Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo chữ nơi lòng hồ

08:11, 07/11/2011

Thầy nghèo, trò đem tặng cân nếp, quả bầu, quả bí hay những con cá câu được. Tan buổi học, trò đói lả lại bắt thầy cõng về tận nhà… Cứ vậy, đời cha mẹ gọi họ bằng thầy, đến đời con họ thì gọi là ông thầy.

Thầy nghèo, trò đem tặng cân nếp, quả bầu, quả bí hay những con cá câu được. Tan buổi học, trò đói lả lại bắt thầy cõng về tận nhà… Cứ vậy, đời cha mẹ gọi họ bằng thầy, đến đời con họ thì gọi là ông thầy.

* Hai anh em lập trường

Tháng 11, trời bắt đầu chuyển tiết. Hơi lạnh từ những cánh rừng bạt ngàn vẫn không làm các trò nhỏ của thầy Hoàng Đức Tượng (phân hiệu Suối Bon, Trường tiểu học Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) dừng bước. Nhìn các trò nhỏ phong phanh những chiếc áo mỏng, thầy Tượng chợt nhớ về những năm tháng khai chữ cho cư dân khai thác gỗ lòng hồ Trị An ở xóm Đồng Bợ, ấp Cây Cầy, xã Phú Lý gần 30 năm trước.

Cô Mến bên các học trò nhỏ.             Ảnh: Đ.Phú
Cô Mến bên các học trò nhỏ. Ảnh: Đ.Phú

Năm 1983, thầy Tượng hòa cùng dòng người vào xã Phú Lý khai thác gỗ. Nhìn con em những người thợ rừng 9-10 tuổi vẫn chưa biết đọc, không biết viết, thầy Tượng cùng anh trai (thầy Hoàng Đức Hiếu, giáo viên Trường tiểu học Bàu Phụng) vận động bà con cho con em đến lớp. Lúc đầu lớp chỉ có hơn 5 học sinh, sau tăng dần lên 15 em, với đủ lứa tuổi (từ 8-12 tuổi). “Ban ngày tôi đi làm, tối về mới đứng lớp dạy chữ cho các em. Không có điện thì thầy trò học bằng đèn dầu, hoặc đèn ắc quy mà cán bộ lâm trường Vĩnh An cho mượn. Sách vở, bút viết thì tôi mua tặng cho các em”- thầy Tượng nhớ lại những ngày đầu lập “trường” gian khó.

Sau 8 tháng tập làm quen với nét chữ, con số, 15 em học sinh đầu tiên giữa lòng hồ ấy đã được thầy Tượng phổ cập xong lớp 1. Rồi thầy Tượng tiếp tục chiêu sinh lớp thứ hai và dạy tiếp chương trình lớp 2 cho nhóm thứ nhất. “Lớp đầu tiên do tôi đứng lớp, dạy vào buổi tối. Đến lớp thứ hai thì anh trai tôi phụ giúp. Từ đó, bà con, chính quyền xã, lâm trường mới bàn nhau chọn khu đất cao trong xóm Long Thành (vì dân huyện Long Thành về đây dựng lều khai thác gỗ lòng hồ Trị An đầu tiên) dựng lớp học.

Ngày lớp học tranh tre xóm Long Thành khánh thành cũng là lúc anh em thầy Tượng được Phòng Giáo dục - đào tạo thị xã Vĩnh An (nay là Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Vĩnh Cửu) ký hợp đồng làm giáo viên chính thức của Trường tiểu học Bàu Phụng. Với vốn kiến thức lớp 12 của thầy Tượng và năm thứ hai đại học kỹ thuật của thầy Hiếu, cư dân xóm Đồng Bợ, Long Thành từ đó đã có trường, có lớp và được công nhận là học sinh chính quy, khi 9-10 tuổi mới được vào lớp 1. “Khi trở thành giáo viên chính thức, anh em tôi không còn làm rừng mà chuyên tâm vào việc dạy học, phải tranh thủ đi dự giờ các giáo viên khác để học tập kinh nghiệm. Đến năm 1992 thì cả hai được cử đi học hoàn chỉnh sư phạm”- thầy Hiếu cho biết.

“Ngày mùa, sau giờ học, thầy trò rủ nhau đi tát nước bắt cá, giăng câu. Các vị phụ huynh thấy thầy khổ bèn bảo con đem tặng thầy vài cân nếp, con cá, trái bầu, quả đu đủ… Thầy thấy trò không có sách vở, thiếu ăn, mặc không lành thì mua tặng hoặc xin người khác sách vở, quần áo cũ, cân gạo đem cho trò. Tình cảm thầy trò chúng tôi đến tận bây giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm đẹp…” - thầy Tượng cay xè mắt khi nhắc đến lớp học trò “tranh tre nứa lá” trước đây của mình.

* Cha gọi thầy, con gọi ông thầy

Bên các phòng học khang trang do một tổ chức từ thiện của Nhật Bản tài trợ (nơi anh em thầy Tượng cấp phòng học tranh tre ngày trước), thầy Trần Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Phụng cho biết, trước kia trường có 4 điểm lẻ và một điểm chính, nay gom lại chỉ còn hai điểm lẻ Suối Bon, phân hiệu Bàu Phụng và điểm trường chính. Học sinh Trường tiểu Bàu Phụng đa phần là con em của dân lao động nông nghiệp, làm thuê mướn, tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. “Nguyên nhân khiến các em bỏ học chủ yếu do bố mẹ đi làm ăn xa phải gửi con cho người thân chăm sóc, cha mẹ thay đổi chỗ ở, bố mẹ ly hôn… Nay tỷ lệ học sinh bỏ học được khống chế ở tỷ lệ dưới 2% và đó là cả sự cố gắng lớn của giáo viên trong việc phối hợp cùng với địa phương, hội phụ huynh học sinh vận động các em trở lại lớp”- thầy Đức chỉ học sinh tên Thúy vừa được giáo viên chủ nhiệm lớp 5C vận động đi học trở lại mà bày tỏ.

Thầy Đức cùng học sinh phân hiệu Bàu Phụng.
Thầy Đức cùng học sinh phân hiệu Bàu Phụng.

Rồi thầy cùng chúng tôi vào thăm lớp học của cô giáo Mến. Chúng tôi và thầy hiệu trưởng chưa kịp bước vào đến cửa lớp, học trò của cô Mến đã nhao nhao đứng dậy chào. Thầy Đức trách vui lũ học trò ngoan và chia sẻ tình cảm với chúng tôi: “Các em đều ngoan và lễ phép như cha mẹ chúng thời trường, lớp còn tranh tre tạm bợ. Có học trò không gọi chúng tôi bằng thầy mà gọi là ông thầy, vì cha mẹ các em trước kia là học trò của mình”.

Tạm dừng lớp học để tiếp chuyện với chúng tôi, cô Mến tâm sự, cô và các giáo viên khác bám vùng sâu dạy học vì một lẽ rất đơn giản, đó là cái duyên và tình cảm chân chất của học sinh, phụ huynh thân thiện với giáo viên. “Có em hỏi mình có thích ăn xoài không thì đem cho, hoặc câu được con cá lớn cũng mang tặng. Nhiều phụ huynh học sinh không hề biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam là gì. Đến khi ra điểm trường chính dự ngày 20-11 và biết đó là kỷ niệm ngày nhà giáo, họ lại bàn nhau góp tiền đưa cho chúng tôi mua bánh kẹo để tổ chức liên hoan”- cô Mến xúc động bày tỏ.

Cô Trần Thị Minh Hiếu, Hiệu phó Trường tiểu học Bàu Phụng cho hay, để hỗ trợ học sinh nghèo, mỗi lớp học đều tổ chức nuôi heo tiết kiệm, giáo viên đóng góp một ngày lương, quỹ phụ huynh học sinh đóng 50 ngàn đồng/năm học... Hiện trường rất cần sự giúp sức của các tổ chức, mạnh thường quân hướng về học sinh nghèo Bàu Phụng trong chương trình “Tiếp bước chân em đến trường” do tỉnh phát động.

Rời lớp học của cô Mến, thầy hiệu trưởng Đức tiếp tục đưa chúng tôi về thăm điểm phụ của thầy Tượng. Thầy Đức cho hay, tuy là điểm phụ nhưng trường luôn bố trí giáo viên giỏi, giáo viên có thành tích đứng lớp. Bởi theo thầy Đức, do dạy điểm phụ giáo viên được hưởng thêm phụ cấp vùng sâu (theo chương trình 134), đồng thời do điều kiện học tập ở điểm lẻ luôn thua thiệt so với điểm chính nên tăng cường giáo viên giỏi để chất lượng học tập của các em được ngang bằng nhau.

Chia tay lớp học của thầy Tượng, cô Mến và thầy trò Trường tiểu học Bàu Phụng, con đường 761 dài hun hút hướng về Biên Hòa vẫn không giúp chúng tôi lý giải được vì sao: “2/3 giáo viên của Trường tiểu học Bàu Phụng đều là dân tay ngang đứng lớp vẫn không bỏ nghề trong suốt 20 năm qua, trong khi đồng lương đãi ngộ giáo dục vùng sâu còn hạn hẹp. Thời khó khăn, họ bám lớp, bám học trò với một buổi làm vườn rẫy, một buổi dạy học với thiếu thốn trăm bề. Và, hiện nay vẫn không có chuyện dạy thêm, học thêm, quà cáp ở những lớp học giữa lòng hồ này?”.

Đoàn Phú

 

 



 

Tin xem nhiều