Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời người bên những viên gạch

10:11, 07/11/2011

Cả cuộc đời của họ gắn chặt với lửa, đất và các lò gạch, nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám họ. Bù lại, người làm gạch giỏi nghề luôn được giới chủ săn đón và đối xử tử tế.

Cả cuộc đời của họ gắn chặt với lửa, đất và các lò gạch, nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám họ. Bù lại, người làm gạch giỏi nghề luôn được giới chủ săn đón và đối xử tử tế.

* Chuyện về chị Út Phượng

“Sinh ra và lớn lên ở khu lò gạch, 13 tuổi Út Phượng đã biết xếp gạch vào lò nung. Lớn thêm chút nữa, Út Phượng làm được tất cả các công đoạn như: nhồi khuôn, cắt gạch, đứng lò… Và nay, đã 50 tuổi nhưng Út Phượng vẫn làm gạch và nghèo túng như xưa”, chị Cúc, cán bộ phụ nữ phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng (Út Phượng, ngụ tại tổ 6, khu phố 2), hiện đang làm công cho một chủ lò gạch tại xã An Hòa, TP.Biên Hòa.

              Chị Út Phượng hiện chỉ biết gắn chặt đời mình với các chủ lò gạch.      Ảnh: Đ.PHÚ
Chị Út Phượng hiện chỉ biết gắn chặt đời mình với các chủ lò gạch. Ảnh: Đ.PHÚ

Chúng tôi tìm đến căn chòi gạch rộng chừng 4m2, nơi mẹ con chị Út Phượng tá túc và bắt gặp chị đang ngồi bó gối trước cửa chòi gạch với vẻ mặt buồn thiu. Gặp chúng tôi, chị Phượng than ngắn, thở dài: “Làm quần quật cả tháng mới được triệu đồng tiền công. Làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không có tiền mua tivi để xem. Thằng Dũ con tôi vừa bỏ nghề làm gạch chuyển sang làm gỗ mà tiền công cũng không cao hơn…”. Rồi chị nhìn xa xăm kể, 13 tuổi chị đã theo cha mẹ đi làm gạch. Đến nay, chị đã làm công cho trên 15 chủ lò, mỗi lò như vậy chị trụ được 3-4 năm và tiền công cũng chỉ đủ sống. “Nay tui không còn sức để làm những việc nặng như vác đất, bốc gạch ra lò, cắt gạch… Giờ tui chỉ đảm đương nổi một việc là đẩy xe phơi gạch (phơi bông)” - chị Út Phượng thỏ thẻ nói.

Không cần chị Út Phượng than phiền về sức khỏe, chúng tôi vẫn cảm nhận được chị giờ đã đuối sức vì khi nói chuyện lời nói của Út Phượng chen lẫn với hơi thở hổn hển. Khi chúng tôi hỏi vì sao chị không khá, chị Út Phượng trả lời gọn lỏn: “Một ngày tui chỉ phơi được 2,5 thiên gạch bông (2,5 ngàn viên gạch), tiền công kiếm được chỉ đủ ăn”. Thật ra, chị Út Phượng chi tiêu không nhiều, chỉ cơm canh cho qua bữa. Chị nghèo là do không có “khả năng” tính toán để dè xẻn trong chi tiêu, làm được bao nhiêu tiền là tiêu hết bấy nhiêu. “Có bữa bả mua cả chục ký rau để trong nhà, không có tiền nhưng ai mời mua thiếu cái gì bả cũng gật đầu, không biết tiết kiệm gì hết nên làm sao mà khá, không đói là may” - chị Bích, người làm thuê ở gần phòng chị Út Phượng nói.

Chị Út Phượng tuy nhỏ con, gầy ốm nhưng cánh tay thì “cơ bắp” nhờ có thâm niên đẩy gạch. Chị Xuân (người làm gạch chung với chị Út Phượng) cho biết, trường hợp của chị Út Phượng thật đáng thương. Cha mẹ mất sớm, chồng bỏ khi con còn nhỏ, nên chị Út Phượng chỉ còn biết bám các lò gạch để nuôi con, nuôi thân. “Chỉ có những người có tuổi, nghèo khó, học vấn thấp như tụi tui mới bám nghề này. Tụi nhỏ giờ không mấy đứa chịu theo cha mẹ làm gạch, mà chúng chỉ thích đi làm công nhân. Một phần vì tụi trẻ sợ nóng, chê cực, làm gạch thu nhập thấp. Phần vì chúng thấy cha mẹ cả đời bám lò gạch vẫn không ngóc đầu lên được nên tìm hướng khác thoát thân”- chị Xuân tâm sự.

* Săn thợ… làm gạch

“Các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh hiện không còn nhiều, nhưng các chủ lò gạch hiện đang đói thợ đốt lò, người làm công. Mặc dù chúng tôi đãi ngộ nhân công bằng việc tạo nơi ở, điện nước miễn phí, lo bảo hiểm y tế nhưng vẫn không giữ chân họ lâu được. Không phải chúng tôi trả tiền công làm gạch cho họ thấp hơn các công việc khác, mà do công suất lò có giới hạn, gạch làm ra phụ thuộc vào thị trường” - ông Thu, chủ lò gạch S.P. (ở ấp 2, xã An Hòa) cho biết.

Thợ đốt lò hiện nay luôn là con cưng của các chủ lò gạch.
Thợ đốt lò hiện nay luôn là con cưng của các chủ lò gạch.

Nhăn nhó vì nhóm thợ lò Tư Thành cho ra mẻ gạch không đạt chất lượng, ông Ba Sơn (chủ lò gạch thủ công tại ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) vẫn cố lấy giọng bình tĩnh nhắc nhở cánh thợ: “Các anh làm như vậy là chết tui rồi. Lò sau phải canh lửa cho thật kỹ đó”. Rồi ông Ba Sơn chậm rãi bày tỏ với chúng tôi, hiện chi phí cho một mẻ gạch (10 ngàn viên), từ khâu mua nguyên liệu (đất) cho đến công thợ, củi… tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Tuy đầu vào tăng nhưng đầu ra không tăng bao nhiêu. Hơn nữa, do lò của ông làm thủ công nên chất lượng gạch không đều, gạch dạt nhiều. Dù vậy, ông vẫn luôn cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân thợ.

Trong cái nóng hầm hập của lửa, mùi hăng hắc của đất nung, anh Ngô (thợ đốt lò cho ông Ba Sơn) vẫn cởi trần trùng trục, tay thoăn thoắt quăng vỏ cây tràm vào miệng lò và nói: “Tính theo công nhật, thợ lửa và bốc gạch được 200 ngàn đồng/ngày; người cắt gạch, phơi gạch 150 ngàn đồng/ngày. Nhưng tụi tui làm vài ngày thì bắt buộc nghỉ xả hơi, vì phải chờ gạch nguội rồi mới đốt tiếp được. Vì vậy, tính ra thu nhập trong tháng của tụi tui chẳng đáng là bao”.

Cách nơi đốt lò của anh Ngô hơn 10m, chị Tư Hiền đang cố sức đẩy xe gạch vừa được nhóm thợ cắt xong ra sân phơi. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Tư Hiền cho hay, chị đã từng nghỉ làm gạch để đi làm công nhân, nhưng vì nhớ mùi đất nung nên quay lại làm gạch. “Tuy lương thấp nhưng tui đã quen việc. Hơn nữa, làm gạch không bị sức ép như làm xưởng, làm nhiều hưởng nhiều. Lỡ tui có bỏ việc cả tháng vẫn được chủ năn nỉ mời trở lại, chứ không sợ bị đuổi”- chị Tư Hiền nhẹ nhàng đặt những viên gạch còn rỉ nước xuống đất và nói.

Thợ bốc gạch chuyển lên xe đi tiêu thụ.
Thợ bốc gạch chuyển lên xe đi tiêu thụ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai (chủ lò gạch tại ấp 3, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) cho biết thêm, do không có tiền đầu tư theo kiểu lò nung hiện đại nên lò gạch của bà chỉ xuất xưởng vài chục ngàn thiên/tháng. Vì vậy mà việc làm của thợ không ổn định, mùa mưa phải để nguội lò (vì gạch không phơi được). “Do thợ là dân địa phương, hơn nữa không làm gạch thì họ đi làm thuê mướn. Có việc thì tui gọi họ về, khi nào họ không làm nữa thì tui mới phải thuê người khác. Nói là vậy, chứ việc kiếm người làm gạch có tay nghề, kinh nghiệm hiện rất khó”- bà Mai cho biết.

Còn ông Trần Phúc (chủ lò gạch ở ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thì bộc bạch, do cơ sở của ông quy mô sản xuất nhỏ nên việc giữ chân thợ rất khó. Bù lại, những ai gắn bó lâu dài với ông thì ông sẵn sàng cho họ ứng tiền công, lo ăn ở, hỗ trợ khi bệnh tật. “Chủ lò thì phụ thuộc vào thị trường, người làm gạch thì phụ thuộc vào chủ. Một khi chúng tôi đối xử tốt với người làm công thì họ không bỏ mình” - ông Phúc nói. Riêng ông Bách (chủ lò gạch ở ấp 2, xã An Hòa) thì bày tỏ, do hiếm thợ nên một số chủ lò giành thợ của nhau bằng cách trả lương cao hơn nơi làm cũ tại thời điểm họ cần. Sau đó thì giảm lương hoặc ngâm lương khi công việc làm ăn ế ẩm. “Vì cần nhân lực nên họ phá giá. Riêng mình cần thợ nên ngậm đắng chấp nhận thợ quay về, nuốt cục tức để giữ chân thợ”, ông Bách thở dài, nhìn về nhóm thợ đang đốt lò của ông luôn thay chủ mà ái ngại nói.

Đoàn Phú

 

 

        

 

          

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Các mẫu gạch giả gỗ đẹp - giá tại khoMẫu gạch ốp lát chất lượng báo giá khung kèo thép mái ngói HCM 10 Mẫu Gạch Bánh Ú Phổ Biến