Mỗi cuốc xe một câu chuyện. Buồn, vui và cả nguy hiểm đều có. Hàng ngày, bao người tài xế xe ôm vẫn nhẫn nại bám từng lề đường, góc phố mong kiếm vài cuốc xe đủ để trang trải cuộc sống. Tháng ngày nắng gió ấy cũng đủ để họ có thể viết ra một quyển sách về cái nghề của mình, “cái nghề chỉ có lề đường dung nạp” như lời của một người trong nghề đã nói.
Mỗi cuốc xe một câu chuyện. Buồn, vui và cả nguy hiểm đều có. Hàng ngày, bao người tài xế xe ôm vẫn nhẫn nại bám từng lề đường, góc phố mong kiếm vài cuốc xe đủ để trang trải cuộc sống. Tháng ngày nắng gió ấy cũng đủ để họ có thể viết ra một quyển sách về cái nghề của mình, “cái nghề chỉ có lề đường dung nạp” như lời của một người trong nghề đã nói.
Mười bốn năm cùng chiếc xe Dream “đóng quân” tại góc ngã tư Tân Phong (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ông Nguyễn Trọng Anh có thể kể vanh vách những chiêu lừa đi xe ôm rồi cướp xe hoặc quỵt tiền của bọn côn đồ. Dù vậy, trong lời kể của ông cũng như bao người hành nghề xe ôm ở TP.Biên Hòa này vẫn lấp ló đâu đó những câu chuyện thắm đượm tình người.
* Những điều bình thường
Mặc cho cái nóng ba giờ chiều hắt thẳng vào mặt, ông Trọng Anh vẫn bình thản ngồi cái tư thế đặc trưng của nghề: một chân co lên, một chân duỗi, mắt từ tốn dõi theo người đi bộ. Bao năm “dựng chân chống xe ngoài trời”, ông Trọng Anh dí dỏm nói mình mắc phải bệnh “cảm mạn tính”, cảm hoài không bớt. Ông nói, dù làm cái nghề này lâu nhưng bệnh cảm thì như cơm bữa. Đang ngồi nắng thì trời đổ mưa, dù có kịp trú thì cũng không tránh khỏi cái hơi đường, hơi đất phả vào người.
Mỗi khi xe khách cập bến là cuộc “đua” của các tài xế xe ôm bắt đầu. Ảnh: M.Trung |
“Đời xe ôm phải chấp nhận những ngày không có khách và những lần dù có khách vẫn không có tiền”. Câu nói nhẹ tênh của ông già xe ôm 53 tuổi khiến nhiều người không khỏi phì cười, nhưng rồi cũng thấy xót xa. Cái công việc không nhàn nhã mà lại lắm gian nan này hóa ra không yên bình như bao người từng nghĩ.
Một buổi sáng cách đây 4 tháng, có một thanh niên đến kêu bạn ông chở đi Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) với giá 300 ngàn đồng. Lòng vòng một hồi người này mới nói rõ điểm đến là một huyện của tỉnh Đăk Lăk. Người xe ôm chỉ biết cầm chặt tay lái chạy tiếp. Sáu giờ chiều đến nơi, khách không có một đồng trong người. Chẳng thể bắt vạ người ta, người xe ôm này buộc lòng phải quay xe về. Xe tới Biên Hòa, ông ấy nhìn đồng hồ chỉ đúng 1 giờ khuya. Cả ngày hôm đó bạn ông được một cuốc xe nhớ đời.
Một lần khác, chính ông Trọng Anh khi đang chạy thì vị khách yêu cầu dừng vài phút rồi chạy vào trong một chỗ khuất. Tò mò, ông đi lại thì thấy anh này đang cầm bơm tiêm chích vào tay. Xong việc, người này cầm luôn chiếc kim tiêm còn dính máu quơ quơ trước mặt làm que chỉ đường cho ông. Ông kể, cũng may lúc đó đi ngang trạm xăng nên giả vờ vào đổ xăng rồi nhanh ga phóng thẳng chứ tiếc tiền thì không biết sẽ gặp phải chuyện gì.
Đó là chưa kể, có lần chở khách đến những nơi heo hút, bất thần khách bình thản bảo: “Giờ tôi không có tiền ông làm gì được tôi”… Bao nhiêu lần gặp phải tình thế này, đã giúp ông rút ra cho mình 3 “bí kíp”: giá vừa phải mới đi (cao quá cũng không đi), có nơi đến rõ ràng mới đi và nếu thấy bất an thì ghé tiệm xăng yêu cầu khách trả tiền đổ xăng để biết khách có tiền hay không hoặc là để chạy luôn, dù chấp nhận mất tiền không một đoạn đường.
Dù vậy, không biết bao lần ông Trọng Anh chấp nhận chở khách không còn một đồng dính túi đi tìm một địa chỉ… không nhớ rõ. Có lần, ông phải vào trụ sở Công an phường hỏi giúp khách. Khách tìm được đến nơi giọt ngắn giọt dài với người thân, ông cặm cụi ra về với cái bụng đã quá trưa chưa có hạt cơm nào. Cũng có lần ông chở hai chị em tìm nhà người thân, túi không có một đồng lẻ. Khi đưa 2 chị em tới nơi, gọi điện hoài nhưng không ai nghe máy, ông đành ra về, chấp nhận mất không nửa bình xăng.
Ông đối diện với “những điều bình thường” ấy chỉ bằng một câu nhẹ tênh: “Ngày nào cũng chạy trên đường, sống cho có đức thì sau này lỡ có đụng xe thì trời ổng thương còn đường về với vợ con”.
* Vòng xe không yên ả
Cái nắng ban trưa như đổ lửa nhưng hàng chục tài xế xe ôm tại công viên 30-4 (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vẫn kiên trì nổ máy rà theo từng chiếc xe khách cập vào lề. Chỉ chưa đầy 50m nhưng phía đường quốc lộ 1A của công viên 30-4 có đến hơn 10 chiếc xe ôm chen nhau. Cứ nhác thấy đèn xi-nhan cập lề của xe khách hay xe buýt là tất cả lại ào đến. Mười lượt như vậy thì may ra mới có một lần khách. Anh Vũ, một xe ôm ở đây than thở với đồng nghiệp: “Sáng giờ vòng vòng hết ba phao xăng (75ml) rồi mà chưa có khách nào…!”.
Ông Hùng (45 tuổi) cho biết: “Giờ người ta đi xe buýt, taxi khiến xe ôm tụi này trở nên hiếm khách hơn bao giờ hết. Ngày kiếm được hơn 100 ngàn đồng là mừng rồi”. Chỉ tay một lượt khắp công viên 30-4, ông Hùng nói: “Riêng cái khu này phải gần cả trăm chiếc xe ôm, khách ít mà xe đông nên ngày càng khó sống”.
Những người làm nghề xe ôm cứ lấy cái chuẩn 100 ngàn đồng kiếm được rồi trừ 40 ngàn đồng tiền xăng, đó là cái cách để họ biết hôm nay mang về nhà được bao nhiêu tiền. “Xe ăn, mình ăn, rồi còn vợ con nữa, cả ngày trông chờ vào mấy cuốc xe thôi em à” - anh Tân lên tiếng.
Ông Hùng mắt vẫn dõi theo từng chiếc xe khách. Ảnh: M.Trung |
Khổ cực với nghề mong kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng hơn mười tài xế xe ôm tại đây đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp đi không trả tiền, có khi còn mất tiền, mất điện thoại và mất chính chiếc xe làm cần câu cơm. Ông Hùng kể, cách đây ba tháng có một người trung niên yêu cầu ông chở lên Sài Gòn lấy mối hàng. Đi đường, người này còn nói sẽ giới thiệu mối làm ăn cho ông để có cơ hội thoát nghèo. Lên tới nơi, người này đi vào trong rồi chạy ra kêu thiếu hơn 100 ngàn tiền hàng và xin mượn. Ông cảnh giác nên không đưa. Người này quay vào, cả tiếng sau không thấy trở ra… Bữa đó ông mất không tiền xăng lên xuống Sài Gòn.
Trộm cướp nhiều, nhưng những người chạy xe ôm vẫn phải chấp nhận chạy những chuyến đầy nguy hiểm để kiếm thu nhập. Đã có nhiều vụ tài xế xe ôm bị cướp, giết khi kẻ chủ mưu đã giăng sẵn lưới. “Nhiều đồng nghiệp từng bị đánh bầm mình, mất hết tiền, xe, vì chở những cô gái và bọn cướp dựng chuyện kêu sàm sỡ vợ chúng. Oái ăm như vậy, nhưng làm nghề này không chạy xe thì sao mà có cơm nuôi thân” - ông Hùng bảo.
Những người chạy xe ôm tâm sự, khi gặp phải những vị khách mà mình cảm thấy không yên tâm thì tuyệt đối phải giao kèo trước là không dừng xe trong hẻm nhỏ dù cho họ mắc tiểu, rớt dép, mũ hay cả ví và phải chạy thật nhanh. “Lỡ gì mình chết bọn cướp cũng không có đường sống” - câu nói của ông Hùng nghe thật xót xa.
Chén cơm manh áo khó kiếm nhưng những người tài xế xe ôm mà chúng tôi gặp không bao giờ giành khách hay cãi cọ nhau. Nhiều người có cùng mong muốn công an bắt được những kẻ cướp giật người đi đường, công nhân. Họ còn đưa sáng kiến kiểm tra chứng minh nhân dân ở các phòng trọ để kiểm soát những kẻ côn đồ này, cho xã hội bình yên. Phía sau những vòng xe không yên ả ấy vẫn có những con người đầy trăn trở với đời.
Minh Trung