Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Lối về nẻo thiện

09:10, 03/10/2011

Không thể để những nhân vật “số má” trong giới giang hồ mãi gắn liền với nghề trộm cướp, đâm thuê, chém mướn..., các đồng chí công an (chính quyền địa phương), với lòng bao dung và cách cải huấn đầy tính nhân văn đã giúp họ thức tỉnh, để một ngày họ đi tìm lại con người chính nghĩa trong mình.

Không thể để những nhân vật “số má” trong giới giang hồ mãi gắn liền với nghề trộm cướp, đâm thuê, chém mướn..., các đồng chí công an (chính quyền địa phương), với lòng bao dung và cách cải huấn đầy tính nhân văn đã giúp họ thức tỉnh, để một ngày họ đi tìm lại con người chính nghĩa trong mình.[links(left)]

Từng vào tù, ra tội không dưới 8 lần, Trần Ngọc Minh (còn gọi là Minh “chùa”, ngụ ở ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) đã hiểu thấu những trò đời và cái giá phải trả cho những lần thanh toán người khác...Trùm giang hồ khét tiếng một thời giờ đã hoàn lương và tham gia đội bảo vệ dân phố thị trấn để mang lại sự bình yên cho mọi người.

* Lấy chữ “tâm” trị... giang hồ

Nhà Minh vốn dĩ nghèo lắm, cái ăn còn không đủ qua ngày lấy đâu ra thời gian để ba mẹ của Minh chú ý đến các con. Bởi vậy, mới 7-8 tuổi, Minh đã tập tành theo đàn anh trong xóm Chùa đi trộm cắp, quậy phá…

Giờ đây Minh “chùa” đã hoàn lương và trở thành thành viên của đội bảo vệ dân phố thị trấn Định Quán.   Ảnh: T.MINH
Giờ đây Minh “chùa” đã hoàn lương và trở thành thành viên của đội bảo vệ dân phố thị trấn Định Quán. Ảnh: T.MINH

 

Lớn thêm tí nữa, Minh bắt đầu tham gia nhiều cuộc thanh toán đẫm máu để lấy “số má” và được đám giang hồ tung hô, nể trọng. Tuy nhiên, để có giấc ngủ ngon sau những ngày dài ngang dọc, đó là điều không thể có với thủ lĩnh của nhóm thanh niên xóm Chùa. Minh tâm sự: “Tối nào tôi cũng ôm theo cây mã tấu để phòng thân. Đang ngủ mà nghe tiếng động tôi lại giật mình, vì sợ công an vào bắt”.

 Một ngày, khi Minh đang thụ án trong trại, vợ anh lẳng lặng khăn gói ra đi để lại 3 đứa con nheo nhóc cho bà nội nuôi vì chẳng thể chịu đựng được bản tính hung hăng của chồng. Từ đó, Minh tỏ ra bất cần đời và sẵn sàng chống trả lại bất kỳ ai cản bước của mình. Tuy nhiên, con ngựa bất kham ấy lại phải chùn chân trước cách trị người bằng tình nhân ái của hai đồng chí Công an thị trấn Định Quán. Theo lời Minh kể, sau khi ra trại, hay tin người anh của mình mới mất, Minh dự định sẽ làm cuộc “náo loạn” ở vùng đất vốn nổi như cồn với danh tiếng của Minh “chùa”. Quyết không để Minh đi theo lối mòn cũ, thượng tá Lê Văn Mùi, Trưởng Công an thị trấn Định Quán đã tìm đến tận nhà Minh động viên, khuyên nhủ. Trước những lời nói vốn dĩ giới giang hồ nghe không lọt lai nên Minh luôn tỏ vẻ chống đối, không muốn quy phục. Bằng những hành động thiết thực đi đôi với những lời khuyên nhủ chân thành, các đồng chí công an đã khiến Minh thực sự xúc động và hứa sẽ làm lại cuộc đời. Minh cho biết: “Thấy tôi thất nghiệp, chú Mùi sợ tôi lao vào con đường cũ nên xin cho tôi vào làm việc tại công ty xây dựng ống nước. Nghe danh của tôi, họ ái ngại không muốn nhận nhưng chú Mùi kiên quyết bảo lãnh và còn khẳng định, nếu tôi làm hư tới đâu chú đền tới đó. Những lời chú nói làm tôi vô cùng áy náy và tự hứa sẽ không làm chú thất vọng”. Thượng tá, Lê Văn Mùi thổ lộ: “Tôi không muốn những con người còn tiềm ẩn chữ tâm như Minh phải sống sa lầy trong bùn đen như vậy. Tôi muốn giúp Minh làm lại cuộc đời để cưu mang mẹ già và 3 đứa con thơ dại”. Theo lời của thượng tá Mùi, Minh là kẻ giang hồ hung hăng nhưng lại rất có hiếu với mẹ già và yêu thương các con của mình. Nắm được điều đó, thượng tá Mùi đã đánh vào tình cảm để Minh tự lựa chọn con đường đi đúng đắn cho mình.

Biết rõ hoàn cảnh gà trống nuôi con của Minh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn (Công an thị trấn Định Quán) đã cho chiếc xe đạp để Minh làm phương tiện tới lui làm ăn. Hàng năm, anh Sơn đều gửi cho sách vở và quần áo cũ để các con của Minh được đến trường như chúng bạn. Các anh cũng tranh thủ góp nhặt những phiếu nhận quà từ thiện để cho Minh đi lãnh quà, gạo về nuôi con... “Chia sẻ cùng Minh đó là trách nhiệm và cũng là tâm huyết mà chúng tôi muốn làm để Minh thực sự thay đổi. Thấy Minh được như bây giờ chúng tôi vui lắm, vì đó là thành quả mà chúng tôi đã cố sức vun đắp bấy lâu nay” - anh Sơn tâm sự.

* Chiến thắng chính mình

Không chỉ Minh “chùa” mới may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nhiều người trước đây từng là dân “máu mặt” nhưng giờ họ đã thực sự hoàn lương để tạo dựng cuộc sống mới. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực từ bản thân họ, thì sự sẻ chia, động viên của cộng đồng sẽ giúp họ thoát ra khỏi quá khứ đen tối.

Nhắc về quá khứ, Thắng (ngoài cùng bên phải) không còn e dè như trước, mà anh xem đó là bài học đắt giá để mình trưởng thành hơn trong cuộc sống.          Ảnh: T.MINH
Nhắc về quá khứ, Thắng (ngoài cùng bên phải) không còn e dè như trước, mà anh xem đó là bài học đắt giá để mình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ảnh: T.MINH

 

Ông Phạm Thanh Xuân, Trưởng ban bảo vệ khu phố 3, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa), cho biết: “Ngày Ngô Đức Thắng về lại gia đình em rất rụt rè, đầy mặc cảm do trước đây từng đi tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Biết rõ điều đó nên chính quyền địa phương thường đến động viên, khích lệ tinh thần đối với Thắng. Chúng tôi đưa ra nhiều ví dụ điển hình về những người trước đây từng lầm lỗi nhưng giờ họ sống và làm việc tốt để em thấy mà vững lòng tin”. Sau khi ra trình diện ở phường, Thắng về lại gia đình phụ bố mẹ làm nghề mộc. Sau 4 năm được tôi luyện trong nghề, Thắng đã thành thạo công việc và tự tay làm ra như sản phẩm mỹ nghệ như bàn, ghế, vật dụng từ gỗ. Nhắc đến quá khứ, Thắng không còn rụt rè như trước, mà thay vào đó là tinh thần lạc quan, dám nhìn thẳng vào sự thật để tiến lên phía trước. Thắng cho biết: “Những ngày đầu sau khi ra trại, tôi luôn nhốt mình trong nhà vì mặc cảm với hàng xóm. Sau nhiều lần thử thách, cán bộ phường đã tới nhà khuyên tôi tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương. Ban đầu tôi làm cho có, nhưng riết rồi tôi thấy thích thú và gắn bó với công việc của một người dân phòng”. Còn anh Nguyễn Đức Quynh (ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, người từng có tiền án 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản) thì cho hay: “Lúc mới ra tù chẳng có nghề ngỗng gì nên tôi ngại lắm. Cứ ngỡ về lại địa phương bà con lối xóm sẽ xa lánh, ghẻ lạnh. Ai dè, họ tìm đến khuyên nhủ, tạo điều kiện cho tôi có công ăn việc làm”. Ông Đỗ Quang Thúy, Bí thư xã Sông Ray thổ lộ: “Khi Quynh về trình diện tại địa phương, chúng tôi đã theo dõi rất sát vì lo em sẽ quen đường cũ. Bằng những lời động viên, thăm hỏi chân tình của các cán bộ địa phương, Quynh dần thay đổi và đã không còn những hành động sốc nổi như trước”. Theo lời ông Thúy, để cải tạo những đối tượng từng là dân “số má” không phải ngày một ngày hai, các cán bộ tại xóm, ấp phải thường xuyên theo dõi, giúp đỡ và báo cáo tình hình để cấp trên nắm và tìm cách giúp đỡ kịp thời. Hiện tại, Quynh đã ổn định cuộc sống và lập gia đình.

Quá khứ về những kẻ chuyên quậy phá, đầu trộm đuôi cướp… đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là một con đường tươi sáng phía trước để những người như: Minh “chùa”, Thắng, Lượng, Quynh... tiếp tục sống lương thiện. Trên bước đường gian nan ấy, họ sẽ không đơn độc khi cuộc đời còn nhiều lắm những con người luôn sẵn sàng giang tay giúp đỡ họ tìm về nẻo thiện.

Tùng Minh

 

 


 

 

Tin xem nhiều