Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời... chiếu dạo

09:01, 10/01/2012

Dường như mọi ngõ ngách của phố phường, làng quê đều đọng lại những tiếng rao “Chiếu đây! Chiếu đây! Ai mua chiếu không!...”. Người bán chiếu dạo đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số là đàn ông, người đi xe đạp, người đẩy chiếc xe sắt, cứ thế mà đi. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thương cho đời người lam lũ trong cuộc mưu sinh; thương cho cái nghề dệt chiếu truyền thống của cha ông ngày càng mai một.

Dường như mọi ngõ ngách của phố phường, làng quê đều đọng lại những tiếng rao “Chiếu đây! Chiếu đây! Ai mua chiếu không!...”. Người bán chiếu dạo đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số là đàn ông, người đi xe đạp, người đẩy chiếc xe sắt, cứ thế mà đi. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thương cho đời người lam lũ trong cuộc mưu sinh; thương cho cái nghề dệt chiếu truyền thống của cha ông ngày càng mai một.

Mỗi vòng xe của họ là sự mong mỏi, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại… và hành trình mưu sinh của họ ẩn chứa những buồn tủi như chính sự long đong, vất vả của cái nghề bán chiếu dạo.

* Những tiếng rao dài như… cổ tích

4 giờ sáng, những người bán chiếu dạo ở xóm trọ phường Long Bình (gần công viên Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã bắt đầu một ngày mưu sinh mới. Hành trang cho một ngày bán dạo là cơm, nước, là 8-9 đôi chiếu được bó buộc chắc chắn trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Họ đạp xe chầm chậm dọc khắp các ngả đường của thành phố, đến các miền quê. Hễ ai có nhu cầu mua chiếu thì lên tiếng gọi họ sẽ dừng lại bán. Mỗi cuốc xe là đoạn đường dài từ 20-30 cây số, nên nghề bán chiếu dạo vốn chỉ có cánh đàn ông, họa hoằn lắm mới thấy bóng dáng phụ nữ làm. Họ chỉ kết thúc một ngày buôn bán tùy vào sức khỏe của người đó có đạp xe được tiếp tục không và chiếu còn hay hết. Họ trở về nhà sớm hay muộn không cố định.

Thu nhập từ việc bán chiếu dạo trở nên khó khăn hơn bởi thói quen nằm chiếu không còn nhiều như trước.
Thu nhập từ việc bán chiếu dạo trở nên khó khăn hơn bởi thói quen nằm chiếu không còn nhiều như trước.

Người bán chiếu trước kia vác hàng trên đầu hoặc xỏ chiếc đòn gánh gánh kẽo kẹt trên vai. Nay thì hầu hết chở bằng xe đạp, một ít chạy xe gắn máy hay đẩy chiếc xe 3 bánh. Anh Trần Văn Nhất (34 tuổi, quê Thái Bình) tâm sự: “Nhà tôi nghèo quá nên không có tiền sắm xe máy. Nhưng nếu tôi có xe máy thì tôi sẽ chạy xe ôm, hoặc làm nghề khác để sống chứ không đi bán chiếu bằng xe máy. Bởi, một ngày đi bán chiếu dạo may lắm cũng kiếm không quá 60 ngàn đồng, chưa đủ tiền đổ xăng chứ đừng nói để sống”.

Cách đây 5-10 năm, người đi bán chiếu dạo còn nhiều lắm, chứ không ít như bây giờ. Thời buổi này người ta nằm nệm, chiếu trúc, chiếu nhựa chứ ít ai còn dùng chiếu làm bằng cói hay lát, người ta mua về chẳng qua là những người ít tiền dùng để cúng kiếng hay ngồi tiếp khách nói chuyện thôi...

Tiếng chị Thủy (48 tuổi, quê ở Cà Mau) vẫn lanh lảnh bên tai, lo sợ chiếu trúc Trung Quốc vừa rẻ vừa mát; nệm cao su vừa bền lại êm. Chị vừa dỡ chiếu vừa kể chuyện: “Tôi lên đây “đi ở” từ lúc 13 tuổi, đến nay thì chuyển sang bán chiếu”.

Phía xa, người đàn ông trạc 40 tuổi đứng nép dưới bóng mát bên hàng ba vệ đường, dốc chai nước uống vài ngụm rồi lấy thuốc lá mồi lửa phì phà thả khói bay. Anh tên Lê Văn Sơn, người Quảng Nam, đang nghỉ chân xả hơi có vẻ nhọc nhằn. Nhìn lên xe chiếu vẫn còn nguyên, anh chán ngán: “Chiếu khoảng 1m6 thì bán từ 100-150 ngàn đồng, loại trắng không màu chỉ cỡ 60 ngàn đồng một chiếu thôi. Loại đặt thì 1m2, 1m7, 1m8 cỡ 250 ngàn đồng mỗi chiếc. Nhưng sáng giờ không “đẩy” được tấm nào, trưa nay lại nhịn cơm, ăn mì gói rồi đây”.

Dịp cuối năm, một vài gia đình còn giữ thói quen dùng chiếu, ai cũng muốn có tấm chiếu mới để chưng diện trong 3 ngày Tết. Đây có lẽ là cơ hội để những người bán chiếu dạo kiếm được một khoản tiền kha khá, bù vào lúc ế khách, mưa gió...

* Vừa mưu sinh, vừa giữ nghề

Những người bán chiếu dạo phân chia địa điểm bán thành 3 nhánh: người già, phụ nữ thường tìm đến mọi ngõ ngách của thành phố; đám thanh niên khỏe mạnh đi về các huyện Long Thành, Nhơn Trạch hoặc theo quốc lộ 1A chạy hướng Trảng Bom, Long Khánh, Thống Nhất… Tối về, họ chung nhau nghỉ ngơi ở một gian nhỏ của căn phòng trọ, phần còn lại để xe và mấy bó chiếu được chất đống cẩn thận. Đêm ở phòng trọ, ai cũng trằn trọc không ngủ được. Mùi chăn chiếu lâu ngày không giặt, mùi hàng hóa ế, mùi mồ hôi người nồng nặc, mùi phòng ẩm mốc quyện vào nhau khăm khẳm. Nhưng buồn nhất chính là những lời tâm sự rời rạc trước giấc ngủ của họ.

Các đầu mối chiếu sẽ phân loại, sau đó bán lại cho người bán chiếu dạo.
Các đầu mối chiếu sẽ phân loại, sau đó bán lại cho người bán chiếu dạo.

Ông Vũ Văn Dư (quê ở Ninh Bình) là người có thâm niên bán chiếu hơn 30 năm tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó thấy mảnh đất này khó sống ông chuyển về Đồng Nai tiếp tục cuộc mưu sinh. Ông giãi bày: “Tôi lấy chiếu từ một người họ hàng làm nghề dệt chiếu ở quê rồi đi bán. Lúc trước, người ta chủ yếu dùng chiếu này nên một ngày bán được 5-6 đôi. Thậm chí, người ta còn đặt hàng cho mình lấy loại chiếu dày, nêm chiếu chặt, hoa văn hình gì, màu sắc ra sao…”. Chiếc xe đạp cọc cạch, bên hông có 2 thanh gỗ xếp hình thang dùng để làm “chân chống” cho xe đã cùng ông Dư “tung hoành” khắp chốn ở mảnh đất này. Nó vừa là bạn, vừa là cần câu cơm của ông. Nhiều lúc ông nghĩ, còn người bán thì cái nghề dệt chiếu ở quê ông mới còn người làm. Đây là nghề truyền thống của người xưa, nếu không cố mà giữ thì chỉ vài năm nữa thôi chắc gì còn cái nghề dệt chiếu này để mà nhắc tới. Ông nghẹn ngào: “Nhưng… bây giờ muốn giữ nghề cũng không biết làm cách nào. Bởi, người làm nghề phải sống được với nghề, chứ không ai còn dùng chiếu này nữa, nghề dệt chiếu, nghề bán chiếu còn để làm chi?”.

Trời đổ bóng chiều muộn, trước cổng chợ Long Bình, chàng trai bán chiếu Nguyễn Văn Thất (29 tuổi, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn đang ngồi chờ những vị khách cuối cùng của ngày dài. Thất kể, trong khi bạn bè tìm những công việc ổn định và có thu nhập cao thì Thất tìm đến nghề bán chiếu như một cách để giữ tiếng “thơm” cho sản phẩm chiếu Nga Sơn vốn đã nổi tiếng. “Một ngày may lắm mới bán được khoảng 3-4 đôi, còn bình thường thì chỉ bán được 1-2 chiếc, có ngày lại không bán được chiếc nào nhưng vẫn phải mang theo nhiều kiểu cho người ta lựa chọn. Chẳng lời lãi gì cả, nhiều lúc mình nghĩ, còn người bán thì cái nghề dệt chiếu ở quê mới còn người làm” - Thất chua chát nói.

Những người bán chiếu dạo lấy hàng từ những người quen biết để bán, đó có thể là những người đồng hương từ miền Bắc, miền Trung hoặc từ miền Tây. Chiếu có nguồn gốc từ nhiều nơi, mỗi loại chiếu có một nét độc đáo khác nhau. Sau khi bán hết hàng cũ, họ sẽ điện về quê nhờ người nhà gửi vào theo xe khách Bắc - Nam, nên những nét đẹp vùng miền của quê hương mình được họ giới thiệu đến những người mua, nơi bán.

Tấm chiếu không chỉ là một vật dụng, mà đối với nhiều người còn là người bạn chung thủy, là kỷ niệm của ngày cưới trọng đại. Vì vậy, bán chiếu dạo dù lắm vất vả, lận đận nhưng họ vẫn tìm thấy được niềm vui “giấu kín” ở trong sợi cói, màu sơn, nét vẽ. Bởi thế mà rất nhiều người như ông Dư, anh Nhất, chị Thủy nuôi sống cả gia đình nhờ nghề này và không chỉ có thế, với họ, bán chiếu dạo còn như một cách để gìn giữ nghề truyền thống cha ông đã truyền lại.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều