Báo Đồng Nai điện tử
En

Một lần đến Hà Giang

10:10, 13/10/2011

Hà Giang, vùng đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, tôi đã từng biết nhiều qua tivi, sách, báo như những lời mời gọi ngọt ngào, nhưng chưa một lần đặt chân tới. Hà Giang luôn gợi lên trong tôi sự háo hức được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của núi rừng và những câu chuyện cổ tích cuốn hút bao sự tò mò, tìm kiếm.

Hà Giang, vùng đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, tôi đã từng biết nhiều qua tivi, sách, báo như những lời mời gọi ngọt ngào, nhưng chưa một lần đặt chân tới. Hà Giang luôn gợi lên trong tôi sự háo hức được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú của núi rừng và những câu chuyện cổ tích cuốn hút bao sự tò mò, tìm kiếm. Khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, lại càng thôi thúc tôi sớm đến với miền đất Hà Giang.

Từ Hà Nội lên Hà Giang theo đường bộ là 320km, và cũng chỉ có thể đến đây duy nhất bằng đường bộ. Qua Vĩnh Phúc, vượt cầu Việt Trì, bao nhiêu địa danh của một thời kháng chiến lần lượt hiện ra: Sông Lô, đền Hùng, sông Thao, Trung Hà, Bắc Mê, Tân Trào, Tây Côn Lĩnh... của ATK, thủ đô kháng chiến năm nào cứ miên man trong tâm trí tôi suốt chặng đường. Từ Phú Thọ xe theo quốc lộ 2, qua Tuyên Quang gần như độc đạo, quốc lộ 2 cặp bờ sông Lô thẳng tiến lên phía bắc, cột cây số vun vút lao đi nhưng chỉ ghi một nơi đến: Hà Giang!

Cột cờ quốc gia Lũng Cú.    Ảnh:  P.S.ANH
Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Ảnh: P.S.ANH

 

Hà Giang là tỉnh biên giới, đất rộng, người thưa, địa hình chủ yếu 2 dạng núi đá vùng cao và núi đất vùng thấp. Diện tích gần 8.000km2, dân số hơn 720 ngàn người, gồm 22 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chỉ chiếm 13,3%. Đường biên giới dài 274km, giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc), trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh có đến 7 huyện biên giới. Hà Giang là vùng đất ghi nhận sự biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hơn 540 triệu năm, dấu tích người Việt cổ cư trú khá lâu đời, là vùng đất có bản sắc văn hóa rất riêng. Khu di chỉ khảo cổ học Đồi Thông, nằm ngay trong lòng thành phố Hà Giang, nơi đây đã tìm thấy hàng ngàn di vật từ thời tiền sử và được xác định là một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt Nam. Nhiều di tích, thắng cảnh của Hà Giang đã được xếp hạng quốc gia và quốc tế, đặc biệt cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào ngày 3-10-2010. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Nhiều di tích, danh thắng quốc gia đã được công nhận, như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v...

 * Cao nguyên đá Đồng Văn

Là vùng cao nguyên núi đá vôi, có đến 90% diện tích là núi đá, trên địa bàn 4 huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Cao nguyên đậm một màu đen xám của đá, độ cao trung bình 1500m, do đứt gãy của vỏ trái đất nên địa hình nhìn chung rất dốc, có chỗ dốc 70-900. Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. UNESCO đánh giá rất cao về bản sắc văn hóa của các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao... sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là đặc trưng rất lớn của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong hệ thống công viên địa chất toàn cầu.

Từ thành phố Hà Giang, ngược lên phía bắc 150km nữa là đến huyện lỵ Đồng Văn,

Nơi cao nhất của cao nguyên đá, là nơi “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” và “Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”. Người dân vùng cao Đồng Văn sống quyện cùng với đá: dọn đá để dựng nhà, để có đất trồng trọt; khoét đá để tìm dòng nước ngọt… Đá dựng thành tường rào bao quanh làng xóm, đá giữ nước, giữ đất để có ruộng bậc thang, và đá dựng thành rừng, thành lũy để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ở nơi đây cúi xuống thấy đá tai mèo, ngẩng lên trời lại thấy đá, một màu đen xám bao phủ. Nhưng về mùa mưa, xen lẫn với màu của đá là màu xanh của những ruộng bắp, màu vàng của những nương lúa. Bắp trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra trái, có chỗ người ta phải mang từng gùi đất đổ vào từng hốc đá để trồng, mà lạ, cứ ngàn đời nay vẫn cho trái to, cho hạt mẩy.

Tạo hóa ban cho vùng cao nguyên nhiều món quà đá kỳ lạ: vườn đá ở Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá muôn hình, muôn vẻ của các loài hoa; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) lại có hình rồng cuộn, voi phục, hổ ngồi… cùng với các loại địa y, lan rừng, nhất là loài lan hài quý hiếm, vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) lại có các phiến đá tròn nhẵn, đen bóng, đứng xa như đàn hải cẩu của bờ biển xứ lạnh đang tựa vào nhau. Lại có những dãy núi có dạng kim tự tháp, mà ngỡ mình như bước sang xứ Ai Cập. Nhiều hang động đẹp sững sờ không thua kém bất cứ hang động nào ở nơi khác: hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), hang Rồng ở Sảng Tủng, động Én ở Vần Chải (Đồng Văn)…

 * Đèo Mã Pì Lèng

Từ Yên Minh lên Đồng Văn có thể theo 2 hướng, đi thẳng hoặc rẽ phải sang Mèo Vạc, qua đèo Mã Pì Lèng lên Đồng Văn, xa hơn khoảng 30km. Thị trấn Mèo Vạc thật đẹp, là một thung lũng nhỏ khá sầm uất, bốn bề bao bọc những ngọn núi đá vôi cao chót vót, dựng đứng. Cứ nghĩ với địa hình này mùa mưa chắc có lúc lũ ngập đầu. Nhưng không, ở đây chưa bao giờ ngập, cho dù có lúc mưa rất lớn, do địa hình núi đá vôi nên bao nhiêu nước ngấm vào đá và chảy ngầm trong lòng đất. Qua thị trấn Mèo Vạc hơn chục cây số, vượt đèo Mã Pì Lèng dài 18km để đến Đồng Văn.

Mã Pì Lèng cũng như bao địa danh ở nơi khác được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, có người cho là Mỏm đầu ngựa, do con đèo giống hình đầu con ngựa, có người lại giải thích là Nắm đuôi ngựa, bởi vì đèo rất dốc phải nắm đuôi ngựa mới đi được. Mã Pì Lèng như con rắn trườn mình qua không biết bao dốc quanh, khi ẩn khi hiện giữa trùng trùng điệp điệp núi đá. Suốt đèo, với nhiều khúc cua tay áo liên tục, một bên vách đá dựng đứng cao chót vót, một bên vực sâu thăm thẳm, hun hút, ngước mắt lên ngỡ chạm trời xanh, nhìn xuống là cả ngàn thước, đây là vực đường bộ sâu nhất Việt Nam. Đỉnh đèo Mã Pì Lèng ở độ cao gần 2.000 mét so mặt nước biển, với tay là bắt được mây, mây bồng bềnh trôi khắp nẻo, mây dưới chân, mây ngay trên đầu, thung xa lũng gần trắng xóa một màu mây.

Nhà trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: T.L
Nhà trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: T.L

 

Ngày xưa đi từ Mèo Vạc đến Đồng Văn, chỉ có thể đi bộ và đi ngựa qua Mã Pì Lèng, tuy không xa nhưng 2 vùng này vì vậy mà gần như bị chia cắt. Năm 1959, nhà nước cho mở con đường này, mang tên con đường Hạnh Phúc. Chuyện mở đường qua Mã Pì Lèng của hơn 50 năm trước thật không đơn giản chút nào, công việc toàn bằng thủ công, từ đo đạc, khảo sát, nổ mìn, đến vận chuyển đất đá, đầm chặt mặt đường. Hàng chục ngàn thanh niên của 11 dân tộc vùng Việt Bắc và một số tỉnh miền xuôi đã treo mình trên núi đá suốt 6 năm trời, mãi đến năm 1965 để có con đường này. Sau này có phương tiện cơ giới, đường Hạnh Phúc được nâng cấp, trải nhựa, dù hẹp nhưng khá tốt. Chúng tôi dừng chân ở đỉnh đèo vào lúc hoàng hôn, nơi có tấm bia lưu niệm công trình con đường Hạnh Phúc, Mã Pì Lèng lại càng thật đẹp, lung linh, huyền ảo, sông Nho Quế tắm đỏ ánh hoàng hôn, như ngọn đèn trời hắt ánh sáng vào không gian.

* Cột cờ quốc gia Lũng Cú

Từ huyện lỵ Đồng Văn, đến cột cờ thuộc xã Lũng Cú khoảng 25km, và tính từ Hà Nội đúng 500 km, Cột cờ đặt trên đỉnh núi Rồng cao 1.700m so với mực nước biển. Nói cột cờ là điểm cực Bắc thì chưa hoàn toàn chính xác, điểm cực bắc còn cách cột cờ khoảng 3km về phía đông, và từ chân cột cờ nhìn về phía bắc 300m theo đường chim bay, thấy rõ cột mốc biên giới Việt Trung số 422. Đứng ở nơi này, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió, một biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước và cũng là niềm tin và sức mạnh của người dân Lũng Cú đời đời gắn bó với non sông đất Việt, mới cảm hết hai từ Tổ quốc thiêng liêng biết chừng nào. Một vùng đất biên cương bao la, trập trùng núi, để giữ nó ngàn đời nay biết bao xương máu cha anh đã đổ. Hơn ngàn năm trước, Lý Thường Kiệt đã cho cắm mốc chủ quyền quốc gia tại vị trí Cột cờ ngày nay, khẳng định “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”. Thời Tây Sơn, sau khi chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn để báo hiệu khi giặc giã xâm lấn bờ cõi, một kiểu thông tin về chiến trận ngày xưa như trong Chinh phụ ngâm từng mô tả “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt”. Vị trí đặt trống của nhà vua là Trạm Biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.

Ban đầu, cột cờ làm bằng tre, từ năm 1978 cột được làm bằng gỗ sa mộc cao 12 mét, một loài cây đặc hữu của vùng núi đá. Năm 2002, được xây dựng bằng xi măng, cốt thép, với chiều cao gần 20m; chân bệ có 6 mặt với các bức phù điêu mang hình trống đồng Đông Sơn. Cột cờ quốc gia Lũng Cú mới hiện nay, được khởi công trùng tu, nâng cấp ngày 8-3-2010, sau 196 ngày thi công, khánh thành vào ngày 25-9-2010. Tổng chiều cao cột cờ 33,15m, thân cột cao 20,25m, cán cờ cao 12,9m, lá cờ Tổ quốc dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đường kính ngoài thân cột là 3,8m. Cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, tương tự như Cột cờ Hà Nội, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu bằng đá xanh minh họa các thời kỳ lịch sử của đất nước và con người, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng. Để đi lên cột cờ, nếu đi từ phía trước leo 825 bậc thang xi măng, đi từ phía sau thì ngồi xe thêm một đoạn và leo 279 bậc thang để đến chân cột, từ đây leo 135 bậc cầu thang sắt trong lòng cột để đến được cán cờ. Cột cờ quốc gia Lũng Cú được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2009.

* Di tích Nhà Vương

Di tích Nhà Vương, còn gọi là Dinh họ Vương hay Dinh thự nhà Vương, thuộc xã Sà Phìn, cách huyện lỵ Ðồng Văn 50km về phía nam. Ðây là dinh thự của ông Vương Chính Ðức người H’Mông, một người giàu có và có thế lực cả vùng Ðồng Văn rộng lớn trước Cách mạng tháng Tám 1945, dân gian phong ông là vua Mèo. Dinh thự nhà Vương không lớn, nhưng kiến trúc đẹp và độc đáo. Khu kiến trúc mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với hình chữ “Vương”, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa và được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc vừa làm tường che chắn vừa làm pháo đài phòng thủ. Ðây là một điển hình về sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên giới Việt - Trung. Dinh có ba ngôi nhà sàn, ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà chính là nơi ở của “vua” họ Vương, ở đó hiện vẫn còn bức hoành phi với bốn chữ “Biên chính khả phong” được vua Nguyễn ban, bằng chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cấp.

Ông Vương Chính Ðức giàu có do buôn bán thuốc phiện, ở khu dinh thự hiện nay còn nhà kho chứa thuốc phiện, với cách bố trí canh phòng khá cẩn mật. Khi 6 tỉnh Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà trở thành chiến khu Việt Bắc, Vương Chính Ðức đóng góp khá nhiều tiền của cho kháng chiến, ông qua đời năm 1947 tại quê nhà. Ông có 3 người con trai, người con thứ hai là Vương Chí Sình được Bác Hồ nhận làm anh em kết nghĩa và được Bác đặt tên cho là Vương Chí Thành (anh, em Nguyễn Tất Thành). Sau này Vương Chí Thành là đại biểu Quốc hội khóa 2, khóa 3, công tác tại Ủy ban Dân tộc và miền núi, ông mất tại Hà Nội năm 1962. Khu di tích Nhà Vương được  xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

 * Chợ tình Khâu Vai

Chợ tình Khâu Vai gắn liền với thiên tình sử thật đẹp của một đôi trai gái ở vùng Khâu Vai của huyện Mèo Vạc, yêu nhau nhưng họ không lấy được nhau. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bộ lạc ở Khâu Vai yêu nhau tha thiết. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn rước cô về làm dâu bộ lạc của mình. Mâu thuẫn giữa hai bộ lạc trở nên sâu sắc khi tình yêu của họ ngày càng sâu đậm. Một ngày kia, đúng ngày 27 tháng 3 âm lịch, khi họ đang ngồi nói chuyện với nhau, thì từ xa, dân làng của hai bộ lạc kéo đến chuẩn bị đánh nhau kịch liệt, nguyên nhân là do mối tình của họ.

Ðể tránh đổ máu giữa hai bộ lạc do bất hòa, hai người đau đớn quyết định chia tay nhau, dù phải chịu nhiều đau khổ, và hẹn nhau hằng năm cứ đúng ngày 27 tháng 3 âm lịch, họ lại gặp nhau tại điểm hẹn cũ. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau trong vùng, và ngày 27 tháng 3 âm lịch hằng năm trở thành phiên chợ tình. Chợ tình Khâu Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán, là một nét văn hóa đẹp, rất nhân văn, biết hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Có điều, các đôi trai gái sau này thành vợ, thành chồng với người khác, thì ngày hò hẹn trong phiên chợ tình không hề có chuyện ghen tuông, khi chồng hoặc vợ mình đi gặp người cũ. Ðến nay, nhiều địa phương cũng có chợ tình, có những chợ mới hình thành sau này theo kiểu tự phát, biến tướng và cả pha lẫn chất thị trường.

 * Phố cổ Ðồng Văn

Phố cổ Ðồng Văn bao gồm khu chợ và những ngôi nhà thuộc hai thôn Quyết Tiến và Ðồng Tâm, thuộc thị trấn Ðồng Văn, huyện Ðồng Văn, với khoảng 40 hộ dân và 18 ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây ngót 100 năm, trên diện tích hơn 10.000m2. Trước đây, vùng này là một thung lũng, rừng rậm và rất ít dân. Những năm đầu thế kỷ XX, chính quyền đô hộ thực dân Pháp muốn biến nơi đây thành một trung tâm giao thương của vùng cao nguyên Ðồng Văn rộng lớn, nhằm  trấn ải biên cương phía Bắc, từ đó phố cổ bắt đầu được xây dựng. Là nơi cao nguyên đá, đi lại khó khăn mà gần 100 năm trước đã có phố thì thật kỳ diệu.

Phố cổ Ðồng Văn.    Ảnh: T.L
Phố cổ Ðồng Văn. Ảnh: T.L

Phố cổ Ðồng Văn mang dáng dấp kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa, pha trộn kiến trúc vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Nếu so với phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, làng cổ Ðường Lâm thì phố cổ Ðồng Văn xuất hiện muộn hơn nhiều, quy mô nhỏ, nhưng lại mang sắc thái riêng mà nơi khác không có là cư dân ở đây hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số. Những ngôi nhà phố cổ rất thấp, tường bằng đất, mái lợp ngói máng truyền thống. Các công trình kiến trúc độc đáo này được tạo nên từ những phiến đá tạc, đẽo công phu. Sau khi hình thành phố xá thì ngôi chợ cũng bắt đầu được xây dựng.

Khu chợ cổ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1925 - 1928, với những dãy cột đá ba, bốn người ôm được đục đẽo rất đẹp, với kết cấu hình chữ U. Chợ phiên Ðồng Văn họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật. Chợ là nơi giao thương và giao lưu của rất nhiều đồng bào người Mông, Hán, Dao, Giáy, Tày... sống ở nơi địa đầu cao nguyên đá. Chợ nằm nép mình dưới chân núi Ðồn Cao, bên cạnh khu phố cổ Ðồng Văn. Nét khác biệt với các chợ nơi khác là có người đi chợ để mua bán, nhưng rất nhiều người chỉ đi chơi chợ. Vì vậy, các hàng ăn của khu chợ thật náo nhiệt, bán các đặc sản của vùng cao: Các quày hàng luôn đỏ lửa, các chảo nước sôi ùng ục, chảo bánh rán xèo xèo, bên các lò thắng cố là các đấng mày râu tụ tập với những bát rượu bắp, tan chợ nhiều đấng say mèm, bên cạnh là người vợ đang chờ chồng tỉnh rượu. Di tích kiến trúc nghệ thuật phố cổ Ðồng Văn được xếp hạng cấp quốc gia ngày 16-11-2009.

 * Ðôi điều tản mạn

Hà Giang, nơi có 22 dân tộc sinh sống, trong 195 đơn vị xã, phường, thị trấn của tỉnh thì có đến 181 đơn vị có đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung con người Hà Giang thân thiện và hiếu khách, không chỉ khách từ các tỉnh mà cả khách nước ngoài. Hôm đến thăm cột cờ quốc gia Lũng Cú, trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều cháu nhỏ, kể cả cháu chăn trâu, nhưng hễ gặp khách là nét mặt hớn hở, vẫy tay liên tục, cho dù các cháu không phải là người đón khách, quần áo các cháu chưa đẹp và cả chưa lành. Cứ nghĩ không biết cử chỉ đẹp đó tạo được từ bao giờ, so với nhiều nơi du lịch khác, cuộc sống người dân khá hơn, tiện nghi có thể tốt hơn nhưng trẻ em và cả người lớn lại chưa có cử chỉ này.

Con người Hà Giang cần mẫn, khoan thai đến kỳ lạ, sẽ không gặp cảnh hối hả, vội vàng, cứ “khắc đi, khắc đến”. Trên đèo đá dằng dặc như Mã Pì Lèng, dù trời tối, gió lạnh, họ cứ thong thả bước, gặp nhau có chuyện cần nói, có thể đứng lại hàng giờ, dù cho trên vai họ gùi rất nặng, nhưng không đặt gùi xuống. Cô hướng dẫn viên người Mông ở khu cột cờ Lũng Cú kể rằng, có ngày 7, 8 đoàn khách, là chừng ấy lần lên xuống mấy ngàn lượt bậc thang, đưa khách lên tận cột cờ, mà vẫn như không.

Có hôm đã gần 10 giờ đêm, anh Huyên, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gọi cả đoàn dậy đi ăn món cháo ấu tẩu, nghe tên món ăn đã lạ, giờ ăn thì khuya rồi, cũng lạ. Ấu tẩu là món đặc sản của Hà Giang, nấu bằng củ ấu tẩu, giò heo, gạo nương, gia vị thì có tía tô, hành, ngò. Vì cũng tò mò, tôi cầm củ ấu tẩu lên xem, gần giống củ khoai sọ, định đưa lên miệng cắn thử, thì bị ngay cô chủ quán giật lại: “Không được đâu, ăn là ngộ độc liền đấy, ở đây em phải hầm ít nhất là 5 tiếng, cùng với một vài thứ nữa, mới ăn được!”. Cháo ấu tẩu theo mọi người ở đây, ăn vào sẽ có giấc ngủ sâu, sáng dậy nhẹ nhàng, khoan khoái và có tác dụng giã rượu, nếu bị say, ăn vào một lúc là hết. Thảo nào, hơn 10 giờ đêm quán vẫn đông, có khi không còn chỗ, vì số quán ấu tẩu không nhiều, phần lớn người đến để ăn cháo, vì đây không phải quán nhậu.

Dưới chân núi Rồng nơi đặt cột cờ Lũng Cú.       Ảnh: P.S.ANH
Dưới chân núi Rồng nơi đặt cột cờ Lũng Cú. Ảnh: P.S.ANH

Là thành viên trong đoàn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về Bảo hiểm y tế tại Hà Giang, nên tôi có điều kiện tiếp xúc với công tác chăm sóc sức khỏe tại đây. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, nhiều huyện đạt 100%, tuyệt đại đa số là người dân tộc, hộ nghèo đã được nhà nước chi, cộng thêm cán bộ công chức là đối tượng bắt buộc. Người bệnh khi nằm viện được Nhà nước cho tiền xe đi về, được nuôi ăn trong những ngày nằm viện, được hỗ trợ phương tiện khi chuyển viện. Tỉnh có chủ trương cho thanh toán viện phí bảo hiểm với cả những kỹ thuật thực hiện từ các phòng khám tư mà tại các bệnh viện công chưa có. Cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư khang trang, thiết bị tốt, nguồn nhân lực được đào tạo khá bài bản, tại tuyến huyện đã giải quyết được nhiều ca bệnh nặng. Bệnh viện huyện Bắc Quang có 30 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, 200 giường bệnh, 250 cán bộ viên chức, 78 đảng viên, đã đạt 100% tiêu chí của bệnh viện hạng 3 cách đây 3 năm, là những con số làm tôi giật mình. Tuy nhiên, Hà Giang là nơi khá khác biệt so nhiều nơi khác, là tỉnh biên giới, vùng cao, gần 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế rất khó khăn, nguồn chi hầu hết từ ngân sách Trung ương. Những chế độ quy định riêng của tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe, có lẽ cũng chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Giang.

Khó khăn nhất của Hà Giang là nguồn nước, dù lượng mưa hàng năm khá cao nhưng do địa hình đá vôi nên không giữ nước được, nguồn nước ngầm lại khan hiếm. Cách đây mấy năm, Nhà nước đầu tư cho vùng cao nguyên đá xây khoảng 30 hồ treo, là những bể chứa nước mưa, từ việc ngăn các thung lũng. Công trình này thật có ý nghĩa, từ chỗ thiếu nước 8 tháng một năm, giảm còn 4 tháng. Người dân nói nước ở đây còn quý hơn vàng, cán bộ xuống cơ sở, nhất là trường học, trạm xá, về mùa khô món quà quý nhất là mấy can nước lã mang theo từ trên xe. Có lẽ đây là chuyện độc nhất vô nhị, thứ tối thiểu cho cuộc sống trở thành quý, hiếm có thể trở thành món quà giá trị.

Rồi chuyện “nuôi bò trên vai”, mới nghe chẳng ai biết chuyện gì. Thì ra, ở đây toàn núi đá, chỉ có mấy tháng mùa mưa là còn cây cỏ, và cũng không thể thả bò như ở nơi khác, bò lăn dốc sẽ què hoặc chết. Vì vậy, bò đứng yên một chỗ, người nuôi cắt cỏ gùi trên vai về nuôi bò, và từ đó chuyện “nuôi bò trên vai” là vì vậy. Người dân ý thức khá tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm, họ dùng toàn thứ tươi, ít khi dùng thứ qua đông lạnh: gà đồi, cá sông, ngỗng cỏ... thích con nào thì chỉ, chủ sẽ chiều khách. Ở vùng núi đá, những loại rau, cỏ hoàn toàn yên tâm, không sử dụng thuốc, trái đậu, cọng rau ăn cứ giòn tan, ngọt lịm.

Tạm biệt Hà Giang, nơi lần đầu đến để lại nhiều ấn tượng khó quên, nhưng cũng nhiều điều trăn trở. Người dân Hà Giang còn nghèo quá, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, nhưng nghĩa tình thì đầy ắp, trọn vẹn.

 Hà Giang, một vùng biên cương Tổ quốc, nhiều điều để nhớ.

Phan Sĩ Anh

 

 

 



 

 

 

 

 


 

Tin xem nhiều