Để có một vở cải lương trình diễn hoành tráng trước khán giả mộ điệu, những nghệ sĩ phải luyện tập ròng rã nhiều tháng trời. Ngoài công sức bỏ ra cho từng vai diễn, người nghệ sĩ phải dồn cả tâm và tình vào từng câu hát, lời thoại để mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Để có một vở cải lương trình diễn hoành tráng trước khán giả mộ điệu, những nghệ sĩ phải luyện tập ròng rã nhiều tháng trời. Ngoài công sức bỏ ra cho từng vai diễn, người nghệ sĩ phải dồn cả tâm và tình vào từng câu hát, lời thoại để mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Một buổi tập tuồng của các nghệ sĩ cải lương Đồng Nai. Ảnh: T.Minh
Trong lúc đợi bạn diễn đang tập tuồng trên sân khấu, nghệ sĩ Chiêu Hùng, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đứng nép vào một góc gần cánh gà để quan sát mọi người. Cạnh đó, những đồng nghiệp của anh cũng tranh thủ ngó qua kịch bản để không làm chậm tiến độ của buổi tập luyện. Có theo dõi họ trong những buổi khổ luyện, chúng tôi mới biết việc để cho “ra lò” những vở diễn hay không hề đơn giản.
* Gian nan khổ luyện
Nghệ thuật hát cải lương đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ có thanh, sắc, âm chuẩn mà còn phải gửi trọn cái tâm của mình cho vai diễn. Vì vậy, việc luyện tập một tiết mục để trình diễn trước khán giả phải kéo dài đến tận 2-3 tháng mới hoàn tất. Gắn bó hơn 30 năm với môn nghệ thuật này, nghệ sĩ Chiêu Hùng là một trong những cánh chim đầu đàn của giới nghệ sĩ cải lương Đồng Nai. Dù trải qua không ít thăng trầm trong công việc, nhưng với anh, nghiệp diễn vẫn là ưu tiên số một trong cuộc đời. Anh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi phải có mặt ở sân khấu lúc 8 giờ để luyện tập cho nhuần nhuyễn từng lời nói, giai điệu… Nhiều hôm tập luyện đến khàn cả giọng, nói chẳng được, nhưng cứ nghĩ đến việc được trình diễn cho khán giả xem lại thấy hạnh phúc và quên đi những nhọc nhằn”.
Trung bình một tuồng cải lương khi diễn chỉ dài khoảng 2 tiếng nhưng để tạo ra thành quả như vậy là biết bao công sức của cả ê kíp, và hơn ai hết là những người nghệ sĩ. Nghệ sĩ Xuân Vương cho biết: “Giới nghệ sĩ cải lương chúng tôi sợ nhất là công đoạn tập tuồng. Đang tập mà quên lời là phải làm lại từ đầu, cứ như vậy cho đến khi nhuần nhuyễn mới thôi. Tập tuồng đến mức khàn giọng là chuyện thường”.
Đối với Kim Thoa, nữ nghệ sĩ trẻ với 3 năm tuổi nghề, những năm tháng được tôi luyện tại ngôi trường đã dạy cho cô biết yêu và trân trọng môn nghệ thuật này là vốn quý trong đời. Thoa tâm sự: “Ban đầu tôi không thích cải lương nhưng càng học và tiếp xúc với các vai diễn tôi càng gắn bó với nó. Những năm học ở trường, khi tập tuồng giáo viên bắt khóc là phải khóc, nếu không có nước mắt tụi tôi ắt bị đánh như đứa trẻ. Giờ nghĩ lại tôi thấy việc nghiêm khắc của thầy, cô đã giúp tôi rất nhiều cho các vai diễn hiện nay”. Theo lời Thoa kể, để biết cách đi, đứng, tạo điệu bộ theo từng vai diễn, những nghệ sĩ không chỉ học hỏi từ bạn diễn, thầy cô, mà còn phải nhập tâm và tìm tòi để sáng tạo ra những tình huống lạ, đặc sắc. Đó là mồ hôi, nước mắt mà họ đã gửi trọn vào đấy nhằm mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người. Thoa lắng giọng: “Nhiều hôm diễn xong mệt lắm, nhưng nhìn xuống thấy khán giả ủng hộ nhiệt tình nên tụi tôi càng có thêm động lực để diễn và tự nhắc nhở mình phải luôn cố gắng”.
* Vượt qua khó khăn
Hôm chúng tôi đến thăm, dãy nhà tập thể vắng hoe. Hỏi ra mới biết nhiều nghệ sĩ đã tranh thủ chạy sô để kiếm thêm thu nhập và gắn trau dồi thêm bản lĩnh sân khấu. Nghệ sĩ Kim Thoa thật thà: “Tôi vừa đi sô ở Bình Dương về chừng 30 phút là chị đến. Nghề này là vậy đó, thời gian không cố định đâu”. Tranh thủ lúc Vũ Thành chuẩn bị đi sô sau khi nhận được cuộc điện thoại từ người quen, tôi đến hỏi thăm và trò chuyện để hiểu hơn về cuộc sống của những nghệ sĩ trẻ. Thành cho biết: “Nhiều hôm vừa đi tập tuồng về, chưa kịp ăn cơm là chúng tôi phải đi sô liền. Những ngày lễ, tết… ai nấy đều sum họp bên gia đình nhưng giới nghệ sĩ lại tất bật với công việc. Thời gian tuy không bó buộc nhưng cũng khiến chúng tôi khó bề sắp xếp công việc để về thăm gia đình”.
Tranh thủ trước lúc diễn phân cảnh của mình, nghệ sĩ ưu tú Ngân Vương xem lại kịch bản.
Theo Thành, qua nhiều năm bám trụ theo nghiệp cầm ca, mặc dù anh và các đồng nghiệp được các cấp, ngành tạo rất nhiều điều kiện để sống trọn với nghề nhưng đâu đó trên vai người nghệ sĩ vẫn nặng nợ nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trường hợp của nghệ sĩ Chiêu Hùng là một ví dụ điển hình như thế. Trước đây, anh đã từng rất gắn bó với đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh Đồng Nai, nhưng vì miếng cơm manh áo anh buộc lòng phải dứt áo ra đi. Sau đó, anh gia nhập vào các đoàn cải lương tự do, hoạt động chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Như con chim bay mãi cũng đến hồi mỏi cánh và muốn tìm cho mình một bến đỗ bình yên, tháng 6-2011, anh quay về Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai để nguyện cống hiến cả tâm, sức đến cuối đời. Anh tâm sự: “Làm việc ở các đoàn tự do dẫu thu nhập cao nhưng thực sự tôi không thấy thoải mái tinh thần. Thấy vậy, tôi quyết định quay trở về. Thật bất ngờ khi biết nơi đây đã cho đưa vào sử dựng sân khấu mới, nhà tập thể mới và mức thu nhập cho nghệ sĩ cũng tăng rất nhiều”.
Trung bình mỗi năm họ phải đáp ứng đủ 130 suất diễn ở các huyện vùng sâu, tỉnh lân cận. Bởi vậy, mỗi ngày các nghệ sĩ phải tập luyện đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu để nhuần nhuyễn tuồng trước lúc diễn. Sự cống hiến hết mình của họ là vậy, nhưng đâu phải thành quả mang về lúc nào cũng như ý muốn… Nghệ sĩ Chiêu Hùng tâm sự: “Khán giả bây giờ ít đến với sân khấu cải lương lắm. Chúng tôi tập miệt mài, nhưng khi diễn chỉ lưa thưa người đến xem và chủ yếu vẫn là người có tuổi”. Nói xong, anh thở dài với vẻ mặt buồn xo.
Nghệ sĩ ưu tú Quế Anh thì kể: ngày nào mọi người cũng tập đều đặn 2 buổi, mệt mỏi là vậy, nhưng chẳng ai nề hà, kêu ca, mà ngược lại họ xem đó là niềm vui vì vẫn còn có thể biểu diễn cho mọi người xem. Dù rằng chỉ có số ít người mong đợi suất diễn của họ, nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để bù đắp lại những công sức mà người nghệ sĩ đã bỏ ra…
Khép lại câu chuyện giữa chúng tôi, Thoa tâm sự: “Không đồng tiền nào có thể mua nổi công sức mà những nghệ sĩ đã bỏ ra đâu. Chúng tôi chỉ mong muốn khán giả sẽ không quên mình dẫu mai này sẽ còn nhiều người khác thay thế chúng tôi để mang đến cho nền nghệ thuật cải lương những nét đặc sắc. Đời nghệ sĩ dẫu bạt bẽo nhưng một lần đã đứng trên sân khấu rồi thì sẽ khó mà dứt ra được lắm”.
Nghệ sĩ ưu tú Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, cho biết: “Cải lương là tài sản phi vật thể quý giá của dân tộc nên chúng tôi đang cố gắng từng ngày chấn hưng và bảo tồn, để nó không “thua thiệt” các môn nghệ thuật khác. Hiện tại, Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong việc đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất và quan tâm đến các chính sách, chế độ đối với nghệ sĩ cải lương. Những nghệ sĩ của Đồng Nai được đào tạo bài bản và làm việc trong môi trường rất chuyên nghiệp. Ở đây chúng tôi ra quy định nghệ sĩ phải thuộc tuồng và thể hiện được cảm xúc mới ra tập diễn nên không có việc nhắc tuồng và quên lời như những nơi khác”. |
Tùng Minh