Cây bạch đàn vừa được Tèo “ròm” cưa ngã, Hai Thành đã bước đến đo để cho Bảy Lắm cắt thành khúc. Trong khi đó, Ba Hùng cùng nhóm bạn nhễ nhại mồ hôi phân loại, bóc vỏ, chuyển gỗ cắt khúc lên xe tải.
Cây bạch đàn vừa được Tèo “ròm” cưa ngã, Hai Thành đã bước đến đo để cho Bảy Lắm cắt thành khúc. Trong khi đó, Ba Hùng cùng nhóm bạn nhễ nhại mồ hôi phân loại, bóc vỏ, chuyển gỗ cắt khúc lên xe tải.
* Công việc nặng nhọc
Chú gà trống trong chuồng chưa kịp cất tiếng gáy báo sáng, chị Thảo (ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) đã chuẩn bị xong buổi cơm sáng cho 4 người trong nhà ăn và phần mang theo đi làm. Chị Thảo tâm sự, cả 4 người trong nhà chị đều đi bóc vỏ bạch đàn (cây tràm) thuê cho ông Tám Hùng (chủ 10 hécta rừng tràm ở ấp 4). Để kịp ra rẫy làm công, chị Thảo phải dậy trước 5 giờ lo cơm nước cho cả nhà. “Tui và 2 đứa nhỏ thì bóc vỏ. Ông xã tui tỉa cành, gom cây. Bao năm nay gia đình tui sống bằng nghề này”.
Với việc bóc vỏ tràm, phụ nữ, trẻ em, người già ai cũng làm được.
Cà kê trà sáng với anh Hồ (chồng chị Thảo) đến 6 giờ sáng thì chúng tôi theo gia đình anh ra rừng tràm. Sau gần một giờ chạy xe máy qua các đoạn đường ngoằn ngoèo, “năng lượng” chúng tôi nạp từ bữa sáng đạm bạc với cá khô, rau bí tại nhà chị Thảo, anh Hồ đã gần cạn. “Tụi tui làm đến 5 giờ chiều mới về đó. Nếu mấy chú bận hoặc không chịu nổi thì về trước nghen”, chị Thảo nhắc khéo chúng tôi rồi cùng chồng, con và những người làm thuê khác lao vào đống tràm vừa được các tay thợ cưa khúc gọt tách vỏ.
Tại khu rừng tràm của ông Tám Hùng, tiếng cưa máy gầm rú, thân cây ngã kêu răng rắc. Từ bụi cây đi ra, Ba Hùng lẩm bẩm trách Tư Nhái (Tư Nhái có nhiệm vụ phụ xô cây ngã theo ý của Ba Hùng): “Sao mày cẩu thả vậy Tư Nhái. Xém chút nữa tao trật tay cưa đứt chân rồi”. Dù bị Ba Hùng nặng lời trách mắng, Tư Nhái vẫn hề hề giả lả khi làm sai: “Gió mạnh quá, tui lái không nổi nên mới buông tay. Tui nào có ý muốn chơi xấu anh Ba để anh bị nạn”. Quẹt những giọt mồ hôi túa đầy trên trán khi vừa thoát nạn, Ba Hùng giải thích: “Cái nghề này không khéo dễ bị lưỡi cưa “liếm” vào chân hoặc cây ngã trúng người. Vì vậy mới cần người phụ xô cho cây ngã đúng hướng, tránh ngã quật ngược về phía mình hoặc trẹo tay làm gãy cưa”.
Rồi Ba Hùng vén ống quần chỉ cho chúng tôi xem vết thương hình con sâu bám chết ở cẳng chân trái, nói: “Chỉ cần xui thêm chút nữa là tui mất luôn chân trái. Cái nghề này rủi ro không ít, nhẹ thì vẹo vai, trầy xước. Nặng hơn thì gãy tay, mất chân, cụp xương sống. Chỉ vì nghèo khổ, không có đất trồng trọt nên tui mới sắm cưa máy hành nghề. Nói là làm rừng cho oai chứ thật ra là đi cưa tràm thuê cho người ta…”.
* Bóc vỏ tràm để sống
Theo những người làm rừng ở huyện Vĩnh Cửu, công việc của họ phụ thuộc vào những ông chủ mua vườn tràm như: Tám Hùng, Sáu Oanh, Thiết Liên… Những ông chủ mua vườn tràm thì phụ thuộc vào các ông chủ sản xuất ván ép, làm bột giấy, xà xây dựng. “Công việc của tụi tui phụ thuộc vào việc kinh doanh làm ăn của các ông chủ và luôn bị các lao động trồng mía, tự do khác giành chén cơm vào mùa nắng”- anh Ba Hùng ngồi chễm chệ trên khúc gỗ, phì phò thuốc lá nói.
Dọc theo đường tỉnh 768, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người làm tràm thuê.
“Một cây tràm được cưa thành 3 sản phẩm: phần gốc cưa lấy gỗ làm ván ép; phần giữa cưa làm xà xây dựng; phần ngọn làm bột giấy. Do đó, tụi tui chỉ có công ăn việc làm ở 1/3 cái cây, từ công đoạn bóc vỏ thôi”- chị Tuyết (nhà ở ấp Thanh An, xã Tân An) cho hay.
Phải thường xuyên di chuyển xa nhà để làm công nhưng thu nhập mỗi ngày của chị Tuyết chỉ từ 120-150 ngàn đồng. Theo chị Tuyết, chủ mua vườn ở đâu thì chị và cả nhóm phải theo đến đó để làm công. Phần ngọn được các thợ cưa gom thành đống, bóc vỏ xong thì chuyển lên xe. “Người bóc giỏi, một ngày được trên 2 te (mỗi te cao 1m x 2m dài), tiền công một te giá 70 ngàn đồng. Do làm ăn sản phẩm nên người làm công phải tự túc cơm nước”- chị Tuyết vừa nói vừa xuýt xoa đôi bàn tay đang nổi cục đỏ giống hệt trứng thằn lằn.
Chị Mỹ (nhà ở làng bè Suối Tượng, ấp 4, xã Mã Đà, cùng nhóm làm rừng với chị Tuyết) bộc bạch, do công việc chài lưới thất bát nên chị cùng một số bà con trong làng bè phải lên bờ tìm việc khác mưu sinh, như: đi làm cỏ, bóc vỏ tràm, phụ hồ… “Thu nhập từ công việc bóc vỏ tràm không cao nhưng được cái ổn định. Khi nào không mua được vườn thì chủ vườn sắp xếp việc khác cho mà làm”- chị Mỹ bày tỏ.
Anh Việt Hùng cho hay, do hiếm người làm rừng nên chủ vườn giữ thợ bằng cách không cho họ tòng quân cho chủ vườn khác. Bù lại, họ cho người làm công ứng tiền khi cần, tạo việc làm khác cho họ, như: làm rẫy, dọn đất hoặc chấp nhận mua vườn không có lời để giữ chân thợ. Chỉ khi túng quá, chủ vườn mới bỏ mặc các anh thất nghiệp hoặc dùng máy cưa làm gì tùy ý.
Trong tấm bạt che tạm bên bìa rừng, anh Việt Hùng (ấp 1, xã Trị An) đang ngồi gỡ những chiếc gai mắc cỡ rừng trên tay. Anh Việt Hùng cho chúng tôi biết, đã là dân làm tràm chuyên nghiệp thì khó tránh khỏi tai nạn nhỏ, như: cây ngã, cưa cắt vào người, ong, kiến đốt, gai đâm. “Mình phải làm được nhiều công đoạn, như: cắt, đo, bốc vác và bóc vỏ tràm. Hết việc thì theo chủ đi làm cỏ mía, cỏ mì, chăm sóc cao su…, để chờ khi nào chủ mua được vườn khác thì trở lại công việc chính”- anh Việt Hùng tâm sự.
Là người có trên 10 năm theo các chủ vườn làm mỗi công việc bóc vỏ tràm, chị Mến (ấp 2, xã Trị An) cho biết thêm, bóc bỏ là công việc nhẹ nhất và cũng dễ kiếm tiền hơn những công việc khác. Tuy vậy, công việc bóc vỏ tràm ai cũng làm được và chỉ làm trong thời gian ngắn là xong. Chủ vườn chỉ tạo điều kiện cho những người thợ nam biết làm nhiều việc: “Vì họ có sức khỏe, làm được đủ thứ việc, trong khi cánh phụ nữ chỉ làm theo thời vụ, thiếu công họ mới gọi”- chị Mến thỏ thẻ nói.
Nhìn những người đàn ông mình trần, cánh phụ nữ thì trang phục kín bưng từ mặt đến chân, đang vật lộn với những khúc tràm tứa mủ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghe họ kể rằng, những đồng tiền mà họ kiếm được từ việc làm công vất vả mỗi ngày chỉ đủ để mua gạo, lo cho con ăn học. “Rừng còn thì vợ chồng tui còn việc làm. Vợ chồng tui mong sao hai con mau lớn, học hành thành đạt, chí ít cũng đi làm xưởng. Chứ mãi chui rúc trong rừng như cha mẹ nó thì khó ngóc đầu lên được”- anh Bộc (ấp 1, xã Trị An) ném khúc tràm trắng toát vừa được bóc sạch vỏ xuống đất, thở hổn hển nói.
Đoàn Phú