Nhìn các nữ công nhân, học sinh, sinh viên đang luyện các thế quật, khóa tay, thoát thân khi bị khống chế… trên sàn tập, huấn luyện viên (HLV) Lương Vân Anh (huyền đai lục đẳng Taekwondo) cho biết, đây là các thế phòng vệ căn bản trong giáo trình “Tự vệ nữ” đang được anh hướng dẫn các võ sinh nữ tập luyện và hoàn chỉnh.
Nhìn các nữ công nhân, học sinh, sinh viên đang luyện các thế quật, khóa tay, thoát thân khi bị khống chế… trên sàn tập, huấn luyện viên (HLV) Lương Vân Anh (huyền đai lục đẳng Taekwondo) cho biết, đây là các thế phòng vệ căn bản trong giáo trình “Tự vệ nữ” đang được anh hướng dẫn các võ sinh nữ tập luyện và hoàn chỉnh.
* Phản xạ tự nhiên… thành võ
Sau giờ tan ca, công nhân Vũ Hải Yến vội vã thay đồng phục đến CLB Taekwondo (Trung tâm Văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) để được HLV Lương Vân Anh hướng dẫn tập luyện các thế võ tự vệ. Hải Yến cho biết, mục đích học võ của bạn để tự vệ, có thêm tự tin khi đi làm những lúc đêm hôm. Hải Yến mới tập võ được hai tuần nên các động tác còn cứng, luống cuống tay chân khi ra đòn. Tuy vậy, Yến vẫn thực hiện đúng kỹ thuật các động tác phản xạ khi bị đối thủ ôm chặt từ phía sau hoặc giật túi xách, dây chuyền. “Mẹ nói tại trung tâm có mở lớp tự vệ nữ, em thấy hay và tò mò nên đến ghi danh học”- Hải Yến bộc bạch.
Luyện tập các thế tự vệ căn bản.
Sau một giờ tập luyện, Hải Yến đã thấm mệt, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt. Tuy vậy, Hải Yến vẫn hăng hái tập thế, thủ đòn cùng với một đồng môn khác dưới sự chỉnh sửa động tác của HLV Anh. Hải Yến bày tỏ, đó là những thế, đòn căn bản dễ học, vì nó gần với phản xạ tự nhiên của bản thân khi bị ai đó từ sau lưng đột ngột ôm chặt, kéo áo. “Khi được thầy Anh bày cách phản xạ, em ngộ ra rằng bẩm sinh mình đã có võ”- Hải Yến cười nói.
Tạm giao lớp cho trợ lý Bình hướng dẫn, HLV Anh mời chúng tôi ra nơi hàng ghế khán giả ngồi trò chuyện. HLV Anh cho biết, đây là lớp thử nghiệm đầu tiên của anh nên chỉ có 10 học viên (gồm nữ công nhân, sinh viên, học sinh) ghi danh. Khóa học kéo dài 3 tháng, mỗi tuần chỉ học 3 buổi (18 giờ các ngày thứ 6, 7 và 7 giờ ngày chủ nhật). Kết thúc khóa học, các bạn võ sinh phải thuần thục từ 15-20 thế tự vệ căn bản, như: thoát thân khi bị ôm chặt từ phía sau; bị đối phương dùng dao khống chế; ôm vật… “Giáo trình này do tôi biên soạn, được tôi xây dựng dựa trên các giáo án đào tạo vệ sĩ và ứng dụng tập luyện trong các môn đệ. Qua hơn một năm nghiên cứu, nay tôi mới ứng dụng thí điểm qua lớp học đầu tiên với đối tượng là các bạn nữ chưa từng tập võ thuật để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh. Phải qua 3 khóa thí điểm như vậy tôi mới thông báo chiêu sinh rộng rãi”- HLV Anh cho hay.
Theo HLV Anh, lý do anh nghiên cứu mở lớp đào tạo “tự vệ nữ” xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Do thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng bạo lực học đường; nữ công nhân, lao động bị hà hiếp, xâm phạm nhân phẩm, cướp giật tài sản trên đường đi làm về…, nên anh nghiên cứu và soạn thảo ra các thế tự vệ căn bản phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và nguyên lý phản xạ tự nhiên của phái nữ để dạy họ cách phòng vệ. “Nguyên lý của các đòn thế đều dựa trên cơ sở phản xạ tự nhiên của con người, lấy nhu thắng cương…, từ đó uyển chuyển thành các thế khóa, vật, chống đỡ hòng thoát thân khi bị nạn”- HLV Anh cho biết thêm.
* Liễu đào luyện võ
Lần đầu tiên học võ, Cẩm Quỳnh (học sinh lớp 6) cảm thấy thích thú khi đỡ được cái tát tai của bạn tập. Cẩm Quỳnh tâm sự, học sinh nữ khi đánh nhau thường hay nắm tóc, bạt tai, giật áo, bóp cổ. Vì vậy, khi được thầy Anh hướng dẫn các động tác này, Cẩm Quỳnh tiếp thu rất nhanh và hăng hái tập luyện cùng bạn. Vừa thở hổn hển, Cẩm Quỳnh vừa khoe: “Tập võ mệt hơn tập thể dục ở trường. Bù lại, bây giờ em không sợ bị bạn bè cùng lớp hoặc lớp trên bắt nạt vô cớ”.
Giống như Cẩm Quỳnh, Sơn Trà (học sinh lớp 11) cho hay, do đi học một mình và phải qua những đoạn đường vắng, nhất là tối phải đi học thêm, cộng thêm việc các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin phụ nữ bị xâm hại, bị cướp giật nên Sơn Trà rất lo lắng khi đến trường một mình. Sơn Trà bộc bạch, như lời thầy Anh nói, cốt lõi của vấn đề tự vệ là bình tĩnh đối phó khi bị kẻ xấu tấn công. Từ đó, mình phản xạ, hóa giải để thoát thân chứ không phải đứng lại tiếp tục đánh nhau. “Sau khóa học căn bản, em tiếp tục học khóa trung cấp và cao cấp”- Sơn Trà bày tỏ.
HLV Anh cho biết, chương trình dạy “tự vệ nữ” của anh gồm 3 mức, mỗi mức 20 thế, thời gian 3 tháng, học phí 100 ngàn đồng/tháng. Theo đó, mức 1 (căn bản) học các kỹ thuật thoát thân khi bị ôm, nắm, khóa; mức 2 (trung cấp) học cách thoát thân khi đối thủ có hung khí, đấm, đá; mức 3 (cao cấp) trang bị các kỹ năng kháng cự lại nhiều đối thủ, đối thủ có hung khí, biết võ... “Ưu điểm của các khóa huấn luyện này là tính thực dụng, có thể áp dụng được ngay, phù hợp với phái nữ vốn thể lực kém, thiếu sự linh hoạt và thụ động chờ đối phương tấn công”- HLV Anh giải thích.
HLV Lương Văn Anh tận tụy chỉnh sửa từng động tác kỹ thuật cho các học viên tại sân tập. Ảnh: Đ. Phú
“Bịch… ái…”, cô công nhân Hồng Loan thốt lên khi bị bạn tập vật ngã sóng soài dưới đệm tập. Vừa lồm cồm ngồi dậy thủ thế, Hồng Loan lại ngã lần hai. Do rút được kinh nghiệm, Hồng Loan nhanh chóng ngồi dậy sau lần ngã này và tỏ vẻ hí hửng khi đến lượt mình vật ngã bạn tập. “Em thấy học đòn thế tự vệ có tính thực chất, dễ học và hấp dẫn người học, nhất là đúng với mục đích tự vệ chứ không dùng để đánh nhau”- Cẩm Loan bày tỏ.
Phía đối diện, cặp Cẩm Quỳnh và Ngọc Linh (công nhân) đang mải mê tập tới tập lui đòn “chống ôm” từ phía sau. Ngọc Linh cho hay, con gái đi đường gặp tình huống này ai cũng sợ. Vì vậy, bạn cố tập cho thành thục, dứt khoát và đủ mạnh để hóa giải, phòng khi tan ca về giữa đường gặp phải những con “yêu râu xanh” nhảy xổ vào. Cẩm Linh giải thích: “Thầy dạy toàn đòn hiểm, nhưng sức của em chỉ đủ làm cho đối phương choáng. Sau đó, mình bỏ chạy, chứ có xảy ra chết người đâu mà sợ”.
HLV Lương Vân Anh cho biết, với nhu cầu và tình hình hiện tại, kế hoạch mở các khóa “tự vệ nữ” của anh sẽ hữu ích và thu hút được nhiều bạn nữ tìm đến học tập. Tuy nhiên, để chương trình đào tạo có bài bản, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, thời gian lao động, học tập…, anh cần nghiên cứu thêm qua vài khóa đào tạo nữa mới tổ chức chiêu sinh rộng rãi.
Là người yểu điệu nhất khóa, lại hay thắc mắc, Như Cúc (công nhân) hay hỏi khó HLV Anh, như: Bị đối phương khống chế mà không thoát được thì sao? Đối phương “có nghề” thì làm được gì; tập nhiều có hư dáng không?… Trước những thắc mắc của cô học trò, HLV Anh vui vẻ giải thích mục tiêu khóa học là tự vệ nên lớp học chủ yếu dạy các đòn thế tự vệ căn bản. Nhưng đối thủ mạnh mà thiếu cảnh giác và nếu các bạn bình tĩnh, tất sẽ tìm ra sơ hở và ra đòn phản kháng để thoát thân.
Rời lớp võ thí điểm “tự vệ nữ” của HLV Lương Vân Anh, chúng tôi thấy được nhiệt huyết và ý thức trách nhiệm với xã hội của những người dạy võ như HLV Anh và nhiều đồng nghiệp khác tại các môn phái, câu lạc bộ võ thuật. Với họ, dạy võ nhằm giúp cho các võ sinh, học viên các đòn thế để tự vệ, rèn luyện sức khỏe, thi đấu thể thao, phát huy tinh thần võ học hơn là thu nhập. Chính vì vậy, dù học phí thu không đủ bù chi (sân bãi, trang bị dụng cụ tập luyện, giao lưu thi đấu…), họ vẫn thể hiện sự đam mê và không ngừng phát huy tinh hoa võ học nước nhà.
Đoàn Phú