Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh “lịch”

09:10, 10/10/2011

Sông nước đã tạo cho Bùi Văn Minh (còn gọi là Minh “lịch”) mười ngón tay như gọng kềm và biệt tài mò lịch (có hình dạng giống như lươn, con to nhất bằng ngón chân cái) dưới nước. Đổi lại, Minh “lịch” phải trả lại cho sông nước tất cả những đồng tiền mà anh đã nhặt nhạnh được trong ngày.

Các ngón tay như gọng kềm của Minh “lịch”  Ảnh: Đ.PHÚ
Các ngón tay như gọng kềm của Minh “lịch” Ảnh: Đ.PHÚ
Sông nước đã tạo cho Bùi Văn Minh (còn gọi là Minh “lịch”) mười ngón tay như gọng kềm và biệt tài mò lịch (có hình dạng giống như lươn, con to nhất bằng ngón chân cái) dưới nước. Đổi lại, Minh “lịch” phải trả lại cho sông nước tất cả những đồng tiền mà anh đã nhặt nhạnh được trong ngày.

* “Rái cá” của đồng ruộng

Sinh ra và lớn lên từ những dòng kênh và đồng ruộng quanh năm ngập nước ở ấp Xuân An, xã Long Hưng (TP.Biên Hòa), Minh “lịch” vốn là tay sát cá từ năm tuổi mới lên 10. Minh “lịch” cho biết, do hồi nhỏ anh thường theo cha thả lưới, giăng câu, đặt trúm..., nên các kỹ năng bắt cá anh đều thông thạo. Cá hồi đó rất nhiều nên dễ bắt, chỉ cần vài tay lưới 3, lưới 4, một buổi sáng anh có thể thu được gần chục ký cá rô đồng, lóc, trắng… Riêng lươn, lịch thì dùng trúm (dụng cụ làm bằng ống tre) để đặt. Tuy vậy, lươn, cá hồi đó giá rất bèo, chỉ vài ngàn đồng/kg nên bắt về ăn, làm mắm, phơi khô là chính. “Nay cá đâu còn nữa mà bắt. Vì vậy, tui chuyển sang nghề bắt lịch để mưu sinh”- Minh “lịch” nói trong khói thuốc.

Để bắt được lịch bằng tay, Minh “lịch” phải luyện tập từ cách bắt lịch trong hang trên những thửa ruộng cạn nước, dòng kênh. Dần dà, lịch trong hang và ruộng cũng cạn kiệt nên Minh “lịch” mới nghĩ ra cách dầm mình dưới nước để bắt. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên số lịch mà anh bắt được chưa kịp đem về nhà đã bị chết sạch. Minh “lịch” giải thích, do anh kẹp quá chặt khi bắt nên chúng gãy xương sống hoặc dập mật mà chết. Và phải mất hơn cả năm luyện tập, anh mới nghiệm và luyện ra cách kẹp chặt con lịch bằng hai ngón tay. Minh “lịch” cho biết, từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, anh mò được 4-5 kg lịch, bán được 300-350 ngàn đồng. Ngoài các cánh đồng tại huyện Long Thành và Nhơn Trạch, Minh “lịch” còn mò lịch tại các nhánh sông Đồng Nai. “Nơi nước sâu thì phải lặn, khi lặn thì uống nước mắm ngon cho đỡ lạnh”- Minh “lịch” nói.

Từ tài bắt lịch có một không hai này, Minh “lịch” được những người làm nghề sông nước trên địa bàn xã Long Hưng ví như loài rái cá. Chỉ cần hai ngón tay, anh có thể dễ dàng tóm được những chú lịch đang trốn mình dưới lớp bùn giữa mênh mông nước. Minh “lịch” bộc bạch, cũng có người bái anh làm sư phụ để học nghề. Anh đã nhận được 3 đồ đệ, cuối cùng không ai học thành “nghề”, vì ông trời không phú cho họ đôi tay sát lịch như anh. “Phải kẹp làm sao cho lịch không bị gãy xương sống, vỡ mật. Nếu kẹp quá chặt thì chúng sẽ chết không bán được. Đây là bí quyết, là do sông nước đãi ngộ tui mà không cho người khác”- Minh “lịch” khoe.

Ngoài đôi tay như gọng kềm, Minh “lịch” phải có đôi mắt nhận biết nơi lịch trú ngụ. Bằng mắt thường, anh chỉ cần nhìn tim (bọt nước) thì xác định chính xác nơi lịch đang làm ổ hoặc sống đơn lẻ.

 * Món nợ hà bá

Cách bắt lịch của Minh “lịch” cũng khá độc đáo, anh không bao giờ bắt những chú lịch nhỏ, chỉ chọn những con lớn nhằm: “Bảo vệ môi trường, vừa dưỡng chúng để duy trì nồi cơm”. Hơn nữa, với kiểu bắt này, anh là người độc nhất vô nhị hành nghề nên không sợ ai khác cạnh tranh, ngay cả dân kích điện, đặt trúm cũng đành bó tay đối với những chú lịch đang làm ổ dưới lớp bùn sâu. Minh “lịch” tự tin nói: “Cái giống lịch này cũng ngộ, nếu rút nước cạn thì chúng biến mất. Vì vậy, chỉ có tui mới trị được”.

Là người chuyên nuôi vịt ở đồng An Phước (huyện Long Thành), nơi Minh “lịch” thường đến mò lịch, ông Hai Long cho biết, có rất nhiều cách và nhiều người bắt lịch như: dùng trúm, mò hang, chích điện… Tuy nhiên, từ nhỏ đến giờ, ông chỉ thấy có Minh “lịch” là người duy nhất tay không bắt được con lịch dưới ruộng mênh mông nước.

Tài bắt lịch là vậy, thu nhập mỗi ngày cũng kha khá so với những người làm nghề sông nước khác, nhưng Minh “lịch” vẫn nghèo rớt mồng tơi, hai vợ chồng và 3 con nhỏ của anh bao năm qua vẫn chưa thoát khỏi căn chòi lá ọp ẹp. Minh “lịch” bày tỏ, nghề của anh ướt người thì mới có tiền. Mà dầm mình cả ngày dưới bùn thối cũng ảnh hưởng đến sức khỏe ghê gớm.

Là người thường xuyên được Minh “lịch” rủ đi theo xách thùng với ngày công 100 ngàn đồng hoặc hơn ký lịch về ăn cho vui, ông Tám Tằng cho chúng tôi biết, do mến tài Minh “lịch” nên nhiều người xin đi xem anh ta bắt lịch. Khi được Minh “lịch” dẫn ra các cánh đồng thum thủm mùi bùn đất, cỏ rác, phân vịt, nước thì đen thui, họ mới giật mình khuyên Minh nên bỏ nghề. “Nước càng đen, càng thối thì lịch càng nhiều. Tui đi theo mà ngứa khắp người, huống hồ gì phải ngụp lặn liên tục như thằng Minh”- ông Tám Tằng vừa gãi sồn sột, vừa bắt chuyện với chúng tôi.

Đúng như lời ông Tám Tằng nói, khi Minh “lịch” lật áo, đưa tay chân cho chúng tôi xem thì tấm lưng anh nổi nhiều vảy nến, xù xì, mẩn đỏ. Tuy vậy, Minh “lịch” vẫn thản nhiên trầm mình dưới nước, không hề cảm thấy ngứa ngáy. “Mọi người thấy tui bắt được nhiều lịch tưởng tui khá lắm, nào ngờ vẫn nghèo rớt mồng tơi. Vì cái nghề này, lấy của hà bá (thủy thần) bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu nên nghèo vẫn hoàn nghèo” - anh “triết lý” khi hai hàm răng đánh vào nhau lạch cạch vì lạnh.

Sau khi leo lên bờ kêu ông Tám Tằng đốt cho điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, Minh “lịch” mới than ngắn thở dài với chúng tôi: “Đã nhiều lần tui muốn giải nghệ đi phụ xe cuốc đất, làm phụ hồ, thợ máy nhưng tiền lương không đủ sống. Cuối cùng, không chịu được khi nhìn vợ con đói khổ nên tui đành quay lại với nghề mò lịch. Có hôm tui đi mò đêm, khi nhà kẹt tiền thì tui bất kể giờ giấc, bệnh tật”.

Minh “lịch” trả công cho người phụ việc 100 ngàn đồng/ngày và họ chỉ việc ghé thùng vào khi anh tóm được con lịch.
Minh “lịch” trả công cho người phụ việc 100 ngàn đồng/ngày và họ chỉ việc ghé thùng vào khi anh tóm được con lịch.

Gió ngoài đồng vẫn đều đều thổi, hai hàm răng của Minh “lịch” càng khua mạnh. Tuy vậy, mỗi khi kẹp được chú lịch đang giãy giụa trong hai ngón tay thì cặp mắt của Minh “lịch” lại sáng hoảnh, miệng phì phò dưới làn nước thối mà khoe hớn hở: “Dù tui có đói, lạnh bủn rủn tay chân nhưng chúng đừng hòng thoát thân nếu bị tui kẹp được”.

Trời vừa ngả chiều, Minh “lịch” đã thấm lạnh run lẩy bẩy, nói tiếng được tiếng mất nên ra hiệu cho chúng tôi và ông Tám Tằng xách thùng đi về. Minh “lịch” cho hay, nếu về sớm thì anh ghé chợ Long Thành bỏ mối, còn trễ thì đem về nhốt lại mai vợ anh đem ra chợ bán lẻ.

Chúng tôi tiếp tục theo Minh “lịch” về nhà với ý định tìm hiểu thêm cuộc sống của anh nghèo đến mức nào. Đồng thời, cũng muốn được thưởng thức món lịch chiên xù mà Minh “lịch” giới thiệu. Nghe tiếng xe máy của chồng, vợ Minh “lịch” đon đả chạy ra đón chồng như thông lệ. Ngay lập tức, vài bạn bè quen gần đó đến xem “thành quả” của Minh “lịch”. Minh “lịch” tỏ ra hào phóng khi chia một phần kha khá để trả công ông Tám Tằng, cùng vài con lịch lớn cho bạn bè và để lai rai với chúng tôi. Minh “lịch” khề khề nịnh vợ: “Bà bán bấy nhiêu cũng đủ sống rồi. Cái thứ lịch này bắt cỡ gì cũng không hết, hễ còn nước là chúng còn sinh con đẻ cái. Với lại, tay tui còn mạnh thì chúng có thoát khỏi túi bà đâu mà lo”.

Đoàn Phú

                                                               

          


 


                

 

 

 

Tin xem nhiều