Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cứu cánh của những mảnh đời lầm lỡ

08:12, 01/12/2011

Tọa lạc trong khuôn viên của Bệnh viện da liễu Đồng Nai, Phòng tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc và đáng tin cậy của những người ít nhất đã một lần “trót” dại.

Tọa lạc trong khuôn viên của Bệnh viện da liễu Đồng Nai, Phòng tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc và đáng tin cậy của những người ít nhất đã một lần “trót” dại. [links(left)]

Tiếp chúng tôi trong gian phòng nhỏ dành cho những khách hàng đến tư vấn về HIV/AIDS, người đàn ông ngoài 40 tuổi tên Chương A Pạt nở nụ cười hiền hậu và sẵn sàng sẻ chia với những người đến đây thăm hỏi, tư vấn…

 * “Khi trò chuyện, chúng tôi là tri kỷ”

Theo lời ông Pạt, xuất phát từ những băn khoăn: làm thế nào để có thể giúp những người nhiễm HIV/AIDS không còn cảm thấy bị lẻ loi giữa cuộc đời, năm 2004, Phòng tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí đã ra đời.

Bác sĩ “tinh thần” cho khách hàng là công việc của những tư vấn viên.  Ảnh: T.MINH
Bác sĩ “tinh thần” cho khách hàng là công việc của những tư vấn viên. Ảnh: T.MINH

Hiện tại nơi đây có 1 bác sĩ phụ trách chính, 1 xét nghiệm viên và 1 tư vấn viên giữa núi công việc phải giải quyết mỗi ngày. Trung bình mỗi tuần nơi này tiếp nhận khoảng 20 người đến xét nghiệm và tư vấn miễn phí về HIV/AIDS. Sau khi được tư vấn và tìm hiểu nguy cơ lây nhiễm, khách hàng sẽ được hướng dẫn làm thủ tục xét nghiệm và trả kết quả sau 7 ngày trên cơ sở đảm bảo tính bí mật về thông tin cá nhân.

Ông Pạt cho biết, nếu như trước đây, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm thì hiện nay HIV đang có xu hướng tấn công vào giới trí thức. “Ban đầu, họ tỏ ra ngại ngần và gần như không muốn thổ lộ điều gì cả. Bởi vậy, tôi phải khơi gợi những chi tiết quan trọng nhằm tìm ra nguy cơ lây nhiễm và giúp họ tìm ra giải pháp cho chính mình” - ông nói.

Tình dục không an toàn là nguyên nhân khiến nhiều người, kể cả giới trí thức bị lây nhiễm HIV. Có không ít quan niệm cho rằng môi trường mình đang sinh sống và làm việc không có người nhiễm HIV nên… chẳng việc gì phải sợ. Chính điều này, khiến nguy cơ nhiễm HIV cao cho những người có hiểu biết nhưng thừa chủ quan.

Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ những người nhiễm HIV luôn mang trong mình bao nỗi bất an, mặc cảm mà không biết chia sẻ cùng ai, vì thế họ mới cần đến ông để tâm sự, giải đáp khúc mắc…  “Tôi đã nhận không ít cuộc điện thoại gọi đến trong tâm trạng hoảng loạn. Họ muốn tìm đến cái chết vì không dám đối diện với gia đình, bạn bè khi phát hiện mình có kết quả dương tính với HIV/AIDS” - giọng ông trầm buồn và xót xa cho những con người lầm lỡ.

Đã có không ít trường hợp sau khi được ông tư vấn đã trở nên lạc quan hơn và xem HIV không còn là áp lực đè nặng như trước. Tuy nhiên, trên thực tế, khó ai có thể chấp nhận và đối diện trước “cú sốc tinh thần”. Vì vậy, ông luôn chọn cho mình những cách tiếp cận và mở lời khéo léo để vực dậy tinh thần của họ. Ông tâm sự: “Tôi chỉ muốn họ hiểu rằng HIV không phải là dấu chấm hết của cuộc đời. Vì vậy, sự sẻ chia của gia đình, xã hội sẽ là động lực mạnh mẽ  để họ vui sống và tồn tại được lâu dài”. Chính nhờ sự tư vấn nhiệt tình của ông, nhiều người đã hiểu hơn về HIV/AIDS để đối mặt lại với nó thông qua việc sống lành mạnh, có ích và bồi dưỡng thêm kiến thức phòng chống lây nhiễm.

* Vực dậy những mảnh đời lầm lỡ

Gần 8 năm gắn bó với công việc tư vấn cho những người nhiễm HIV/AIDS, cũng đủ để ông trải nghiệm những câu chuyện “cười ra nước mắt” trước những nghịch cảnh của những người tìm đến đây để trải lòng. “Đến lúc này thì họ đáng thương hơn là đáng trách. Chúng ta không nên lánh xa và dồn họ vào đường cùng. Thay vào đó, hãy giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không cảm thấy lẻ loi giữa cuộc đời” - ông Pạt tâm sự.

Không ít lần ông Pạt cảm thấy xót xa khi xem kết quả của những người lầm lỡ.
Không ít lần ông Pạt cảm thấy xót xa khi xem kết quả của những người lầm lỡ.

Còn với tư vấn viên Nguyễn Thị Thanh Nữ (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai), thì những trải nghiệm trong công việc cũng đã giúp cô thêm vững vàng và nhận ra nhiều giá trị của cuộc đời từ tình yêu của những người nhiễm HIV. Dù rằng mỗi ca tư vấn có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hình ảnh của chàng trai đến tư vấn vào dịp gần tết năm rồi khiến cô nhớ mãi. Anh này chuẩn bị kết hôn với một nữ công chức thì phát hiện mình nhiễm HIV. Tư vấn Thanh Nữ trải lòng: “Tôi hiểu cảm xúc của anh ấy, bởi thật khó để nói ra một chuyện sốc như thế. Dẫu sao, anh ấy cũng chọn cho mình biện pháp nói thật lòng mình với bạn gái để cầu mong chút hy vọng mong manh được tha thứ…”. Hay, trường hợp của một bác nông dân nghèo khó, sau một lần chè chén tới bến với bạn bè, không tự chủ được bản thân nên quan hệ với tiếp viên và lãnh về kết quả dương tính với HIV. Từ đó, ông dằn vặt bản thân, xấu hổ với vợ con và không giấu nổi vẻ mặt thất thần, đau khổ…

Tại những phòng tư vấn HIV/AIDS, chúng tôi có dịp được nghe về những câu chuyện của những người có học vấn cao nhưng hiểu biết về chuyện phòng the lại hạn chế. Cũng như bao bạn trẻ khác, lớn lên cô giáo T. cũng trải qua nhiều mối tình đẹp và tiến đến hôn nhân với một chàng trai lịch thiệp. Thế nhưng, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, cô phát hiện mình bị nhiễm HIV mà không rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu, bởi kết quả của chồng cô là âm tính. Không lâu sau đó họ ly hôn. Buồn tình, cô chới với trong tuyệt vọng. Khi đến tư vấn, cô hoàn toàn mất phương hướng, thậm chí định tự tử. Được sự động viên của những bác sĩ “tinh thần”, cô dần lấy lại sự tự tin của chính mình và không lâu sau đó kết hôn cùng một thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh. “Tôi xem hạnh phúc của họ như hạnh phúc của chính mình, vì vậy tôi cầu mong sẽ ngày càng có thêm nhiều người bị nhiễm sẽ không còn cô độc trên hành trình giành lại sự sống của chính mình” -  tư vấn Pạt tâm sự.

Nhóm PV

 

 

 

Tin xem nhiều