Hơn 30 năm, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới, con người vẫn loay hoay tìm cách chống chọi với HIV/AIDS. Trong cuộc chiến chống lại con virus quái ác này, không chỉ có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mà đòi hỏi chính người bệnh phải cố vươn lên và giúp người đồng cảnh ngộ (gọi tắt là người có H) vượt qua khủng hoảng tinh thần để sống những ngày còn lại tốt đẹp và ý nghĩa hơn…
Hơn 30 năm, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới, con người vẫn loay hoay tìm cách chống chọi với HIV/AIDS. Trong cuộc chiến chống lại con virus quái ác này, không chỉ có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mà đòi hỏi chính người bệnh phải cố vươn lên và giúp người đồng cảnh ngộ (gọi tắt là người có H) vượt qua khủng hoảng tinh thần để sống những ngày còn lại tốt đẹp và ý nghĩa hơn…
Một thời “ăn chơi không sợ mưa rơi”, đến khi sức khỏe suy mòn vì sự tàn phá của HIV, đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết, họ mới cảm thấy hối hận…
* Bên bờ vực thẳm
13 tuổi đầu, Phạm Thị Út (TP.Biên Hòa) đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Nói đơn giản như Út là đã “biết cầm ống chích”. Mới đầu chỉ là chơi thử cho biết, lâu dần Út nghiện nặng và để có tiền tiêm chích, cô trở thành một mắc xích trong đường dây buôn bán ma túy. Hơn 16 tuổi, Út bị bắt vì tội này và bị kết án 5 năm tù. Đã bị nhiễm HIV do bị lây qua đường tiêm chích ma túy từ trước khi bị bắt, nhưng cô gái còn quá trẻ ấy vẫn không hề hay biết. Và thời gian ở trong trại giam cũng chính là lúc cô phải chống chọi với bệnh tật do lúc này hệ miễn dịch của cô đã bị virus HIV tiêu diệt gần hết. Cô bị bệnh lao phổi và thường bị sốt kéo dài. Năm 2005, khi còn chưa hết thời gian phạt tù, những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV tưởng chừng đã quật ngã cô gái tuổi mới ngoài 20 này. Bệnh nặng, cô được tạm tha và cho về điều trị bệnh. Nhớ lại thời kỳ đó, Út cho hay lúc trước cô vốn cân nặng 50kg, khi phát bệnh chỉ còn khoảng 36kg và “chỉ biết nằm thoi thóp chờ chết”.
Gắn kết cộng đồng và không còn bi quan là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp những người nhiễm HIV kéo dài sự sống. Ảnh: T.MINH
Võ Anh Dũng (huyện Trảng Bom) năm nay 37 tuổi, cũng là người có H. Thời trai trẻ, Dũng không chích ma túy nhưng thỉnh thoảng anh đi theo bạn bè “ăn chơi”, đến những quán cà phê trá hình có tiếp viên. Vào tháng 5-2001, sau nhiều tháng bị tiêu chảy kéo dài và sụt cân nhanh đến chóng mặt, Dũng được các bác sĩ và nhân viên tư vấn ở Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất khuyên anh đi xét nghiệm HIV. Sau nhiều lần xét nghiệm, Dũng có kết quả dương tính. Khi ấy anh mới 27 tuổi, đã có vợ và một đứa con. Biết mình bị nhiễm HIV, Dũng vô cùng tuyệt vọng. Anh kể: “Về TP.Hồ Chí Minh để xét nghiệm, mặc dù lần đầu đã có kết quả dương tính nhưng tôi vẫn đến các nơi khác nhau để kiểm tra. Tổng cộng đến 7 lần và kết quả đều như nhau”. Rất may, chỉ mình Dũng bị nhiễm H, còn vợ và con anh vẫn khỏe mạnh bình thường.
* Tìm lối quay về
Dù bị nhiễm HIV và đang bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công, nhưng Dũng vẫn suy nghĩ rất tích cực. Anh nói: “Khi chẳng còn lý do gì để có thể không tin mình đã nhiễm, tôi buộc phải chấp nhận sự thật và trong suy nghĩ của tôi lúc đó là phải cố gắng sống và làm việc để khi chết còn có chút vốn liếng để lại cho vợ, con…”. Nghĩ vậy, anh vừa lo kiếm tiền chạy chữa bệnh cho mình, vừa tích góp dành dụm với hy vọng sẽ chuộc lại lỗi lầm với vợ con.
Những năm đầu thế kỷ 21, ở nước ta điều kiện chữa bệnh cho người nhiễm HIV còn nhiều khó khăn, thuốc kháng virus ARV có giá rất đắt đỏ. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, anh Dũng phải tự mua thuốc để chữa bệnh, hòng cầm cự sự sống. Anh Dũng cho hay, trong năm 2001, tức là thời kỳ đầu phát bệnh, mỗi tháng anh phải chi hơn 5 triệu đồng để mua thuốc kháng ARV cũng như các loại thuốc chống nhiễm trùng. Những năm tiếp theo, chi phí chữa bệnh cho anh Dũng ngày càng giảm dần khi sức khỏe anh ngày một khá hơn. Đến năm 2005, thuốc ARV được nhà nươc phát miễn phí cho người nhiễm HIV từ chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Năm 2007, cùng với việc thành lập Trung tâm phòng chống AIDS trên địa bàn tỉnh, bệnh nhân HIV còn được miễn phí tất cả các chi phí xét nghiệm. Đây không chỉ là tin vui đối với anh Dũng, mà còn của những người có H nói chung, vì với họ khi bị bệnh đã gặp rất nhiều khó khăn, mà giá thuốc nếu phải mua sẽ rất đắt đỏ.
Kể từ lúc phát hiện bị nhiễm HIV, đến nay anh Dũng đã sống được hơn 10 năm. Chính vì suy nghĩ tích cực, Dũng đã vượt qua được khủng hoảng tinh thần lúc đầu để vươn lên sống có ích cho gia đình, cũng như giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ như anh. Từ năm 2005 đến nay, anh tích cực tham gia vận động để thành lập nhóm “Bạn và tôi”, nơi những người có H đến để chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. “Bạn và tôi” cũng là chiếc cầu nối để người có H đến với sự giúp đỡ từ các chương trình phòng chống HIV/AIDS, cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, xã hội cho bệnh nhân nghèo.
Trở lại chuyện của Phạm Thị Út, sau gần một năm trời chạy chữa, được sử dụng thuốc kháng vi rút HIV, sức khỏe Út dần hồi phục. Từ cõi chết trở về, Út còn được gặp lại người đàn ông mà cô yêu thương khi quen từ trại giam. Mặc dù biết Út bị nhiễm HIV và bị gia đình ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm lấy cô và đến nay hai người cũng đã có với nhau 1 đứa con gái được 6 tuổi. Út cho biết, do được sử dụng thuốc kháng vi-rút để phòng chống lây nhiễm nên cả chồng và con của cô đến nay đều khỏe mạnh bình thường.
Trò chuyện với chúng tôi, Dũng cho hay do sử dụng thuốc kháng virus đều đặn nên cả vợ anh và hai con của anh đều không bị nhiễm HIV. Hiện nay, dù suy nghĩ đã rất thoáng và sống có phần vui vẻ hơn trước rất nhiều nhưng trong câu chuyện của anh vẫn đượm nét buồn. Bởi trên thực tế, trong cơ thể anh vẫn mang con virus HIV như một thần chết chực chờ: “Lúc ăn chơi chẳng nghĩ đến hậu quả. Vậy mà đến lúc mình muốn tu chí làm ăn để lo cho gia đình thì phát hiện bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Hồi trẻ mà biết tác hại của đại dịch HIV/AIDS ghê gớm như vậy, thì mình đâu dám ăn chơi để mang bệnh như thế” - Dũng nói.
Đến với các trung tâm tư vấn về HIV/AIDS, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, bị nhiễm bệnh cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều có chung niềm tâm sự rất hối tiếc vì đã quá chủ quan, không đề phòng để rồi nhiễm bệnh.
Nhóm PV