Với những nghệ sĩ trẻ, được đứng trên sân khấu để diễn là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao không gì sánh nổi...
Nghệ sĩ Kim Thoa và Vũ Thành đang tất bật chuẩn bị đi đến điểm diễn. Ảnh: T.MINH |
Với những nghệ sĩ trẻ, được đứng trên sân khấu để diễn là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao không gì sánh nổi...
Tuy nhiên, tiếp chúng tôi trong gian phòng nhỏ của dãy nhà tập thể, nghệ sĩ ưu tú Ngân Vương không giấu được những suy tư, trăn trở trước thực tế của đời người nghệ sĩ…
* Gắn bó với nghiệp diễn
Sinh ra trong gia đình thuần nông của tỉnh An Giang, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Hữu Nghĩa (tên thật của nghệ sĩ Ngân Vương) đã yêu lắm những câu hát, giai điệu của môn nghệ thuật cải lương. 10 tuổi, Nghĩa đã biết ca vọng cổ từ những bài mà cậu hay được nghe trên sóng radio. Lớn thêm tí nữa, Nghĩa bắt đầu đi theo các nhóm tài tử nghiệp dư để học nhịp theo những bài vọng cổ. Thấy con trai mình yêu ca hát, ba mẹ Nghĩa cũng băn khoăn lắm nhưng rồi họ cũng chẳng thể cản được nỗi đam mê cháy bỏng của con mình. Được mọi người động viên, trong lần tham gia văn nghệ phục vụ bà con xã nhà, dù run lắm nhưng Nghĩa vẫn cố gắng hoàn thành tốt vai diễn. Từ đây, Nghĩa quen dần với ánh đèn sân khấu, với những câu vọng cổ nghe xao động lòng người. Ông cho biết: “Đã trót yêu nghề rồi nên nhiều lần ba mẹ tôi có ý khuyên nên chọn cho mình một cái nghề ổn định hơn nhưng tôi một mực không chịu. Thấy vậy nên họ đành bỏ ý định can ngăn rồi sau đó chuyển sang ủng hộ tôi trong suốt chặn đường nghệ thuật”.
Năm 19 tuổi, ông xin vào đoàn văn công cải lương chuyên nghiệp của tỉnh An Giang, trải qua nhiều vòng thi để kiểm tra tài năng, cuối cùng ông cũng được nhận. Lúc này, ông là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất của đoàn có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, chặn đường đi ấy nào dễ dàng gì với chàng thanh niên chân lấm tay bùn, họ để ông đảm nhận việc trang trí sân khấu và không hề giải thích gì thêm. Chán nản, nhiều lần ông muốn buông tay, bỏ về nhà làm ruộng, nhưng lòng quyết tâm đã níu giữ chân ông lại để vụt sáng như hôm nay. Giọng ông từ tốn: “Lần đó, trưởng đoàn đưa kịch bản mới cho mọi người xem, thấy hay nên tôi đánh liều muốn thử. Sau lần trò chuyện nói rõ tâm huyết của mình, tôi được giao vai kép chính. Từ đó, tôi được nhìn nhận là một nghệ sĩ thật sự chứ không còn là kẻ chạy hậu trường nữa”. [links(right)]
Nói rồi ông không ngớt kể về những kỷ niệm trong đời mình từ những năm cải lương còn vàng son. Khi ấy, khán giả xem nghệ sĩ là ngôi sao và luôn muốn được thấy vẻ đời thường của thần tượng. Lúc tẩy trang, khán giả chen chúc lại hậu trường để tận mắt xem mặt các vai chính. Đời nghệ sĩ luôn gắn liền với những lần lưu diễn xa nhà đằng đẵng nhiều tháng trời. Nhưng đã dấn thân vào nghề là phải học cách biết chấp nhận và hy sinh để mang đến cho mọi người niềm vui, tiếng cười. Ông tâm sự: “Dù là vai lớn hay nhỏ, được khán giả khen ngợi đó là niềm hạnh phúc rất lớn để chúng tôi nuôi máu nghề. Tôi chỉ lo sau này không còn đủ sức để đứng trên sân khấu mà thôi”.
Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế sô-pha, ánh mắt ông đong đầy những tâm sự. Cạnh đó, những lớp nghệ sĩ trẻ như Kim Thoa, Hồng Gấm, Vũ Thành… dường như cũng cùng chung tâm trạng. Dẫu biết rằng cuộc sống luôn có sự đào thải khắc nghiệt, nhưng họ vẫn tiếp tục cống hiến từng ngày để không làm mai một nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.
* Giữ mãi ngọn lửa nghề
Những năm 1990 trở về trước, cải lương được xem là môn nghệ thuật hút khách nhất. Nhiều hôm diễn vở mới, khán giả phải xếp hàng dài để chờ mua vé. Hiện nay, cùng với xu thế phát triển và hội nhập, bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã không còn được ưu ái như trước, nhưng không phải vì vậy mà các nghệ sĩ cải lương quên đi bổn phận và trách nhiệm của mình đối với khán giả.
Hiện tại, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai có 22 nghệ sĩ, trong đó gần nửa quân số là những nghệ sĩ trẻ, triển vọng. Mỗi người trong số họ có một cơ duyên khác nhau để đến với cải lương, nhưng tất cả đều đồng cảm và chia sẻ những khó khăn trong việc gìn giữ ngọn lửa nghề.
Sau ánh đèn sân khấu, những nghệ sĩ lại quay về cuộc sống thường nhật với những lo toan hàng ngày. Ảnh: T.MINH |
Để có được chỗ đứng trong lòng khán giả như hôm nay, Vũ Thành phải vượt qua biết bao gian nan trong cuộc sống. Như bắt được cảm xúc, anh kể một mạch về những kỷ niệm thuở ban đầu mà mỗi khi nhớ đến nó lại khiến anh rưng rưng khóe mắt. Hồi ấy, nhà Thành nghèo lắm, ngày hai buổi anh phải đi làm thuê nên nào dám nghĩ đến một mai này mình sẽ trở thành nghệ sĩ! Rồi duyên may đưa Thành gặp người thầy đã phát hiện ra mình và cũng chính ông là người đã tạo điều kiện để Thành có được chỗ đứng trong lòng khán giả như hôm nay. Thành tâm sự: “Phần lớn những nghệ sĩ cải lương chúng tôi đều xuất thân nghèo khó nên việc bám nghề không chỉ vì mưu sinh, mà còn là đam mê với nghệ thuật. Giờ nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy đó như những thử thách để mình vững vàng hơn trước những cám dỗ của cuộc sống”.
Những chuyến lưu diễn dài ngày khắp các huyện, tỉnh không chỉ đòi hỏi người nghệ sĩ phải yêu nghề mà phải biết hy sinh những công việc riêng, để mang lại niềm vui chung cho mọi người. Nghệ sĩ Vũ Thành tâm sự: “Đã làm nghệ sĩ thì phải chấp nhận việc đón Tết xa nhà. Nhiều lúc đi diễn thấy mọi người cười nói rôm rả bên gia đình mà tôi thấy se lòng. Mới đầu không quen nên tôi rất buồn và tủi thân. Nhưng riết rồi thấy ai cũng như mình nên không bận tâm nhiều nữa, mà cố gắng diễn thật hay để khán giả biết và nhớ đến mình”. Theo Vũ Thành, hạnh phúc của người nghệ sĩ không gì bằng những tràng pháo tay, những câu nói trầm trồ khen ngợi hay vô tình gặp trên đường khán giả nhận ra mình từng đứng diễn trên sân khấu. Đó là những động lực mạnh mẽ để họ theo nghề và cống hiến sức mình nhằm gìn giữ cho môn nghệ thuật này còn có chỗ đứng trong lòng mọi người.
Sau giờ tập, các nghệ sĩ lại tất bật trở về khu tập thể, có người thì hối hả đi như chạy để kịp giờ chạy sô kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống cứ thế cuốn họ đi với bao lo toan thường nhật, nhưng khi đứng trên sân khấu họ vẫn hết mình với vai diễn để giữ trọn ngọn lửa nghề.
Tùng Minh