh la… một “đội quân” hơn 50 người, già trẻ, lớn nhỏ đều có đủ. Hơn 30 năm tham gia biểu diễn cho đoàn Vy Anh Đường, đến bây giờ khi sắp bước qua tuổi ngũ tuần nhưng ông Đặng Văn Phương vẫn hăng say như những ngày đầu. “Mình mất ăn mất ngủ, sẵn sàng bỏ vợ ở nhà để theo đoàn. Tết đến, chúng tôi không có thời gian để nghỉ, ăn vội miếng cơm rồi cùng hòa vào dòng người hối hả” - vừa diễn tả hành động cho đám trẻ, ông Phương vừa tâm sự.

* Rồng cuộn, lân khai tứ quý - ngũ phúc

Chợ Biên Hòa và phường Bửu Long là những khu vực có nhiều võ đường chuyên về dịch vụ này nhất. Những chiếc đầu lân, mình rồng, đầu ông Địa và cả phục trang với màu sắc đỏ, hồng, vàng luôn rộn vang dọc theo các tuyến phố khi Tết đến, Xuân về.

Nhiều chủ đoàn giải thích, dịch vụ này đang ngày một phát triển và lớn mạnh không chỉ vì niềm tin tín ngưỡng vào các linh vật như rồng, lân, sư đem lại phúc-tài-lộc-thọ, mà còn vì nhu cầu thưởng thức những màn võ thuật đẹp mắt. Theo quan niệm của người Việt, năm rồng rất tốt cho làm ăn, cầu sức khỏe và sinh con nên múa lân, đặc biệt múa rồng sẽ có một mùa bận rộn. Hiện nay, giá dịch vụ múa LSR cũng rất đa dạng. Nếu biểu diễn ngay tại thành phố giá trung bình 3-5 triệu đồng. Nếu đi biểu diễn ngoại tỉnh giá sẽ cao hơn nhiều, vì tiền đi lại, sinh hoạt cho cả một “đội quân”. Thậm chí, có những đội lân không chuyên đến từng nhà múa góp vui đầu năm, chỉ lấy vài chục ngàn đồng nhưng đã đem lại tiếng cười và niềm vui cho nhiều khu phố nhỏ.

Đoàn trống lân khiến không khí ngày Tết thêm nhộn nhịp, đồng vui.
Đoàn trống lân khiến không khí ngày Tết thêm nhộn nhịp, đồng vui.

Sự hấp dẫn của nghệ thuật múa LSR hiện đã chinh phục được nhiều người Việt. Chủ đoàn Hòa Anh đường - anh Nguyễn Phương Thanh cắt nghĩa: “Tôi không biết nhiều về 3 con vật lân - sư - rồng. Nhưng từ khi nhìn thấy sự mạnh mẽ, uy phong của chúng ở trong từng bài múa đã khiến tôi tin rằng đầu năm rước rồng” và “lân” về nhà thì cả năm sẽ mua may bán đắt, phúc-tài dồi dào”. Theo anh Thanh, khi tiếng trống múa lân rộn ràng vang lên sẽ mở đầu một năm mới tốt đẹp và mang lại sự an khang, thịnh vượng.

Dân trong nghề quan niệm, múa LSR không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê mà chủ yếu là mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm làm gì được nấy. Biểu tượng con rồng cuộn kéo tiền tài, phúc lộc vào gia chủ. Tuy nhiên, người sành sỏi, hiểu biết nhiều về võ thuật thường đặt riêng các màn trình diễn mà mình yêu thích chứ không để đội lân tự ý múa. Theo kinh nghiệm của nhiều đội lân chuyên nghiệp, những màn trình diễn được khách hàng ưa chuộng nhất là đồng tử hỷ song sư, mai hoa thung...

Ông Phạm Văn Tính cho biết, tất cả các bài tập mới, cũ đều đã tập dượt kỹ lưỡng, chỉ cần chờ tiếng trống khai hội nữa mà thôi. “Trong nghệ thuật múa lân, múa theo kiểu mai hoa thung, leo sào là khó nhất, vì không tìm đâu ra người múa. Trong 100 người chỉ chọn ra chừng 2 người thôi, họ phải có sức khỏe dẻo dai, bản lĩnh và tính kiên trì. Năm Nhâm Thìn này, đoàn Bửu Hưng không chỉ trổ hết tài nghệ cho múa lân, diễn võ thuật mà còn phô diễn nhiều thế khác nhau của múa rồng”.

Mỗi độ Xuân về, nghe tiếng trống thùng thùng, tiếng thanh la xập xình, cái cảnh con lân múa may, uốn lượn, cái cảnh ông Địa cầm quạt vỗ phì phạch vào cái bụng to đùng khiến lũ trẻ con cười nắc nẻ, làm người lớn nghĩ về những năm tháng thanh bình, no ấm vừa qua và đang tới.

Võ Nguyên

 

Tin xem nhiều