Men theo con đường nhỏ đang trong quá trình thi công, chúng tôi đến thăm Khoa AIDS của Bệnh viện da liễu Đồng Nai trong một ngày nắng đẹp. Nơi đây, những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ đang từng ngày nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ các bác sĩ, điều dưỡng tận tâm với nghề.
Men theo con đường nhỏ đang trong quá trình thi công, chúng tôi đến thăm Khoa AIDS của Bệnh viện da liễu Đồng Nai trong một ngày nắng đẹp. Nơi đây, những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ đang từng ngày nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ các bác sĩ, điều dưỡng tận tâm với nghề.
Gọi là một khoa nằm trong bệnh viện nhưng ngoài những người nhiễm HIV/AIDS đi lại xung quanh hành lang và các bác sĩ, điều dưỡng…, chúng tôi không thấy bất kỳ thân nhân nào của người bệnh đến thăm hỏi, chăm sóc.
Không chỉ là mối quan hệ giữa bác sĩ với người bệnh, bác sĩ Hoàng còn là một người bạn gần gũi để họ giãi bày những tâm sự. Ảnh: T.Minh |
SỰ SỐNG HỒI SINH
Bên trong cánh cửa kính khép hờ của dãy phòng trực, bác sĩ Lý Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa AIDS, đang tất bật chuẩn bị vật dụng y tế để thăm khám những người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị tại đây. Khi chúng tôi hỏi thăm về tình cảnh của những người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Hoàng thở dài, nỗi buồn của ông in hằn trên gương mặt: “Tôi điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong có đó không ít người bị gia đình ruồng bỏ, đối xử ghẻ lạnh… Họ hụt hẫng vì không còn nơi nào để bám víu nên sống bất cần đời. Cũng có nhiều người sốc đến nỗi không muốn chấp nhận sự thật là mình bị nhiễm HIV nên nghĩ quẩn. Chúng tôi vừa là bác sĩ, vừa là những người bạn tâm giao để giúp đỡ và vực họ dậy, kéo dài sự sống cho họ”.
Nói rồi, bác sĩ Hoàng kể lại câu chuyện thấm đậm tình người mà ông chẳng thể nào quên được. Cuối năm 2010, ông nhận điều trị cho một người nhiễm HIV/AIDS trong tình trạng rất nặng. Người đàn ông này suy kiệt cơ thể, khó thở, hệ hô hấp rất yếu và khó có thể cứu được. Đến lúc tưởng chừng như vô vọng thì một bé gái chừng 8 tuổi, mắt đỏ hoe tiến lại gần ông khóc nức nở xin ông cố gắng cứu lấy cha của cháu. Theo lời ông kể, cháu bé này đã mất mẹ trước đó và người cha đang nằm thoi thóp trên giường bệnh là niềm hy vọng duy nhất trên cõi đời này của cô bé. Nhìn ánh mắt van lơn của cô bé, ông không nén được xúc động và quyết tâm phải cứu cha của cháu ra khỏi lưỡi hái tử thần. Bác sĩ Hoàng cho biết: “May mắn thay, chúng tôi đã thành công ở ca cấp cứu đó. Thấy cháu nói cười bên giường bệnh của cha, lòng tôi bỗng thấy thanh thản rất nhiều”.
Nhờ sự chăm sóc, điều trị tận tình của các bác sĩ, những người nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua được mặc cảm bệnh tật để sống có ích hơn. Trong ảnh: Bệnh nhân đang đóng xà cừ. |
Nói về những bệnh nhân hiện đang điều trị tại đây, giọng bác sĩ Hoàng bỗng chùng lại, xót xa: “Nhiều bệnh nhân xem cái chết như là lẽ tất nhiên nên họ chẳng dám đòi hỏi gì nhiều ở mình. Không ít người bất hợp tác với chúng tôi trong lúc điều trị bệnh, đến khi gần kề cái chết họ mới thiết tha được sống và trân trọng tính mạng của mình. Nhưng người thân của họ lại không nghĩ vậy, một số người trách tôi tại sao lại cứu người thân của họ làm gì, bởi sống như vậy có còn ý nghĩa gì nữa đâu”. Đó là câu chuyện có thật, buồn đến nao lòng về một ca cấp cứu em ruột của người bạn thân bác sĩ Hoàng. Khi người thanh niên đó qua được cơn nguy kịch, anh ta vui mừng khôn xiết và quý biết bao mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì sự thờ ơ của người thân đã dồn anh vào con đường tăm tối. Song, được sự động viên của chính vị bác sĩ trưởng khoa AIDS, người thanh niên này bỏ ngoài tai những cảm xúc riêng để tiếp tục sống và vươn lên trong nghịch cảnh.
Không ít bệnh nhân của bác sĩ Hoàng, sau khi được điều trị thành công đã quay trở lại cộng đồng, sống khỏe mạnh và tìm cho mình một công việc phù hợp với khả năng lao động. Tuy nhiên, khi họ có những tâm sự, khúc mắc trong đời sống thì ông và các cộng sự luôn là cứu cánh cuối cùng của họ giữa dòng đời nghiệt ngã. Bệnh nhân T. tâm sự: “Ai vào đây cũng vào giai đoạn AIDS nên sức khỏe yếu lắm, sống nay chết mai chẳng biết đâu mà lần. Vậy mà, các bác sĩ, y tá ở đây rất tận tình chăm sóc vết thương, bệnh tật cho chúng tôi mà chẳng nề hà gì. Thấy vậy, chúng tôi thấy thoải mái tinh thần hơn vì không bị kỳ thị, phân biệt đối xử”.
TÌM LẠI NIỀM VUI CHO NGƯỜI NHIỄM AIDS
Một ngày ở Khoa AIDS để được lắng nghe, gặp gỡ những bác sĩ, điều dưỡng… tư vấn, chăm sóc và điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi cảm nhận được không ít câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt về tình người, tình đời…
Bác sĩ Lý Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa AIDS Bệnh viện da liễu Đồng Nai, cho biết: “Tính từ đầu năm 2011 đến nay, Khoa AIDS đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 90 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân này được chăm sóc và điều trị miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra, khi vào đây bệnh nhân còn được tư vấn về tâm lý, sức khỏe để họ yên tâm dưỡng bệnh nhằm kéo dài sự sống”. Cũng theo lời bác sĩ Hoàng, muốn điều trị có kết quả tốt thì mỗi bệnh nhân cần phải thoải mái về tâm lý và xem đây là căn bệnh bình thường, vì hiện tại đã có thuốc ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Mỗi ngày, tại Khoa AIDS luôn có các bác sĩ trực luân phiên 24/24 để chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân. |
Tham gia khám chữa bệnh cho những người bị nhiễm HIV/AIDS, điều đọng lại trong lòng bác sĩ Nguyễn Tuấn Khải là chữ tâm giữa con người với con người. Khi được điều về đây công tác, bác sĩ Khải luôn có tâm niệm cứu vớt được nhiều người sống bên bờ vực cái chết nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng luôn theo ý mình. Đa số bệnh nhân điều trị ở đây đều sử dụng qua ma túy, trong đó có không ít người vẫn còn dùng ma túy khi đang điều trị bệnh, đến lúc họ vã thuốc chịu không nổi nên họ bỏ đi. Cứ lặp lại nhiều lần như vậy khiến cho quá trình điều trị bệnh cho họ không có kết quả như mong muốn và mất nhiều tâm huyết của những người làm công tác chuyên môn tại đây. Bác sĩ Khải cho hay: “Những người này thường có tâm lý bất hợp tác với chúng tôi và họ chỉ tìm đến khi sức khỏe đã cạn kiệt. Có rất nhiều trường hợp chúng tôi phải bó tay vì bệnh nhân sống buông thả, không tuân theo phác đồ điều trị, đến lúc thoi thóp mới hối hận thì đã quá muộn”.
Sau cú sốc về một bệnh nhân ra đi vội vàng khi chưa kịp nói lời trăn trối lúc mới về đây công tác, bác sĩ Khải đã luôn tự nhắc nhở mình phải cố hết sức để mang lại niềm vui, hy vọng cho các bệnh nhân. Đó là trường hợp về nữ bệnh nhân bị gia đình chồng hất hủi, khi vào đây cô không có một người thân để thăm nom. Khi ra đi, ngoài những nhân viên của bệnh viện thì không ai đến đưa tiễn cô lần cuối. Lúc dọn dẹp phòng, mọi người mới phát hiện tấm hình của con gái cô nằm phía dưới giỏ đồ. “Đây là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi để tự dặn mình phải luôn gần gũi để thăm hỏi, tâm sự nhằm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân” - bác sĩ Khải tâm sự.
Không chỉ tham gia cứu chữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ Khải còn vận động những mạnh thường quân, các tổ chức xã hội ủng hộ, giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Chính ông là người đi tiên phong để lập phòng khám, xét nghiệm, tư vấn HIV miễn phí tại khu phố 9, phường Tân Biên, do các linh mục của giáo xứ Hà Nội tài trợ. Nhờ những đóng góp thầm lặng của ông và các nhân viên tại Khoa AIDS, đến nay những người nhiễm HIV/AIDS đã được kéo dài thêm sự sống và họ sống có ích hơn cho xã hội bằng việc trở thành những đồng đẳng viên tuyên truyền về HIV/AIDS. Nói về những việc làm của mình, bác sĩ Khải bộc bạch, bởi ngoài trách nhiệm với công việc thì đó còn là tình yêu và sự sẻ chia với những người nhiễm AIDS, để vực họ trở về với sự sống.
Tôi rời khoa AIDS, cũng là lúc mặt trời dần tắt nắng. Tuy nhiên, những nhân viên y tế ở nơi này thì vẫn miệt mài với ca trực để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân trong những tình huống khẩn cấp. Ở nơi đây, tôi thấy lòng mình ấm lại vì vẫn có những con người đêm ngày thầm lặng với công việc để tìm sự hồi sinh cho những người nhiễm HIV/AIDS.