Chiếc tam bản (loại ghe nhỏ) của bà Sáu tuy mục nát nhưng vẫn còn quá trẻ so với tuổi 75 của bà. Bà Sáu móm mém nói: “Chật vật lắm tui mới sắm được đó”.
Chiếc tam bản (loại ghe nhỏ) của bà Sáu tuy mục nát nhưng vẫn còn quá trẻ so với tuổi 75 của bà. Bà Sáu móm mém nói: “Chật vật lắm tui mới sắm được đó”.
* Bà lão chặt lá ven sông
Nước vừa chớm ròng, chúng tôi cùng bà Sáu (tên thật Nguyễn Thị Hích, nhà ở sát con kênh tổ 14, ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) xuôi theo các nhánh kênh Rạch Miễu, Rạch Dài, Bàu Cá… để chặt lá dừa nước. Bà Sáu cho biết, 30 năm làm cái nghề này, bà thông thuộc từng con nước, nhánh, tắc ngang dọc của dòng sông Cái qua xã Phú Hội. Chiếc tam bản cũ vừa mục, bà được anh em, xóm giềng góp tiền mua cho chiếc mới để mưu sinh. “Chiếc này là chiếc thứ 3 rồi đó. Mỗi chiếc tui đi gần cả chục năm mới hư. Sức chở của nó đến 400 lá dừa nước”- bà Sáu bộc bạch.
Ở tuổi 75, bà Sáu vẫn còn nhanh chân, mạnh tay khi đứng dưới lớp bùn nhão. Ảnh: Đ.PHÚ
Chỉ một tay chèo, chiếc tam bản vẫn ngược dòng Rạch Chà hướng về đám dừa nước của ông Bảy Rùa. Bà Sáu vừa chèo vừa tỉ tê trò chuyện với chúng tôi rằng, bà tái giá lần thứ 2 và cùng chồng sau sinh được 3 trai, 2 gái. Vợ chồng chung sống được trên chục năm thì chồng bỏ mẹ con bà lấy vợ khác. Từ trẻ, một tay bà đã phải cấy thuê, gặt mướn nuôi con. “Phú Hội là nơi chôn nhau, cắt rốn của tui. Chính dòng Rạch Chà đã cướp đi của tui một người con trai. Vài năm sau, con lộ 769 lấy thêm thằng nữa và làm một thằng khác ngớ ngẩn vì tai nạn giao thông”- bà Sáu nói.
Rồi bà đánh mạnh tay chèo để mũi chiếc tam bản bổ nhào vào đám dừa nước của ông Bảy Rùa. Theo lời bà Sáu, đó là đám dừa mà ông Bảy Rùa cho bà chặt. Thời đất đai còn hoang hóa nhiều, các bãi dừa không xác định chủ nên bà muốn chặt đâu thì chặt. Khi đất đai ổn định, chủ đất quản lý luôn các bãi dừa, nơi dòng kênh giáp với các ranh đất của mình nên các bãi dừa đều có chủ. Lúc ấy, để mưu sinh, bà thậm chí làm liều chặt trộm lá dừa khi các chủ đất lơ là, nhưng mỗi nơi chỉ dám chặt khoảng chục lá chứ không dám lấy nhiều.
Hết thời làm nhà bằng lá, nhà xây đua nhau mọc lên và lá dừa mất dần giá trị nên các chủ đất không thèm để mắt canh chừng những người nghèo trộm lá như bà Sáu. Phong trào dân giàu Sài Gòn đổ về Nhơn Trạch mua đất để bỏ hoang, bà Sáu mừng như trúng độc đắc khi được nhiều chủ đất cho không các bãi dừa để chặt. “Họ thấy tui khổ nên thương mà cho, chứ người khác thì bán đó. Dọc theo các nhánh kênh, tắc sông Cái Phú Hội này, bãi nào cũng có chủ hết chú à. Nay họ cho tui nhiều bãi lắm, một mình chặt không xuể”- bà Sáu bộc bạch.
Chặt được trên trăm lá, chúng tôi và bà Sáu tiếp tục xuôi ghe về hướng Vàm Môi để sang tiếp bãi lá ông Năm Trai đã cho bà. Bà Sáu lập cập tay chèo vì lạnh, nói: “Tui đưa chú sang đám lá mà vợ chồng Năm Đầu Công đang chặt để hỏi chuyện hén. Vợ chồng Năm Đầu Công cũng già bằng tuổi tui đó”.
* Mưu sinh từ dừa nước
Hơn 1 giờ xuôi chiếc tam bản theo dòng Chà Vá mới đến Vàm Môi. Bà Sáu chậm chạp cho mũi chiếc tam bản chạm vào ghe máy của ông bà Năm Đầu Công đang neo sát bãi để chặt lá dừa. Thấy chúng tôi, ông Năm Đầu Công liền hỏi bà Sáu: “Hôm nay chị Sáu có người phụ hả?”. Bà Sáu chỉ chúng tôi, hóm hém nói: “Mấy chú phóng viên nhờ tui chở đi tìm hiểu, viết bài về người chặt lá dừa như tụi mình đó anh Năm. Ủa, hôm nay chị Năm không phụ anh sao…?”.
Bà Sáu dứt lời, ông Năm Đầu Công chỉ thằng cháu nói: “Bả lội bùn bị té trẹo tay nên tui mới kêu thằng cháu nội đi phụ”. Rồi ông mời chúng tôi lên ghe và nói: “Chiếc này chở cả thiên (một ngàn) lá đó. Mấy chú thấy công việc của tụi này có cực không?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông tiếp: “Khổ lắm mấy chú ơi. Cả ngày trầm thân dưới nước, bùn vừa dơ vừa lạnh, hai vợ chồng tui chỉ kiếm được chưa tới trăm ngàn. Có hôm bị kiến vàng, ong chích sưng vù mặt mũi...”.
Theo ông Năm Đầu Công, dừa nước vẫn mọc hằng hà dọc theo các tuyến kênh, lạch ở xã Phú Hội. Nhưng hiện chỉ còn vợ chồng ông và bà Sáu làm nghề chặt lá dừa nước để mưu sinh. Do vợ chồng ông không nghèo bằng bà Sáu nên phải mua khoán bãi dừa, chủ yếu lấy công làm lời. “Mỗi ngày, vợ chồng tui chặt được 400-500 lá, nhiều gấp đôi bà Sáu nhưng tiền chỉ xem xém nhau thôi. Vì tui phải mua dừa, chi phí tiền dầu” - ông Năm Đầu Công phân bua.
Chúng tôi cố ý kéo dài thời gian tỉ tê với ông Năm Đầu Công để bà Sáu nghỉ mệt, ăn nhẹ chiếc bánh ú bà mang theo hồi sáng thay cơm. Áo vừa khô và sức cũng hồi phục, bà Sáu bảo chúng tôi chào ông Năm Đầu Công để kịp con nước ra Vàm Môi về hướng xã Long Tân. “Nơi đó tui còn được ông Trai, ông Tám Kiệt… cho các bãi dừa...” - bà Sáu thúc.
Dù ruộng đồng ở Nhơn Trạch đang bị bỏ hoang, chuyển đổi chức năng, nhưng dừa nước vẫn còn và tuổi già như bà Sáu, vợ chồng ông Năm Đầu Công vẫn còn thứ để bươn chải mưu sinh.
Chiếc tam bản của bà Sáu xuôi hết Vàm Môi, chúng tôi thấy vài chiếc xuồng nhỏ của bọn trẻ đi hái trái dừa nước nên hỏi bà Sáu: “Ủa, người ta chỉ cho lá chứ trái để lại bán hả bà Sáu?”. Bà Sáu giải thích, họ chỉ giữ lá chứ trái và lạt dùng để buộc lá dừa khi lợp nhà thì ai muốn chặt bao nhiêu thì chặt. Bà biết trái đem về thành phố bán được giá lắm, nhưng ở Phú Hội thì không biết bán cho ai. “Thỉnh thoảng, tui cũng thấy ghe xứ khác đi chặt trái hoặc tụi nhỏ chặt trái đem về ăn thôi. Riêng tui thì không chặt trái vì không có mối bán”- nói xong, bà Sáu tấp chiếc tam bản vào chặt một buồng dừa to để chúng tôi ăn cho biết mùi vị và khỏi thắc mắc.
Con nước vừa rút cạn, chúng tôi và bà Sáu gặp một người đàn bà trẻ hơn bà đang bì bõm lội bùn chặt lạt ở cuối Vàm Môi. Hỏi chuyện, người đàn bà này cho biết tên Nha, 54 tuổi, nhà ở xã Long Tân. Trước kia, hai vợ chồng bà luôn sát cánh bên nhau chặt lá dừa. Nay chồng bà bị bệnh không đi làm được. Vì vậy, bà Nha không chặt lá một mình được nên chuyển qua chặt lạt. “Chặt lạt nhẹ hơn chặt lá, còn tiền công cũng tương đương. Tuy vậy, làm ra sợi lạt mất nhiều công và khó bán hơn lá”- bà Nha tâm sự.
Chờ dòng nước Vàm Môi trở đầu chạy ngược, chúng tôi và bà Sáu tấp vào một đám dừa nước nghỉ trưa. Bà Sáu ăn tiếp chiếc bánh ú còn lại, chúng tôi thì gật gù với những trái dừa nước do bà Sáu chặt ban nãy. “Các chú có thấy mùi bùn đất, ung ung như đu đủ sống trong ruột trắng phau của nó không. Trái dừa nước ăn rất mát, lá nó lợp nhà cũng mát, chỉ những người dựa vào nó kiếm cơm như tui thì dầm nước, phơi nắng cực khổ thôi”- bà Sáu so đo với cây dừa nước, dù nó đã bám chặt với đời bà cho đến tuổi 75 và mãi mãi cho tới khi bà không cầm nổi tay chèo.
Đoàn Phú