“Ngủ” dài suốt mùa mưa lạnh lẽo, hàng năm, cứ đến cuối tháng 10, hoa dã quỳ lại bung nở vàng rực trên suốt những cung đường Tây Nguyên, đặc biệt là các vùng Đức Trọng, Di Linh, Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Mùa dã quỳ từ nhiều năm nay cũng là mùa diễn ra lễ hội hoa trứ danh của vùng đất cao nguyên này, tạo thành thứ đặc sản rất riêng cho Đà Lạt.
“Ngủ” dài suốt mùa mưa lạnh lẽo, hàng năm, cứ đến cuối tháng 10, hoa dã quỳ lại bung nở vàng rực trên suốt những cung đường Tây Nguyên, đặc biệt là các vùng Đức Trọng, Di Linh, Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Mùa dã quỳ từ nhiều năm nay cũng là mùa diễn ra lễ hội hoa trứ danh của vùng đất cao nguyên này, tạo thành thứ đặc sản rất riêng cho Đà Lạt.
Hoa dã quỳ.
Nếu được hỏi, không ít người Đà Lạt sẽ không đánh giá cao dã quỳ, bởi theo họ, loài hoa này không sang trọng, mọc tràn lan bên vệ đường, trên những triền đồi triền dốc - loài hoa không mất công chăm sóc và cũng không “sang” như hàng trăm loại hoa khác của Đà Lạt, thân hoa chỉ dùng làm phân bón. Nhưng nhiều du khách lại yêu thích cái vẻ “nở rạng rỡ, nở nhiệt tình” của hoa, đến mức như dát vàng phố núi.
* Những cung đường vàng rực
Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, hoa dã quỳ - còn được gọi bằng nhiều tên khác, như: cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe… là một loài thực vật trong họ cúc, hiện nay phân bố rộng khắp các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới như Trung Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi. Tùy vào từng khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm, dạng cây bụi cao tới 2 - 3m với thân cây mọc thẳng và đôi khi hóa gỗ. Hoa dã quỳ phân thành nhiều cánh, màu vàng cam. Tại Việt Nam, trước đây dã quỳ được người Pháp đưa vào trồng tại các đồn điền ở Lâm Đồng để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Thân dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây Nguyên.
Thật ra, dã quỳ không phải là loài hoa chỉ có ở vùng Lâm Đồng nói chung hay Đà Lạt nói riêng mà ở nhiều tỉnh cao nguyên khác, như: Gia Lai, Đăklăk, Kon Tum… cứ dịp cận Tết thì dã quỳ cũng nở đầy vệ đường. Song, dường như ở Đà Lạt, dã quỳ tươi hơn, sung sức hơn và nở dày đặc hơn khắp các nẻo đường, tạo thành một phong vị rất riêng, báo hiệu mùa khô, mùa lạnh và cả mùa hoa sắp tới. Nếu chú ý kỹ, có thể thấy càng về phía dưới, ở vùng Đức Trọng, Di Linh, hoa dã quỳ nhỏ hơn, thân khẳng khiu và thiếu sức sống hơn hẳn hoa ở vùng Đà Lạt. Có lẽ chính vì vậy mà loài hoa này được sử dụng làm biểu tượng chính cho lễ hội hoa Đà Lạt vào tháng 12-2005.
Đi Đà Lạt vào những tháng cuối năm, các con đường dọc từ Đức Trọng, Di Linh dẫn lên thành phố lúc nào cũng “ngập ngời” hoa. Bên trong thành phố, dã quỳ mọc thành cụm, thành rặng, thành bờ… khắp nơi, ngoài hàng rào, trên những mảnh ruộng trồng rau của nông dân thành phố. Dã quỳ chỉ ra hoa vào cuối năm, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên. Loài hoa này báo hiệu sự xuất hiện của mùa khô, tức là khi hoa dã quỳ nở, có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần.
* “Đặc sản” mùa du lịch
Mùa dã quỳ bung nở hàng năm cũng là mùa cao điểm du lịch của Đà Lạt, khi khách du lịch khắp nơi đổ về thành phố cao nguyên xinh đẹp này. Chuyến đi gần nhất của tôi đến đây là vào cuối tháng 11, dã quỳ đang độ sung sức, nở tràn lan khắp nơi. Nhiều du khách đổ về dịp này chỉ với mục đích ngắm hoa. Nhưng điều lạ là nhiều người dân địa phương khá “ghẻ lạnh” với dã quỳ, có lẽ vì“bụt chùa nhà không thiêng”, cũng có thể vì đã quá quen thuộc với loài hoa “dễ nuôi dễ lớn” nên dã quỳ không được trân trọng chăng? Bà chủ khách sạn nơi tôi ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn tỏ ra ngạc nhiên khi nói với tôi, nhiều du khách lên đây chỉ để ngắm dã quỳ. Với kiểu cách “sao bao nhiêu thứ hoa đẹp đẽ không thích lại đi thích loài hoa bình dân như dã quỳ”? - bà chê dã quỳ không thơm, không “đẳng cấp” bằng nhiều loài hoa khác ở Đà Lạt, còn bảo rằng phấn hoa dã quỳ gây bệnh ho…
Dã quỳ bung nở trên các con đường Đà Lạt.
Nhưng phải thừa nhận, khách du lịch lại rất mê. Tại nhiều điểm dừng chân có bóng dáng dã quỳ, như: ga Đà Lạt, khu biệt thự Cadasa, đường vào Thung lũng vàng… rất nhiều du khách từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… và nhiều nơi khác đã dừng chân nán lại bên những cụm hoa để chụp hình lưu niệm, hoặc đơn giản chỉ là ghi lại những khoảnh khắc tươi đẹp của loài hoa bình dân này - khi chúng đang bung nở một cách rất “nhiệt tình”. Nhiều bạn trẻ có biển số xe máy từ nhiều tỉnh, thành khác cũng rất chịu khó “đi bụi” trên những cung đường này vào cuối năm - cũng để ngắm dã quỳ vàng. Mùa này, ga Đà Lạt luôn hết vé sớm ở tuyến đường ngắn ngủi dài 8 km từ nhà ga đi Trại Mát, khách muốn mua phải đặt trước nửa ngày - không phải vì địa điểm Trại Mát hấp dẫn du khách, mà chỉ vì hành trình nửa giờ đó vào mùa đông có đi xuyên qua những rặng dã quỳ rất đẹp. Trên chuyến tàu xuất phát lúc 4 giờ 30 chiều mà tôi chọn đi, rất nhiều khách nước ngoài tay máy, chân máy sẵn sàng chỉ để “lia” được hình ảnh xinh đẹp của những cụm hoa dã quỳ vàng ruộm nở đầy hai bên đường ray xe lửa.
Dã quỳ không chỉ thu hút khách du lịch thông thường, mà khá nhiều cặp đôi cũng “mượn” loài hoa này để chụp những tấm ảnh cưới. Dã quỳ kết thành hoa cưới cầm tay, kết trên nón cô dâu và làm thành nền vàng rực rỡ cho những bức ảnh đầy ấn tượng. Tại Đồng Nai, rất ít thấy bóng dáng loài hoa này, có lẽ vì không hợp khí hậu, nhưng nếu “may mắn”, vào dịp cuối năm, đi ngang quốc lộ 20 đoạn qua ngã 3 Dầu Giây, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp vài cụm dã quỳ đang bung nở, kế bên mấy đồn điền cao su thay lá - một hình ảnh là lạ, dễ thương.
Rất “thức thời”, nhiều năm nay chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã “nhanh tay” chọn dã quỳ làm biểu tượng lễ hội hoa, ảnh chụp dã quỳ còn được in ấn rất đẹp trên tấm pa-nô lớn ở đoạn dẫn lên chân đèo Prenn, như muốn nhắc nhở với du khách rằng “đây là loài hoa đặc sản của riêng Đà Lạt nghe” - chứ không phải của Kon Tum, Gia Lai… hay tỉnh, thành cao nguyên nào hết - dù ở những nơi này cũng chẳng hiếm dã quỳ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà nhiều khách thập phương lãng mạn cứ độ cuối năm lại thấy nôn nao muốn tìm đến Đà Lạt, có khi để thưởng thức cái se lạnh cuối năm, tạm rời xa sự tất bật thường ngày… nhưng có khi cũng chỉ vì một lý do đơn giản: “có hẹn” với dã quỳ!
Vi Lâm