Dự án “Dạy nông dân nuôi gà” do Trung tâm Dạy nghề thanh niên (thuộc Tỉnh đoàn) và Công ty TNHH Thanh Bình phối hợp thực hiện thoạt nghe như rất phi lý. Bởi, ngay đứa trẻ nông thôn cũng biết nuôi gà, nói gì đến cha mẹ chúng. Tuy vậy, sau 4 tháng thí điểm mô hình này, người nông dân mới vỡ ra điều: nuôi gà kiểu công nghiệp bài bản thật không dễ chút nào.
Dự án “Dạy nông dân nuôi gà” do Trung tâm Dạy nghề thanh niên (thuộc Tỉnh đoàn) và Công ty TNHH Thanh Bình phối hợp thực hiện thoạt nghe như rất phi lý. Bởi, ngay đứa trẻ nông thôn cũng biết nuôi gà, nói gì đến cha mẹ chúng. Tuy vậy, sau 4 tháng thí điểm mô hình này, người nông dân mới vỡ ra điều: nuôi gà kiểu công nghiệp bài bản thật không dễ chút nào.
* Niềm tin vào gà
Trời vừa hửng sáng, anh Đinh Văn Vệ đã dắt xe máy rời ấp Ngọc Lâm 3, ra UBND xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) ngồi chờ cán bộ Trung tâm Dạy nghề thanh niên và Công ty Thanh Bình giao gà, thức ăn chăn nuôi.
Người nuôi gà tất tả chở gà, thức ăn về nhà. |
7 giờ sáng, xe chở gà đỗ xịch giữa sân UBND xã Phú Xuân, anh Vệ vội chạy đến gặp cán bộ Mẫn, Hóa, Việt… đòi nhận gà. “Hồi sáng đến giờ tớ chưa ăn gì nên đói lắm. Tuy vậy, nhìn thấy gà là tớ no ngay”- anh Vệ bày tỏ trong lúc tay run run cầm bút ký vào hợp đồng giao nhận 200 con gà giống 15 ngày tuổi, 12 bao cám G1 và G2.
Để đảm bảo an toàn cho 200 con gà, anh Vệ thuê hẳn một chuyến ba gác máy với giá 50 ngàn đồng chạy thẳng về nhà. Hơn một giờ sau, anh quay lại trả rổ đựng gà cho cán bộ. Với vẻ mặt hớn hở, anh Vệ tâm sự, anh khát khao được nuôi những chú gà giống tam hoàng này từ rất lâu rồi. Vì vậy, khi được cán bộ xã triển khai chương trình tập huấn và hỗ trợ gà giống, thức ăn chăn nuôi cho người nghèo, người khuyết tật, anh xông xáo đăng ký ngay. Anh Vệ nói: “Nhà tớ chỉ có 2 sào đất nên không đủ nuôi 6 “cái tàu há mồm”. Tớ muốn nuôi gà để cải thiện kinh tế từ lâu rồi, ngặt nỗi không có vốn”- anh Vệ nói.
Cùng tâm trạng với anh Vệ, chị Mỹ Lệ (ấp Ngọc Lâm 2) bộc bạch, nếu nuôi thuận lợi, từ 200 con gà này chị sẽ có một cái Tết vui vẻ. “Dù lời ít hay nhiều, chắc chắn Tết này tui có vài con gà cúng tổ tiên và đãi khách”- chị Lệ vừa đếm lại số gà trước khi nhận và nói.
Trong khi đó, các anh Khanh, Hùng, Dũng... cũng bắt chước anh Vệ thuê chung xe ba gác máy chở gà, chở cám về nhà. Họ mải mê với đàn gà đến mức quên trả lại rổ cho công ty khi quay xe lại chở cám. Anh Hùng giả lả cười phân bua với hai cán bộ Hóa, Mẫn: “Chút nữa mình trả nghen. Mình chỉ lấy gà chứ không lấy rổ đâu mà lo”.
Kiểm tra lại đám gà con đang đua nhau kêu chíp chíp trong rổ, anh Thanh (ấp Ngọc Lâm 3) bỗng đến vỗ vai cán bộ Hóa đòi đổi lại 1 con gà bị chết ngạt để cho đủ 200 con như hợp đồng đã ký. Anh Thanh nài nỉ cán bộ Hóa: “Cho tôi đổi lại nghen. Thiếu một con tôi thấy sao sao ấy. Nếu cán bộ không cho đổi bà nhà sẽ la tôi đó”.
9 giờ sáng, 1.800 con gà giống 15 ngày tuổi cùng 168 bao cám G1 và G2 làm thức ăn cho gà đã được 14 hộ dân nghèo xã Phú Xuân chở về nhà. Ông Trần Ngọc Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Xuân bày tỏ, xã Phú Xuân hiện có 400 hộ nghèo và vài chục hộ tàn tật có nhu cầu nuôi gà của dự án. Nhưng, do bà con chưa được triển khai rộng về mục đích của dự án nên địa phương chỉ mới tiếp nhận 30 hộ đăng ký nuôi thí điểm đợt này. “Sau 45 ngày nuôi, nếu đạt hiệu quả kinh tế cao, tôi tin bà con sẽ hiểu hơn ý nghĩa của dự án mà tham gia nhiều”- ông Tỉnh nói.
* Nuôi gà kiểu nhà “nghèo”
Sau buổi tập huấn nuôi gà thả vườn do Trung tâm dạy nghề thanh niên và Công ty Thanh Bình tổ chức, anh Lương Đình Trang (hộ nghèo và tàn tật ở ấp 5, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã chọn khu đất cao, đẹp nhất trong vườn nhà để dựng chuồng. Anh Trang cho hay, anh đầu tư hết 400 ngàn đồng tiền lưới, còn nhà trại thì anh tận dụng các vật liệu có sẵn trong vườn. Lứa gà đầu tiên anh lãi được 3 triệu đồng nên đợt này anh nhận thêm 200 con nữa để nuôi, với mục đích vừa tăng thêm thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm. Anh Trang nói: “Gà được dự án tiêm vaccine trước khi giao nên rất ít bị bệnh và lớn nhanh. Hiện tôi còn giữ lại 20 con gà mái đẻ của đợt nuôi trước để làm giống. Nếu gà đẻ tốt thì tôi nhân giống theo cách này hoặc sửa lại chuồng trại ký hợp đồng với công ty nhận nuôi 1 ngàn con”.
Nông dân bắt gà nhờ cán bộ kỹ thuật Hóa kiểm tra sức khỏe. |
Nhìn đàn gà dự án hơn 1 tháng tuổi nung núc của anh Trang, anh Nguyễn Minh Mẫn (Giám đốc Trung tâm dạy nghề thanh niên) cho biết, mục tiêu của dự án là cung cấp kiến thức, nâng cao tay nghề chăn nuôi gà nhằm tăng thêm thu nhập, tạo việc làm tại chỗ cho hộ nghèo, người tàn tật. Dự án hiện đang triển khai thí điểm cho 150 hộ nuôi tại 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc. “Trung tâm và Công ty Thanh Bình luôn phối hợp tốt trong việc theo dõi, tư vấn kỹ thuật cho các hộ nuôi. Trong quá trình nuôi, họ được trung tâm hỗ trợ tiền cám, giống và tùy ý lựa chọn giải pháp bán sản phẩm ra thị trường hoặc cho công ty”- ông Mẫn nói.
Nhận gà cùng đợt với anh Trang, sau 45 ngày nuôi, anh Nguyễn Đình Thông (hộ tàn tật ở ấp Thọ Bình, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) chỉ lãi được 2 triệu đồng. Đến đợt gà thứ 2, đàn gà của anh Thông phát sinh bệnh tật nhiều, chậm lớn. Anh thắc mắc với cán bộ kỹ thuật Đồng Văn Hóa (Công ty Thanh Bình): “Sao nó hay bị đỏ mắt, bại chân và chậm lớn quá?”. Cán bộ Hóa giải thích, do anh Thông không vệ sinh chuồng trại tốt trước khi thả đợt 2. Chuồng trại ẩm thấp quá cũng dễ sinh dịch bệnh, mật độ lứa sau dày hơn lứa trước cũng là nguyên nhân. “Anh mua thuốc về trị bệnh cầu trùng, vệ sinh chuồng trại và phân, những con chậm lớn vào ô riêng để chăm sóc thêm” - anh Hóa tư vấn cho anh Thông.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thanh niên cho biết, dự án này được triển khai từ tháng 8-2011, đến nay thu hút được 150 hộ nghèo, tàn tật tham gia. Mục tiêu của dự án là cung cấp kiến thức làm ăn, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. “Về lâu dài, dự án sẽ nhắm tới giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định cuộc sống, đồng hành cùng các địa phương trong định hướng phát triển chăn nuôi gà theo mô hình công nghiệp” - ông Mẫn nói. |
Cũng theo anh Hóa, từ khi triển khai dự án, điện thoại của anh không lúc nào được nghỉ ngơi. Chính vì vậy, vợ anh phải mua cho anh cái phôn tai để tranh thủ khi chạy xe, hay lúc làm việc tư vấn trực tiếp cho bà con. “Gà khỏe thì họ điện thoại khoe. Gà yếu thì họ điện thoại hỏi cách cho ăn sao đúng kỹ thuật, dùng thuốc gì để trị bệnh đỏ mắt, cầu trùng, bồi dưỡng gà… Hôm nay tư vấn, ngày mai ra hiệu thuốc họ cũng điện thoại hỏi lại tên thuốc, liều dùng mới chịu thôi” - anh Hóa tâm sự.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm, dự án trên nằm trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo sự chỉ đạo của tỉnh. Dự án thí điểm triển khai ở 4 xã và 1 đơn vị hợp tác xã người khuyết tật ở 3 huyện: Tân Phú, Định Quán và Xuân Lộc. “Về kỹ thuật, giống, thức ăn chăn nuôi do Công ty Thanh Bình tài trợ. Trung tâm kết hợp với địa phương trong việc tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu về dự án, mời gọi những hộ nghèo, khuyết tật tham gia. Sau khi thí điểm thành công tại các đơn vị, trung tâm và Công ty Thanh Bình sẽ nhân rộng dự án ra các địa phương khác và ký kết hợp đồng với hộ nuôi theo quy mô bán công nghiệp nếu họ có nhu cầu”- ông Mẫn bộc bạch.
Đoàn Phú