Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23-10-1961, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ bí mật vượt biển ra miền Bắc, vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23-10-1961, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ bí mật vượt biển ra miền Bắc, vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trong 14 năm hoạt động (1961-1975) của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại, 1.789 chuyến “tàu không số” (mật danh của Đoàn 759) đã vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu 300 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích…, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ.
Tàu không số đầu tiên chở vũ khí trên biển vào Nam. |
Chỉ bằng chiếc ghe mui trần, không la bàn từ dẫn, hành trang mang theo là 6 hộp sữa bò, 12 cheo lưới, 6 bộ quần áo, 6 giấy thế thân, 6 chiến sĩ miền Đông Nam bộ của “đoàn tàu không số” đầu tiên ở Phước Hải, huyện Long Đất (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí.
* Ngày ra đi
Trong căn nhà nhỏ nghĩa tình do Lữ đoàn 125 trao tặng ở thị trấn Phước Hải, câu chuyện chúng tôi được nghe đại úy Nguyễn Sơn, nguyên thuyền trưởng “chuyến tàu không số” vượt biển từ bến Lộc An (xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ), kể lại không phải là những tấm huy chương hay thành tích, mà là tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của 6 chiến sĩ trên chiếc ghe mui trần vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1961, cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta ở vào giai đoạn ác liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt tấn công miền Nam Việt Nam với mục đích “biến miền Nam thành thuộc địa của chúng”. Chúng mở rộng chiến dịch “Thiết xa vận”, đưa xe tăng bọc thép đánh vào căn cứ quân sự đầu não của ta ở khắp các chiến trường Nam bộ. Trong khi việc vận chuyển vũ khí bằng đường Trường Sơn gặp muôn vàn trở ngại do địch bắn phá lộ bí mật, ngày 23-10-1961, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi “Đoàn tàu không số”, có nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.[links(right)]
Cùng với các hướng ở hai tỉnh Cà Mau và Bến Tre, hướng vượt biển ở Phước Hải do chiến sĩ Nguyễn Sơn chỉ huy cùng 5 chiến sĩ: Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Lê Hà ở đơn vị 555 (một đơn vị đặc biệt có mật hiệu CR) đã thành lập một chuyến tàu vượt biển ra Bắc. Lúc đó, Nguyễn Sơn 21 tuổi, là đảng viên, 5 chiến sĩ khác có 2 người là đoàn viên và 3 quần chúng. Ngày 17-2-1962, từ cửa biển Lộc An, 6 chiến sĩ đã bí mật xuống ghe vượt biển ra Bắc. Mỗi người đem theo một hộp sữa bò, 6 bộ quần áo, 12 cheo lưới, 6 giấy thế thân (giấy căn cước) và tình yêu Tổ quốc vô hạn.
6 chiến sĩ đầu tiên của đoàn tàu không số (chiến sĩ Nguyễn Sơn đứng ngoài cùng bên phải). |
Họ đi trên chiếc ghe mui trần suốt 5 ngày đêm, vượt qua bao sóng gió mà không ai nản lòng. Bởi ai cũng nghĩ, dù phải chết cũng quyết tâm ra Bắc tiếp nhận vũ khí. Đó là danh dự, là lời thề thiêng liêng của người lính, một khi đã ra đi thì không bao giờ lùi bước. Khi ghe đến Vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) thì máy tàu bị hỏng. Đúng lúc ấy, bọn thủy quân lục chiến của địch phát hiện tàu nên đã bắt 6 chiến sĩ giam vào nhà lao Khánh Hòa. Đó là buổi sáng 5-3-1962. Tình huống vô cùng gay cấn, 6 chiến sĩ bấm bụng không thể để lộ bí mật và sẵn sàng hy sinh. Muốn không để lộ tung tích là quân giải phóng miền Đông Nam bộ, bằng mọi cách phải hủy 6 bộ quần áo. Do đó, Sơn đã bàn với chiến sĩ Lê Hà giả vờ đau bụng rồi liều đến cánh cửa nhà lao hô to: “Mở cửa, mở cửa. Hồi chiều các ông cho chúng tôi ăn gì mà giờ đau bụng quá. Mở cửa để chúng tôi đi vệ sinh”. Tên gác thăm dò hồi lâu rồi mở cửa. Sáu chiến sĩ nhanh chóng chạy ra bờ sông “đi vệ sinh” và bí mật dìm bộ quần áo giải phóng xuống bùn đen, trong khi những con mắt săm soi của bọn lính canh gác trên bờ kè không hề rời các chiến sĩ.
Biết không khai thác được thông tin gì từ “mấy thằng ngư dân đánh cá”, bọn địch đã quyết định thả 6 chiến sĩ. Đó là một buổi sáng khi bình minh đỏ ối phía chân trời. Cánh cửa sắt rợn người mở ra, Sơn và 5 chiến sĩ chạy ra cửa nhà tù. Ánh bình minh sáng chói vào mắt, biển trời rộng lớn bao la. Trấn tĩnh giây lát, Sơn cùng 5 chiến sĩ ra phía vịnh Cam Ranh tìm ghe để tiếp tục hành trình. Gần 3 tháng trong tù đói khổ, thiếu ánh sáng nhưng không làm ý chí của các chiến sĩ lung lay, ngược lại càng thôi thúc trong tim họ tình yêu Tổ quốc. Sơn và đồng đội của anh bước vào cuộc chiến đấu mới.
* Nước tiểu chống khát
Với 1 bao gạo, 1 can nước, 2 can dầu, ít rau nhặt từ chợ, các anh xuống ghe tiếp tục hành trình đem theo lý tưởng “Phải đến được miền Bắc xã hội chủ nghĩa”.
Trước ngày thành lập “Đoàn tàu không số” đã có 5 con thuyền gỗ đầu tiên của các tỉnh ven biển Nam bộ vượt biển ra Bắc vừa xin vũ khí vừa làm nhiệm vụ mở đường trên biển. Không la bàn, không hải đồ, nhưng 5 con thuyền đã tới đích, khai thông, đánh dấu một tuyến đường trên biển. |
Rời Vịnh Cam Ranh, trên trời nắng chang chang, dưới biển nước bốc hơi nóng, nước uống dù tiết kiệm lắm cũng chỉ được 2 tuần. Không thể chết vì khát, các chiến sĩ đã phải uống nước tiểu của mình. “Các chú biết không, uống nước tiểu vào, mình thải ra nó khai vô cùng. Nhưng nước tiểu cũng không còn nữa, vì có gì uống đâu mà thải ra được. Lúc đó tôi đã nghĩ đến nấu nước biển mặn để lấy nước ngọt. Tôi dùng cái nồi nấu cơm, đổ nước biển trong đó, úp vung lên và nấu. Hơi nước ngọt ngưng tụ trên nắp vung, 6 chúng tôi thay nhau liếm nắp vung mà không hết. Không phải do thừa nước mà bởi nhường nhịn nhau, vì thương nhau quá. Anh em nhìn nhau trào nước mắt. Càng trào nước mắt, càng quyết tâm vượt biển đến hơi thở cuối cùng” - giọng ông Sơn chùng xuống nghèn nghẹn.
Sau 73 ngày lênh đênh trên biển, 6 chiến sĩ lạc vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), được bộ đội và người dân cho ăn uống và quần áo mặc. Tại đây, các chiến sĩ đã được gặp ông Phạm Hùng, lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Phạm Hùng hỏi: “Các đồng chí từ đâu tới, cứ nói thật”, thì mọi người rất mừng, biết là người của mình mới xưng là đồng chí. Chiến sĩ Nguyễn Sơn mừng rỡ báo cáo: “Chúng tôi là quân giải phóng được cử ra Bắc để tiếp nhận vũ khí”. Đợi 2 ngày sau khi làm xong các thủ tục cần thiết và hộ chiếu, 6 chiến sĩ được ông Phạm Hùng đưa về Hà Nội bằng xe lửa. Tại đây, ông Sơn và đồng đội được học tập chính trị và giác ngộ cách mạng.
Chuyến tàu chở vũ khí từ Hải Phòng vào cập bến Lộc An vào ngày 3-10-1963, hơn một năm kể từ ngày 6 chiến sĩ xuống ghe vượt biển. Khi nói về sự gian lao vất vả những ngày vượt biển, ông Nguyễn Sơn bảo: “Đó là cuộc vượt biển bằng máu”.
Mai Thắng