Báo Đồng Nai điện tử
En

Xe buýt “giả” lộng hành

09:11, 09/11/2011

Bất chấp sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, tình trạng xe dù, xe khách nhái kiểu xe buýt các tuyến chạy trên địa bàn tỉnh (603, 11, 10…) vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai. Sự lộng hành của xe buýt “giả” không chỉ “bóp chẹt” túi tiền của hành khách, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tuyến xe buýt chính hiệu.

Bất chấp sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, tình trạng xe dù, xe khách nhái kiểu xe buýt các tuyến chạy trên địa bàn tỉnh (603, 11, 10…) vẫn tiếp tục diễn ra một cách công khai. Sự lộng hành của xe buýt “giả” không chỉ “bóp chẹt” túi tiền của hành khách, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tuyến xe buýt chính hiệu.

* Xe buýt “giả” vẫn công khai hoạt động

Hơn một giờ đứng tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (thuộc phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), chúng tôi đếm có gần chục chiếc xe buýt “giả” tuyến số 11 (chạy tuyến ngã 4 Vũng Tàu – huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), như: 72N-9867, 72N-4062, 72N-0442, 53S- 5517, 72B- 001.05…, để tranh giành khách với xe buýt thật. Nhiều hành khách phát hiện xe buýt “giả” đã từ chối lên xe, nhưng cũng có không ít người bị lừa vì trông hình dáng bên ngoài các xe buýt giả giống y chang các xe buýt tuyến 11.

Rất khó để phân biệt xe buýt giả với xe buýt thật (H1- xe buýt giả, H2- xe buýt thật) .
Rất khó để phân biệt xe buýt giả với xe buýt thật .

Khoảng 11 giờ 45 ngày 8-11-2011, chiếc xe buýt “giả” mang biển số 72L-3651 từ hướng cầu Đồng Nai rẽ về quốc lộ 51, đến khu vực ngã tư Vũng Tàu đã nhanh chóng tấp vào lề đường đón khách. Lúc này, tay phụ xe vừa kéo tay một vị khách nữ bước nhanh lên xe vừa vội giải thích: “Xe buýt 11 nè, không thấy khách ngồi quá trời sao mà hỏi hoài vậy”. Để biết rõ hơn về kiểu làm ăn chụp giật của các xe buýt “giả”, chúng tôi đã thử lên xe để đi từ ngã 4 Vũng Tàu đến ngã 3 Thái Lan (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa). Lên xe chưa đầy 5 phút, một thanh niên trên xe đã sấn tới chúng tôi đòi 20 ngàn đồng/người. Sau khi nhận tiền xe, người thanh niên nọ không hề xé vé đưa cho khách. Khi chúng tôi cùng một số hành khách trên xe tỏ vẻ thắc mắc, thì từ đầu xe, một tiếp viên nữ khoảng 40 tuổi chửi xối xả vào mặt hành khách. Được biết, mức giá mà các tiếp viên trên xe buýt “giả” đòi khách thường cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với giá vé thực tế khi đi trên các tuyến xe buýt tuyến 11.

Ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng phòng Kiểm tra điều hành của Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm QLĐHVTHKCC), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã lập rất nhiều tổ kiểm tra đột xuất để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng xe buýt “giả” chặt chém khách đi xe. Từ những cuộc điện thoại qua đường dây nóng, chúng tôi có rất nhiều đầu mối do hành khách cung cấp để bắt tại trận những xe buýt “giả” đang đón, trả khách sai quy định”. Cũng theo lời ông Nở, tính từ đầu năm 2011 đến nay, tổ kiểm tra đã kiểm tra, xử phạt gần 50 trường hợp vi phạm về nhái xe buýt để cạnh tranh không lành mạnh với các tuyến xe buýt tuyến 603, 11, 10… Điều này gây tổn thất không nhỏ đến việc kinh doanh và tâm lý hoang mang đến người dân, bởi có nhiều trường hợp tiếp viên của những chiếc xe buýt “giả” đã hành hung hành khách khi bị tố giác.

 * Sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Nhằm hạn chế hoạt động bát nháo của các tuyến xe buýt “giả” đang ngày đêm trên các tuyến đường qua địa bàn tỉnh, Trung tâm QLĐHVTHKCC đã đề xuất với cơ quan chức năng về việc kết hợp thanh tra, tuần tra thường xuyên để dẹp bớt nạn xe buýt “giả” hoạt động công khai như hiện nay. Sắp tới, Trung tâm QLĐHVTHKCC cũng sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân, qua đó kết hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông kiểm tra ở các trạm dừng đón khách tại khắp các tuyến trên địa bàn tỉnh.

Xe buýt giả

Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra với Trung tâm QLĐHVTHKCC là việc thu thập đủ các tài liệu, chứng cứ hoạt động của các xe buýt “giả” để trình cơ quan chức năng xử lý. Bởi hiện tại, đội kiểm tra của trung tâm mỗi khi đi ghi hình, chụp ảnh tại các chốt đường có xe buýt “giả” hoạt động đều bị các tay “cò mồi” báo tin lại cho các chủ xe buýt “giả” biết. Vì vậy, nhiều cán bộ trong đội kiểm tra đã bị hành hung, rượt đuổi khi đang chụp ảnh, ghi hình làm chứng cứ. Ông Nở cho biết thêm: “Hiện nay, mức phạt đối với các xe buýt “giả” so ra vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng trên. Không ít trường hợp bị xử lý, sau đó không lâu lại tái phạm bởi mức phạt chưa đủ nặng so với nguồn thu nhập mà các đối tượng này “móc túi” người dân đi xe buýt mỗi ngày”.

Hiện tại, sau thời gian bị Trung tâm QLĐHVTHKCC ráo riết kiểm tra, xử lý, xe buýt “giả” tuyến số 10 (đi về quốc lộ 1A) tạm thời đang “ngủ đông” để chờ ngày hoạt động trở lại. Còn ở quốc lộ 51, tuyến đi về hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan chức năng đã xử lý không ít xe buýt nhái xe tuyến số 11, 603… để đánh lừa hành khách. Những xe buýt “giả” này chủ yếu là xe của tư nhân, do giá xăng dầu tăng và các tuyến xe buýt hiện nay đã mở rộng hoạt động về vùng sâu nên gây thất thu đối với họ. Để tồn tại, các chủ xe này đã cạnh tranh không lành mạnh bằng việc nhái xe buýt để tranh giành khách đi đường.

Theo lời ông Nở, tính đến nay, Trung tâm QLĐHVTHKCC đã lập hồ sơ và xử lý khoảng 50 xe buýt “giả” hoạt động ở quốc lộ 1A và quốc lộ 51. Ngày 16-10, tổ kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản xử lý đối với 10 xe buýt “giả” (tuyến số 6 và 11) hoạt động công khai tại trạm xe buýt Gò Dầu (huyện Long Thành).

Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các tuyến xe buýt và đẩy lùi tình trạng xe buýt “giả” đang hoành hành hiện nay, Trung tâm QLĐHVTHKCC đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để hỗ trợ nhằm đẩy lùi nạn xe dù đội lốt xe buýt. Đối với mỗi người dân, khi phát hiện xe buýt “giả” cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý triệt để nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ hành khách: An toàn, giá rẻ, tiện lợi của các tuyến xe buýt chính hiệu.

Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều