Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, nhiều người lính biển đã ngã xuống nơi này. Tên các anh đã thành tên đảo nhỏ. Tên các anh đã khắc sâu trong tim bao thế hệ người lính biển về sự hy sinh quên mình, tinh thần kiên cường dũng cảm: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, nhiều người lính biển đã ngã xuống nơi này. Tên các anh đã thành tên đảo nhỏ. Tên các anh đã khắc sâu trong tim bao thế hệ người lính biển về sự hy sinh quên mình, tinh thần kiên cường dũng cảm: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”.
* Những người lính chẳng tiếc máu xương
Quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời và được khẳng định trên bản đồ thế giới. Vậy mà, “nước ngoài” vẫn ngang nhiên xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, với mưu đồ bành trướng độc chiếm Biển Đông. Một trong những sự xâm phạm trắng trợn nhất là “Sự kiện Trường Sa” cách đây 23 năm.
Nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa.
Đầu năm 1988, “nước ngoài” cho quân đóng chiếm một số bãi thuộc quần đảo Trường Sa, như: Chữ Thập, Châu Viên, Huy-Gơ, một sự đóng chiếm bất hợp lý.
Vào lúc 7 giờ ngày 14-3-1988, một tổ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải quân Việt Nam, gồm: thiếu úy Trần Văn Phương và hai thủy thủ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh, đang leo lên 4 gành đá cao tìm cách dựng cột cờ Tổ quốc thì các chiến hạm của “nước ngoài” bất thần xuất hiện lao tới gần đảo. Bốn tàu chiến “nước ngoài” có vũ khí, trang bị hỏa lực mạnh bao quanh đảo và hú còi báo động. Lực lượng “nước ngoài” trông rất dữ tợn, đầu cạo trọc, nhảy lên các dàn súng đại liên quay mũi súng chĩa thẳng vào các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Lúc đó, tàu HQ604 đang làm nhiệm vụ tại đây, tàu HQ605 của Lữ đoàn 125 đang hành trình gần đến đảo Gạc Ma. Không thể để “nước ngoài” ngang ngược xâm phạm chủ quyền, thiếu tá Trần Ðức Thông ra lệnh cho các thủy thủ ứng phó bảo vệ đảo, bảo vệ thiếu úy Trần Văn Phương và hai thủy thủ. Các chiến sĩ đã đứng trên các gành cao nhất của đảo Gạc Ma để bảo vệ. Cùng lúc đó, loa tuyên truyền đặc biệt từ đài chỉ huy tàu HQ604 phát nhanh “Đây là đảo chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu lực lượng nước ngoài phải rời đảo”. Lời nói từ chiếc loa tuyên truyền đặc biệt chưa dứt thì tàu hải quân “nước ngoài” số 502 khai hỏa đầu tiên.
Trước tình thế ấy, những người lính hải quân của đoàn vận tải Lữ đoàn 125 đã hạ quyết tâm canh giữ với phương châm “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Trên tinh thần chính đáng “Bảo vệ cột mốc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (tàu HQ604), thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (tàu HQ605), cùng 70 CBCS của 2 phân đội công binh T83, 22 chiến sĩ của đoàn M46 và 4 CBCS của đoàn đo đạc và vẽ bản đồ đã mưu trí sáng tạo, chiến đấu anh dũng, làm chủ vùng biển. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được cắm trên đảo. Lá cờ kiêu hãnh ấy đã nhuộm máu của nhiều chiến sĩ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” đã chiến đấu ngoan cường, bằng mọi giá phải cắm được cờ trên đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi nhắm mắt đã hô vang: “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”.
* Chủ quyền sống trên biển Đông
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo thềm lục địa của Tổ quốc, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định xây dựng Cụm kinh tế Dịch vụ kỹ thuật (gọi tắt là DK1) trên vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc thềm lục địa Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Các nhà giàn DK1 được xây dựng ở các bãi cạn Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Cà Mau (thuộc tỉnh Cà Mau) với các tên gọi DK1/2, DK1/7, DK1/14… Việc xây dựng các nhà giàn chốt giữ trên các vùng biển thềm lục địa của Việt Nam có ý nghĩa về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa, bảo vệ ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản, đặt đèn biển làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, nghiên cứu khí tượng thủy văn, là vành đai thép bảo vệ các giàn khoan dầu khí hoạt động.
Với ý nghĩa “Bằng mọi giá phải giữ vững thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, suốt 22 năm qua, các thế hệ CBCS nhà giàn DK1 luôn kiên cường bám biển, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh với quyết tâm cao nhất “còn người là còn nhà giàn”. Đã có 9 CBCS vĩnh viễn nằm lại biển khơi trong nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn. Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng trước khi lao xuống biển chống chọi với bão tố trong cơn bão năm 1998. Chuẩn úy Lê Đức Hồng hy sinh giữa tuổi đời 22 căng đầy sức trẻ, chiến sĩ Lê Đức Là giữa sóng cuồng bão giật vẫn nhường miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để thân mình cho biển cuốn đi.
Chiến sĩ Trường Sa tuần tra quanh đảo.
Mỗi nhà giàn DK1 hiện nay trên thềm lục địa phía Nam là mỗi cột mốc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, các chiến sĩ nhà giàn DK1 luôn hiên ngang, vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền của Tổ quốc.
Như một sự tiếp nối truyền thống của những người đi trước, thế hệ những người lính biển thời bình hôm nay hiểu sâu sắc rằng: Bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là sứ mệnh thiêng liêng, mà còn là tình yêu cao hơn hết thảy dành cho Tổ quốc, cho một nền độc lập và phồn thịnh của dân tộc, có bề dày lịch sử chống giặc ngoại xâm: anh dũng, mưu trí, sáng tạo, kiên cường trong chiến đấu; cần cù trong lao động sản xuất; tinh tế, mềm dẻo trong ngoại giao, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên khung quản lý DK1 nói: “Thời bình, người lính hải quân nhà giàn DK1 bảo vệ chủ quyền biển đảo được coi là một công cuộc lớn, một sứ mệnh vẻ vang được Đảng giao phó, nhân dân gửi gắm niềm tin, bởi trong trái tim CBCS nhà giàn DK1 luôn có hình hài Tổ quốc. Chúng tôi xác định, còn người là còn nhà giàn. Nhà giàn DK1 mãi mãi vững vàng ngoài khơi xa”.
Mai Thắng