Trong cái nóng hầm hập, anh Nguyễn Văn Thuận vẫn miệt mài công việc của người thợ sửa quần áo cũ bên góc đường. Đưa tay quẹt nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Thuận tâm sự: “Ngày nào đông khách thì tôi làm quần quật, không có thời gian ngơi tay, ngơi chân. Hôm ế khách thì thỏa sức nhìn ngắm người ngược xuôi đi chợ”.
Trong cái nóng hầm hập, anh Nguyễn Văn Thuận vẫn miệt mài công việc của người thợ sửa quần áo cũ bên góc đường. Đưa tay quẹt nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Thuận tâm sự: “Ngày nào đông khách thì tôi làm quần quật, không có thời gian ngơi tay, ngơi chân. Hôm ế khách thì thỏa sức nhìn ngắm người ngược xuôi đi chợ”.
* Lập nghiệp cùng chiếc máy may
Vốn là thợ may gia đình tại xã An Truyền, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), vì lý do kinh tế, công việc may vá không phát triển được nên anh Thuận quyết định dắt díu vợ con vào Biên Hòa lập nghiệp bằng nghề sửa quần áo cũ. Sau khi thuê được chỗ trọ tại xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), anh tiếp tục lân la đi tìm nơi đặt máy. “Một tháng ròng đi khắp Biên Hòa, tôi mới tìm ra nơi này” - anh Thuận cho hay.
Công việc thường ngày của anh Thuận tại góc chợ Biên Hòa. Ảnh: Đ.PHÚ
Nơi anh Thuận làm nghề chỉ vỏn vẹn trong diện tích 1m2, tại góc đường chợ Biên Hòa, giá thuê 600 ngàn đồng/tháng. Anh Thuận cho biết, tất cả các khoản chi tiêu như: tiền phòng trọ, tiền thuê chỗ làm, ăn uống, điện nước và học hành của con… đều dựa vào chiếc máy may này.
Bên tiếng máy quay rè rè, anh Thuận tâm sự, ngày đắt hàng anh kiếm được trên 200 ngàn đồng. Để có được số tiền ấy, anh phải quần quật tháo chỉ, cắt, đạp, đổi chỉ, đổi kim… từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về. Nếu đồ nhận dồn dập không thể giao kịp ngay cho khách thì anh đề nghị khách được mang về phòng trọ làm đêm, hôm sau mới giao. Còn gặp ngày ế ẩm, anh chỉ biết ngồi thu lu trên bàn máy, lòng buồn lo khi nghĩ về vợ con, các khoản tiền phải chi ra trong tháng.
Hôm nay chủ nhật, rơi vào những ngày làm ăn tất bật, vậy mà anh Thuận vẫn còn nhởn nhơ nơi phòng trọ, hết ra rồi vào. Hỏi chuyện vì sao không đi làm? Anh Thuận cho hay, nơi anh thuê chỗ làm nhà đang có đám tang, nên anh phải nghỉ 3 ngày để chia buồn và phụ giúp gia chủ. “Người ta ngủ một đêm sáng dậy tự dưng có vài triệu đồng. Còn tôi, sau một đêm thức dậy, nếu không đi làm thì mất toi hơn 100 ngàn đồng tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống…” - anh Thuận buồn buồn nói, khác hẳn với dáng vẻ hồ hởi khi tiếp chuyện với chúng tôi trước đó mấy ngày.
Anh Ba Sang luôn hài lòng với công việc của mình.
Trong những ngày nằm dài nơi nhà trọ, anh Thuận không tránh được những lời mời nhậu từ bạn bè ở chung khu nhà trọ. Anh tâm sự, vui chơi cùng bạn bè anh cũng thích lắm, nhưng khi nghĩ đến vợ con, các khoản phải chi tiêu anh thấy bứt rứt tay chân, chứ nói gì đến chuyện ngồi nhậu. “Cuộc sống tha hương là vậy, tôi phải biết tiết kiệm thời gian và tiền bạc thì may ra mới có cơ hội bám trụ, lập nghiệp lâu dài ở đây”- anh Thuận bộc bạch.
Để chia sẻ bớt gánh lo cho chồng, chị Sương (vợ anh Thuận) tranh thủ nấu vài món Huế, bày biện vài chiếc bàn trước cửa phòng trọ bán cho những người lao động nhằm kiếm thêm thu nhập. Chị Sương tỉ tê: “Tôi bán được chừng nào hay chừng ấy, mục đích để vừa động viên, vừa chia sẻ với những vất vả của chồng. Vợ chồng đã quyết tâm bỏ quê tha hương lập nghiệp thì phải chịu khổ, chịu khó mới thành công”.
* Lương tâm nghề
Khu vực chợ Biên Hòa có 5 người làm nghề sửa quần áo cũ như anh Thuận, mỗi người tự tìm cho mình một góc thuận tiện để làm, nhưng không quá gần nhau. Anh Ngọc Tính (một thợ sửa quần áo cũ nơi góc đường Nguyễn Văn Trị) cho hay, nghề thợ may đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì. Riêng nghề sửa quần áo cũ đòi hỏi thêm tính chịu thương chịu khó, cần mẫn và chiều ý khách. “Họ muốn sao thì tui phải sửa đúng ý họ. Để cái áo, quần sau khi bóp lưng, bóp hông, tay… đẹp và vừa vặn, tui phải tư vấn thêm cho khách. Tuy vậy, đôi khi tui cũng phải xuống nước xin lỗi khách vì đồ bóp quá chật, không đẹp” - anh Ngọc Tính nói.
Cũng theo anh Ngọc Tính, nghề nào cũng vậy, càng làm lâu năm kinh nghiệm càng nhiều, nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai sót. Nghỉ tay một lúc, anh Ngọc Tính bộc bạch: “Khi đến tay mình sửa, nếu vừa ý thì họ mặc, không thì vứt bỏ. Do đó, khi sửa xong, nếu khách không đồng ý thì mình cũng không nên lấy tiền. Tuy họ chẳng phàn nàn về tiền công, nhưng mình cần phải biết giữ uy tín”.
Chị Mười Lệ được bà con trong xã Hiệp Hòa đánh giá cao về đường kim, mũi chỉ và sự nhiệt tình từ công việc sửa quần áo cũ.
Trong khi đó, một mình “độc chiếm” trước cổng Trường đại học Công nghiệp (đường Hà Huy Giáp) sửa quần áo, anh Ba Sang cho biết, khách hàng của anh chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân và người bình dân. Thỉnh thoảng, anh cũng nhận thêm hàng từ các tiệm may khác đem đến nhờ sửa. Anh Ba Sang tự hào về tay nghề của mình khi tiếp chuyện với chúng tôi: “Làm riết thì quen việc, từ đồ kiểu phụ nữ đến đồ vét, hàng hiệu đắt tiền, miễn khách có nhu cầu là tôi nhận và làm vừa ý họ”.
Chị Mười Lệ, thợ sửa đồ tại chợ Hiệp Hòa cho biết, chị rất ít để xảy ra sai sót khi sửa đồ cho khách. Nhưng khi có sai sót, dù lỗi do thợ sửa hay do khách thì người thợ phải khéo léo, dùng lời nhỏ nhẹ giải thích với khách hàng. Có như vậy, thì làm nghề mới uy tín, lâu dài, khách hàng mới mến và tìm đến. “Phải luôn tế nhị, niềm nở với mọi đối tượng khách hàng. Đừng để họ mang tâm lý e ngại khi đem những thứ đồ cũ người khác cho hoặc mua từ vỉa hè đến sửa”- chị Mười Lệ nói.
Anh Ba Sang khẳng khái bày tỏ, nhờ những người lao động nghèo, học sinh, sinh viên mà anh có công ăn việc làm. Cuộc sống của anh nhờ những đồng tiền kiếm được từ họ. Vì vậy, anh luôn quý trọng họ, quý trọng những chiếc áo, chiếc quần được họ đem đến để anh cắt, bóp cho vừa ý, mặc đẹp khi họ rời khỏi nhà, ngồi trên ghế giảng đường, hay lúc lam lũ với công việc.
Cầm những bộ quần áo học sinh cũ (do một người bạn cho con gái), chị Diễm ra chợ Tam Hiệp tìm thợ bóp hông, cắt ống cho con gái kịp mặc trong ngày khai giảng. Tại đây, chị được một người thợ tên Tài dè môi giễu cợt: “Đồ cũ như vậy có đáng bao nhiêu tiền mà sửa. Sao không nhịn ăn mà mua đồ mới cho con đi học ?”. Ngay lập tức, chị Diễm chộp lấy mớ quần áo bỏ đi tìm thợ khác và tỏ vẻ bực tức với chồng: “Đã nói chở tui ra chợ Hiệp Hòa sửa mà không nghe. Đưa tới thằng cha vừa kiêu, vừa khinh người, bực quá”.
Sau khi về chợ Hiệp Hòa, chị Diễm đem ấm ức của mình tò te với chị Mười Lệ. Chị Mười Lệ chia sẻ, chỉ có người làm ăn chụp giật, chặt, chém mới có thái độ khinh thường khách hàng. Những người làm ăn uy tín, yêu công việc sửa đồ cũ như chị và coi đó là nghề mưu sinh thì không bao giờ từ chối yêu cầu của khách hàng. “Dù buộc phải lấy tiền công thấp, phải tương xứng với giá trị chiếc áo, cái quần của khách đem đến, tôi cũng nhận và làm theo ý họ”- chị Mười Lệ động viên.
Đoàn Phú