Báo Đồng Nai điện tử
En

Lên đời cho “ngựa sắt”

08:01, 09/01/2012

Thỉnh thoảng, người dân đi trên đường phố Biên Hòa phải một phen hết hồn khi chứng kiến những chiếc xe máy vừa chạy qua với tốc độ cao, vừa nẹt pô ầm ĩ. Phần lớn những con “ngựa sắt” này được chủ nhân của nó lên đời bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa bên trong những hiểm họa khó lường...

Thỉnh thoảng, người dân đi trên đường phố Biên Hòa phải một phen hết hồn khi chứng kiến những chiếc xe máy vừa chạy qua với tốc độ cao, vừa nẹt pô ầm ĩ. Phần lớn những con “ngựa sắt” này được chủ nhân của nó lên đời bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa bên trong những hiểm họa khó lường...

Bỏ ra từ 4-10 triệu đồng để chứng tỏ đẳng cấp ăn chơi là điều không khó đối với một số “quái xế”, khi mà những lúc “đi bão” hay đua xe thì hơn nhau một giây cũng trở thành “kẻ nổi tiếng” và kiếm bộn tiền.

* “Đôn dên, xoáy nòng”

Chở chúng tôi lượn một vòng với tốc độ gần 100km/h, lúc dừng xe lại, Hưng hất hàm hỏi: “Thế nào? Xe mới tút lại thấy được không?”. Hưng là một trong những tay chơi có tiếng trong giới đua xe ở Biên Hòa. Những đợt “đi bão” ở TP.Hồ Chí Minh hay Biên Hòa đều có sự góp mặt của Hưng. Cách đây hai ngày, Hưng vừa mang chiếc xe Wave từ một tiệm sửa xe về, mà thực chất đây là một “lò” chuyên “độ” xe. Thấy chúng tôi chỉ gật đầu, Hưng nói tiếp: “Nhiêu đây hết 5 chai (5 triệu đồng), riêng cái nòng (piston và xilanh) đôn lên cũng hơn 1 chai rồi. Giờ chạy không tốp đầu cũng không phải hít khói mấy thằng khác”.

Chiếc xe Dream này chuẩn bị được “lên đời”.
Chiếc xe Dream này chuẩn bị được “lên đời”.

Hầu hết những người muốn tham gia “đi bão”, hay muốn xe mình chạy thật nhanh và mạnh đều phải ít nhất một lần làm lại máy (tức là thay piston từ loại nhỏ lên loại lớn hơn) và một số phụ tùng khác để máy chạy bốc, mạnh và có khả năng tăng tốc trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tuy vậy, Hưng cũng cho biết, phải “chỉnh” lại máy từ 2-3 lần xe đi mới bốc và có thể tự tin khi tham gia “bão”. “Những tên đi đua thì “ngựa” của nó còn chiến hơn thế này nhiều. Mà để được như vậy ít nhất phải tốn 15-20 chai. Còn xe như bọn này chỉ đi cho đổi không khí thôi, chứ đâu dám đưa xe ra đua” - Hưng nói.

Với Hưng, để lên đời cho xe không khó. Ngồi nói chuyện chừng nửa tiếng, Hưng đã kể ra được hàng loạt “lò” chuyên đáp ứng yêu cầu của dân chơi xe. Mỗi người có một nơi để thường xuyên lui tới kiểm tra, thay mới phụ tùng cho xe. Tùy vào từng “lò” mà họ sẽ chuyên về tay ga hay xe số, bởi mỗi “lò” có một thế mạnh riêng.

Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn lên đời cho chiếc xe  của mình, Hưng dẫn chúng tôi đến một tiệm sửa xe nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Chủ tiệm này tên T. “6 ngón”. Thấy có người quen giới thiệu, T. “6 ngón” không khách sáo mà đi thẳng vào vấn đề: “Chiếc Dream này đầu cũ rồi, chạy với tụi nó chắc chắn không kịp được. Phải làm lại trái (piston), đảm bảo chạy trên 100 (km/h)”. Cụ thể, với chiếc xe của chúng tôi, T. sẽ thay piston cỡ thường (100cm3) bằng cỡ 110cm3. Với những khâu như vậy, T. chốt giá 1 triệu đồng, một ngày sau đến nhận xe.

Thấy chúng tôi có vẻ không ưng ý với tốc độ 100km/h, T. gợi ý thêm: “Nếu anh muốn làm mạnh lên 130-140 (km/h) tụi này cũng nhận, nhưng giá cao hơn. 5 triệu đồng, 4 ngày sau lại lấy”. Lần này, theo T. thì sẽ cần phải làm lại nhiều bộ phận cho xe, ngoài đôn piston còn phải xoáy lớn xilanh, thay dên, IC Nhật, cam của xe. Riêng dên của xe sẽ được thay từ 3,5 ly lên 7 ly. Tất cả các bộ phận xe đều được thay bằng những loại có kích thước lớn hơn nên phải tốn tiền và công sức hơn. “Nếu độ lên tốc độ 140km/h thì phải hạ máy xuống làm hết nên không thể nhanh được. Chỗ tui làm ăn uy tín nên không có vụ đang chạy mà đứng máy đâu” - T. nói.

Bên cạnh xe số, những chiếc xe tay ga hiện đang trở thành mốt chơi xe của dân “đi bão”, bởi dễ “độ” và đạt được tốc độ kinh hoàng. Tiệm xe máy của ông Trí (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hố Nai) nhìn bên ngoài trông không khác gì các tiệm sửa xe bình thường. Tuy nhiên, đây là nơi lên đời cho những chiếc tay ga “độ” như: SH, Dylan, @, Mio.. của dân “đi bão”. Lúc chúng tôi đến, ông này hẹn hai ngày nữa mang xe tới, vì ông đang làm gấp một chiếc Mio cho dân “đi bão”. Khi chúng tôi hỏi giá cả, ông Trí cho biết: “Hiện hàng đang hiếm nên mấy đồ thay cũng hơi nhỉnh một tý. Piston này thay bằng cỡ 130cm3 nên giá cao hơn loại xe số, nhưng được cái chạy nước rút thì Hugo (Cảnh sát giao thông) đuổi không kịp”. Nói đoạn, ông này lấy cuốn sổ đã ghi những chi tiết cần thay rồi chốt giá với chúng tôi 15 triệu đồng. “Nếu muốn làm nhiều thì ở chỗ này nhận hết, sẽ có giảm giá nếu giới thiệu thêm người khác tới làm” - ông Trí gợi ý.

* Móc, gắn pô “khủng”

Không chỉ thay đổi phụ tùng bên trong xe, nhiều tay “đi bão” còn chú ý đến tiếng nổ của pô và kiểu dáng bên ngoài sao cho thật bắt mắt, độc và điều quan trọng là làm sao cho xe chạy nhanh nhất. Và các yêu cầu này của dân “đi bão” đều được nhiều tiệm sửa xe đáp ứng từng chi tiết một.

Tại cửa hàng sửa xe máy của ông Nam (đường Bùi Văn Hòa, phường Long Bình), mỗi chiếc pô đem tới chỗ này móc lỗ lớn hơn có giá 170 ngàn đồng. Đây là điểm chuyên móc pô cho dân “độ” xe để làm sao chúng nổ thật to, giòn và độc. “Chỗ này làm ăn lâu năm, khách làm một lần thì lần sau tới nữa. Không ưng ý thì sẽ sửa lại đến khi nào nghe thật “đã tai” thì thôi” - ông Nam nói.

Xe được rã máy làm lại phần lớn các chi tiết để tăng tốc độ.
Xe được rã máy làm lại phần lớn các chi tiết để tăng tốc độ.

Nói đoạn ông Nam lấy cho chúng tôi xem một chiếc pô xe Dream vừa làm xong và giới thiệu: “Cái của anh tôi làm cũng giống kiểu này. Nổ đảm bảo không dữ không ăn tiền. Còn muốn pô độc, tiếng nổ không đụng hàng thì phải thêm tiền”. Chúng tôi muốn được nhìn thấy cái pô nào độc nhất của ông thì ông bảo cái đó vừa mới bán cho người đi chiếc Suzuki Sport với giá 500USD. Sau đó, ông Nam vào trong nhà mang ra một chiếc pô có hình thù lạ rồi nói: “Cái này cũng độc không kém, của bên Thái nhập về. Sài Gòn chưa chắc có đâu. Giá 200USD, không bớt”.

Khi chúng tôi đang hỏi chuyện với ông Nam thì một thanh niên đến hỏi mua chiếc pô hiệu Forus hàng Malaysia với giá 1,2 triệu đồng. Sau chừng nửa tiếng tháo và gắn pô mới vào, ông Nam đích thân thử pô cho khách. Tiếng nổ chát chúa đến nhức óc làm cho vị khách vui vẻ trả tiền và bán rẻ cho ông Nam cái pô cũ trước khi vọt xe đi.

Để xe chạy nhanh, phần lớn dân “quái xế” đều tháo bớt bửng, dè cản nước của xe. Nhiều người còn “độ” lại phần vỏ bên ngoài để xe gọn hơn, nhẹ hơn, để mong chiến thắng trong các cuộc đua. Dân trong nghề gọi công đoạn này là “thay áo”. Công việc này không quá phức tạp, chỉ cần tháo hết phần nhựa che bên ngoài coi như xong. Tuy nhiên, nhiều tay “đi bão” muốn nổi trội phải làm cho chiếc xe của mình độc đáo nhất. Nhiều người đã sơn nguyên phần sườn sắt phía trước thành màu đen, xanh hoặc dán decal cho bắt mắt. Mỗi lần “thay áo xe” như vậy chủ xe tốn không dưới 1 triệu đồng.

Minh Trung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích