Đã từ lâu, bán hàng rong trên các đường phố ở TP.Biên Hòa đã trở thành nghề kiếm sống của nhiều người dân nghèo tỉnh lẻ. Có những người đã gắn bó cả cuộc đời với hè phố để tồn tại. Có những cậu bé chưa hết tuổi ham chơi, ham học đã “lăn” vào kiếm tiền… Họ đến đây từ khắp mọi nơi, mọi độ tuổi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng hết thảy đều có chung một mục đích, đó là mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
Lúc trời còn sớm bà Hà “Lội” mượn ánh đèn của cửa hàng bán điện thoại gần đó làm nơi mưu sinh, đến khuya tay xách nách mang quay về chốn cũ. |
Đã từ lâu, bán hàng rong trên các đường phố ở TP.Biên Hòa đã trở thành nghề kiếm sống của nhiều người dân nghèo tỉnh lẻ. Có những người đã gắn bó cả cuộc đời với hè phố để tồn tại. Có những cậu bé chưa hết tuổi ham chơi, ham học đã “lăn” vào kiếm tiền… Họ đến đây từ khắp mọi nơi, mọi độ tuổi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng hết thảy đều có chung một mục đích, đó là mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
* Phiên chợ của những thân phận
Những ngày cuối năm, thời tiết về đêm bỗng chuyển lạnh, trên vỉa hè nhiều lao động nghèo vẫn đang miệt mài mưu sinh. Những giọt mồ hôi lăn nhẹ trên trán, họ chỉ lấy tay vẩy thật nhanh rồi hòa vào không khí mua bán hối hả. Chọn một góc nhỏ của con đường Cách mạng tháng Tám, anh Vương Văn Trí (quê ở tỉnh Thanh Hóa) chờ đợi những vị khách vãng lai mua cho mình mấy lon đậu phộng. Ở quê, cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông vào 3 sào ruộng, vợ anh mắc bạo bệnh, đau yếu triền miên. Thằng con lớn của anh Trí cứ đòi bố cho nghỉ học vào Nam làm việc phụ giúp gia đình nhưng anh không cho. Ba năm trước, một mình anh khăn gói vào Biên Hòa làm thuê, ban ngày kéo xe chở hàng ở các chợ lớn, ban đêm tranh thủ bán thúng đậu phộng kiếm thêm chút tiền. “Cả ngày kéo xe rong ruổi, chẳng ai thuê, giờ chỉ biết trông vào thúng đậu phộng này!” - anh Trí than thở.
Trong bộ quần áo nhàu nát, mái tóc bù xù, thằng cu Lì xứ Nghệ vẫn liên tục mời hàng. Xa quê vào đây đã gần 3 năm, bắt đầu tìm đường mưu sinh là xách hàng, rửa bát, rao mì gõ. Những lúc bí quá, Lì cũng ăn cắp vặt. Bị đánh nhiều hóa ra lì đòn, từ đó nhận luôn biệt danh. Sau một thời gian, em được người quen cho đi theo phụ việc bán quần áo ở vỉa hè đường Bùi Văn Hòa. Dáng điệu nhanh nhẹn cùng cái miệng nói dẻo như kẹo kéo khiến hàng quần áo của em luôn tấp nập người mua. Sau phút giây lọt thỏm giữa đống áo quần, em mới ngước mặt lên buông giọng ráo hoảnh với chúng tôi: “Dù bán quần áo nhưng em chẳng có bộ nào đẹp cả, tiết kiệm hết sức để Tết này về nhà”. So với ngày trước, ít ra bây giờ em đã có một công việc đàng hoàng. Đối với người khác, đó là chuyện tầm phào vì cái nghề ấy có gì là “vinh quang”, nhưng với em thì đó là cả “một vấn đề lớn”.
Càng về khuya, làn sương mỗi lúc một dày hơn, như muốn trùm kín những ngọn đèn cao áp. Gió. Sương đêm lạnh. Song, dường như cái khắc nghiệt của thời tiết cũng chẳng thể khiến người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn. Đến 0 giờ, phía phải cổng vào khu công nghiệp Biên Hòa 2, một vài quán cóc với ánh đèn neon vẫn bật sáng trưng.
Như thường lệ, cứ vào giờ này, bà Hà “Lội” (57 tuổi) lại dọn hàng ra ngồi đợi giờ tan ca đêm của công nhân. Thấy khách vào, bà Hà choàng tỉnh cơn ngủ gật. Bà kể: “Sở dĩ mọi người gọi tôi là Hà “Lội” vì tôi tên Hà, quê ở ngoài Bắc nên họ ghép thành Hà Nội và nói “nhại” đi đấy. Tôi chỉ có 2 đứa con, nhưng chúng đều có hoàn cảnh khó khăn. Không nỡ ăn bám con cái, tôi bắt xe vào đây, bán vài thứ lặt vặt kiếm tiền sống qua ngày”. Ban ngày bà nghỉ ở nhà trọ, đêm xuống vạ vật ở đây với mẹt hàng trứng vịt lộn, trứng gà… bán cho mấy cô cậu công nhân làm ca. Cuộc sống của bà “lệch múi giờ” với mọi người. Ngồi bệt xuống đất lau mồ hôi, gương mặt bà hằn nếp nhăn vất vả, bàn tay hiện lên những vết sẹo ngang dọc.
* Vỉa hè thành nhà
Về đêm, vỉa hè vẫn là lựa chọn của nhiều người, như: xích lô, xe ôm, người bán vé số, bán hàng rong... Trong lúc nhiều người yên giấc trong căn phòng ấm áp, thì trên một số vỉa hè, những bác xích lô nằm chông chênh, co quắp người trong chiếc chăn mỏng manh ngủ ngay trên xe. Thay vì hàng tháng phải bỏ ra một số tiền để thuê phòng trọ, họ chọn ngủ vỉa hè để có thêm khoản dành dụm gửi về quê cho vợ con; đồng thời để tranh thủ kiếm thêm việc trong đêm bằng việc ngủ ở các vỉa hè gần những chợ lớn.
Lại một đêm ế khách của quán hủ tiếu, bắp luộc. |
Ông Nguyễn Văn Ất (51 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang), người chạy xe xích lô chở hàng cho mấy chợ lẻ ở Biên Hòa đã kể chuyện mình khi mới chân ướt chân ráo vào đây mưu sinh cho đến bây giờ đã trở thành người gác đêm thân thuộc. Rồi vào mùa gió lạnh, mưa tầm tã với tấm bạt che ngang, cả đêm ông không tài nào chợp mắt. Khi đau ốm, vẫn chiếc xe ấy, vỉa hè ấy trở thành nơi dưỡng bệnh bất đắc dĩ. Đang chuẩn bị buông màn đi ngủ sau ngày dài lao động vất vả, ông bỗng khựng lại vì dáng người từ phía xa. “Ai ? Đêm khuya như vầy mà còn lọ mọ làm gì?” Trong bóng tối, cậu bé chừng 12 tuổi lên tiếng: “Dạ, thằng Tò đây mà bố”. Thế là đêm nay, ông Ất lại có thêm một người bạn nữa để hàn huyên, tâm sự. Mấy năm trước, Tò là đứa trẻ bụi đời chuyên ăn cắp vặt, được ông chỉ bảo, khuyên răn, cho mấy chục ngàn đồng bạc để làm vốn bán vé số dạo nuôi thân. Hễ hôm nào hết vé là nó lại tạt ngang chỗ ông Ất xin ngủ ké và nhờ giữ giùm tiền lời.
Khi tôi giơ máy ảnh lên định chụp hai ông cháu thì Tò phất tay cản lại. “Có đẹp đẽ, vui vẻ gì đâu mà chụp! Đây, xin tả bức chân dung của cháu này: mỗi ngày nhận 50 số (vé số), sáng chạy lòng vòng khắp các ngả đường của công viên Tam Hiệp, chiều cuốc bộ sang tận chợ Biên Hòa, tối về ngả lưng đâu chả được. Tiền có bố Ất giữ hộ rồi nên chẳng lo”. Nói xong, thằng bé đánh một giấc ngon lành, nhìn sang bên cạnh ông Ất cũng bắt đầu màn “kéo gỗ” như thường lệ.
Vỉa hè đêm đúng là phiên chợ của những thân phận. Hạnh phúc ở đó và đắng cay cũng ngay cạnh đó. Thức cả đêm để chờ khách nhưng khi họ đến cũng chỉ vài ba người. Có khi tiền bán hàng không đủ để mua thuốc điều trị bệnh một ngày. “Từ tối đến giờ, nồi hủ tiếu vẫn còn nguyên, quá nửa đêm mà vốn với lãi chỉ vỏn vẹn có ngần này” - lời thủ thỉ đượm buồn của người đàn bà bán hủ tiếu đêm nghe thật xót xa. Cạnh đó, cô bé Trần Thị Dung (quê ở tỉnh Đắk Lắk) vừa ngủ gà gật, vừa lật cuốn sách toán lớp 6 dưới ánh đèn mờ. “Năm nay em 18 tuổi mà mới chỉ học hết lớp 5. Mơ ước của em là trở thành cô giáo”. Đang học giữa chừng, Dung buộc phải nghỉ để theo người quen đến TP. Biên Hòa kiếm sống. Sáu năm xa nhà, chưa một ngày cô bé từ bỏ ước mơ tìm lại con chữ. Giờ đây, khi đã lớn và kinh tế gia đình bớt khó khăn, Dung quyết định sẽ đi làm công nhân, buổi đêm tham gia lớp bổ túc văn hóa.
Những mảnh đời mưu sinh trong đêm mà tôi đã gặp, mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả lại có chung một mục đích: mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
Võ Nguyên