Trải qua 36 năm xây dựng và trưởng thành, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (PC66) Công an tỉnh đã góp phần đắc lực cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trải qua 36 năm xây dựng và trưởng thành, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (PC66) Công an tỉnh đã góp phần đắc lực cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
* Vượt mọi khó khăn
Những năm đầu mới thành lập (ngày 15-5-1975), dù phải chiến đấu trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trang bị, phương tiện, con người, nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã vượt qua bao khó khăn để giành được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác PCCC, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thành tích nổi bật của lực lượng Cảnh sát PCCC trong giai đoạn này là đã trực tiếp cứu chữa nhiều vụ cháy lớn, cứu được nhiều tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trong đó phải kể đến việc tham gia chữa cháy kho bom, đạn Long Bình ngày 19-3-1977.
Thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại một chung cư cao tầng. Ảnh: Đ.Việt
Kho Long Bình chứa hàng ngàn tấn bom, đạn các loại nên khi xảy ra hỏa hoạn, nguy cơ bom đạn phát nổ gây sát thương và thiệt hại rất lớn, trực tiếp uy hiếp đến tính mạng của lực lượng tham gia chữa cháy và người dân sống ở vùng lân cận. Bất chấp hiểm nguy, lực lượng Cảnh sát PCCC lúc bấy giờ đã huy động cao nhất lực lượng, phương tiện chữa cháy phối hợp với các đơn vị PCCC thuộc Công an TP.Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các phương án chữa cháy, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, hiệp đồng chiến đấu. Qua đó, đã cứu được nhiều kho quân dụng, đạn dược, đặc biệt là cứu được kho bom, trong đó nhiều loại bom gây sát thương lớn.
* Trưởng thành trong thời kỳ đổi mới
Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ vì thế cũng ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi lực lượng PCCC phải không ngừng phấn đấu để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC, rà soát, bổ sung các văn bản, pháp quy về PCCC cũng như tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn PCCC. Đặc biệt, trong việc quy hoạch, xây dựng đô thị cũng như xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp..., để tránh được những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức tốt việc kiểm tra và thẩm định từ khâu thiết kế về công tác an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng PCCC vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ khi nền kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển cũng được đặt ra hết sức cấp thiết. Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, đơn vị đã từng bước mua sắm các phương tiện, trang bị hiện đại phục vụ cho công tác chữa cháy ở khu dân cư, khu công nghiệp (KCN) và nhà cao tầng... Theo từng chặng đường phát triển, lực lượng PCCC tỉnh không ngừng lớn mạnh và vươn đều ra khắp các địa bàn trong tỉnh với 1 đội chữa cháy trung tâm và 6 đội chữa cháy khu vực, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thông thạo tay nghề, có lòng yêu nghề, gắn bó với công việc. Công tác xây dựng lực lượng PCCC cơ sở tại các địa phương, đơn vị sản xuất, công ty ở các KCN được quan tâm đặc biệt. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.000 đội PCCC cơ sở với trên 15 ngàn đội viên tham gia. Thời gian qua, lực lượng này đã góp phần giải quyết được khoảng 50% số vụ cháy nhỏ xảy ra tại địa bàn cơ sở.
Từ khi triển khai thực hiện Luật PCCC (năm 2001), công tác quản lý nhà nước về PCCC ở Đồng Nai dần đi vào nề nếp. Sự phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát PCCC với Ban quản lý các KCN, khu chế xuất và các địa phương thường xuyên được duy trì. Công tác kiểm tra, giám sát về PCCC được triển khai thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng bỏ sót cơ sở, địa bàn và các hành vi vi phạm an toàn PCCC.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCC, kể từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp PCCC với Công an tỉnh Bình Dương và Sở Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh; thành lập các Đội tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ PCCC; Cảnh sát PCCC đường sông và ký kết quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCCC với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý an toàn PCCC vật liệu nổ; triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; triển khai kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các vụ cháy lớn…, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC và giảm các nguy cơ phát sinh cháy nổ và thiệt hại do cháy.
Minh Hiển