Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Mở đường vào Nam

09:10, 16/10/2011

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mỹ đẩy mạnh hoạt động “Chiến tranh đặc biệt” khắp chiến trường miền Nam. Để đối phó kịp thời với âm mưu thâm độc của Mỹ và bảo đảm vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, những chiến sĩ Hải quân Đoàn 759 đã bước vào cuộc chiến đấu mới.

Tượng đài ghi nhớ đoàn tàu không số tại Cà Mau.          Ảnh: T.L
Tượng đài ghi nhớ đoàn tàu không số tại Cà Mau. Ảnh: T.L

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mỹ đẩy mạnh hoạt động “Chiến tranh đặc biệt” khắp chiến trường miền Nam. Để đối phó kịp thời với âm mưu thâm độc của Mỹ và bảo đảm vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, những chiến sĩ Hải quân Đoàn 759 đã bước vào cuộc chiến đấu mới.

 

* Trinh sát mở đường

 Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960 thắng lợi, cách mạng miền Nam chuyển biến mạnh mẽ, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta, chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để cứu vãn tình thế và chiếm lại những địa bàn, vùng dân cư đã mất, đầu năm 1962, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Âm mưu cơ bản của chiến lược này là càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược trên quy mô lớn, đưa hàng triệu nông dân miền Nam vào trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân; tăng cường bắn pháo, ném bom, rải chất độc hóa học diệt sự sống trên mặt đất. Trước tình hình đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam chỉ rõ: “…Tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, nhất là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tập trung của miền, quân khu…”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để “tàu Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Tàu gồm 6 người, do đồng chí Bông Văn Dĩa (Bí thư chi bộ) phụ trách, đồng chí Hai Tranh làm Phó bí thư chi bộ. Đêm 10-4-1962, tàu rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam. Ngày 14-4-1962, khi tàu đến vùng biển Nha Trang thì gặp tàu của Mỹ. Lúc đó, 6 chiến sĩ bình tĩnh đối phó với Mỹ và tâm lý sẵn sàng hủy tàu để hy sinh. Lúc bấy giờ, tàu Mỹ chạy vòng quanh, quần đảo “đoàn tàu không số” từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Để cứu vãn tình thế nguy cấp lúc ấy, đồng chí Bông Văn Dĩa đã chỉ huy đồng đội ném hết hải đồ, la bàn xuống biển, mặc quần áo ngư dân và thống nhất phương án: Nếu bị địch bắt, tra hỏi thì nói là ngư dân đánh cá, gặp sóng gió to nên đẩy thuyền ra xa, xin được cứu trợ. Trường hợp bị bại lộ hoàn toàn thì cho nổ mìn hủy tàu và hy sinh, quyết không để lộ đường bí mật. Tuy nhiên, nhờ có trí thông minh và tài nghi binh khôn khéo nên địch tưởng các chiến sĩ trên “tàu không số” là ngư dân mà không bám theo nữa. Đồng chí Bông Văn Dĩa tiếp tục chỉ huy 5 thủy thủ hành trình về phía Nam. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển, vừa hành trình vừa tránh sự truy lùng của địch, sáng 18-4-1962, tàu tới cửa Bồ Đề (thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) và đến 10 giờ đêm hôm đó tàu cập vào Vàm Lũng, kết thúc chuyến trinh sát mở đường thắng lợi.[links(right)]

Khi nói về việc hóa trang thành những ngư dân, đại tá Bông Văn Dĩa, nguyên thủy thủ trên con tàu gỗ, người chỉ huy chuyến trinh sát mở đường ngày ấy, tự hào cho biết: “Lúc đó chúng tôi chẳng sợ gì, vì đã xác định sẵn sàng hy sinh, hủy tàu. Thật ra, phương án đóng giả ngư dân đánh cá đã được chuẩn bị từ trước nên có tình huống là xử lý thôi. Không ngờ bọn chúng cũng thua 6 ngư dân bất đắc dĩ này”.

* Chuyến hàng đầu tiên

 Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới.

Tháng 8-1962, Đoàn 759 nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau, do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên, cùng 11 thủy thủ. Ngày 16-10, tàu đã cập cảng Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí chi viện từ hậu phương miền Bắc được chiến trường miền Nam tiếp nhận an toàn. Đường biển được nối liền giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam bằng tất cả nhiệt huyết, máu xương của các thủy thủ “đoàn tàu không số”.

Các chiến sĩ đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam.             Ảnh: T.L
Các chiến sĩ đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí, đạn dược xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: T.L

 

Phát huy kết quả của chuyến tàu thứ nhất, lần lượt tàu thứ hai, thứ ba và tàu thứ tư tiếp tục vượt biển vào bến Cà Mau. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời từ đây. Trong hai tháng, những “con tàu không số” đã vận chuyển 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn, đây là một thắng lợi lớn khi mà phong trào cách mạng ở miền đất cực nam Nam bộ đang lên cao, rất cần vũ khí để đập tan các cuộc càn quét của Mỹ - ngụy.

Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đến với lực lượng vũ trang Cà Mau (10-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi Đoàn 759: “Các đồng chí hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.

Lời Bác Hồ khen như tiếp thêm sức mạnh, những thủy thủ “tàu không số” bước vào cuộc chiến đấu mới với những con tàu vỏ sắt có trọng tải từ 50-100 tấn đóng tại xưởng đóng tàu Hải Phòng vào cuối năm 1962. Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng chở 44 tấn vũ khí lên đường và vào bến Trà Vinh an toàn. Xưởng đóng tàu III Hải Phòng tiếp tục cho hạ thủy chiếc tàu thứ 2, rồi tàu thứ 3, thứ 4, thứ 5 và tàu thứ 6. Nhờ đó, trong năm 1963, Đoàn 759 đã tổ chức nhiều chuyến chở hàng hóa, vũ khí; những chuyến tàu cùng CBCS lặng lẽ nối tiếp nhau rời bến, cập bến chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần thử thách đầy khó khăn, gian khổ, căng thẳng, hiểm nguy đối với CBCS. Bởi họ không chỉ đấu trí với kẻ thù mà còn phải vượt qua sóng gió, thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt. Trong Đoàn 759, không tàu nào biết tàu nào, trước lúc lên đường, CBCS không tiếp xúc bạn bè, người thân. Nhờ có tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi, những chuyến đi của đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ được bí mật. Chỉ trong vòng một năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường, đây là chiến công to lớn trực tiếp góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân miền Nam.

Mai Thắng

 

 

 

 



 

Tin xem nhiều