Câu chuyện bám lớp của các giáo viên vùng sâu vẫn thăm thẳm, với bộn bề lo toan. Đổi lại, sự có mặt của họ đã giúp địa phương và người dân vùng sâu, vùng xa không phải vất vả tìm thầy dạy chữ cho con em mình.
Câu chuyện bám lớp của các giáo viên vùng sâu vẫn thăm thẳm, với bộn bề lo toan. Đổi lại, sự có mặt của họ đã giúp địa phương và người dân vùng sâu, vùng xa không phải vất vả tìm thầy dạy chữ cho con em mình.
* Không nỡ để học sinh vùng sâu chịu thiệt
Suốt quãng đường dài đưa chúng tôi vào thăm các điểm lẻ, thầy Lê Văn Khâm (Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) tâm sự, giáo viên ở các điểm lẻ thua thiệt đủ điều như: bị thành phần xấu trêu ghẹo, khó lập gia đình riêng, đời sống khó khăn… Tiếp chuyện với chúng tôi, các giáo viên ở đây bày tỏ, khi mới ra trường, họ luôn khao khát được dạy ở những trường trung tâm, trường điểm. Tuy nhiên, sau những năm bám lớp vùng sâu, tất cả đều cho biết: “Chúng em không nỡ bỏ trường, bỏ lớp, vì học sinh nơi đây cần mình. Chính sự nghèo khó của học sinh và người dân địa phương mới là động lực giúp chúng em bám lớp”- cô giáo Lan (điểm lẻ Suối Đục 1) bộc bạch.
Buổi tổng kết năm học 2010-2011 ở Trường tiểu học Trần Bá Ngọc (xã Đắk Lua, huyện Tân Phú). Ảnh: Đ.PHÚ
Cùng tình cảnh xa nhà, dạy học nơi vùng sâu như Lan, cô thủ thư Trịnh Thị Hà (phụ trách thư viện ở Trường tiểu học Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, với lương tháng chưa tới 2,5 triệu đồng, Hà vẫn yêu thích công việc thủ thư của mình. Hà cho biết, tuy không được đứng lớp như các đồng nghiệp khác, nhưng khi nhìn các trò nhỏ đọc ngấu nghiến những cuốn truyện tranh tại thư viện sau mỗi giờ ra chơi, Hà cảm nhận mình chẳng khác gì học trò, vẫn ngấu nghiến những gì mình có, bằng lòng với hiện tại và mong sao trường có nhiều sách, truyện để cho các em mượn. “Mình khó về đời sống và điều kiện công tác, trong khi học sinh ở đây cái gì cũng thiếu. Nếu em bỏ nhiệm vụ thì điều tối thiểu học sinh vùng sâu thừa hưởng cũng không còn nên em không nỡ”- Hà vuốt ve những cuốn truyện tranh đã ngả màu thổ lộ.
Cô Phan Thị Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) chia sẻ, với một trường vùng sâu như Lam Sơn, việc luân chuyển giáo viên tại điểm chính về công tác các điểm lẻ cũng rất khó khăn và Ban giám hiệu luôn phải cân nhắc vào mỗi đầu năm học, chứ nói gì đến việc tỉnh thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên từ thành thị về vùng sâu, xa công tác. Chính vì vậy, theo cô Minh, ưu đãi hơn nữa đối với giáo viên vùng sâu mới là động lực và thể hiện sự thiết thực.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Phụng cho hay, các thầy, cô dạy được 5 năm đủ quy định là xin chuyển đi, có người chưa đủ năm cũng đòi nghỉ để được rời khỏi nơi hẻo lánh này là chuyện bình thường. Có năm, nhiều thầy, cô xin chuyển đi hoặc nghỉ việc nên những thầy, cô bám trụ rất vất vả trong chuyện choàng gánh chuyên môn; Ban giám hiệu thì tất tả lên Phòng Giáo dục huyện đề xuất xin tăng cường giáo viên. “Chúng tôi không trách những giáo viên bỏ cuộc, chỉ trách mình không giữ được chân họ, chăm lo tốt hơn cho những giáo viên bám trụ tương xứng với những gian khổ mà họ đã cống hiến cho vùng sâu”- thầy Đức bộc bạch.
Để các thầy, cô khỏi phiền lòng vì sự bỏ học của mình, anh em Tuấn vẫn hàng ngày cọc cạch chiếc xe đạp, vượt trên 10km từ ấp 4 ra trường THCS Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Tiếp chuyện với tôi, Tuấn bày tỏ, các thầy, cô trong trường không chỉ cho em kiến thức, mà còn giúp em hiểu hơn ý nghĩa của việc học. “Khi ba mẹ em làm ăn khó khăn thì bắt tụi em nghỉ học. May là các thầy cô cùng chính quyền địa phương đã đến nhà vận động ba mẹ em cho em được đi học lại. Em thích đi học hơn là ở nhà đi đánh cá, làm cỏ mướn”- Tuấn thút thít khóc, chào chúng tôi và tất tả đạp xe đến trường cho kịp giờ học.
* Chia sẻ với vùng sâu
Theo quy định của tỉnh, giáo viên được điều về công tác vùng sâu, xa được phụ cấp thêm 50% mức lương (trong 5 năm đầu). Ngoài ra, họ còn được hưởng thêm phụ cấp khu vực (tùy địa bàn công tác thuộc khu vực khó khăn hay không). Đồng thời, giáo viên sau 5 năm công tác ở vùng sâu, xa được xem xét chuyển công tác theo nguyện vọng. Nhưng trong thực tế, với số tiền phụ cấp ưu đãi mà giáo viên bám trụ ở vùng sâu hiện chưa tương xứng với sự hy sinh của họ. Cô Trần Thị Ngọc Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà cho biết, số tiền phụ cấp đối với giáo viên vùng sâu hiện chưa tương xứng với giá cả đắt đỏ trong sinh hoạt. “Sinh sống ở vùng sâu, các thầy, cô phải mua lương thực, thực phẩm cao gấp hai lần so với giá bên ngoài. Chính vì giá cả đắt đỏ, đồng lương eo hẹp nên các thầy, cô ăn uống rất tằn tiện, chỉ cơm với rau, cá đơn giản”- cô Quý nói.
Để động viên các trò nhỏ yên tâm khi trọ học ở ký túc xá, Ban giám hiệu Trường THCS Mã Đà luôn cắt cử giáo viên theo dõi, hướng dẫn cho các em.
Cô Phạm Thị Ngọc Oanh, Phó chủ tịch Công đoàn Sở Giáo dục - đào tạo cho hay, để chia sẻ với vùng sâu, ngoài những quy định ưu đãi giáo viên dạy học vùng sâu của ngành, hiện công đoàn các trường còn phối hợp với chính quyền địa phương, hội phụ huynh học sinh nơi các trường đóng chân hỗ trợ cho giáo viên về tinh thần lẫn vật chất, như: được vay vốn (sản xuất phụ, mua sắm trang thiết bị), lo nơi ở (đối với giáo viên không có nhà ở), thăm tặng quà, tạo điều kiện về học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ… “Do không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho giáo viên vùng sâu nên về mặt tinh thần chúng tôi luôn ưu tiên và xem xét tặng thưởng trong các phong trào đối với các trường vùng sâu, xa để khuyến khích, động viên họ. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở quan tâm đến các chế độ như: nghỉ phép, thai sản, bệnh tật… đối với giáo viên vùng sâu, xa”- cô Oanh nói.
Thầy VÕ DUY LIÊM, Trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Vĩnh Cửu tâm sự, thầy luôn quan tâm đến giáo viên công tác tại các xã khó khăn như: Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm… Ngoài các chính sách ưu tiên theo quy định (thu hút trong 5 năm, khu vực), các giáo viên công tác nơi vùng sâu có nhu cầu xin chuyển công tác luôn được tạo điều kiện. “Mỗi năm chúng tôi vận động xây dựng được từ 4-5 mái ấm tình thương cho các giáo viên khó khăn, giáo viên vùng sâu”- thầy Liêm cho biết.
Với thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên được tính thêm nửa thời gian (1 năm tính thành 1,5 năm) khi xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. “Chúng tôi cũng rất đồng tình với quan điểm nên có chính sách ghi nhận thành tích bám vùng sâu của giáo viên để động viên tinh thần họ”- thầy Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng giáo dục - đào tạo huyện Định Quán bày tỏ. Cũng theo thầy Hùng, có những giáo viên mỗi ngày phải đi dạy xa nhà hàng chục cây số, chi phí tiền đi lại hết 1/3 lương tháng và bụng đói trên đường đi dạy về. Do đó, thêm một danh hiệu để ghi công luôn xứng đáng với những hy sinh của họ.
Còn thầy Lê Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Lua (xã Đắk Lua, huyện Tân Phú) thì bộc bạch, chính tình cảm của học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương là niềm tin để giữ chân các thầy, cô ở lại với vùng sâu: “Thầy vì nghề nghiệp mà lặn lội vào vùng sâu công tác, hành động theo lời mời gọi của địa phương. Khi nhìn các trò nhỏ thiếu ăn, thiếu mặc, đi học xa trường thì thầy sao nỡ bỏ trường, bỏ trò để tìm ưu đãi cho riêng mình. Vì vậy, dù khó khăn về đời sống, vùng sâu vẫn không một ngày vắng thầy, cho dù sự bám trụ của họ luôn thiệt thòi hơn những nơi khác”- thầy Tiến chia sẻ.
Đoàn Phú