Chủ đề hành động của tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2011 là “Phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Mở đầu tháng ATGT năm nay cũng là dịp mừng Quốc khánh và những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng nhiều người tham gia tiệc tùng mừng lễ, vui chơi cuối tuần như đã quên chủ đề của tháng ATGT.
Chủ đề hành động của tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2011 là “Phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Mở đầu tháng ATGT năm nay cũng là dịp mừng Quốc khánh và những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng nhiều người tham gia tiệc tùng mừng lễ, vui chơi cuối tuần như đã quên chủ đề của tháng ATGT.
* Vô tư nhậu rồi cầm lái
Pháp luật không có quy định cấm người dân uống rượu bia, nhưng cấm người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Cụ thể là cấm tuyệt đối tài xế đã uống rượu bia điều khiển ô tô; cấm người uống rượu bia có nồng độ cồn vượt quá quy định chạy xe máy… Thế nhưng, do thói quen, vào dịp lễ, ngày nghỉ hoặc các dịp vui, buồn…, người dân thường mời nhau rượu bia. Và hầu như người tham gia uống rượu bia thường tự lái xe (nhất là xe máy) sau khi đã “chén chú, chén anh” ở chốn tiệc tùng. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay trùng vào ngày cuối tuần, được nghỉ dài ngày nên người ta tham gia các cuộc nhậu nhiều hơn. Phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận một số hình ảnh thực tế về việc lạm dụng rượu bia của người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có cả những hình ảnh về hậu quả của hành vi vi phạm này.
3 người khách nhậu hết một thùng bia, nhưng vẫn rủ nhau lên xe đi nhậu tiếp. Ảnh: T. TOÀN
Chiều 1-9, trên đường Võ Thị Sáu nối dài đa số các quán xá đều đông kín khách. Tại một quán nhậu hải sản đông đúc khách ở khu vực đầu đường (giao với đường Phạm Văn Thuận), chúng tôi thấy có hai bàn khách kê ở gần lề đường đang say sưa cụng ly. Bàn 4 người khách sau khi nhậu hết thùng bia “Ken” đã kêu tính tiền ra về. Ai cũng chuệnh choạng khi rời khỏi bàn nhưng vẫn mỗi người một xe “vô tư” cầm lái rời quán. Ở bàn bên cạnh, 3 ông khách bắt đầu lè nhè nhưng vẫn chưa chịu về. Sau khi trả tiền, họ hẹn nhau tiếp tục đi “tăng hai” ở một quán karaoke. Ba ông khách đã uống hết một thùng bia này ung dung mỗi người tự điều khiển một xe máy rời quán để đến điểm hẹn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tiệp, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Định Quán cho biết, qua thực tế kiểm tra nồng độ cồn và thực nghiệm cho thấy một người uống quá một lon bia (loại thường) là đã có nồng độ cồn vượt mức cho phép (điều khiển mô tô, xe máy). Thế nhưng, nhìn bãi giữ xe đông đúc của quán nhậu hải sản trên “phố nhậu” và những thực khách đang hăng hái cụng ly, chúng tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều người có nồng độ cồn vượt mức cho phép ở quán này lại tiếp tục điều khiển xe tham gia giao thông trên đường.
* Hậu quả từ rượu bia...
Khoảng 22 giờ ngày 2-9, trên đường đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai nắm tình hình cấp cứu do tai nạn giao thông vì rượu bia, chúng tôi thấy ở đoạn đường Võ Thị Sáu giáp với đường Hà Huy Giáp có hai thanh niên đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ bỗng dưng té ngã. Mọi người chạy đến giúp đỡ hai thanh niên mới hay họ quá say nên mới xảy ra cớ sự.
Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bên ngoài phòng cấp cứu có rất nhiều người vây quanh các cửa sổ để ngóng tin người nhà mới được đưa vào. Anh Bế Trần Giang, phụ trách an ninh trật tự của bệnh viện cho biết, trong hai ngày 1 và 2-9, số người cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) vào đây tăng vọt. Bên trong phòng cấp cứu, các bác sĩ, y tá đang tất bật thăm khám, kiểm tra tình hình người bệnh, nạn nhân mới được đưa vào. Sổ nhập bệnh ở phòng cấp cứu cho thấy, đến khoảng 22 giờ ngày 2-9, bệnh viên đã nhận hơn 20 trường hợp cấp cứu vì TNGT.
Điều dưỡng Nguyễn Thành Nhân cho biết, trong các ngày cuối tuần và ngày lễ, có 80-90% nạn nhân TNGT khi được thăm khám đều có mùi rượu bia. Trong góc phòng cấp cứu, người nhà nạn nhân N.V.Ph. (18 tuổi, ngụ ở xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) đang lo âu vì tình trạng thương tích nặng của Ph. Trước đó, trên đường đi xe máy về nhà, Ph. bị một người đi xe máy khác đụng vào. Cả hai người đều phải đi cấp cứu (lúc 14 giờ ngày 2-9), nhưng người kia đã được đưa về nhà vì tử vong. Chẩn đoán ban đầu cho thấy, nạn nhân Ph. bị chấn thương sọ não và đa chấn thương. Các bác sĩ cấp cứu cho biết, ở ca TNGT này, cả hai nạn nhân đều biểu hiện có nồng độ cồn. Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, các ca nhập viện do TNGT đều phải lấy mẫu máu nạn nhân để xét nghiệm nồng độ cồn nhằm phục vụ nhiều yêu cầu về y tế, pháp luật…
Nạn nhân N.V.Ph. bị thương nặng trong vụ TNGT vào chiều 2-9 ở huyện Thống Nhất.
Khoảng 23 giờ ngày 2-9, chúng tôi ghé Khoa hồi sức ngoại thần kinh của bệnh viện, nơi điều trị nhiều nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não nặng. Điều dưỡng Phan Thị Vân cho biết, trong ngày 2-9 có đến 6 ca TNGT chuyển đến đây, nhiều hơn ngày 1-9 hai ca. Cô điều dưỡng này cho biết thêm, có khoảng 80% nạn nhân TNGT ở đây có nồng độ cồn. Có nhiều trường hợp vượt hàng chục lần mức cho phép. Trên đường ra cổng, chúng tôi thấy có đến 2 chiếc xe cứu thương đưa người vào bệnh viện cấp cứu vào lúc 23 giờ 20 cũng vì TNGT.
Có lẽ cuộc đấu tranh “An toàn giao thông là nói không với bia rượu” sẽ cần phải được thực hiện bền bỉ, thường xuyên và liên tục. Những người tham gia uống rượu bia cần nhớ tới các quy định của pháp luật, nhớ tới sự an nguy của bản thân, gia đình để không bất chấp cầm lái khi đã say rượu bia. Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông không chỉ thực hiện trong tháng ATGT mà còn phải thực hiện lâu dài để đem lại sự an toàn cho xã hội.
Thanh Toàn