Cuối năm, trong khi các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tất bật sản xuất để hoàn thành cho kịp những đơn hàng Tết, thì tại các cơ sở chạm khắc tượng đá ở làng nghề Bửu Long (TP.Biên Hòa) vẫn vắng bóng tiếng đục, mài lẻng xẻng. Đằng sau những bức tượng đá trơn tru, đầy tính nghệ thuật ấy là tiếng thở dài trầm buồn của những nghệ nhân làng đá. Trong tâm can, họ vẫn muốn trở lại với cái nghiệp mà cha ông đã dựng xây từ hàng trăm năm qua.
Cuối năm, trong khi các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tất bật sản xuất để hoàn thành cho kịp những đơn hàng Tết, thì tại các cơ sở chạm khắc tượng đá ở làng nghề Bửu Long (TP.Biên Hòa) vẫn vắng bóng tiếng đục, mài lẻng xẻng. Đằng sau những bức tượng đá trơn tru, đầy tính nghệ thuật ấy là tiếng thở dài trầm buồn của những nghệ nhân làng đá. Trong tâm can, họ vẫn muốn trở lại với cái nghiệp mà cha ông đã dựng xây từ hàng trăm năm qua.
Khi làng nghề không còn “giữ” được chân các nghệ nhân thì gánh nặng cơm áo buộc họ phải phiêu bạt khắp nơi để mưu sinh. Phần lớn những người thợ đá Bửu Long đều đã chuyển sang làm những nghề khác, như: phụ hồ, làm thuê... Một số khác, trước đây từng sở hữu hàng chục tượng đá có giá trị bạc tỷ, đã chọn cho mình một hướng đi tạm thời: phiêu bạt với nghề tạc đá thuê.
* Gian nan tìm kế sinh nhai
Trong cái nắng chiều, mồ hôi chảy nhễ nhại, thấm ướt bộ quần áo nhưng anh Dân cùng 3 thợ đá khác vẫn cặm cụi đục, đẽo đá “bốp bốp, chát chát chát”. Một làn bụi trắng bay ra từ tiếng kêu “lẹt xẹt” của chiếc máy tiện đá phủ kín khuôn mặt, đầu tóc và cả đôi bàn tay chai sạn của họ. Khối thạch trắng nặng gần 3 tấn được lấy từ núi Non Nước (TP.Đà Nẵng), qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong phút chốc đã có thể nhìn thấy hình dáng. Anh Dân cho biết, chủ nhân của khối đá (ở xã Tam An, huyện Long Thành) yêu cầu chạm khắc thành một bức tượng Phật bà Quan Âm cao 1,2m và thời gian hoàn thành có thể kéo dài 2-3 tháng. “Thực ra công việc vẫn như trước đây, chỉ có cái khác là mình không nhận đá về làm mà phải tự đến nhà khách làm. Mọi chi tiết, hình dạng đều phải nghe theo sự sắp đặt của họ, đôi khi muốn sáng tạo thêm vài chi tiết cũng chẳng thể” - anh Dân ngậm ngùi nói.
Chọn tạc đá thuê để thỏa nỗi nhớ nghề. Ảnh: V.Nguyên
Không riêng gì anh Dân, nhiều nghệ nhân làng đá Bửu Long cũng chọn cách lập thành nhóm (từ 3-4 người) đi làm thuê cho những ai có nhu cầu chơi tượng đá. Mỗi nhóm như thế thường có một người đứng đầu vốn là một nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Bằng cách này, họ có thể kiếm được một khoản tiền kha khá trang trải cuộc sống gia đình, nhưng quan trọng hơn chính là duy trì được “lửa” nghề và lòng đam mê.
Để có tiền cho 2 con ăn học, hàng ngày anh Tân (32 tuổi) vẫn đều đặn đi làm công ăn lương với công việc tạc đá thuê. Nhờ có tay nghề cao nên mỗi ngày anh có thể kiếm được gần 200 ngàn đồng. Sau mỗi công trình, trừ đi các khoản, anh bỏ túi chừng 2 triệu đồng, và số tiền này chỉ đủ để đắp đổi cuộc sống gia đình. “Dư dả thì chẳng có đâu, làm cho đỡ nhớ nghề mà. Chẳng riêng tôi phải tha phương kiếm tiền, người chú họ vốn là một thợ đá tay nghề cao nhưng giờ đã bỏ nghề đá, lên Sài Gòn chạy xe ôm” - anh tâm sự chua chát.
Không may mắn như anh Tân, anh Mười phải chạy khắp các tỉnh thành miền Tây hành nghề. Chỉ một thời gian ngắn anh đã thấy chán ngán: “Tất cả công trình làm từ trước đến giờ chỉ có mình tôi cặm cụi làm cùng với mấy người đi theo phụ đỡ. Mặc dù trong làng cũng có nhiều người làm nghề nhưng hiếm ai chấp nhận nay đây, mai đó đục đẽo đá… Đôi lúc có vị khách ở tận Long An yêu cầu tôi tạc đôi sư tử đá nặng gần 3 tấn, buộc mình phải xa nhà cả mấy tháng. Lúc đầu cũng “máu”, nhưng đi làm xa một mình một phách chán lắm, lần sau nếu có đi thì cũng đi các tỉnh lân cận thôi”.
* Nặng lòng với đá
Người làng đá Bửu Long sinh ra đã nghe đá khóc, đá cười, đá hát, hiểu được lòng dạ đá. Ðá bao bọc, gắn bó, rồi theo năm tháng cũng vì mưu sinh và lòng say mê nghề nghiệp mà con người thổi hồn vào đá. Có rất nhiều người, cũng như chúng tôi, đã từng đứng lặng thật lâu nhìn ngắm người thợ chăm chỉ đục, đẽo, chạm khắc những tượng đá đẹp đến mê hồn. Ðằng sau những sản phẩm kia không biết có bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra và nó đã ngấm vào từng thớ đá.
Những đường nét tinh xảo do nghệ nhân làng đá tạo ra bên tác phẩm vẫn không phai mờ theo thời gian.
Gắn bó với nghề từ 20 năm nay, anh Hùng, chủ một cơ sở đá, bộc bạch: “Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đá, 10 tuổi tôi đã theo cha học nghề, 12 tuổi bắt đầu cầm đục đẽo đá. Nghề đá bắt đầu đeo theo mình từ đó…”. Gia đình anh Hùng ba đời gắn chặt với đá. Ông nội anh cũng là thợ đá giỏi nghề. Rồi đến cha anh, năm nay ngoài 80 nhưng vẫn còn nặng lòng với đá. Xòe đôi bàn tay chai sần, anh Hùng cho biết đã bao lần bị bầm tay, chảy máu vì đá. Nhiều lần, thấy khổ quá, anh tính bỏ nghề nhưng cái nghiệp gắn với đá nên không dứt được. Theo lời anh, nhiều gia đình làm nghề đá không cho con cái theo cái nghề này nữa, vì họ quan niệm nghề đá cũng giống như cục đá, bị người ta chặt chém, đục, đẽo mòn đi, chẳng khá lên được.
Bao đời nay, để có nguồn nguyên liệu, người dân sử dụng đá xanh ở khu vực núi Bửu Long. Từ khi danh thắng hồ Long Ẩn (thuộc khu du lịch Bửu Long) được công nhận di sản cấp quốc gia thì việc khai thác đá bị cấm. Để duy trì làng nghề, người dân phải tìm mua nguyên liệu đá ở tận các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh, xa xa một chút là mỏ đá Tân Hiệp (Bình Dương)… Công vận chuyển, tiền nguyên liệu cao, lời lãi chẳng còn bao, dân làng đá cũng bỏ nghề dần dần.
Hiện nay, làng đá Bửu Long chỉ còn 6-8 cơ sở chế tác đá đang hoạt động. Việc chế tác bằng máy cắt, máy chà gây ra tiếng ồn lớn và nhiều bụi đá gây ô nhiễm trong khu đông dân cư. Cách đây 3 năm, UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nên một số cơ sở chế tác đá ở Bửu Long đã phải chuyển ra vùng ngoại thành.
Khi chúng tôi thắc mắc phải chăng có sự can thiệp quá nhiều của máy móc trong chế tác đã khiến nhiều người không còn mặn mà, quay lưng với những tác phẩm nghệ thuật vốn “kén” người chơi, thì một số nghệ nhân cho biết, đành rằng có máy làm nhanh hơn, nhưng độ tinh xảo vẫn không thể hơn việc làm bằng tay. Nghề làm đá đâu có dễ, đó là cả một nghệ thuật, mà có khi dù học cả đời cũng chẳng bao giờ đạt được. Vì thế, những đơn hàng yêu cầu làm thủ công cũng ít dần. Chỉ có những “đại gia”, người am hiểu nghệ thuật thỉnh thoảng yêu cầu các cơ sở cho thợ giỏi và phải làm tay thật tỉ mỉ, giá cả không thành vấn đề. Anh Hồ Trung Long (ở quận 9, TP.Hồ Chí Minh), khách hàng đặt mua cặp sư tử đá nặng khoảng 5 tấn có giá 70 triệu đồng, phân trần: “Mình mê nó chỉ vì sự tỉ mỉ và lắm công phu. Nếu làm bằng máy, 3 người thợ chỉ mất khoảng 15 ngày, nhưng làm thủ công thì 3 thợ giỏi phải mất 3 tháng mới hoàn thành được cặp sư tử đá này”.
Giờ đây, dọc hai bên đường Huỳnh Văn Nghệ (tỉnh lộ 24 cũ) vẫn còn một số cơ sở làm đá, nhưng bóng dáng của những bức tượng điêu khắc đã trở nên khan hiếm. Rất khó để cảm nhận nơi đây từng là một làng nghề truyền thống được ví như món ăn tinh thần không thể thiếu của người chơi đồ vật cảnh lúc bấy giờ.
Chia tay các nghệ nhân làm đá, chúng tôi mang theo nỗi niềm trăn trở của một người thợ đá luống tuổi nhắn gửi: “Chẳng lẽ làng nghề truyền thống 300 năm tuổi lại bị tan rã. Làm đá không chỉ là “nồi cơm” của gia đình mà còn là cái nghiệp của cha ông truyền lại. Chỉ có núi đá cạn, chứ lòng đam mê với đá của chúng tôi chẳng bao giờ cạn hết”.
Võ Nguyên