Trước đây, nghe đến cái tên Kim Văn Lượng (ở khu phố 2, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bà con làng xóm ai cũng ái ngại. Thế nhưng, chàng thanh niên ưa quậy phá ngày nào giờ đã trở thành anh bảo vệ mẫu mực của khu công nghiệp Amata. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Lượng, ai cũng khen và lấy anh làm tấm gương điển hình về nghị lực phấn đấu để hoàn lương.
Trước đây, nghe đến cái tên Kim Văn Lượng (ở khu phố 2, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bà con làng xóm ai cũng ái ngại. Thế nhưng, chàng thanh niên ưa quậy phá ngày nào giờ đã trở thành anh bảo vệ mẫu mực của khu công nghiệp Amata. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Lượng, ai cũng khen và lấy anh làm tấm gương điển hình về nghị lực phấn đấu để hoàn lương.[links(left)]
* “Tôi từng là kẻ phạm pháp”
Thời trẻ, tính Lượng khá bốc đồng, thích tụ tập bạn bè để ăn nhậu, quậy phá, thậm chí lập băng nhóm đi cướp tài sản. “Đi đêm có ngày gặp ma”, sau nhiều lần ra tay cướp của trót lọt, Lượng và đồng bọn cũng lọt lưới pháp luật. Trong một lần nhậu xỉn về nhà lúc trời rạng sáng, Lượng cùng nhóm bạn đuổi theo một phụ nữ để khống chế, cướp sợi dây chuyền. Lúc bấy giờ, nghe tiếng nạn nhân tri hô, lực lượng Công an phường đi tuần tra đêm phát hiện vụ việc đã đuổi bắt nhóm thanh niên ngông cuồng. Với hành vi này, Lượng (cùng đồng bọn) phải vào trại giam ôm bản án 2 năm tù. Những tháng ngày sống xa gia đình, trong trại giam, Lượng mới thấm thía những việc làm sai trái trước đó của mình. Thời gian ở trại giam, nhờ sự can ngăn kịp thời của các cán bộ quản giáo, Lượng may mắn tránh được những lần “dạy dỗ” của bạn tù. Kể từ đó, Lượng quyết tâm cải tạo thật tốt để mau chóng về lại gia đình. Lượng tâm sự: “Khi nghe cán bộ cho biết tôi có tên trong danh sách được ân xá trước thời hạn, tôi suýt khóc vì xúc động. Đó là thứ cảm giác mà đến tận bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn không thể nào quên được”.
Anh Kim Văn Lượng đang làm việc tại chốt bảo vệ vành đai khu công nghiệp Amata. |
Như bắt được cảm xúc, Lượng bắt đầu huyên thuyên kể về những kỷ niệm cùng bạn tù, về những con người không hề quen tên, biết mặt nhưng khi ở cùng trại họ lại gắn bó thân thiết. Lượng cho biết: “Những người bạn chung nhóm bị bắt không ở cùng nhau. Từ đó đến nay tôi cũng cắt hẳn mọi liên lạc với họ để lo tu tỉnh làm ăn. Có lẽ họ cũng nghĩ như tôi nên chẳng ai trong nhóm chủ động hẹn gặp nhau…”.
Khi được tận hưởng lại quyền công dân, Lượng bắt đầu đi xin việc tại các công ty. Tuy nhiên, có lẽ “thành tích” dữ dằn 10 năm trước khiến mọi người ái ngại nên phỏng vấn xin việc nơi đâu Lượng cũng nhận được cái lắc đầu từ chối. Nói đến đây, Lượng chùng giọng xót xa: “Mấy lần nộp đơn vào các công ty xin làm bảo vệ, tôi đều trả lời trôi chảy các câu hỏi của họ. Nhưng đến vòng kiểm tra lý lịch, biết tôi từng có tiền án, họ từ chối nhận và nói những câu nghe nhói lòng lắm”. Không nản chí, Lượng tiếp tục gõ cửa nhiều công ty xin việc và cuối cùng cũng được một công ty đón nhận làm bảo vệ. Khi mới nhận Lượng vào làm, biết anh từng phạm pháp, trên người đầy hình xăm trổ người ở công ty này cũng ngại, nhưng với sự cố gắng chứng tỏ bản thân, Lượng đã dần chiếm được lòng tin của mọi người.
Giờ đây, mỗi lúc ghé ngang khu công nghiệp Amata, các anh chị công nhân đã dần quen mặt anh bảo vệ nhiệt tình với công việc và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. “Tối nào tôi cũng đi tuần quanh khu công nghiệp để đảm bảo an ninh. Nhiều hôm tụi thanh niên choai choai chạy xe máy vào đây rú ga, chọc ghẹo công nhân nữ tan ca, tụi tôi phải ra tay can thiệp để mọi người yên tâm trên đường đi làm” - Lượng bộc bạch.
* “Tôi sợ quá khứ ấy”
Lưỡi cưa máy xoèn xoẹt cắt từng khoanh gỗ thô thành những hình khối vuông vức. Cạnh đó, Ngô Đức Thắng (24 tuổi, ngụ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) nhanh nhảu đôi tay chuyển những khoanh gỗ vừa được cắt khúc xếp vào một góc cẩn thận. Nhìn dáng vẻ thư sinh và giọng nói nhỏ nhẹ của Thắng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết anh từng có tiền án.
Ngô Đức Thắng trong xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình. |
Theo lời của Thắng, tối trung thu năm 2004, sau cuộc nhậu túy lúy, Thắng cùng nhóm bạn kéo nhau về nhà thì chạm mặt một thanh niên đi ngược chiều với vẻ mặt “khó ưa”. Thấy “xốn” con mắt, cả đám kháo nhau “dạy dỗ” kẻ đi ngược chiều với mình. Nói là làm, Thắng cùng đám bạn vây người thanh niên ấy hăm dọa và “xin tiền đểu”. Khi lời đề nghị không được đối phương đáp ứng, cả đám xúm vào “dần” cho anh thanh niên xấu số ấy một trận ra trò rồi cười khoái chí với số tiền lấy được. Hôm sau, Công an phường mời cả nhóm lên làm việc để lấy lời khai bởi có người tố giác việc Thắng cùng các bạn đi trấn tiền người khác. Nhiều lần vòng vo chối tội, cuối cùng Thắng cùng nhóm bạn cũng gục mặt thừa nhận hành vi sai trái của mình. 18 tháng ngồi tù để nghiền ngẫm sự sốc nổi của mình, Thắng mới thấm thía cái cảm giác mong nhớ gia đình và khoảng trời tự do bay nhảy. Như con chim vừa trưởng thành bị gập cánh sau tai nạn, Thắng từ đó trở nên ít nói và chững tính hẳn. Thắng tâm sự: “Tôi cũng chẳng biết sao lúc ấy mình lại hành xử như vậy. Tôi sợ cái quá khứ ấy lắm…”.
Giữa tháng 5-2006, Thắng ra tù và cũng từ ngày ấy đến nay, Thắng chỉ biết chúi đầu vào công việc và tham gia các hoạt động xã hội của khu phố, phường… Đầu năm 2007, Thắng xin vào lực lượng bảo vệ dân phố ở địa phương. Qua theo dõi, Công an phường nhận thấy Thắng có nhiều chuyển biến tích cực nên nhận anh vào lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu phố. Ông Phạm Thanh Xuân, Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu phố 3 (phường Tân Hòa), cho biết: “Trước đây do thiếu suy nghĩ, bồng bột nên Thắng mới sa vào tù tội. Bây giờ, Thắng rất siêng năng, sống có trách nhiệm và rất tích cực với vai trò bảo vệ dân phố”.
Hiện tại, ngày nào Thắng cũng đồng hành cùng các thành viên trong ban bảo vệ dân phố đi tuần tra đêm từ 23 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau để góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu phố, kịp thời ngăn chặn những phần tử xấu. Bên cạnh đó, Thắng cũng đang từng ngày cố gắng làm việc chăm chỉ tại xưởng mộc của gia đình để giúp cha mẹ phát triển kinh tế và cũng để tìm cho mình một cái nghề ổn định. Thắng nói với vẻ tự tin: “Ai cũng từng lầm lỗi và có những quá khứ không hay, quan trọng hơn hết là phải biết đứng lên để chiến thắng chính mình”. Lời nói tự tin của Thắng đã được chứng minh bằng những việc Thắng đã và đang làm sau ngày bước ra khỏi cánh cửa trại giam. Và, quá khứ không hay ấy sẽ mãi chìm vào quên lãng nếu như Thắng luôn biết phấn đấu hoàn thiện bản thân, lấy lại niềm tin yêu của mọi người.
Và mai này, mỗi khi nhắc đến những người từng phạm lỗi lầm, những người như Thắng hay anh Lượng, mọi người sẽ có cái nhìn lạc quan hơn. Khi ấy, người ta chỉ còn biết đến anh bảo vệ nhiệt tình với công việc và chàng thợ nghề chăm chỉ bên xưởng mộc của gia đình…
Tùng Minh